Nghệ thuật múa trong lễ bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô ở huyện Kông Chơ ro, tỉnh Gia Lai

Nghiên cứu nghệ thuật múa, đặc biệt múa trong nghi lễ của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của dân tộc Ba Na nói riêng là vấn đề khoa học mới mẻ và lý thú. Cho đến nay, kết quả nghiên cứu về múa Tây Nguyên, trong đó có múa Ba Na, mới chỉ là bước đầu. Hai công trình có những tư liệu đề cập đến vấn đề này là Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên của Ngô Văn Doanh (1) và Những hình thức múa trong lễ bỏ nhà mồ của người Ba Na của Phạm Hùng Thoan (2), trong đó khắc họa được những đường nét cơ bản của nghệ thuật âm nhạc, điêu khắc và múa bỏ mả của người Ba Na, Gia Rai. Ngoài ra, Dân tộc Ba Na ở Việt Nam (3) của Bùi Minh Đạo có ít dòng nói về nghệ thuật múa Ba Na nhưng còn sơ lược và mang tính nêu vấn đề. Bài viết này bước đầu tìm hiểu về nghệ thuật múa bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô, thông qua khảo sát ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

1. Đôi nét về người Ba Na Tơ Lô và lễ bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô ở huyện Kông Chro

Ba Na là dân tộc nói ngôn ngữ Môn Khmer, dân số năm 2009 là 227.716 người, trong đó 113.696 nam, 114.020 nữ, xếp thứ 11 trong 53 dân tộc thiếu số, xếp thứ 1 trong các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khmer ở miền núi Nam Trung Bộ, xếp thứ 2 trong các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khmer ở Việt Nam và xếp thứ 3 sau hai dân tộc Ê Đê và Gia Rai trong số các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Người Ba Na cư trú tập trung ở Bắc Tây Nguyên, chủ yếu tại hai tỉnh Gia Lai (150.416 người) và Kon Tum (53.997 người). Nghệ thuật múa của người Ba Na Tơ Lô hình thành trên cơ sở đặc điểm kinh tế, xã hội, tín ngưỡng và trong bối cảnh của lễ bỏ mả.

Về kinh tế, do tồn tại trong môi trường rừng núi ven sông Ba, kinh tế truyền thống của người Ba Na Tơ Lô bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, trong đó trồng trọt là hoạt động chủ đạo, chăn nuôi, nghề thủ công, trao đổi và khai thác nguồn lợi tự nhiên đóng vai trò phụ bổ trợ. Canh tác nương rẫy kết hợp với các hoạt động kinh tế phụ trợ chăn nuôi; thủ công, trao đổi và khai thác nguồn lợi tự nhiên là một trong những cơ sở quan trọng cho sự hình thành phát triển văn hóa, trong đó có nghệ thuật múa Ba Na.

Về xã hội, buôn làng có vai trò quan trọng, là đơn vị xã hội duy nhất. Ngày nay, dù đối mặt với nhiều sự thay đổi nhưng mô hình làng truyền thống vẫn được bảo lưu và đang từng bước hình thành, gắn kết với các cơ cấu hành chính ở bậc cao hơn. Lối sống cộng đồng mang nặng tính công xã nông thôn đã ảnh hưởng và chi phối nhiều mặt đời sống của người Ba Na, thể hiện rõ trên ba phương diện: tư liệu sản xuất, tình cảm và trách nhiệm chung. Đặc biệt, việc tôn trọng quyền sở hữu và quyền sử dụng tư liệu đất rừng cộng đồng luôn được đề cao trong mọi hành vi ứng xử của người Ba Na.

Về tín ngưỡng, người Ba Na tin rằng vạn vật đều có linh hồn, chính vì thế trong mỗi người đều có hai phần: linh hồn và thể xác; khi chết, linh hồn người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên, chuyển sang một dạng tồn tại khác - ma (atâu), tuy nhiên các atâu không sống hẳn ở thế giới bên kia mà sau một thời gian sẽ trở lại, tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Vì vậy, đối với họ, chết không phải là hết, mà chết chỉ là chuyển trạng thái sống của một cá thể từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình để rồi sau một thời gian, lại chuyển từ trạng thái siêu hình về với trạng thái vật chất. Niềm tin vào sự tồn tại của một thế giới khác và sự luân hồi của vòng đời cũng cho người Ba Na những quan niệm rất riêng về thế giới người chết, một thế giới giống thế giới người sống, nhưng khác biệt là sự luân hồi và đảo ngược.

Chết không chỉ là kết thúc một vòng của chu kì luân hồi mà chết với người Ba Na còn là một hình thức ra ở riêng, vì thế để bắt đầu cuộc sống mới, các atâu phải được sắm đồ đạc đầy đủ, những đồ vật này thường là những vật dụng quen thuộc đã từng được atâu sử dụng khi còn sống, điểm khác biệt là các đồ dùng đều bị đục thủng hoặc làm xấu đi. Giải thích về hiện tượng này có rất nhiều ý kiến, theo một số nhà nghiên cứu thì ngoài ý nghĩa đảo ngược trong thế giới của các atâu, với việc tự làm xấu các vật dụng cũng có thể để ngăn chặn những ai có ý tham muốn tới lấy đồ, dù thực tế người Ba Na không làm thế.

Vì tin rằng khi chết, linh hồn người chết sẽ sang sống ở thế giới khác nên người Ba Na có tục làm lễ bỏ ma (hay lễ bỏ mả) để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi hay chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau nghi lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với người sống, mới thực sự đi đến quê hương mới của mình, còn người sống thì được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết. Do vậy, người Ba Na không làm đền miếu, lăng tẩm hay bàn thờ vĩnh viễn cho người chết cũng như không có tục thờ cúng tổ tiên sau khi làm lễ bỏ ma cho họ, người sống không chỉ không cúng giỗ mà còn bỏ luôn cả mả của người chết. Lễ bỏ mả được tổ chức sau khi người chết từ giã cuộc sống từ 1-3 năm. Những gia đình khó khăn về kinh tế có thể nhiều năm hơn mới có điều kiện làm lễ bỏ mả. Trong thời gian trước bỏ mả, hằng ngày, người thân trong gia đình phải đến dọn dẹp khu nhà mồ và đưa thức ăn nước uống, đốt lửa sưởi ấm cho người chết. Lễ cúng lớn nhất trong thời kì giữ người chết ở lại là lễ cúng trăng (dịp trăng tròn), mỗi tháng một lần họ ra nghĩa địa và ăn uống chung cùng người chết. Trong những ngày làm lễ bỏ mả, người thân của người chết phải tự làm xấu mình, như không tắm rửa, không chải tóc, không mặc quần áo đẹp, vì họ quan niệm đó là những ngày để tang cho người chết. Lễ bỏ mả của người Ba Na trước đây thường rất lớn và kéo dài từ 7-10 ngày, hiện nay do hoàn cảnh và điều kiện kinh tế chi phối nên lễ bỏ mả chỉ kéo dài từ 3-7 ngày. Dù được tổ chức ít hay nhiều ngày thì lễ bỏ mả vẫn phải tuân thủ theo ba bước sau: dựng nhà mả, làm lễ bỏ mả và làm lễ giải phóng cho người sống.

2. Nghệ thuật múa trong lễ bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô ở huyện Kông Chro

Nội dung nghệ thuật múa trong lễ bỏ mả được trình bày trên cơ sở nguồn tài liệu thu thập tại làng Đe Tơng và làng Đe Nghe, xã Ya Ma, năm 2007. Một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ bỏ mả là nghi thức Grong Bơxát, nghi thức này thường được tổ chức vào ngày thứ hai của lễ bỏ mả, sau khi Grong Bơxát chấm dứt thì lễ bỏ mả cũng được coi như đã xong. Ngày diễn ra nghi thức Grong Bơxát được bắt đầu từ sáng sớm, mọi người tập trung tại nhà Rông rồi mới ra khu nhà mả. Tại nhà Rông, họ thịt bò, gà, lợn... để cúng, sau đó, đến quãng 4 hoặc 5 giờ chiều, mọi người ôm một vò rượu nhỏ, một xâu thịt và xương hàm lợn hoặc trâu bò ra nhà mả làm lễ cúng. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mả khóc than lần cuối với người chết. Khi đó, tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên và nghi thức Grong Bơxát bắt đầu. Đoàn rước gồm những người múa (thường là nữ), người khiêng và đánh trống, những người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ và những người trình diễn các con rối. Tất cả bước ra đứng vào hàng, đầu hàng là những người múa mặt nạ, tiếp theo sau là những người phụ nữ múa, nhóm múa đứng thành hai, bốn, hoặc sáu hàng ngang, mỗi hàng từ ba đến năm người quay mặt về phía nhóm đánh trống. Tiếp ngay sau nhóm múa là nhóm người khiêng và đánh trống, nhóm này có ít nhất là ba người và nhiều nhất là bảy người, sau nhóm đánh trống là nhóm cồng chiêng đi thành một hàng dọc. Ngoài các nhóm múa, cồng chiêng và trống, tham gia nghi thức này còn có một nhóm những người trình diễn các con rối, những con rối mang các chủ đề khác nhau: thể hiện cảnh sinh hoạt giã gạo, xay lúa, thợ rèn, hoặc thể hiện các con vật như kỳ đà, chim, bướm... Trang phục của những người tham gia Grong Bơxát rất trang nghiêm, sặc sỡ: nữ mặc váy, đeo lục lạc ở thắt lưng, đeo vòng bạc hay đồng ở cổ, tai và cổ tay, quanh đầu buộc một dải đỏ giữ tóc; nam mặc khố dài đeo lục lạc đồng ở bụng, đầu quấn khăn và cắm lông đuôi chim Xơ Long màu đen dài. Tiếng trống chiêng chậm rãi, lưu luyến theo điệu chiêng atâu, nhóm nữ múa uyển chuyển từ từ chuyển động quanh nhà mả theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, sau bảy hoặc chín vòng quanh nhà mả, Grong Bơxát coi như đã làm xong nghi thức của mình.

Khi già làng nói lời cuối cùng với người chết thì người thân trong gia đình ra khóc than lần cuối, người làng cũng ra chia tay với người chết bằng cách đi vòng quanh nhà mồ, vòng tròn của những người đánh chiêng và nhảy múa đi từ Đông sang Tây theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, vòng tròn đó có thể rất rộng nếu năm đó có nhiều nhà cùng làm lễ bỏ mả. Điều không thể thiếu ở lễ bỏ mả của người Ba Na là bao giờ cũng phải có bài chiêng atâu để chia tay người chết, với tiết tấu chậm, âm điệu buồn theo nhịp 1/2 hoặc 2/4. Đến ăn bỏ mả thường có hai, ba đội chiêng và xoang của làng khác có quan hệ hôn nhân hoặc sống liền kề với làng có người chết, họ sẽ thay phiên nhau chơi nhiều bài chiêng, không chỉ các bài chiêng buồn mà có cả những bài chiêng vui suốt từ sáng cho tới chiều tối. Điều này sẽ giúp gia đình tang chủ vơi đi nỗi buồn, đồng thời gợi nhớ lại khoảng thời gian vui vẻ người chết đã từng sống. Mặt khác, về mặt tâm linh việc có đông người đến chia buồn và tham gia vào vòng tròn tiễn đưa người chết cũng là một niềm hãnh diện của người Ba Na vì họ quan niệm vòng tròn càng rộng thì linh hồn người chết càng đi xa.

Do có nhiều ngành khác nhau nên cách ứng xử về múa ở người Ba Na cũng khác nhau, riêng với người Ba Na Tơ Lô, đội hình múa được sắp xếp theo một trật tự khác, những người múa xếp phía trước theo hàng ngang, nếu đông người thì thành nhiều hàng ngang nhỏ, mỗi hàng chỉ từ ba đến năm, hoặc bẩy người, tạo thành một khối múa riêng hình quả trám. Thứ tự vòng tròn như sau: trống nhỏ, trống lớn, dàn chiêng (nguyên tắc chiêng vừa đi vừa đánh, có chiêng mới có múa), đội hình múa quay mặt vào đội chiêng đi lùi trên vòng tròn, người múa và dàn chiêng giữ khoảng cách đều nhau, thỉnh thoảng xen vào hàng múa là những người múa rối giật và các Brêm Bram (người làm trò) đội mặt nạ trêu ghẹo các cô gái. Đội hình múa (xoang) gồm các cô gái xếp cùng hàng ngang, nắm tay nhau, chân trái bước lùi chéo sang trái, chân phải rút về cạnh chân trái, đưa hai tay ra đằng trước, ngang tầm thắt lưng, rồi nhún nhẹ sang trái đồng thời thả hai tay xuống dọc theo người, động tác bước nhún là chủ đạo, hông khẽ đưa sang hai bên theo nhịp bước của chân.

Quan sát thực địa cho thấy, biểu tượng trung tâm của lễ bỏ mả là vòng tròn tiễn đưa vong hồn người chết về thế giới của các atâu. Trên vòng tròn đó có hai lực lượng đối lập nhau cùng song hành tồn tại, đó là lực lượng người sống và lực lượng người chết - các atâu; đại diện lực lượng người sống là dàn nhạc chiêng, những người đánh chiêng và lực lượng tượng trưng cho người chết với đặc điểm tiêu biểu khi bước đi: đi lùi, vừa đi vừa ngập ngừng như luyến tiếc vừa như dừng lại. Động tác múa đơn giản, không có guộn ngón, xoay, hoặc vặn cơ thể, chỉ là động tác đưa hông nhẹ nhàng, chuyển động đung đưa của cả một khối người khi cùng hướng về bên trái hoặc bên phải, đây là động tác chuyển động thẳng tự nhiên phù hợp với vận động thuận của con người. Nhưng qua cách bố trí đội hình riêng, người Ba Na đã thể hiện một cách nhìn sâu sắc về thế giới người sống và thế giới của các atâu, cũng như nâng điệu múa có hình thức cổ nhất còn được lưu giữ tới ngày nay trở thành vô giá. Nghi lễ bỏ mả là sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na, với niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn, qua nghi thức linh thiêng này, họ thể hiện những ứng xử tinh tế của người sống với người đã mất, tình cảm đó được thể hiện rõ qua các hình khối phong phú, cảm xúc phức hợp và nhịp điệu chậm buồn của điệu múa tiễn biệt người đã khuất.

3. Vai trò của múa trong lễ bỏ mả

Qua những ứng xử của người Ba Na với người đã khuất, còn có thể thấy vai trò quan trọng của nhảy múa trong đời sống tinh thần của người Ba Na. Trước hết, đó là một nhu cầu liên kết cộng đồng, qua đó họ biểu lộ khát vọng bền vững của cộng đồng, bày tỏ cảm xúc của cá nhân với thần linh và cá nhân với cá nhân. Nhảy múa cũng là cách để mỗi người Ba Na thể hiện năng lực của cá nhân mình trước tự nhiên, bởi ngay từ khi còn nằm trên lưng mẹ, mọi đứa trẻ Ba Na đã quen thuộc với tiếng chiêng và không khí lễ hội của cộng đồng làng. Thoát khỏi hình thức là một điệu múa biểu cảm, người Ba Na đã nâng điệu múa tiễn đưa linh hồn lên thành biểu tượng nghệ thuật, qua đó thể hiện quan điểm nghệ thuật riêng trong sáng tạo: họ không mượn múa để mô tả sản xuất như người một số dân tộc khác, họ chỉ có những điệu múa liên quan tới hoạt động lao động sản xuất.

Nhảy múa để liên kết cộng đồng

 Liên kết cộng đồng là một trong những nhu cầu bức thiết và quan trọng của người Ba Na. Làng có mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc thắt chặt mối quan hệ cộng đồng giữa các cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng làng. Nhu cầu cộng cảm, cùng chung vui, cùng chia sẻ nỗi buồn, sự đau thương là nhu cầu bức thiết, bởi họ quan niệm nỗi đau khi được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa, niềm vui sẽ được nhân đôi. Vòng tròn của điệu xoang cứ thế kéo dài suốt đêm, trong khoảnh khắc những cánh tay nắm chặt nhau đã đưa các cá nhân khác nhau trong làng cùng hòa chung một cảm xúc: nhớ thương, da diết tiễn biệt một người thân quen phải ra đi.

Họ sử dụng múa như một phương tiện quan trọng để biểu đạt cảm xúc của cá nhân, với sự mất mát của cộng đồng vì một thành viên đã trở về thế giới bên kia, mặt khác họ cũng chung vui với gia đình tang chủ vì người đã mất sắp được tái sinh, gia đình tang chủ đã hoàn thành bổn phận với người đã khuất một cách trọn nghĩa trọn tình. Vòng tròn của điệu xoang cư thế kéo dài suốt đêm, nửa muốn níu giữ linh hồn người chết ở lại, nửa muốn người chết về thế giới bên kia để hoàn thành vòng tròn luân hồi của mình.

Nhảy múa để bày tỏ cảm xúc với thần linh

“Vạn vật hữu linh”, người Ba Na tin rằng mọi vật trong thế giới đều có linh hồn và khi trong cộng đồng có một thành viên sắp hoàn thành vòng tròn luân hồi của mình, lễ bỏ mả cũng chính là cơ hội cho những người sống được tiếp xúc, giao tiếp với thần linh qua cuộc tái sinh của hồn người đã khuất. Không được thất kính với thần linh, cần có sự tôn trọng và khiêm nhường trước sức mạnh bí ẩn của thần linh để cho mùa màng được tươi tốt, buôn làng được yên vui, gia đình tang chủ được hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với thành viên đã khuất. Xuất phát từ tâm lý này, họ coi nhảy múa như một cách để biểu đạt tình cảm tôn kính với các thần linh, thế lực siêu nhiên.

Cảm xúc ấy thể hiện rõ trong vòng xoang tiễn đưa người đã khuất của cộng đồng làng, họ không vội vã, mà chậm rãi, từ từ, vòng tròn đưa người đã khuất ấy cứ dài thêm, dài thêm bởi người Ba Na nghĩ rằng, hễ vòng múa càng dài thì con đường tiễn linh hồn người chết cũng dài thêm ra. Điều đó chứng tỏ thịnh tình của người sống đối với người quá cố. Bởi vậy, người ta thay nhau múa suốt buổi lễ để vòng múa không bị gián đoạn.

Thể hiện nhân sinh quan, triết lý sâu sắc về vũ trụ và thế giới siêu nhiên

Bằng ngôn ngữ tự nhiên của cơ thể, nổi bật với các chuyển động thẳng, múa của người Ba Na đã thể hiện một tư duy nghệ thuật độc đáo, dựa vào cái giản dị của tự nhiên để bộc lộ sự phức hợp của cảm xúc, qua đó bày tỏ những quan niệm siêu hình về tự nhiên, vũ trụ và cộng đồng. Trong khái niệm cộng đồng chung đó luôn bao gồm ba lực lượng: người sống, vong hồn người chết và thần linh với một niềm tin hồn nhiên và nhận thức cảm tính: tất cả đều có linh hồn và mỗi linh hồn đều có tác động qua lại với nhau. Họ còn sử dụng nhịp điệu để thể hiện cảm xúc với người đã khuất, bằng tiết tậu chậm, nhịp nhàng, những người múa nửa như muốn níu giữ người chết ở lại thế giới người sống, nửa lại như muốn tiễn đưa người chết về tận thế giới bên kia một cách trọn vẹn. Đặc biệt, việc xây dựng hình khối riêng cho đội hình múa (ba người hay năm người theo hình quả trám) về góc độ nghệ thuật đã tạo hiệu quả cao, những hàng múa chuyển động theo hình khối chậm rãi bước lùi trên vòng tròn như tượng trưng cho linh hồn đang bước đến vòng luân hồi của mình. Sự tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ múa, nhịp điệu, hình khối đã tạo cho điệu múa tiễn đưa linh hồn trở thành một biểu tượng đa nghĩa, nó đã hình ảnh hóa những quan niệm của người Ba Na. Đồng thời, khẳng định niềm tin vào sự tồn tại của thế giới người chết, vì coi các atâu cũng có cuộc sống như của thế giới người sống nên họ chuẩn bị một cuộc tiễn đưa đầy đủ cho atâu bao gồm: đồ đạc, nhà ở, quần áo và tổ chức chia tay trọng thể cho atâu với sự có mặt đầy đủ của những người thân và cả cộng đồng làng. Cuộc tiễn đưa thật đặc biệt dưới hình thức là một vòng tròn vô tận không đầu không cuối như thuở khai sinh của vũ trụ, trong đó trọng tâm của vòng tròn là điệu múa tiễn đưa linh hồn, những người đến tiễn biệt người chết không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình tang chủ hay làng có người chết mà còn có cả những làng thân cận.

4. Kết luận

Nhận định về bản chất của nghệ thuật múa nhân loại, các nhà nghiên cứu múa Nga đã từng nhận xét: “Múa là một loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương tiện đặc biệt của nó. Cội nguồn của múa là những ấn tượng con người có được trong lao động sản xuất và quan hệ xã hội và trước thiên nhiên, những ấn tượng ấy được cách điệu thành ngôn ngữ múa”.

Dựa trên khái niệm chung đó có thể thấy, về khía cạnh xã hội, người Ba Na là một dân tộc sống gần gũi với thiên nhiên, tư duy còn mang nặng dấu ấn của tự nhiên và lối sống công xã nông thôn, công xã láng giềng. Nhưng về mặt nghệ thuật múa, họ đã có sự sáng tạo độc đáo, bằng bản năng nguyên thủy (sử dụng múa như một phương thức để giao tiếp với thần linh và người đã khuất), qua cảm xúc tự nhiên, họ đã để lại cho thế hệ sau một biểu tượng nghệ thuật vô giá.

______________

1. Ngô Văn Doanh, Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.

2. Bùi Minh Đạo (chủ biên), Dân tộc Ba Na ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.

3. Phạm Hùng Thoan, Những hình thức múa trong lễ bỏ nhà mồ của người Ba Na, Nxb Hà Nội, 1981. 

Tác giả: Bạch Mỹ Trinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

;