Giải pháp cơ bản phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện nay

Phát huy tối đa tính chủ quan trong tự học của sinh viên nói chung và sinh viên ở Học viện Phụ nữ Việt Nam (HVPNVN) nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, chi phối toàn bộ các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí, động cơ, thái độ và năng lực hoạt động thực tiễn trong quá trình học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, phát huy tính chủ quan trong tự học còn huy động vào quá trình khám phá, phát hiện, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong quá trình học tập, rèn luyện nhằm đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của HVPNVN. Bài viết phân tích, làm rõ một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên HVPNVN trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học.

Ảnh: elearning.hvpnvn.edu.vn

Tự học là một quá trình phát huy tổng hợp các nhân tố chủ quan của người học, nhằm tiếp thu, lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo và phát triển tri thức mới do chính bản thân người học tiến hành để phát triển và hoàn thiện các năng lực, phẩm chất nhân cách theo một định hướng xã hội nhất định. Nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN là sự thống nhất hữu cơ các yếu tố tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí của người học về công tác phụ nữ được huy động vào trong quá trình học tập, nhằm nâng cao tri thức, hoàn thiện phẩm chất, năng lực đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã xác định. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN là phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong phát triển tri thức công tác phụ nữ; tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ; ý chí thực hiện công tác phụ nữ... qua quá trình đào tạo theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã xác định để sau khi ra trường sinh viên có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ công tác phụ nữ mà tổ chức giao cho.

1. Thực trạng việc tự học của sinh viên HVPNVN hiện nay

Sinh viên HVPNVN trong những năm qua, nhìn chung, đã phát huy tốt vai trò nhân tố chủ quan trong tự học; góp phần đáng kể vào thực hiện nhiệm vụ học tập và công tác giáo dục, đào tạo. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ phụ nữ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh đã đạt được vẫn còn tồn tại, bất cập: Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, sinh viên ở Học viện Phụ nữ chưa được thường xuyên thông tin tuyên truyền, giáo dục tự học và ý thức tự học; bởi vì, tự học phải trải qua quá trình tuyên truyền giáo dục và tự nghiên cứu, tự học, rèn luyện công phu, nghiêm túc của mỗi sinh viên mới có được. Điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả tự học của sinh viên.

Một thực trạng nữa ảnh hưởng đến công tác tự học đó là điều kiện trang bị cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng hết yêu cầu cho sinh viên, nhất là việc tự học trực tuyến. Đường dẫn không ổn định khiến việc truy cập bài giảng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian dịch COVID-19.

 Sinh viên ở HVPNVN, phải thường xuyên đọc giáo trình, tài liệu, đọc báo, nghe đài, theo dõi chương trình “về công tác phụ nữ”. Cán bộ quản lý sinh viên cần phải có thời gian và kế hoạch cụ thể cho mỗi sinh viên phát huy tính tích cực, tự giác nghiên cứu trau dồi kiến thức về công tác phụ nữ. Tuy nhiên, thời gian dành cho công tác tự học ở một số sinh viên chưa nhiều, việc thực tế thực hành còn ít. Đặc biệt, nguồn sách của thư viện chưa thật sự phong phú điều đó cũng ảnh hưởng đến công tác tự học của sinh viên.

Mặt khác, trước yêu cầu, đòi hỏi, ngày càng cao của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, Đảng ta xác định: “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo” (1). Vì vậy, các cơ sở đào tạo luôn đặt vấn đề chất lượng đào tạo lên hàng đầu, là thương hiệu, uy tín của cơ sở đào tạo. Nhưng thực tế việc giảng dạy của giáo viên cũng có lúc chưa thực sự hấp dẫn, do vậy chưa kích thích được tính tích cực tự học của sinh viên. Điều đó cũng đặt ra cho sinh viên ở HVPNVN phải có phương pháp tự học cao, để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã xác định. Vì vậy, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN là hết sức cần thiết hiện nay; để phát huy có hiệu quả cần phải có những giải pháp tích cực.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao tính chủ động tích cực tự học của sinh viên HVPNVN

Để phát huy hiệu quả vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN hiện nay cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, xây dựng động cơ đúng đắn trong tự học của sinh viên HVPNVN hiện nay

Đây là giải pháp cơ bản giữ vị trí hàng đầu; bởi lẽ, xây dựng động cơ đúng đắn là yếu tố bên trong, tạo sức mạnh nội lực thôi thúc mỗi sinh viên phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn học tập có kết quả thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng” (2); tức là, trước hết cần phải có động cơ học tập đúng đắn. Động cơ, tạo ra động lực mạnh mẽ bên trong của mỗi con người, được biểu hiện qua hành vi, thái độ công việc; là yếu tố quan trọng bên trong để mang lại thành công. Nhờ động cơ mà con người xác định rõ nhiệm vụ của bản thân và sự nỗ lực cố gắng không ngừng của chính họ để thực hiện nhiệm vụ đó. Động cơ, bao giờ cũng bắt nguồn từ nhu cầu, khi nhu cầu gặp đối tượng nảy sinh động cơ. Xây dựng động cơ đúng đắn trong tự học của sinh viên ở HVPNVN luôn xuất phát từ nhu cầu muốn thực hiện nhiệm vụ học tập, quy chế giáo dục đào tạo của HVPNVN. Từ nhu cầu đó, đòi hỏi mỗi sinh viên phải tích lũy, hoàn thiện tri thức công tác phụ nữ; củng cố tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ; xây dựng ý chí thực hiện công tác phụ nữ. Khi thực hiện được vấn đề trên, vừa thể hiện quyền lợi và lợi ích thiết thực của mỗi sinh viên; vừa đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Để xây dựng động cơ đúng đắn trong tự học, ngay từ đầu mỗi sinh viên ở HVPNVN cần được quán triệt chu đáo, tỉ mỉ; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cán bộ công tác phụ nữ, theo từng bài học, môn học hằng năm. Mỗi sinh viên ở HVPNVN nắm được đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ chung đào tạo cán bộ phụ nữ, công tác phụ nữ, nhiệm vụ cụ thể của từng môn học, phần học, năm học theo từng ngành, từng lĩnh vực phụ trách; các chỉ thị, văn bản, hướng dẫn, quy định của cấp trên; nghiệp vụ, chuyên trách về phụ nữ và công tác phụ nữ. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, sinh viên ở HVPNVN phải được thường xuyên thông tin tuyên truyền, giáo dục tự học và ý thức tự học; bởi vì, tự học phải trải qua quá trình tuyên truyền giáo dục và tự nghiên cứu, tự học, rèn luyện công phu, nghiêm túc của mỗi sinh viên mới có được.

Bên cạnh đó, xây dựng động cơ đúng đắn trong tự học của sinh viên cần phải tích cực đấu tranh với mọi thói hư, tật xấu; các hành vi, vi phạm quy chế giáo dục đào tạo, quy định của HVPNVN... ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo, của mỗi cá nhân và cơ quan, đơn vị. Tiếp tục hoàn thiện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống và các chuẩn mực xã hội của người cán bộ phụ nữ trong giai đoạn mới; hình thành ở mỗi sinh viên tình cảm cách mạng trong sáng, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Vì vậy, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN, là góp phần nâng cao tính tích cực tự học của chính họ; đồng thời, hoàn thiện mô hình nhân cách của người sinh viên đào tạo cán bộ phụ nữ trong tình hình hiện nay.

Hai là, nâng cao tính tích cực, tự giác nghiên cứu, hoàn thiện tri thức công tác phụ nữ của sinh viên ở HVPNVN

Đây là giải pháp quan trọng; bởi, muốn phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN, thì phải có tri thức công tác phụ nữ; tri thức đó, có thể hình thành nhiều con đường, trong đó tích cực, tự giác nghiên cứu, hoàn thiện kiến thức về công tác phụ nữ, là một trong những con đường quan trọng để nâng cao hiệu quả tự học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biết tự động học tập” (3); Cách học tập: “Lấy tự học làm cốt” (4). Trong đó có tích cực, tự giác nghiên cứu, tự học, khám phá thế giới khách quan là để phục vụ cho cuộc sống là bản chất hoạt động của con người. Do đó, tích cực, tự giác nghiên cứu, khám phá tri thức công tác phụ nữ, để phục vụ cho đời sống công tác phụ nữ là nhu cầu cần thiết của mỗi người. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN là phát huy vai trò của sinh viên tích cực, tự giác nghiên cứu, tự học, tìm hiểu, lĩnh hội, hoàn thiện tri thức công tác phụ nữ; củng cố tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ; xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ thông qua quá trình đào tạo.

Để thực hiện nội dung trên, cần xây dựng cho sinh viên ở HVPNVN lòng ham hiểu biết, tính tích cực, tự giác nghiên cứu, tự học, tìm hiểu, hoàn thiện kiến thức công tác phụ nữ; đây là cơ sở, tiền đề đầu tiên để hình thành tự học. Nếu không có kiến thức về công tác phụ nữ, thì không có tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ và không có ý chí quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ. Vì vậy, để có kiến thức công tác phụ nữ sâu sắc thì phải biết phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên tích cực, tự giác nghiên cứu, tự học, hoàn thiện kiến thức về công tác phụ nữ ngày một cao hơn.

Sinh viên HVPNVN phải thường xuyên đọc giáo trình, tài liệu, đọc báo, nghe đài, theo dõi chương trình “về công tác phụ nữ”. Cán bộ quản lý sinh viên cần có thời gian và kế hoạch cụ thể cho mỗi sinh viên phát huy tính tích cực, tự giác nghiên cứu trau dồi kiến thức công tác phụ nữ. Cần có sự định hướng, tổ chức, hướng dẫn cho mỗi sinh viên được tham khảo sách công tác phụ nữ, tiếp cận vấn đề công tác phụ nữ; hình thành thói quen tư duy độc lập sáng tạo, phương pháp xem xét, đánh giá từng vấn đề về công tác phụ nữ một cách nghiêm túc; từ đó, hình thành nên kiến thức kỹ năng, kỹ xảo thực hiện, giải quyết các tình huống nảy sinh liên quan đến phụ nữ một cách có hiệu quả.

Cần thấy rõ vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của tự học trong đời sống xã hội, trong thực hiện nhiệm vụ học tập tại HVPNVN. Trên cơ sở nhiệm vụ của cấp trên giao, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tình hình cụ thể của từng môn học, phần học, học kỳ và năm học, sinh viên phải có kế hoạch, chương trình hành động tự học cụ thể phù hợp với cơ quan, đơn vị và bản thân. Sinh viên ở HVPNVN phải biết phát huy vai trò trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch tự học; tích cực, tự giác rèn luyện, tự nghiên cứu, tự học, nâng cao tri thức công tác phụ nữ đầy đủ hơn. Mỗi sinh viên phải thường xuyên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về học thuật, về công tác phụ nữ do lớp, khoa và HVPNVN tổ chức. Trên cơ sở đó, sinh viên kiểm nghiệm, củng cố kiến thức, khuyến khích, động viên tinh thần tích cực, say mê tự giác nghiên cứu, tự học, mở rộng hiểu biết kiến thức về công tác phụ nữ thông qua hoạt động tự học.

Ba là, củng cố tình cảm, niềm tin, xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ của sinh viên HVPNVN hiện nay

Đây là giải pháp cần thiết phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của mỗi sinh viên; bởi vì, để có ý thức quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ nghiêm túc, phải củng cố tình cảm, niềm tin, ý chí thực hiện công tác phụ nữ. Đây là quá trình giáo dục, rèn luyện công phu, nghiêm túc, củng cố tình cảm, niềm tin, xây dựng ý chí thực hiện công tác phụ nữ mới có được. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (5).

Sinh viên HVPNVN phải có tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ, đây là, yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo. Cần xây dựng cho mỗi sinh viên luôn có thói quen sống gắn với tự học, như nhu cầu cơm ăn, nước uống hằng ngày, nên cần phải có một quá trình rèn luyện lâu dài, nghiêm túc mới thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Học phải đi đôi với hành. Học để hành càng ngày càng tốt hơn” (6). Thói quen sống gắn với tự học, là thói quen được cụ thể hóa trong ý thức thực hiện các nhiệm vụ. Cùng với quá trình đó, phải tích cực tự giác tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi thực tiễn đặt ra.

Tình cảm công tác phụ nữ là những cảm xúc, thái độ của mỗi sinh viên với công tác phụ nữ; được hình thành trong nhận thức quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, lập trường giai cấp công nhân, bản chất tốt đẹp của công tác phụ nữ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tình cảm công tác phụ nữ của sinh viên HVPNVN được biểu hiện ở tình yêu công tác phụ nữ; sự đồng cảm, thiết tha gắn bó, chia sẻ sâu sắc với công tác phụ nữ. Thái độ tích cực trong cuộc sống, biết quý trọng lao động, nhân cách của người sinh viên HVPNVN, giá trị phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng; đồng thời, tích cực đấu tranh chống lại mọi biểu hiện tiêu cực, lối sống buông thả, vô kỷ cương và các tệ nạn xã hội khác đi ngược lại với quyền lợi của phụ nữ hiện nay.

Khi mỗi sinh viên có tình cảm với công tác phụ nữ, có một hệ thống rung động mãnh liệt đạt tới cảm xúc say mê công tác phụ nữ, sẽ thôi thúc họ tìm tòi khám phá tri thức công tác phụ nữ. Như V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có sự xúc cảm của con người thì xưa nay không có và không thể có sự tìm tòi chân lý” (7). Tình cảm công tác phụ nữ của mỗi sinh viên sẽ ngày càng sâu sắc và bền vững, khi chúng không ngừng được củng cố, vun đắp trên nền tảng tri thức công tác phụ nữ vững chắc.

Niềm tin công tác phụ nữ là sự vững tin lành mạnh của mỗi sinh viên đối với công tác phụ nữ. Vai trò của niềm tin đối với sự hình thành tự học của mỗi sinh viên rất lớn. Không có niềm tin công tác phụ nữ thì sinh viên không thể có ý chí quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ; không có sự đam mê thiết tha gắn bó trong thực hiện công tác phụ nữ; cũng không thể có hành động tích cực cho sự tiến bộ của phụ nữ. Biểu hiện, niềm tin công tác phụ nữ của sinh viên là sự tin tưởng vững chắc và gắn bó với lối sống công tác phụ nữ; coi đây, là niềm vinh dự, trách nhiệm của mỗi người. Tinh thần quyết tâm phấn đấu, vượt qua gian khổ với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và chủ nghĩa xã hội vì sự tiến bộ của phụ nữ; tính chủ động khắc phục mọi khó khăn, không so đo tính toán thiệt hơn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã giao.

Mỗi sinh viên nếu chỉ có tri thức, tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ không thì chưa đủ, mà phải có ý chí thực hiện công tác phụ nữ. Nhờ ý chí công tác phụ nữ mà mỗi sinh viên quyết tâm thực hiện công tác phụ nữ. Môi trường đào tạo ở HVPNVN, ý chí thực hiện công tác phụ nữ, luôn gắn liền với ý chí thực hiện nhiệm vụ học tập của mỗi sinh viên; tình cảm giai cấp, dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí, đồng đội, trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chuyển hóa những tri thức công tác phụ nữ tiếp nhận được vào trong mỗi sinh viên thông qua tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ đã có được.

Các giải pháp nêu trên có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Sự phân chia thành các giải pháp cũng chỉ mang tính tương đối. Mỗi giải pháp đều có vị trí, vai trò, tầm quan trọng và biện pháp thực hiện riêng. Vì vậy, khi vận dụng cần thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp, nhưng tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh, thời gian mà xác định giải pháp nào là trọng tâm, cần tập trung thực hiện. Có như vậy, mới phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN có hiệu quả.

Sự hình thành tự học bằng nhiều con đường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan; trong đó, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học là rất quan trọng. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên ở HVPNVN là rất cần thiết; được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn liền với điều kiện hoạt động đặc thù của HVPNVN trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan, là phát huy vai trò của mỗi sinh viên hoàn thiện tri thức công tác phụ nữ; tình cảm, niềm tin công tác phụ nữ; ý chí thực hiện công tác phụ nữ trong đào tạo. Để mỗi sinh viên có ý thức thói quen công tác phụ nữ, ý thức quyết tâm trong thực hiện công tác phụ nữ thì cần xây dựng phẩm chất, năng lực cần thiết, hoàn thiện mô hình nhân cách của người sinh viên đáp ứng yêu cầu xây dựng cán bộ phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.138.

2, 5, 6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.116, 617, 113.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.360.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.312.

7. V.I.Lênin toàn tập, tập 25, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.131.

Ths NGUYỄN THỊ NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;