Cuối tháng 11/2024, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh vừa có hai buổi trình diễn piano tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong buổi trình diễn tại Phòng hòa nhạc lớn - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với tựa đề “From Brightness to Greatness”, pianist Lưu Đức Anh đã trình diễn các tác phẩm của hai đại diện xuất sắc trường phái cổ điển Vienna là Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven) cùng những bản Nocturne, Mazurka hay Valse quen thuộc của Frédéric Chopin và Franz Liszt.
Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh biểu diễn trong chương trình độc tấu piano From Brightness to Greatness tại Hà Nội
Tài năng âm nhạc trẻ
Sinh năm 1993, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh là một trong số các tài năng của âm nhạc cổ điển Việt Nam. Anh thành công khi biểu diễn ở tất cả hình thức độc tấu, concerto, hòa tấu, đệm đàn. Bên cạnh đó, anh còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn cũng như chỉ đạo nghệ thuật của nhiều dự án âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp trong nước.
Từ nhỏ, Lưu Đức Anh bắt đầu theo học piano với bố là PGS.TS.NSUT Lưu Quang Minh. Từ năm 2000-2011, Lưu Đức Anh học tập tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự dìu dắt của GS.TS.NGND Trần Thu Hà. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp chính quy, anh tiếp tục theo học tại Nhạc viện hoàng gia Liège, Bỉ, lớp của GS.Jean Schils.
Năm 2016, anh nhận được học bổng toàn phần để theo học bậc nâng cao tại Học viện âm nhạc Malmö, Thuỵ Điển dưới sự giảng dạy của giáo sư, nghệ sĩ Piano nổi tiếng Hans Palsson. Ngoài ra anh cũng theo học thường xuyên với GS. Johan Schmidt (Nhạc viện Brussels) và GS. Armen Babakhanian (Nhạc viện Komitas tại Yerevan).
Anh là nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam trong việc thực hiện các buổi hòa nhạc chuyên đề một tác giả, đó là các buổi hòa nhạc Franz Liszt năm 2016 và Johannes Brahms năm 2017. Tháng 6 năm 2017, anh lọt vào top 9 pianist trẻ được mời tham dự Grand Prix Marinaro và biểu diễn tại festival âm nhạc “Piano à Collioure” miền Nam nước Pháp. Tại đây, anh được trao tặng giải thưởng Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử festival cho nghệ sĩ trẻ ấn tượng nhất.
Với những thành tích xuất sắc, Lưu Đức Anh đã được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2017, một trong 10 gương mặt triển vọng toàn quốc năm 2017 và trao tặng giải thưởng Nghệ sĩ Nổi bật năm 2020 của Hanoi Grapvine.
Lưu Đức Anh còn là đồng sáng lập và chỉ đạo nghệ thuật của tổ chức âm nhạc Maestoso - startup tiên phong của Việt Nam về tổ chức hòa nhạc cổ điển. Anh và các cộng sự đã tổ chức nhiều buổi hòa nhạc thành công tại các sân khấu lớn. Năm 2023, cùng với nghệ sĩ piano nổi tiếng Armen Babakhanian và chỉ huy Nguyễn Phú Sơn, Lưu Đức Anh đã sáng lập và tổ chức thành công Maestoso International Music Festival.
Muốn tạo ra một lớp công chúng mới thì cần thay đổi từ giáo dục
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, từ năm 2018, Lưu Đức Anh cũng đang giảng dạy tại Khoa Piano - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các học sinh của anh đã giành được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế. Anh thường xuyên được mời tham gia làm giám khảo của rất nhiều cuộc thi Piano ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Năm 2019, anh đồng sáng lập Trung tâm Đào tạo và phát triển âm nhạc Insprito School Music dành cho các bạn nhỏ, với mong muốn truyền kinh nghiệm mà mình đã được học và xây dựng một lớp công chúng trẻ cho âm nhạc cổ điển. Bên cạnh việc đào tạo, Insprito cũng coi trọng việc biểu diễn với những workshop nhỏ về chỉ huy, hòa tấu. Sau đó là những chương trình lớn hơn như dự án “Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc” để biểu diễn thực hành, với 4 không gian biểu diễn khác nhau, mỗi không gian tượng trưng cho một thời kỳ âm nhạc: từ Baroque đến cổ điển Viên, lãng mạn và hiện đại. Mô hình này đã được biểu diễn tại Viện Goethe với các chuỗi hòa nhạc về âm nhạc hiện đại, đương đại thế kỷ XX và VCCA (Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom). Anh và các đồng nghiệp tại Inspirito là những nghệ sĩ tiên phong trong việc biểu diễn và quảng bá âm nhạc đương đại tại Việt Nam thông qua chuỗi hòa nhạc “Âm nhạc Thế kỷ 20” phối hợp cùng Viện Goethe Hà Nội, mang tới công chúng rất nhiều tác phẩm của những nhà soạn nhạc quan trọng trong thời kỳ âm nhạc hiện đại - đương đại.
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ, anh đã có cơ hội được trải nghiệm và chứng kiến sự phát triển âm nhạc ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và nhận thấy tốc độ phát triển của họ rất nhanh. Hiện tại, Việt Nam vẫn có thể ngang bằng về trình độ nhờ vào truyền thống đào tạo âm nhạc cổ điển nhưng nếu cứ để nguyên, anh lo ngại chúng ta sẽ bị bỏ rất xa. Và việc thay đổi này không thể do một vài cá nhân hay tổ chức đơn lẻ mà cần chung tay góp sức. Thời gian qua, một tín hiệu vui là đã có những buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển thu hút đông đảo khán giả. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn để đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng. Các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này đều đang cố gắng để tìm ra những cách tiếp cận mới mẻ. Đó có thể là việc kết hợp biểu diễn tác phẩm với việc giải thích một chút về tác phẩm đó, hay kết hợp biểu diễn âm nhạc trong không gian triển lãm... Một vấn đề nữa là giáo dục âm nhạc trong trường học. Muốn tạo ra một lớp công chúng mới thì cần thay đổi từ giáo dục.
Anh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Toong cho các chương trình hòa nhạc quy mô nhỏ tầm 50-70 khán giả, mang không khí ấm cúng, gần gũi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp những khó khăn, đó là việc bán vé cho âm nhạc cổ điển. Một khán giả dù yêu âm nhạc đến mấy cũng không thể thu xếp mua vé đi nghe 3-4 buổi hòa nhạc liên tục hằng tháng. Nguồn khán giả không ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nghệ sĩ. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải liên tục đổi mới trong hình thức tổ chức để tạo sự thu hút cũng như tươi mới cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ. Hiện nay đời sống âm nhạc cổ điển đang khởi sắc với khá nhiều sân khấu lớn nhỏ dành cho nhạc cổ điển. Tuy nhiên, so với nhạc pop hay các dòng nhạc khác thì âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn còn thưa vắng khán giả. Ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có sự mất cân bằng như vậy. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, nhạc cổ điển vẫn có được sự đầu tư và tài trợ lớn hơn. Việt Nam còn nhiều khó khăn nên nhạc cổ điển chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Tôi thấy buồn khi chứng kiến nhiều nghệ sĩ Việt Nam rất giỏi, chỉ vì không có cơ hội phát triển tại quê nhà mà không thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc hoặc đang rất vất vả để có thể duy trì sự nghiệp”.
Truyền cảm hứng và tình yêu với âm nhạc cổ điển
Năm 2025, Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam 2025 (VIPCF 2025) là dự án lớn nhất mà anh và các cộng sự thực hiện từ trước đến giờ. Anh mong muốn có thể dùng kinh nghiệm của mình để truyền cảm hứng cho thế hệ các học sinh piano trẻ của Việt Nam thông qua cuộc thi này. Hội đồng chuyên môn đã thiết kế một mô hình vô cùng sáng tạo cho cuộc thi để tất cả các bạn học sinh ở mọi trình độ đều có thể tham gia và thử thách mình ở những giới hạn mà mình mong muốn.
Nhân dịp cây đàn 280VC của hãng Bösendorfer lần đầu xuất hiện tại Việt Nam để tài trợ cho Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam 2025 (VIPCF), ban tổ chức VIPCF phối hợp với Maetoso và LA Music cùng nghệ sĩ Lưu Đức Anh đã tổ chức chương trình độc tấu piano From Brightness to Greatness. Được tổ chức ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, buổi biểu diễn nhằm truyền cảm hứng và tình yêu với âm nhạc cổ điển từ âm thanh và lịch sử của cây đàn trứ danh này. Đặc biệt, bên cạnh phần biểu diễn các tác phẩm nổi tiếng thời kỳ Cổ điển của nghệ sĩ Lưu Đức Anh, với mong muốn nuôi dưỡng, cổ vũ và mở ra những bước mới đột phá cho tài năng trẻ, Ban tổ chức VIPCF đã chọn ra 4 thí sinh để biểu diễn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với cây đàn Bösendorfer 280VC trên sân khấu lớn bên cạnh nghệ sĩ Lưu Đức Anh. 4 thí sinh này còn có cơ hội được đặc cách tuyển thẳng vào vòng chung kết của VIPCF.
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ, đã khá lâu, anh mới biểu diễn một chương trình độc tấu lớn (recital) tại Việt Nam. Chương trình recital gần nhất của anh tại Việt Nam là vào năm 2019, sau đó vì ảnh hưởng của dịch Covid cũng như bận rộn với rất nhiều dự án âm nhạc khác nên anh chưa thể đầu tư cho một chương trình recital. Năm 2024, anh và hãng đàn Bosendorfer - một trong những hãng đàn cao cấp nhất của thế giới đến từ Áo đã có những dự án hợp tác. Một trong số đó là Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam dự định tổ chức trong năm 2025. Hãng Bosendorfer đã đặc biệt tài trợ cho Việt Nam thông qua Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam một cây đàn concert grand 280VC. Cây đàn tuyệt vời này là động lực rất lớn để anh tổ chức một chương trình đồ sộ và chất lượng, cống hiến cho khán giả Việt Nam buổi hòa nhạc giàu cảm xúc. Trong đêm diễn tại Hà Nội vào ngày 20/11/2024, nghệ sĩ Lưu Đức Anh đã bày tỏ niềm xúc động khi được góp phần mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam.
NGUYỄN KIM DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024