Nghệ thuật công cộng ở Nhật Bản kể từ sau thế chiến II đến nay

LTS: Tinh thần kiến tạo và kỷ luật của người Nhật Bản luôn để lại những bài học lớn cho thế giới. Từ đống đổ nát sau Thế chiến II, nhất là sau tham họa bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật đã nhanh chóng tự khôi phục lại và vươn lên thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trước cách mà đất nước này sớm đưa nghệ thuật công cộng dự phần vào đời sống thường nhật, góp phần thúc đẩy sự tái thiết đất nước và làm lành những vết thương vật lý và sang chấn tinh thần sau chiến tranh. Đây hẳn là một tham khảo cần thiết cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong xu hướng xây dựng môi trường sống gắn liền với thẩm mỹ hiện đại và tinh thần văn hóa cộng đồng của người dân.

Nghệ thuật công cộng sau chiến tranh ở Nhật Bản, được phát triển từ các triển lãm điêu khắc ngoài trời, với những đề tài phản ánh về chiến tranh và mong muốn hòa bình đã mở ra khúc dạo đầu cho công cuộc tái thiết đô thị.

Tháng 9-1945, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã đề xuất khái niệm “xây dựng Nhật Bản hòa bình trước tiên bắt đầu bằng việc quảng bá văn hóa và nghệ thuật”. Trong những năm 1950, các hoạt động nghệ thuật ngoài trời của nghệ sĩ được bắt đầu, một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc đã vượt ra khỏi phòng triển lãm để khoe sắc ngoài không gian công cộng, đánh dấu một cột mốc phát triển mới sau chiến tranh. Sau những năm 1970, sự phát triển kinh tế và xã hội đã nhanh chóng làm ô nhiễm môi trường và chuyển dần sang thời kỳ bong bóng kinh tế. Để giải quyết những vấn đề này, chính quyền các địa phương đã bắt đầu xây dựng lại từng khu phố, từ đó dẫn đến sự thành công của khu tái thiết nghệ thuật và làm gia tăng nhanh chóng số lượng tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Theo tỷ lệ dân số, cứ 2.000 người dân thì có 1 tác phẩm nghệ thuật công cộng. Bước sang thời kỳ suy thoái kinh tế sau đó, tình trạng già hóa dân số và suy giảm khả năng sinh sản đã gây ra các vấn đề xã hội mà nghệ thuật công cộng phải xem xét làm thế nào để giải quyết vấn đề xã hội này.

Có thể nói, nghệ thuật công cộng Nhật Bản phản ánh trực tiếp các điều kiện sống và xu hướng xã hội hiện tại của con người, từ phụ thuộc đến cùng tồn tại hài hòa với phát triển đô thị, từ các tác phẩm được làm bằng chất liệu bền vững đến những trưng bày tạm thời, từ việc cưỡng ép và hội nhập vào khu vực, cuối cùng, nó đã phát triển thành một đại dự án nghệ thuật lan rộng trên nhiều địa phương khác nhau.

Giờ đây, nghệ thuật công cộng Nhật Bản ngày càng chú ý đến sự tham gia của người dân và hội nhập chặt chẽ với văn hóa khu vực. Nó đã trở thành một phương tiện hiệu quả để hồi sinh nền kinh tế, văn hóa địa phương và làm gia tăng niềm tự hào về quê hương của mỗi cá nhân, của từng cộng động dân cư, hay nói cách khác, chính quyền, nghệ sĩ và người dân cùng chăm sóc nghệ thuật công cộng và đổi lại, đời sống văn hóa của họ phản ánh sự chăm sóc nhân văn của nghệ thuật công cộng dành cho chính con người.

Từ triển lãm nghệ thuật ngoài trời đến công cuộc trang trí đường phố

Vào những năm 1950, dòng văn hóa Mỹ đã tác động đến nhận thức văn hóa và sự tự tin dân tộc của Nhật Bản, dường như đẩy xã hội rơi vào tình trạng mâu thuẫn với khao khát chống lại phương Tây. Các nghệ sĩ nhạy cảm với thời đại hy vọng tìm thấy các hình thức nghệ thuật mang tinh thần văn hóa Nhật Bản và bắt đầu khám phá mối quan hệ giữa nghệ thuật và không gian. Ngay tại thời điểm đó, một số nhóm nghệ thuật tiên phong đã mạnh dạn thử nghiệm với trưng bày triển lãm ngoài trời. Họ tập trung vào các không gian công cộng bên ngoài gallery, phòng triển lãm và cố gắng tạo ra một nơi mà mọi người có thể tương tác.

Một hội thảo chuyên đề điêu khắc hiện đại được tổ chức trên bờ biển thị trấn Manazuru, tỉnh Kanagawa, vào năm 1963 và một lễ hội nghệ thuật độc lập không kiểm duyệt, năm 1965, đã cho thấy sự chuyển động của các địa điểm triển lãm ra ngoài trời. Lễ hội nghệ thuật hiện đại ngoài trời, được tổ chức tại Yokohama năm 1970, đánh dấu sự khởi đầu của các triển lãm quy mô lớn được tổ chức bởi các nghệ sĩ Nhật Bản. Các hệ thống nghệ thuật ngoài trời và sinh thái nghệ thuật mới như nghệ thuật thường xuyên, triển lãm điêu khắc ngoài trời và triển lãm không kiểm duyệt độc lập đã xuất hiện. Kể từ đây, nghệ thuật công cộng Nhật Bản đã trở thành một phần đời sống xã hội của đất nước thay vì tồn tại một cách rụt rè như những “thể nghiệm” của nghệ sĩ và nhà tổ chức.

Sau chiến tranh, mặc dù trong chừng mực nào đó, Nhật Bản vẫn bắt chước các nước châu Âu và châu Mỹ về văn hóa và nghệ thuật nhưng trong sâu thẳm tâm trí, người dân luôn mong muốn thoát khỏi thần trí hôn mê này và truy tìm nguồn gốc của chính mình. Do đó, một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc với khuynh hướng quân phiệt đã bị phá hủy và việc tái tạo các bức tượng đồng từng bị tàn phá trong chiến tranh đã trở thành đề tài và xu hướng chủ đạo. Bắt đầu từ năm 1950, các tác phẩm điêu khắc với chủ đề hòa bình, tự do, những tác phẩm theo chủ đề tư tưởng mới như hình ảnh con người và tính nhân bản của con người bắt đầu xuất hiện ngoài trời. Những tác phẩm này dựa trên chủ đề ca ngợi tinh thần của con người và thể hiện những giá trị mới sau chiến tranh. Đồng thời, nghệ sĩ Nhật Bản, với ý thức về sứ mệnh của thời đại, đã bắt đầu ủng hộ việc thành lập các không gian công cộng giàu tinh thần nhân văn, phù hợp với sự phát triển đô thị đương đại. Với sự tham khảo tượng đài, quảng trường, tác phẩm điêu khắc và các mô hình thúc đẩy sự sáng tạo và tự do biểu đạt hướng đến con người của châu Âu, nghệ sĩ Nhật Bản ngày càng hào hứng với việc mở rộng không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc ra ngoài trời.

Năm 1961, Triển lãm điêu khắc ngoài trời Ube đầu tiên được tổ chức tại Công viên Changpan ở Ube, tỉnh Yamaguchi. Triển lãm trưng bày tổng cộng 60 tác phẩm của 16 nhà điêu khắc, nhằm mục đích làm đẹp khu phố bằng và thông qua nghệ thuật. Sự kiện này được ra đời bắt đầu từ tầm nhìn của giới chức thành phố muốn làm mọi điều tốt đẹp nhất cho cư dân địa phương. Thành phố Ube, tỉnh Yamaguchi là một khu vực công nghiệp với dân số 170 nghìn người. Sự phát triển của ngành xi măng đã gây ra vấn đề ô nhiễm bụi trong nhà nghiêm trọng, làm cho người dân bị suy giảm sức khỏe. Tiếng nói của công chúng về sức khỏe và sự lành mạnh đã dần tăng lên, khẩu hiệu Dành màu xanh và hoa tươi cho thành phố được nêu ra. Chính quyền địa phương đã lập tức áp dụng một loạt các biện pháp nhằm thay đổi tình trạng này, như trồng cây, sửa đổi quy định bảo vệ môi trường, thiết lập lại các tiêu chuẩn phát thải chất ô nhiễm của ngành công nghiệp, và hợp tác với các nghệ sĩ để làm đẹp đường phố thông qua nghệ thuật công cộng.

Triển lãm điêu khắc ngoài trời Ube là một thành công lớn, tạo nên hiệu ứng Mô hình Ube, như vệt dầu loang ra rất nhiều địa phương khác và dần lan khắp nước Nhật. Năm 1965, với sự hỗ trợ của chính phủ, Bảo tàng Điêu khắc ngoài trời của thành phố Ube được thành lập. Triển lãm điêu khắc ngoài trời Ube được đổi tên thành Triển lãm điêu khắc Nhật Bản hiện đại, dưới hình thức một cuộc thi nghệ thuật, và nó đã được tổ chức định kỳ hai năm.

Năm 1970, Hội chợ triển lãm thế giới Osaka do Nhật Bản tổ chức đã trở thành một cơ hội tuyệt vời để Nhật Bản cho thế giới thấy sự phát triển kinh tế sau chiến tranh, đồng thời cung cấp một sân chơi của các ý tưởng và phương pháp nghệ thuật hiện đại được khám phá và thực hành bởi các nghệ sĩ vào cuối thập niên 1960. Tác phẩm điêu khắc với chủ đề Tháp mặt trời do nghệ sĩ Nhật Bản Taro Okamoto thực hiện cho hội chợ này dựa trên hình dạng gốm thời cổ đại của Nhật Bản, từ vật tổ đầy sức sống nguyên thủy đến sức mạnh vô tận của con người được tập hợp trong nghệ thuật của cuộc sống. Điều này dẫn đến một sức sống nguyên thủy mạnh mẽ, là gốc rễ của chủ đề Sự tiến bộ và hòa hợp của con người của Hội chợ triển lãm thế giới Osaka. Điều đó có nghĩa là các nghệ sĩ Nhật Bản đã bắt đầu nghĩ về con đường phát triển của nghệ thuật công cộng trong bối cảnh quốc tế, và dần dần hình thành một khái niệm sáng tạo để xây dựng lại hình ảnh của các khối nghệ thuật địa phương. Nghệ thuật công cộng Nhật Bản đã dần có thể chuyên chở cùng lúc tính địa phương và tính quốc tế.

Tái thiết nghệ thuật công cộng khu phố

Bị ảnh hưởng bởi lý thuyết “phong trào thành phố vườn” (garden city movement) của Ebenezer Howard (1), nhiều chuyên gia xây dựng đô thị ở Nhật Bản lúc đó đã ủng hộ một lý thuyết đô thị phi công nghiệp hóa và hậu vật chất, vốn thống trị bởi khái niệm đô thị, và bắt đầu “xây dựng lại khu phố bằng nghệ thuật” trong thực tế.

Nhật ngữ có hai cụm từ “quy hoạch đô thị” và “tái thiết đường phố”: “quy hoạch đô thị” nhấn mạnh hoạt động hành chính của các thành phố, thị trấn và làng mạc như một đơn vị; cụm từ còn lại chủ yếu được sử dụng để chỉ việc tái thiết đường phố, phố mua sắm và môi trường vật lý liên quan. Do đó, “tái thiết đường phố” được xem như chứa đựng ý nghĩa của cả hai cụm từ và theo đó, nhìn rộng ra, hoạt động của công dân là tính năng chính của thực tiễn.

Mục đích cơ bản của chuyển đổi nghệ thuật của khu phố là khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng chúng ta không thể bỏ qua vai trò quan trọng của các lĩnh vực văn hóa, xã hội và ý thức hệ khác bên cạnh hiệu quả kinh tế đơn thuần. Ví dụ, nơi làm việc và các dự án đã trở thành một tài nguyên du lịch mới trong khu phố. Trong khi thu hút khách du lịch và thu hút sự chú ý từ bên ngoài, nó cũng làm tăng niềm tự hào của cư dân địa phương và khai thác ý nghĩa của văn hóa truyền thống địa phương trong thời đại mới. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng thêm một điểm giá trị mới vào tầm nhìn chung của khu phố. Cư dân địa phương đã bắt đầu khám phá lại sự quyến rũ của khu phố, tăng sự gắn bó của mọi người với cộng đồng nơi họ sống cùng nhau và hình thành ý thức cộng đồng.

Sau năm 1970, một số nhóm nghệ thuật lần đầu tiên phát động một phong trào trang trí các khu phố bằng các tác phẩm điêu khắc, và một loạt các tác phẩm điêu khắc đã xuất hiện để làm đẹp cho các khu phố. Năm 1975, các tác phẩm điêu khắc hướng đến mục đích hồi sinh văn hóa bắt đầu xuất hiện. Nghệ thuật công cộng Nhật Bản dần cho thấy sự độc đáo của văn hóa địa phương, nhưng vẫn tập trung vào chuyển đổi môi trường đô thị hoặc định hình cảnh quan đô thị. Năm 1978, việc tỉnh Kanagawa “trích 1% cho sự nghiệp văn hóa” là một trường hợp điển hình của sự đầu tư tái thiết các khu phố một cách bài bản, mang tầm nhìn chiến lược. Theo đó, không dưới 1% ngân sách/ tổng chi phí của một dự án xây dựng công cộng, thương mại nhất định được dành cho việc đầu tư mua các tác phẩm nghệ thuật mang đặc điểm địa phương để làm đặc sắc thêm cho thẩm mỹ của công trình nói riêng, cho diện mạo văn hóa nghệ thuật của địa phương nói chung.

Năm 1977, Triển lãm điêu khắc Münster (thành phố Münster, CHLB Đức) có tác động rất lớn đến bối cảnh nghệ thuật công cộng Nhật Bản. Khu vực triển lãm điêu khắc ở Münster bao gồm hầu hết các không gian công cộng ngoài trời như khu phố, khu dân cư, công viên. Triển lãm được tổ chức mười năm một lần, diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Bằng cách này, nghệ thuật điêu khắc được tích hợp vĩnh viễn vào cuộc sống của cư dân Münster. Mặc dù đó là một thách thức nghiêm trọng đối với các nghệ sĩ nhưng đồng thời, nó cũng trở thành khởi đầu của việc tích hợp nghệ thuật vào cuộc sống thường nhật.

Thành phố Sendai có thể nói là địa phương đầu tiên của Nhật Bản tham khảo mô hình Triển lãm điêu khắc Münster để tìm ra một cách thức tổ chức nghệ thuật phù hợp với đặc thù bối cảnh của mình. Sendai có tài nguyên rừng vô cùng phong phú trong một thời gian dài của lịch sử và từng được gọi là “thủ đô rừng”, nhưng thảm thực vật rừng của nó đã bị tuyệt chủng trong Thế chiến II. Năm 1962, thị trưởng Sendai đã công bố các biện pháp khắc phục ô nhiễm của các dòng sông và biến đổi chúng để tạo ra một môi trường lành mạnh. Năm 1977, Sendai thành lập Hội đồng xúc tiến môi trường đô thị xanh với mục đích làm đẹp cộng đồng bằng mỹ thuật. Các tác phẩm và dự án liên quan đến chuyển đổi nghệ thuật, điểm thêm giá trị mới vào cảnh quan chung, đã không chỉ trở thành một tài nguyên du lịch mới trong khu phố mà còn cải thiện đáng kể niềm tự hào văn hóa của cư dân địa phương. Sự quyến rũ mới của Sendai nhờ vào nghệ thuật công cộng không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, mà còn khiến nghệ thuật công cộng Nhật Bản nói chung tiến gần hơn đến hiện đại hóa.

Bên cạnh việc xây dựng lại các khu phố, việc xây dựng cộng đồng đã trở thành một mục tiêu mà nghệ thuật công cộng quan tâm và cố gắng. Xây dựng cộng đồng là một từ mới. Tomohiro Kitagawa là người sáng lập Lễ hội Trái đất ở Niigata, Nhật Bản. Điểm khởi đầu của Lễ hội này là cố gắng tìm cách tách nghệ thuật khỏi công chúng bằng cách đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở các khu vực dân cư thưa thớt và già cỗi để thu hút khách du lịch đến thăm, và sau đó có tác động cụ thể đến cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Chủ đề của lễ hội là chú ý và chăm sóc thiên nhiên, đất đai. Giám đốc điều hành Soichiro Fukumu chỉ ra: “Trước cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu và con đường hẹp của nền kinh tế tư bản, những gì chúng ta có thể làm là đối mặt với nhiều lao động nặng nhọc và những con đường mòn vô tận ở thôn quê, đi sâu hơn vào các khu vực ruộng nương sẽ được hướng dẫn bởi sức mạnh của vùng đất nơi tổ tiên sinh sống và học tập tại đây. Tất cả các hoạt động của mỗi người là để thúc đẩy khám phá bản chất bên trong của mỗi sự tồn tại và nghệ thuật là phương pháp cho mục đích này” (2). Ban tổ chức lễ hội mời nhiều học sinh tiểu học, trung học địa phương và người già tham gia các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nó cũng diễn ra đồng thời với các hoạt động văn hóa đại chúng và lễ hội dân gian truyền thống địa phương, giúp tương tác với công chúng tốt hơn. Tầm quan trọng của Lễ hội Trái đất ở Niigata, định kỳ 3 năm, là đề xuất một phương pháp mới cho chế độ triển lãm hiện tại, bao gồm các phương thức hoạt động và tìm cách xây dựng một hệ sinh thái văn hóa mới giữa các địa phương, giám tuyển, nghệ sĩ và các tác phẩm. Đặc biệt, mô hình này chứa đựng ý định thoát khỏi những giới hạn của một triển lãm đô thị, mà cung cấp cho mọi người thấy khả năng, tầm quan trọng của thời đại và văn hóa khu vực (3).

Việc tái thiết đường phố không chỉ nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống cộng đồng mà còn để mang lại mối quan hệ giữa cư dân và môi trường, giữa cư dân và cộng đồng. “Văn hóa nắp cống” của Nhật Bản là một trường hợp đặc biệt nổi bật về chuyển đổi nghệ thuật công cộng của các cơ sở công cộng. Trong cuốn sách Nghệ thuật đường phố, học giả người Nhật Kakita Kasumi đã giới thiệu một khảo cứu công phu về nghệ thuật tạo tác các nắp cống ở Nhật Bản. Ông đã tiến hành kiểm tra thực địa tại nhiều địa phương ở khắp cả nước và phát hiện ra rằng, các cống thoát nước ở mỗi thành phố ở Nhật Bản có những đặc điểm văn hóa riêng và độc đáo, phản ánh ý nghĩa văn hóa đô thị, mặc dù không rõ ràng nhưng có mặt khắp nơi và xâm nhập qua các mô hình đặc trưng của văn hóa khu vực và trong cuộc sống của người dân.

Ngoài nắp cống, nhiều vật dụng nơi công cộng như ghế ngồi, đèn đường và lan can ở hai bên đường của Nhật Bản cũng được thiết kế khéo léo, phản ánh tinh tế như là để đối thoại và tương tác với cư dân. Khám phá văn hóa địa phương thông qua các hoạt động nghệ thuật công cộng như lễ hội nghệ thuật; tăng cường tiếp xúc và trao đổi nghệ sĩ ở các khu vực và quốc gia khác nhau; sử dụng nghệ thuật công cộng như một phương tiện tái tạo địa phương một cách hiệu quả; biết cách tích hợp các nguồn tài nguyên nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cùng nhiều lĩnh vực khác để sử dụng đồng thời và hiệu quả là những phương pháp tổ chức độc đáo ở Nhật Bản, giúp không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thành phố và làng mạc, những vùng xa xôi và sự hồi sinh của văn hóa mà còn truyền sức sống mới vào nghệ thuật công cộng

(còn nữa)

 

_____________

1. Ebenezer Howard (1850-1928), một nhà thiết kế và lập kế hoạch cảnh quan người Anh, tin rằng nên xây dựng một thành phố lý tưởng với cả lợi thế đô thị và nông thôn. Ông gọi đó là “thành phố nông thôn”. Thành phố bình dị về cơ bản là sự kết hợp giữa thành thị và nông thôn.

2. Nguồn: Bắc Xuyên Phú, Trương Linh Linh (dịch), 10 tư duy đổi mới của lễ hội nghệ thuật trái đất ba năm một lần, Công ty cổ phần sự nghiệp Viễn Lưu xuất bản, Đài Bắc, Đài Loan.

3. Guan Huaibin, Nghệ thuật công cộng và tái cấu trúc văn hóa địa lý: Một nghiên cứu tình huống về Lễ hội nghệ thuật Trái đất ba năm tại Nhật Bản và Liên hoan nghệ thuật quốc tế Setouchi, Nghệ thuật mới, Số 10, 2015

Tác giả: Lê Bá Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;