Khuê Văn Các - kiến trúc biểu tượng tiêu biểu

Khuê Văn Các soi bóng xuống giếng Thiên Quang - Ảnh: TT HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Dẫn nhập

Kiến trúc không chỉ là một tòa nhà; một ngôi đền, đó là một hình thức giao tiếp và nghệ thuật, nó là một cấu trúc được con người xây dựng, đáp ứng những công năng cụ thể; và luôn phải đối diện trước thử thách của thời gian. Các công trình kiến ​​trúc ngay từ buổi bình minh của nền văn minh và đã phát triển theo thời gian để thể hiện sức mạnh hoặc đưa nghệ thuật và khoa học vào một công trình. Các công trình kiến ​​trúc trên khắp thế giới cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, văn hóa và các giá trị của tổ tiên chúng ta. Trong loại hình kiến trúc biểu tượng, những chiếc cổng thường được trở thành một loại kiến trúc biểu tượng (Symbolic architecture). Khải hoàn môn Paris, Brandenburg Gate Berlin hay cổng đền Itsukushima shrine của Nhật Bản từ một hạng mục kiến trúc trở thành công trình kiến trúc biểu tượng và hơn thế, đã thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa của các quốc gia đó. Khuê Văn Các cũng như thế, đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Mấy nét về Khuê Văn Các

Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, được xây dựng ở kinh đô Thăng Long vào năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông (tức năm 1070). Tới năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập ngay bên cạnh Văn Miếu trường Quốc Tử Giám - là trường dành riêng cho con vua và con em hoàng tộc, các bậc quyền quý.

Qua sử liệu và sách vở ghi chép cho ta hình dung về quy mô kiến trúc và lịch sử xây dựng của khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ từ thời Lê Sơ. Trong Ðại Việt sử ký toàn thư vào năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Ðức thứ mười bốn (1483), Lê Thánh Tông, đã thực hiện một đợt đại trùng tu. Cũng theo bộ sử này, vào tháng 11 niên hiệu Hồng Thuận năm thứ ba (1511) vua Lê Tương Dực sai Nguyễn Văn Lang sửa lại điện Sùng Nho ở Quốc Tử Giám và 2 giải vũ, 6 nhà Minh luân, phòng bếp, phòng kho. Nhà bác học Lê Quý Ðôn trong Kiến Văn tiểu lục (viết năm 1777) như sau: “cửa Ðại Thành, nhà 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói đồng (ngói ống), Ðông vũ và Tây vũ hai dãy đều 7 gian, đằng sau cửa nhỏ 1 gian, điện canh phục 1 gian 2 chái, nhà bếp 2 gian, kho tế khí 3 gian 2 chái, cửa Thái học 3 gian, có tường ngang lợp bằng ngói đồng (ngói ống), nhà bia phía Ðông và Tây đều 12 gian, kho để ván khắc sách 4 gian, ngoại nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường, cửa hành mã ngoài tường ngang 3 gian, nhà Minh luân 3 gian 2 chái. Cửa nhỏ bên tả và bên hữu đều 1 gian, có tường ngang. Nhà giảng dạy ở phía Ðông và phía Tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá ở phía Ðông và phía Tây đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người.”. Qua ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Ðôn có thể chắc chắn rằng chưa hề có Khuê Văn Các.

Với cương vị là Tổng trấn Bắc thành, là một vị danh tướng văn võ toàn tài, Nguyễn Văn Thành đã cho sửa sang lại Văn Miếu. Trên bức hoành phi ghi ba chữ đại tự Khuê Văn Các có dòng lạc khoản đề: 嘉 隆 四 年 春 - Gia Long tứ niên, xuân (Làm tấm biển vào mùa Xuân, năm Gia Long thứ 4 - 1805).

Khuê Văn Các - Ảnh tư liệu đầu thế kỷ 20

Nhìn lại bối cảnh lịch sử những năm đầu thời Nguyễn

Theo lệnh vua Gia Long, khi kinh đô đặt ở Huế thì Quốc Tử Giám cũng không còn ở Thăng Long nữa. Kể từ đây Văn Miếu chỉ còn là nơi thờ Khổng Tử. Văn Miếu tuy đã có từ sớm nhưng việc lập bia vinh danh các vị đăng khoa chưa có trong thời Lý, Trần.Việc lập bia Tiến sĩ bắt đầu vào thời Lê Sơ. Lê Thánh Tông là bậc minh quân, tôn sùng Nho giáo. Năm 1484 đức Vua cho lập bia đá khắc tên các vị khoa bảng để vinh danh kẻ sĩ và cũng để giáo dục cho sĩ tử. Việc lập bia đề danh tiến sĩ đều có ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng chỉ có bia đề danh tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới cho ta cảm nhận hết trọng trách của kẻ sĩ khi đặt vận mệnh của giang sơn xã tắc lên hai đôi vai. Ngay trong lần khắc bia đầu tiên của khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Ðại Bảo năm thứ 3 (1442), Thân Nhân Trung đã viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất [Ngô Ðức Thọ (2010), Văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long, Nxb Hà Nội, tr.136]. Sở dĩ có những dòng chữ ca ngợi hiền tài trên những tấm bia Ðề danh tiến sĩ vì Văn Miếu suốt từ thời Lý không chỉ là nơi thờ Khổng Tử mà còn là Quốc Tử Giám - nơi đào tạo hiền tài của quốc gia.

Vậy mà kể từ khi Gia Long lên ngôi ở Phú Xuân, Quốc Tử Giám bị dời đi, lòng sĩ phu Bắc Hà hẳn vô cùng thất vọng, chán chường. Lại kể thêm vụ Ðặng Trần Thường bức hại các danh Nho như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ở Văn Miếu năm 1803. Ðặng Trần Thường thực bụng muốn trả thù bạn cũ là Ngô Thì Nhậm muốn ép chết ông. Biết chuyện này, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành không đồng tình, căn cứ chiếu chỉ của vua Gia Long ghi rõ ngụy quan ra thú được miễn tội, nhờ đó mà chỉ bị phạt roi. Sau trận đòn roi vọt đó, phần vì bị đánh đau, phần vì uất ức, không lâu sau đó, Ngô Thì Nhậm ốm chết. Vụ án Văn Miếu năm Quý Hợi này và cái chết bi thảm của danh Nho họ Ngô khiến cho giới sĩ phu Bắc Hà căm giận và bất mãn.

Việc cho xây Khuê Văn Các của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cũng như thực hiện công cuộc đại trùng tu Văn Miếu những năm đầu thời Nguyễn có ý nghĩa an lòng giới trí thức Bắc Hà.

Ký họa Khuê Văn Các của Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh viên Đại học Mở

Khuê Văn Các nhìn từ mỹ học Lão trang

Khuê Văn Các giờ đây đã là hình ảnh quá đỗi thân thuộc với người dân Thủ đô. So với những hạng mục khác ở Văn Miếu như Văn Miếu Môn, tòa đại bái và thượng điện trong khu Ðại Thành thì Khuê Văn Các vừa nhỏ vừa đậm chất vô vi. Khuê Văn Các, tức Gác Khuê văn, là một lầu vuông có 8 mái. Gác dựng trên một nền vuông cao được lát gạch Bát Tràng. Kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo và thanh thoát. Tầng dưới không xây tường, chỉ có 4 trụ gạch, 4 bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ, trừ phần mái lợp bằng ngói thường và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu vữa tam hợp.

Sàn gỗ tầng trên của Khuê Văn Các có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Cả bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều trổ một cửa tròn, có những thanh gỗ chống tỏa ra 4 phía. Cửa tròn và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng phát ra từ ngôi sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào, có treo một tấm biển sơn son thiếp vàng viết 3 chữ đại tự 奎 文 閣 - Khuê Văn Các (Gác Khuê văn).

Những ai am hiểu về kiến trúc cổ truyền Trung Hoa thì có thể nhận ra kiểu thức lầu các của Khuê Văn Các. Trung Hoa có Tứ đại danh lầu nổi tiếng là Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Lâu, Ðằng Vương Các, Quán Tước Lâu. Ðó là các công trình kiến trúc nổi tiếng gắn với thơ phú của các thi nhân đạo sĩ. Ví dụ như Hoàng Hạc Lâu, tương truyền Phí Văn Vi một một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sông hồ. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại đây để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Thôi Hiệu, nhà thơ nổi tiếng thời Ðường đã tới đây và sáng tác bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu.

Hệ thống đồ án trang trí ở Khuê Văn Các mang màu sắc thần tiên với sự xuất thiện của những pháp khí như hồ lô (của Lý Thiết Quải), kiếm (Lã Ðồng Tân), cùng với đồ án bàn cờ, hòm thơ sách bút của giới văn nhân.

Hình ảnh những con rồng hóa thành hoa cỏ như thường thấy trên các mảng chạm ở cung điện Huế. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. Cả 4 đôi câu đối đều rất hay và có ý nghĩa ca ngợi văn hóa dân tộc. Những câu đối ở Khuê Văn Các cũng mang tinh thần Nho - Lão thịnh hành.

Những câu đối như “Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ - Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang”, “Hy triều phấn sức long văn trị - Kiệt các trân tàng tập đại quan” mang tinh thần Nho giáo với những lời ngợi ca về Thánh hiền, Văn trị. Nhưng phiêu lãng, bay bổng diệu kỳ lại là những câu Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển - Bích thủy xuân thâm đạo mạch trườngThành lâm Bắc Ðẩu hồi nguyên khí - Nguyệt tễ thu đàm chiếu cổ tâm.

Nguyên khí cùng với nguyên tinh, nguyên thần là tư tưởng của Lão Trang. Nguyên khí mang tính vũ trụ luận, đậm sắc thái huyền bí vốn không liên quan tới Nho gia và càng không có liên hệ gì tới tư tưởng của Khổng Tử.

Hoàn toàn mang tính biểu tượng cho vẻ đẹp của văn chương, Khuê Văn Các ở Thăng Long, không hề có một công năng thực dụng cụ thể nào. Đối chiếu Khuê Văn Các từ tổng thể kiến trúc cho đến kiểu thức hoa văn trang trí cho đến các câu đối thơ cho ta một cảm nhận vẻ đẹp tinh thần rất ảo diệu, phiêu lãng, bay bổng. Có lẽ vẻ đẹp hướng đến trăng sao mây trời, mộng ảo rất phù hợp với tâm thức của những nhà Nho lãng tử ngồi ở cửa Khổng sân Trình mà hồn chập chờn theo cánh bướm của Nam Hoa kinh.

Tạm kết

Khuê Văn Các không đồ sộ, giản dị, tao nhã hòa lẫn vào bóng cây cổ thụ xanh tốt soi bóng xuống giếng Thiên Quang, bên cạnh dãy nhà bia là hình ảnh đẹp nhất ở Văn Miếu Thăng Long. Ngày xưa từng có chiếc thang gỗ để lên gác hai, Tổng trấn Bắc thành hẳn đã từng đứng ở đây, một đêm trăng nào đó, nhìn qua ô tròn của Khuê Văn Các nhìn ra xa xa, cảnh sắc chốn cố đô vàng son gấm vóc lặng im dưới tinh không. Câu Thành lâm Bắc Ðẩu hồi nguyên khí - Nguyệt tễ thu đàm chiếu cổ tâm quả là đúng cảnh đúng người. Trên mảnh đất văn hiến Thăng Long, Khuê Văn Các của tổng trấn bắc thành Nguyễn Văn Thành và Tháp Bút của danh Nho Nguyễn Văn Siêu là hai công trình kiến trúc biểu tượng xuất sắc, mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta.

Tác giả: Trần Hậu Yên Thế

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;