Nét văn hóa truyền thống trong nhà sàn dân tộc Thái đen tỉnh Điện Biên

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội VHTTDL năm 2025 tại tỉnh Điện Biên, đoàn nghệ nhân thành phố Điện Biên Phủ đã giới thiệu không gian trưng bày ngôi nhà sàn của dân tộc Thái - ngành Thái đen. Qua đó, người dân và du khách được hiểu hơn về những nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Thái đen vùng đất Điện Biên.

Chị Lò Thị Hương giới thiệu với du khách về không gian ngôi nhà sàn của người Thái ngành Thái đen

Thành phố Điện Biên Phủ có vị trí địa chính trị quan trọng, đồng thời lưu giữ nhiều giá trị lịch sử đặc biệt, di sản văn hóa truyền thống và cảnh quan, sinh thái đặc sắc. Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Điện Biên, có diện tích tự nhiên trên 300km2, với 12 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 5 xã, có 173 tổ dân phố, bản.

Đây cũng là một địa danh nổi tiếng với các điểm di tích lịch sử có giá trị đặc biệt gắn liền với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”... Bên cạnh đó, thành phố Điện Biên Phủ còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm các dân tộc: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Tày, Nùng... Trong đó dân tộc Thái chiếm 27,4%, ngành Thái đen chiếm đa phần dân tộc Thái.

Giới thiệu với du khách về ngôi nhà của người Thái, chị Lò Thị Hương cho biết, đồng bào Thái thường sinh sống ở các thung lũng gần nguồn nước như các con sông, con suối. Họ tập trung thành từng bản, mỗi bản có từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà kề sát bên nhau. Người Thái sống ở nhà sàn, là ngôi nhà truyền thống có kiến trúc bằng gỗ. Mỗi ngôi nhà có từ 3, 5, đến 7 gian với hàng cột gỗ vuông hoặc tròn, mái lợp bằng lá cọ hoặc tranh. Người Thái đen lợp nhà hình khum mai rùa và trang trí ở hai bên đầu nóc nhà hình khau cút theo phong tục xưa truyền lại.

Người phụ nữ Thái khéo léo với công việc thêu thổ cẩm và dệt vải

Trong ngôi nhà của đồng bào Thái thường có gian thờ là nơi để thờ cúng tổ tiên, được đặt ở phía Đông của ngôi nhà nơi mặt trời mọc. Bàn thờ của dân tộc Thái đơn sơ, mỗi khi gia đình có việc thờ cúng, chỉ có chủ nhà hoặc nam giới trong nhà là những người được làm lễ tại gian thờ, đặc biệt, đây là nơi khách không được đến; tiếp theo là gian ngủ của các thành viên trong gia đình. Gian ngủ không có vách hay phên ngăn mà chỉ căn cứ vào hàng cột nhà... và được ngăn bằng 1 tấm ri đô thổ cẩm. Chăn ga, gối, đệm đều do các thành viên tự tay làm.

Trong ngôi nhà của các đồng bào dân tộc, trong đó có người Thái không thể thiếu gian bếp. Đây không chỉ là nơi nấu ăn mà còn là điểm hội tụ của sinh hoạt văn hóa gia đình. Bên ánh lửa bập bùng, là những câu chuyện thú vị về kinh nghiệm sống của ông bà, bố mẹ dạy lại cho con cháu; đồng thời là những phong tục, tập quán được trao truyền cho các thế hệ kế cận....

Gian bếp của người Thái không chỉ là nơi nấu ăn mà còn là điểm hội tụ của sinh hoạt văn hóa gia đình.

Theo chị Lò Thị Hương, một trong những nét văn hóa của dân tộc Thái cũng như ngành Thái đen vẫn được lưu giữ đến ngày nay đó là nghề đan lát thủ công truyền thống từ lâu đời, thường được người dân làm vào những lúc nông nhàn. Các sản phẩm như bàn, ghế mây, cóong đựng xôi hay nong, nia, giần, sàng... được làm từ nguyên liệu mây, tre, không chỉ phục vụ nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dân tỉnh Điện Biên, các tỉnh lân cận mà còn được khách du lịch quốc tế yêu thích.

Bên cạnh đó, nghề dệt vải truyền thống cũng được bà con người Thái gìn giữ và phát huy đến ngày nay. Để làm nghề dệt, thì không thể thiếu việc quay sợi – một công việc đòi hỏi sự khéo léo và tốn nhiều thời gian. Trong đó, bông sẽ được rút thành sợi thông qua dụng cụ gồm có guồng quay và suốt quấn sợi được đặt lên 2 đầu của 1 giá gỗ và được nối với nhau bởi dây cô-roa… Sau khi có sợi là đến công đoạn dệt vải trên khung cửi được thực hiện bởi những người phụ nữ Thái. Từ đây, các trang phục truyền thống, hằng ngày đã ra đời như trang phục của nam giới với màu chàm đen hoặc chàm xanh. Trang phục truyền thống của phụ nữ là chiếc áo cóm ôm sát eo để khoe đường cong của người phụ nữ và hàng khuy bạc trước ngực. Đặc biệt, trong đó có chiếc khăn Piêu - tín vật cho tình yêu đôi lứa của người Thái. Không chỉ là vật dụng, khăn Piêu còn gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người Thái. Khi chuẩn bị lấy chồng, bên cạnh các món đồ dùng như: đệm, chăn, gối... các cô gái Thái phải tự tay làm những chiếc khăn Piêu làm quà tặng nhà chồng.

Tại không gian nhà sàn người Thái đen, du khách cũng được thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống. Đó là các món ăn dân giã, đặc sắc như các món nướng, nộm, hấp được ướp với các gia vị như mắc khén, tỏi, ớt, gừng... ngoài ra còn các món như lạp, canh chua, măng đắng chấm chẩm chéo… mỗi món đều có vị đặc trưng riêng. Du khách cũng bị hấp dẫn khi thưởng thức món xôi với nhiều màu sắc sặc sỡ, được ngâm bằng các loại lá, sau đó đồ bằng chõ gỗ. Xôi là món ăn chính thường ngày của người Thái, được chấm với chẩm chéo, muối vừng đen, ăn kèm với cá nướng, thịt nướng...

Đến với không gian ngôi nhà của người Thái, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà còn được trải nghiệm nhảy sạp và các sản phẩm OCOP của người bản địa.

Du khách trải nghiệm nhảy sạp với đồng bào dân tộc Thái

Trong điều kiện hiện nay, xã hội phát triển từng ngày, ngôi nhà của người Thái cũng có sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên những nét truyền thống của ngôi nhà và bản sắc văn hóa của người Thái vẫn in đậm và ăn sâu vào tâm trí, trở thành nét đẹp đặc trưng riêng biệt của dân tộc Thái. Việc giữ gìn các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung, mà còn tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển, là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

;