Nghệ thuật nói thơ ở Bạc Liêu

Nghệ thuật thơ hay ngâm thơ, nói thơ của Việt Nam là một trong những di sản đặc sắc trong dòng chảy của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca truyền thống nước nhà. Nghệ thuật thơ nói chung không chỉ thuộc phạm vi nghiên cứu của lĩnh vực âm nhạc học mà còn là đối tượng đáng chú ý của nghệ thuật văn học. Nếu như lấy mốc từ những hình thức ngâm thơ trong Ca trù, thì nghệ thuật thơ của Việt Nam đã có lịch sử định hình và phát triển gần một nghìn năm qua.

Nghệ nhân Phạm Thu Ba

Ảnh: baocantho.com.vn

Sự phong phú và độc đáo trong nghệ thuật thơ giữa các vùng miền ở Việt Nam đã tạo cho bức tranh thơ truyền thống những sắc thái đặc trưng khác nhau, thể hiện rất rõ nội dung thơi và các hình thức biểu đạt. Nói thơ ở Bạc Liêu trong bối cảnh văn hóa, nghệ thuật miền Tây Nam bộ là một sắc thái độc đáo đó. Nếu như phương thức ngâm thơ trong Miễu của Ca trù, Vỉa trong nghệ thuật Chèo và Bỉ trong nghệ thuật Quan họ - thậm chí trong hầu hết các hình thức ngâm thờ của miền Trung - trọng về nhịp tự do thì Nói thơ của Bạc Liêu có nhịp điệu rất rõ ràng.

Theo tư liệu phỏng vấn một số nghệ nhân và nhân chứng lịch sử, Nói thơ ra đời khoảng từ những năm 1946 đến năm 1948 gắn bó mật thiết với hoàn cảnh lịch sử vùng đất này. Theo như cụ Phạm Thu Huê1 (tức Năm Nhân), sinh năm 1930, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay), Nói thơ ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm mục đích tuyên truyền kháng chiến. Cụ thể, những năm 1946, trong khi những bài Vọng cổ thường mang nội dung ai oán, ít nội dung thể hiện được tinh thần kêu gọi người dân xuống đường tham gia kháng chiến thì Nói thơ đã thay thế để “Nói” những bài thơ mang nội dung trên đây, khẳng định quyết tâm của bà con đứng lên vì cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc. Theo cụ Trương Tú Anh, sinh năm 1922 ở Khóm 4, Phường 7, Tp. Bạc Liêu một nhân chứng sống lịch sử, cho chúng tôi thấy rõ được bước đi của hai thể loại Nói thơ. Cụ cho rằng Nói thơ một phương tiện quan trọng tuyên truyền trong chiến tranh. Nói thơ đã tham gia tích cực vào tuyên truyền chống dốt, kêu gọi đi kháng chiến. Chính vì thế mà Nói thơ nó hấp dẫn từ những người già, trẻ rồi cả các cháu học sinh. Cũng theo cụ, Nói thơ kéo dài từ kháng chiến chống Pháp sang cả kháng chiến chống Mỹ”2.

Các nghệ nhân đang biểu diễn Nói thơ Bạc Liêu 

Ảnh: Phúc Phơi Phới

Các cuộc khảo sát, điền dã trực tiếp tại Bạc Liêu chỉ ra rằng, điệu Nói thơ thực chất là một thể loại âm nhạc dân gian của cư dân tỉnh Bạc Liêu. Khác hẳn với thể loại Ngâm thơ ở các tiểu vùng văn hóa khác của nước ta, Nói thơ Bạc Liêu có nhịp điệu và cấu trúc âm nhạc rất rõ ràng. Mặc dù mang tên gọi là “Nói thơ” nhưng trên thực tế, về mặt âm nhạc học, thể loại này cần được nhìn nhận với tư cách là một thể loại âm nhạc dân gian độc đáo, nổi trội tương tự như Đờn ca Tài tử và Hò Chèo ghe ở đây.

Giai điệu âm nhạc được sử dụng làm phương tiện để người dân địa phương lồng những bài thơ mang nội dung tuyên truyền cách mạng cũng như là một công cụ quan trọng để đồng bào không chỉ giải trí mà còn là phương tiện làm cách mạng. Và trong dân gian, để dễ nhớ, dễ hiểu, người ta sử dụng ngay tên gọi của thể loại văn này - thể Thơ - làm tên gọi cho một thể loại âm nhạc, mà thực chất nó là một thể loại âm nhạc dân gian hoàn toàn chứa đựng đầy đủ các yếu tố nghệ thuật về mặt âm nhạc.

Về nội dung, như trên đã trình bày, vì ra đời trong bối cảnh lịch sử và với mục tiêu như vậy nên ca từ của nó cũng phản ánh hiện thực đó. Anh Huỳnh Em, sinh năm 1984, ấp Ninh Thuận, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu3, trình bày bài “Khuyên chồng ra mặt trận” (trích) với nội dung sau:

Câu rao - Nói lối

Cơn nước loạn cần người giúp đỡ

Buổi lâm nguy cần ở thanh niên

Tổng phản công súng nổ vang rền

Con mau tuốt kiếm phục thù vong quốc

Con ơi! Dứt mối thâm... tình.

Vào Nói thơ:

Con ra (mà) mặt trận giữ gìn biên cương

Thà rằng chết ở chiến trường

Còn hơn (mà) chết ở trên giường thê nhi

Phản công súng nổ ỳ đùng ơ hờ

Kìa bao (mà) chiến sĩ anh hùng xông pha

Con ơi nước nặng hơn mà...ơ ờ

Lẽ nào (mà) con nghĩ tình nhà cao hơn

Biệt ly sanh tử chớ sờn

Nam nhi (mà) thời ly loạn rửa hờn đi con

Còn người còn nước còn non ơ ờ

Còn trang (mà) thanh sử còn người ghi công

Con ơi còn nghĩa vợ chồng

Anh đừng (mà) mơ tưởng nặng lòng đến em

Làm trai vì nước mà em thương ơ ờ

Làm trai (mà) vì vợ thế thường họ chê

Làm trai vì nước vì non

Đừng vì (mà) duyên thắm, tình nồng đôi ta

....

Hay chị Lê Thị Erơ, ấp Xẻo Nhào, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu thể hiện bài “Lấy chồng chiến sĩ”4:

Mà ơi! con chửa muốn chồng

Còn chờ chiến sĩ thành công đón chàng

Đời nay chiến sĩ hiên ngang ơ mà

Đánh Tây giỏi quá nghĩ mà thêm thương

Một thương chiến sĩ xa đường

Hai thương chiến sĩ can trường hơn Tây

Ba thương lặn lội bùn lầy ơ ờ

Bốn thương súng nốp cả ngày nặng vai

Năm thương khổ cực chẳng nài

Sáu thương lễ phép mặt mày hân hoan

Bảy thương bảo vệ giang sơn ơ ờ

....

Về hình thức, Nói thơ chỉ diễn xướng đơn. Có nghĩa là, không như các hình thức hát đối đáp - giao duyên, hay các hình thức diễn xướng dân ca tập thể khác, Nói thơ chỉ thể hiện hình thức đơn, được diễn xướng trong cộng đồng, từng cá nhân trổ tài, tương tác, thưởng thức.

Từ khi ra đời, Nói thơ thực hiện chức năng tuyên truyền kháng chiến trong cộng đồng. Và cho đến thời điểm khảo sát, nghiên cứu, Nói thơ vẫn được những người nông dân, kể cả trí thức và hưu trí vẫn quây quần bên nhau biểu diễn, giao lưu và lưu truyền cho nhau. Người này yêu thích bài này thì thể hiện cho người khác nghe, giúp cho Nói thơ, cùng với các hình thức âm nhạc dân gian khác, không ngừng được bảo tồn và phát triển trong chính cộng đồng người dân địa phương.

Nói thơ là thể loại có sử dụng nhạc cụ đệm. Các cuộc phỏng vấn sâu nghệ nhân ở đây cho thấy, thời kỳ đầu, theo cụ Phạm Thu Huê (1930) Nói thơ sử dụng chiếc đàn Măng-đô-lin để đệm theo5. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chiếc đàn này luôn là nhạc cụ gắn bó với điệu Nói thơ ở đây. Hiện nay, người ta đã sử dụng một số nhạc cụ khác để thay thế. Một số anh, chị trẻ tuổi cho biết, nhạc cụ đệm cho Nói thơ hiện nay phổ biến là chiếc Đàn bầu, Đàn tranh; ngoài ra có thể đệm thêm Đàn nhị và Nguyệt...

Một trong những không gian diễn xướng của Nói thơ Bạc Liêu 

Nguồn: Internet

Như vậy, có thể nhận định, Nói thơ là một thể loại âm nhạc dân gian cổ truyền muộn của người dân Bạc Liêu nói riêng, di sản văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung. Xếp Nói thơ vào thể loại âm nhạc cổ truyền là bởi vì, cũng như nhiều thể loại âm nhạc truyền thống còn tồn tại đến ngày nay, sự ra đời của Nói thơ không phải bỗng nhiên xuất hiện mà do chính người dân bổ sung, sáng tạo trên cơ sở ngôn ngữ âm nhạc truyền thống vốn có từ trước ở địa phương. Chính vì thế, mặc dù mang một sắc thái tương đối riêng nhưng Nói thơ là một di sản âm nhạc truyền thống địa phương, thoát thai từ chính tinh hoa, truyền thống địa phương. Hiện nay, Nói thơ Bạc Liêu đã lan tỏa ra một số tỉnh, thành phụ cận, và ra các vùng khác.

Trong chuyến điền dã, chúng tôi được tiếp cận và gặp gỡ một số Câu lạc bộ văn nghệ ở địa phương, hiện đang bảo tồn điệu Nói thơ độc đáo này. Đó là Câu lạc bộ ở ấp Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và Câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ của những người cao tuổi thành phố Bạc Liêu. Câu lạc bộ ở ấp Ngọn có khoảng trên 10 thành viên tham gia, họ chủ yếu là những người ở độ tuổi trung niên và cao niên, trong đó có cụ Nguyễn Thị Mười, sinh năm 1931 là người đã từng tham gia hát Hò Chèo ghe từ ngày còn trẻ. Câu lạc bộ này hiện nay do bác Đỗ Chí Diệp đứng ra phụ trách, tổ chức truyền dạy và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, trong đó có Nói thơ. Câu lạc bộ ở Thành phố Bạc Liêu, theo như cụ bà Phạm Thu Huê6, sinh năm 1930, thì phần lớn là những người cao tuổi. Ngoài các hình thức sinh hoạt thơ ca được tổ chức thường xuyên tại Câu lạc bộ thì Điệu Nói thơ cũng là một trong những hình thức âm nhạc dân gian được các cụ tổ chức sinh hoạt. Tất cả những thành viên của các câu lạc bộ cũng như người dân địa phương đều mong muốn di sản Nói thơ của đồng bào được quan tâm, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa đương đại.

_______________

1. Tư liệu phỏng nhân chứng lịch Phạm Thu Huê (Năm Nhân), sinh năm 1930 tại khóm 4, phường 7, thành phố Bạc Liêu ngày 11 tháng 12 năm 2014.

2. Tư liệu phỏng vấn ngày 11 tháng 12 năm 2014 tại nhà riêng cụ bà Trương Tú Anh, 93 tuổi, khóm 4, phường 7, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

3. Tư liệu quay phim - ghi hình tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tháng 12 năm 2014.

4. Tư liệu quay phim - ghi hình tại khu Di tích thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu tháng 12 năm 2014.

5. Tư liệu phỏng vấn ngày 11 tháng 12 năm 2014 tại nhà riêng của cụ Phạm Thu Huê, Khóm 4, Phường 7, Thành phố Bạc Liên, tỉnh Bạc Liêu.

6. Tư liệu phỏng vấn tại nhà riêng cụ bà Phạn Thu Huê, sinh năm 1930 tại Khóm 4, Phường 7, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu ngày 11 / 12/2014.

Tài liệu tham khảo

1. UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu (2013), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển ngành VHTTDL tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 tầm nhìn đế năm 2030.

NGUYỄN ĐÌNH LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

;