Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn thành phố Sơn La

Thời gian qua, có nhiều đề tài nghiên cứu về thiết chế văn hóa cơ sở: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa ở những phạm vi và góc độ khác nhau, tại một số địa phương trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đánh giá quy mô, tổ chức hoạt động của nhà văn hóa cấp xã, bản ở vùng văn hóa dân tộc Thái đậm nét như ở Sơn La thì chưa có đề tài nào quan tâm, nghiên cứu trong bối cảnh hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay trên địa bàn thành phố Sơn La còn nhiều bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu, khảo sát về nội dung này sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng thể thực tế khách quan hơn. Qua đó, làm rõ được mối quan hệ, tương tác giữa các hoạt động ở hệ thống nhà văn hóa cơ sở để có những giải pháp phù hợp, nhằm đạt được hiệu quả cần thiết, phát huy hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa trên địa bàn thành phố Sơn La.

Thành phố Sơn La thuộc vùng cao, ở trung tâm của tỉnh, có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 750m. Tổng diện tích tự nhiên 32.351,45 ha. Nhiệt độ trung bình hàng năm 21oC. Sơn La có 21 dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Mông, Mường, Dao, Hoa, Tày... nhưng đông nhất là người Thái, chiếm trên 51%. Thành phố Sơn La có 12 xã, phường trực thuộc, trong đó gồm có 5 xã là: Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần và Hua La. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD/năm (tương đương 47,2 triệu đồng). Thành phố Sơn La đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được toàn dân hưởng ứng. Đến năm 2016, 94% tổ, bản, tiểu khu có nhà văn hóa. Có 280 đội văn nghệ của các tổ, bản, tiểu khu. Có 50 câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở. Có 66/68 bản, tiểu khu của 5 xã đã có nhà văn hóa cộng đồng là nơi sinh hoạt tập thể cho nhân dân; 100% các xã có nhà văn hóa khang trang.

Trong quá trình xây dựng bản mường trước đây, các dân tộc sinh sống ở Sơn La đã có các địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần từ sớm nhưng chủ yếu mang ý nghĩa tâm linh, là nơi làm lễ cúng tế, cầu an cho bản, mường, các sinh hoạt mang tính chất lễ hội khác, vì vậy thường không có địa điểm cố định, hoặc chỉ là các phiêng, bãi đầu bản, mường có không gian rộng, thuận lợi được chọn lựa là nơi để tổ chức. Mô hình nhà văn hóa ở các xã, bản, tổ dân phố, phường đã sớm có ở Sơn La nhưng chủ yếu mang chức năng là hội trường, nơi họp dân, tuyên truyền các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có không gian hạn chế, chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, không thể tổ chức các lễ hội truyền thống nhân các dịp tết lễ…

Để thực hiện việc nâng cao chất lượng quản lý hoạt động nhà văn hóa, cần phải quán triệt một số nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý hoạt động nhà văn hóa

Để các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa xã, bản dần hoàn thiện và thống nhất, hoạt động có hiệu quả, vai trò của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương rất quan trọng, để nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cán bộ đảng viên, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân về sự cần thiết của việc quy hoạch hệ thống nhà văn hóa đúng quy định pháp luật và xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả ở các nhà văn hóa xã, bản, tổ phố mỗi địa phương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các nhà văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động ở cơ sở được đảm bảo phát triển đúng hướng, có hiệu quả cao.

Quy hoạch đầy đủ về quỹ đất để sử dụng xây dựng các công trình văn hóa phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Đối với những nhà văn hóa bản chưa đảm bảo chuẩn chung theo quy định của Bộ VHTTDL về diện tích sử dụng, cần quy hoạch lại để sớm có hướng đưa vào điều chỉnh quy hoạch. Phải công khai minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về công trình, kiến trúc xây dựng, chất lượng công năng sử dụng. Trên cơ sở đó, kêu gọi nhân dân tham gia đóng góp hỗ trợ với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy quản lý hoạt động của nhà văn hóa

Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các nhà văn hóa chính là năng lực của cán bộ hướng dẫn nghiệp vụ cũng như người trực tiếp quản lý nhà văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm đến việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động theo nghị quyết Đảng các cấp, đòi hỏi người cán bộ làm công tác văn hóa phải được trang bị cả tư duy lý luận và nghiệp vụ chuyên ngành. Việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa xã, bản. Hiện nay, nguồn cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở của tỉnh Sơn La được đào tạo chủ yếu từ trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, một phần là các sinh viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội. Đa số những người trực tiếp quản lý các nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn thành phố Sơn La đều không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ văn hóa, chỉ có một số ít cán bộ phụ trách nhà văn hóa xã được bồi dưỡng qua những lớp tập huấn chuyên ngành ngắn hạn. Chính quyền xã, phường đã quy hoạch bố trí cán bộ có chuyên môn hoặc thường xuyên có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng về quản lý hoạt động văn hóa. Đồng thời, định kỳ hàng quý, 6 tháng/lần kiểm tra, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối với các nhà văn hóa ở các xã, bản. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi địa phương gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cùng với đó, Trung tâm VHTT, thành phố cần xây dựng chương trình cụ thể cho việc chỉ đạo nghiệp vụ với cán bộ phụ trách nhà văn hóa, chủ động xây dựng kế hoạch công tác. Hàng năm bố trí lịch làm việc với lãnh đạo các phường, xã, các thôn tổ dân phố về những nội dung cơ bản của hoạt động tại chỗ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa ở cơ sở. Với cán bộ chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ, cần bổ sung kiến thức chuyên môn, cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của các cấp, nhiệt tình hỗ trợ cho cán bộ phụ trách phong trào cơ sở, phải sâu sát cầm tay chỉ việc. Đặc biệt với những người phụ trách, tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa cần được hỗ trợ chuyên môn, trang bị kỹ năng tổ chức, bổ sung thường xuyên các tài liệu, văn bản. Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cộng tác viên và người phụ trách phong trào ở cơ sở.

Chương trình bồi dưỡng tập huấn cần có tính đặc thù, nên quan tâm đến các nội dung mà cán bộ phụ trách nhà văn hóa còn hạn chế như: gây quỹ và thu hút tài trợ (trong phạm vi nhỏ) đến hoạt động công chúng, tổ chức thi đấu thể dục thể thao, dàn dựng, nhận diện các hoạt động văn nghệ và câu lạc bộ, nhóm sở thích, hay phân tích đánh giá chính sách văn hóa… Tất cả sẽ góp phần giúp cho quản lý các hoạt động và tổ chức hoạt động ở các nhà văn hóa cơ sở, tăng hiệu quả, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, giúp cho việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được tốt hơn.

Nhóm giải pháp về quản lý nội dung hoạt động nhà văn hóa

Mở rộng các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng ở mỗi nhà văn hóa thông qua những chương trình giao lưu đối với các câu lạc bộ gia đình trẻ, không sinh con thứ ba; truyền dạy, giới thiệu các nghề truyền thống của dân tộc, sáng tạo các sản phẩm văn hóa du lịch (trong cuộc vận động: mỗi xã phường có một sản phẩm du lịch truyền thống), văn hóa văn nghệ, những cuộc liên hoan nhỏ trong xã, bản để mọi người dễ dàng tiếp thu những giá trị thẩm mỹ tích cực, tạo nên sự gần gũi, hòa hợp. Cần phối hợp tổ chức thêm những chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp giữa các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đối với hoạt động sinh hoạt tại các nhà văn hóa xã, bản. Đây là điều kiện để phát huy những trang bị cơ sở vật chất tại chỗ với việc thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp đan xen với chương trình văn nghệ mộc mạc, đầy tính dân gian ở cơ sở.

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

Cần sớm xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về văn hóa một cách toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực của đời sống văn hóa, phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam; điều chỉnh, bổ sung những chính sách ban hành cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước đồng thời, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển. Việc xây dựng thể chế văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quan hệ giữa văn hóa và kinh tế cần được nghiên cứu đổi mới để đồng bộ, nhằm tăng cường vai trò của văn hóa với đời sống xã hội và quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở gắn bó chặt chẽ với công tác xã hội hóa. Nhà văn hóa, ngoài những chức năng cơ bản, cần được nhìn nhận như một dịch vụ cung ứng hoạt động công ích. Vì vậy, cần rà soát, thay thế loại bỏ các chính sách không còn phù hợp, ban hành những chính sách có tính khả thi, cụ thể:

Đề xuất phương án hỗ trợ đặc thù đối với những nhà văn hóa thuộc các xã xa trung tâm thành phố để có sự đầu tư thêm cơ sở vật chất cơ bản, đáp ứng nội dung của từng hoạt động tại cơ sở.

Khuyến khích xã hội hóa các tổ chức ngoài công lập, xây dựng nhà văn hóa chuyên đề. Kêu gọi, vận động khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn các xã có điều kiện, có lợi thế đầu tư trang thiết bị hoạt động cho nhà văn hóa. Nhân rộng mô hình quản lý hoạt động hiệu quả các nhà văn hóa trên địa bàn: tổ chức đám cưới truyền thống, dạy học chữ Thái, dạy về phong tục tập quán truyền thống cho thanh thiếu niên tại nhà văn hóa được thực hiện có hiệu quả ở một số xã của thành phố.

Hỗ trợ tài chính, khuyến khích các nhà văn hóa hoạt động hiệu quả trong việc bảo lưu, gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương (văn hóa vật thể và phi vật thể) cũng như quảng bá hình ảnh của thiết chế văn hóa chung ở cộng đồng dân cư, đồng thời tích cực giao lưu hợp tác đối với địa phương khác.

Thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động luyện tập và biểu diễn đối với các đội văn nghệ bản; chi trả đúng, đủ mức hỗ trợ cho các đội văn nghệ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh số 43/2017/NQ-HĐND ngày 15-3-2017 về định mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động, phối hợp tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa xã, bản để kịp thời phát hiện, định hướng, uốn nắn các hoạt động chưa phù hợp và có những kiến nghị đề xuất sớm giải quyết để nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn thành phố Sơn La.

Quản lý hoạt động nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn thành phố Sơn La nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết, chính sách về văn hóa cơ sở đi vào thực tiễn đời sống, cùng hướng đến mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giải pháp quản lý hoạt động nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn thành phố Sơn La nhằm góp phần giúp người dân tiếp tục lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nâng cao hiểu biết, giao lưu, phát huy sáng tạo các giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp của dân tộc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Tác giả: Nguyễn Thái Hà

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;