Nêu gương đao đức của đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường quân đội hiện nay

Đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội có vị thế vô cùng quan trọng, giữ vai trò quyết định chất lượng công tác giáo dục - đào tạo; đồng thời còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận của quân đội. Để hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình, mỗi nhà giáo ở nhà trường quân đội phải luôn tự giác phấn đấu vươn lên hoàn thiện trình độ về mọi mặt, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức lối sống. Đặc biệt phải luôn nêu gương về đạo đức trong thực tiễn công tác, đây chính là cơ sở để lan tỏa, dẫn dắt, truyền cảm hứng cho mọi thế hệ học viên noi theo trong quá trình học tập, công tác.

Đội ngũ giảng viên ở nhà trường quân đội là những người có vị thế xã hội và chức năng chuyên biệt, làm việc trong một môi trường đặc thù. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ dạy học của mình, đội ngũ nhà giáo trong nhà trường quân đội không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp quân sự đơn thuần mà còn truyền thụ cả kinh nghiệm, thực tiễn chỉ huy, quản lý bộ đội và giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ học viên mà trong tương lai sẽ trở thành người đảng viên, cán bộ, sĩ quan quân đội mẫu mực.

Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng, Bí thư Đảng ủy

Chính ủy Học viện Hải quân trao đổi với các học viên - Ảnh: Đức Lợi

Trong bối cảnh nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị của nhà trường quân đội ngày càng đòi hỏi cao và không ngừng phát triển thì tính chất, nhiệm vụ đặt ra luôn đòi hỏi yêu cầu cao với đội ngũ nhà giáo cả về chuyên môn với phẩm chất nhân cách. Bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong quân quân đội, lan tỏa hình ảnh đẹp nhà giáo Bội đội Cụ Hồ trong cả công tác chuyên môn và phong cách, đạo đức thì cũng còn có ít nhà giáo ở nhà trường quân đội chưa thực sự tận tâm với nghề, chưa thực sự cố gắng vươn lên, có trường hợp chưa thực sự tích cực học tập, nghiên cứu, khám phá cái mới, chiếm lĩnh tri thức khoa học. Những hiện tượng đó phần nào đã ảnh hưởng đến nâng cao, đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo ở nhà trường quân đội. Để trách nhiệm nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi nhà giáo, trước hết cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, đội ngũ giảng viên ở nhà trường quân đội cần phải luôn giữ vững vị thế xã hội của mình.

Xã hội đã trao cho đội ngũ nhà giáo một vị thế cao cả đó là đào tạo ra các thế hệ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự hiện đại hóa xã hội, được cả xã hội tôn vinh, kính trọng. Để giữ vững “vị thế xã hội” của mình, người giảng viên phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của bản thân truyền đạt cho người học, hướng dẫn, dìu dắt học viên chiếm lĩnh tri thức, làm cho người học phát huy được năng lực vốn có, phát triển các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục để trở thành người lao động chân chính, những công dân biết làm chủ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một nhà giáo giỏi không chỉ cần có sức ảnh hưởng đối với người học về mặt học thuật, tri thức mà quan trọng hơn là phải có sức thuyết phục, khả năng truyền cảm tới người học về mặt nhân cách. Chính vì vậy, so với các nội dung đạo đức sư phạm khác, giá trị đặc thù của việc làm gương cho người học thể hiện ở chỗ giá trị này mang chức năng giáo dục rất to lớn. Hiệu quả trong việc truyền đạt tri thức trên bục giảng không những được thể hiện ở sự luận giải sâu sắc các tri thức của chuyên đề mà còn thể hiện ở uy tín của người giảng viên đối với đội ngũ học viên, sự uy tín đó chỉ có thể được đúc kết qua việc nêu gương trong mọi hoạt động thực tiễn của người giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (1). Theo đó, đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội cần chú ý giữ gìn vị thế xã hội của mình bằng uy tín, danh dự, bằng tri thức khoa học, đó chính là nội dung quan trọng để họ luôn thu được hiệu quả cao trong công tác chuyên môn, góp phần xây dựng nhà trường quân đội vững mạnh toàn diện.

Hai là, chú trọng rèn luyện nêu gương đạo đức trong thực tiễn công tác.

Với vai trò là nhà sư phạm, nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội là người trực tiếp tiến hành các hoạt động sư phạm quân sự, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chính các hoạt động đó là môi trường tôi luyện tốt nhất phẩm chất đạo đức của nhà giáo, làm cho ý thức và hành vi đạo đức của họ thống nhất với nhau. Trong các hoạt động sư phạm, bản thân nhà giáo sẽ phải điều chỉnh thái độ, hành vi, ứng xử của mình, phải tự ghép mình và sửa mình theo khuôn phép nghề sư phạm. Thông qua các hoạt động sư phạm, đạo đức nhân cách cũng sẽ được rèn luyện, phát triển một cách toàn diện cả về nhận thức, thái độ chính trị, đến chuẩn mực hành vi đạo đức và tác phong, lối sống mô phạm của đội ngũ nhà giáo quân đội. Không những vậy, đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội phải luôn thể hiện là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, nêu gương trong mọi công việc dù nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên trong mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, nói phải đi đôi với làm. Chức năng của giáo dục không phải chỉ có việc dạy chữ, trang bị tri thức mà còn phải “dạy người”, tức là thông qua việc trang bị tri thức để định hướng tư tưởng, bồi dưỡng, phát triển những phẩm chất nhân cách tốt đẹp cho người học. Chính vì vậy, tất cả những hành vi ứng xử của giảng viên trong cuộc sống dù liên qua hay không liên quan đến bài giảng đều mang tính định hướng giáo dục.

Nêu gương trong giảng dạy và công tác chuyên môn là một trong những nội dung trọng tâm của việc nêu gương về đạo đức của đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội. Những nhà giáo có tri thức sâu, rộng cộng với phương pháp giảng dạy khoa học sẽ tạo ra động lực học tập tốt, hứng thú say mê nghiên cứu ở người học. Đây cũng chính là nền tảng để những tấm gương đạo đức của nhà giáo được lan tỏa trong tập thể học viên. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, thường xuyên học tập, nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nêu gương về đạo đức không chỉ thể hiện qua lời nói mà phải thể hiện bằng những hành động cụ thể. Sáng tạo trong giảng dạy, tận tụy trong chuẩn bị các bài giảng, linh hoạt trong vận dụng các phương pháp giảng dạy để đội ngũ học viên dễ dàng tiếp thu các tri thức chuyên ngành, hoàn thành mục tiêu yêu cầu đào tạo.

Ba là, việc tu dưỡng, rèn luyện nêu gương đạo đức của nhà giáo ở nhà trường quân đội phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học thường xuyên tiếp xúc và trực tiếp tiếp xúc với học viên, đồng nghiệp, cùng với đó cũng có nhiều mối quan hệ với những cá nhân xã hội khác ở địa phương như cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi cư trú, bạn bè trong sinh hoạt, giao tiếp xã hội. Thông qua tiếp xúc, ứng xử xã hội, những tấm gương về đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo quân đội sẽ tác động vào nhận thức và hành vi của đội ngũ học viên và đồng nghiệp, trở thành tiêu chí để họ học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: nêu gương không chỉ bằng lời nói suông mà phải là người kiểu mẫu trong mọi công việc. Theo đó, mỗi nhà giáo ở nhà trường quân đội bằng sức mạnh nêu gương đạo đức của mình sẽ định hướng, xác lập và trở thành mẫu số chung để lớp lớp các thế hệ học viên noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Nhiệm vụ của các cô giáo, thày giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (2).

Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý, hành vi, ứng xử của con người khi tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy, người giảng viên trong nhà trường quân đội cần ý thức tự giác rèn luyện đạo đức một cách thường xuyên, làm cho những hành vi đạo đức trở thành thói quen thường xuyên, nếp sống hằng ngày, trở thành ý thức và hành động tự giác của bản thân. Thông qua quá trình hoạt động thực tiễn sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên tác động vào các đối tượng, những hành vi, ứng xử đạo đức, văn hóa sẽ được lan tỏa và in đậm trong mỗi cơ quan, đơn vị, trở thành những tấm gương điển hình để mọi người noi theo. Đồng thời, đó cũng là điều kiện, tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá chuẩn mực đạo đức của mỗi nhà giáo quân đội, là con đường, biện pháp để những giá trị đạo đức đó ngày càng được phát triển, hoàn thiện.

Bốn là, thực hiện tốt các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang có sức lan tỏa rộng rãi, tác động tích cực đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh của đạo đức dân tộc tốt đẹp với đạo đức, lý tưởng cộng sản cao quý, là hiện thân tiêu biểu về đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, người thày lớn của chúng ta. Vì vậy, quá trình thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là điều kiện tốt để nhà giáo quân đội rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp sư phạm của mình. Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, quán triệt, triển khai và thực hiện Quy định 101 ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quyết định số 646-QĐ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đàng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”… rất thiết thực cho việc rèn luyện theo chuẩn mực đạo đức nhà giáo của đội ngũ giáo viên ở nhà trường quân đội. Từ đó, nhà trường quân đội cũng xác định được những nội dung, yêu cầu biện pháp cần triển khai thực hiện cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng nhà trường. Qua đó, đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội phải tự rèn luyện, tu dưỡng, hoàn thiện những phẩm chất đạo đức, lối sống của mình trên cơ sở, yêu cầu, đặc điểm của từng nhà trường, đồng thời luôn nêu gương trong việc thực hiện có hiệu quả những phong trào thi đua quyết thắng ở nhà trường. Đó chính là cơ sở để lan tỏa những gương điển hình trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội.

Thực hiện việc nêu gương về đạo đức của đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội hiện nay một mặt làm cho những tấm gương về đạo đức, lối sống của giảng viên được lan tỏa, in đậm trong thế hệ học viên; mặt khác, qua quá trình đó, đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo ngày càng được hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi bản thân nhà giáo. Hành động lấy mình làm gương cho học viên của đội ngũ nhà giáo ở nhà trường quân đội thể hiện chính ở việc người giảng viên tự giác đem chuyển hóa đạo đức chính bản thân mình thể hiện ra ngoài để trở thành một phương pháp giáo dục.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.16.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.475.

Tác giả: Bùi Xuân Chung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;