Sáng 22-12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2023 của ngành VHTTDL tại điểm cầu Bộ VHTTDL và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố, điểm cầu tại cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Chủ trì và điều hành Hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, đoàn thể trung ương. Tại các điểm cầu có đại diện lãnh đạo: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL. Với tổng số hơn 2000 đại biểu tham dự tại 65 điểm cầu.
Các đồng chí Lãnh đạo dự hội nghị
5 điểm sáng của ngành VHTTDL năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2022, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, toàn ngành VHTTDL đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao với phương châm hành động từ đầu nhiệm kỳ là “khát vọng cống hiến, khát vọng hành động”, toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là việc cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư đã kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. Có 5 điểm sáng, đó là:
Thứ nhất, toàn ngành đã thay đổi cơ bản trong tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Ngành đã chủ động rà soát, phát hiện các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền về giải pháp tháo gỡ. Chỉ trong một năm, Quốc hội đã thông qua 2 bộ Luật, 6 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực của ngành và hơn 20 Thông tư của Bộ.
“Bên cạnh đó, phát hiện ra nhiều điểm nghẽn, nhiều vấn đề phải kiến nghị và quan trọng nhất là đã tham mưu đúng, trúng và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, cho phép tổ chức Hội thảo về Thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa mà Bộ VHTTDL là cơ quan tham mưu và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì, định hướng cho Bộ những công việc phải làm, những điều trong bộ luật cần thay đổi, khơi thông được nguồn lực trong phát triển. Trong đó Bộ VHTTDL đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong việc xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là bước đi quan trọng, có tính chất then chốt cho phát triển văn hóa trong những năm tiếp theo”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng chủ trì và điều hành Hội nghị
Điểm sáng thứ hai là chúng ta đã tập trung xây dựng văn hóa một cách thực chất, chọn xây dựng môi trường văn hóa cơ sở làm chủ đề công tác năm, nhấn mạnh yếu tố môi trường văn hóa, gia đình văn hóa là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa, từ đó để tập trung thực hiện. Sau lễ phát động tại tỉnh Nghệ An, sức lan tỏa của vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đã thấm sâu, và được các Bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL đã xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân trong doanh nghiệp… Đã có nhiều doanh nghiệp làm tốt hơn chức năng phát triển văn hóa, văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa.
“Riêng Bộ VHTTDL đã chọn việc khó, đó là xây dựng môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư, đã có nhiều địa phương triển khai hiệu quả tốt như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An… Qua đó, sức lan tỏa của nó đã góp phần khắc phục thực trạng xuống cấp văn hóa”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Điểm sáng thứ 3, toàn ngành đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp vùng, khu vực và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân trong nước và trong lòng bạn bè quốc tế. SEA Games 31 thành công ở nhiều phương diện gắn với văn hóa, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Các cuộc Liên hoan lớn của toàn ngành, vừa duy trì các hoạt động nghề nghiệp, tạo sức bật lớn cho các địa phương như Liên hoan Đờn ca tài tử tại Cần Thơ; Liên hoan Chèo tại Hà Nam; Liên hoan tiếng hát công nhân tại Bắc Ninh… không chỉ duy trì các hoạt động nghề nghiệp, tạo sức bật phát triển du lịch, kinh tế xã hội cho các địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
Thứ 4 là điểm sáng về du lịch, dù chưa đạt được kết quả như mong đợi về lượng khách du lịch quốc tế nhưng du lịch nội địa đã vượt xa mục tiêu đặt ra. Năm 2022, Việt Nam đã phục vụ 101 triệu lượt khách nội địa, đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế,… với tổng đóng góp cho nền kinh tế 495.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh về những điểm sáng của ngành VHTTDL
Thứ 5, toàn ngành đã quan tâm đến nhiều đối tượng đặc thù, “chúng ta đã quan tâm, hiểu sâu sắc hơn quan điểm của Đảng khi khẳng định văn hóa là một lĩnh vực rộng, phải đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành trực tiếp của Nhà nước, trong đó nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Vì vậy, ngành đã kiến nghị để trình cấp có thẩm quyền Nghị định đặc thù cho đối tượng văn nghệ sĩ. “Chúng ta cũng đã tạo ra một không gian để các nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Vừa qua, ngành VHTTDL cũng đã tổ chức thành công Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" tại thành phố hoa phượng đỏ. Nhiều nghệ sĩ cảm động, cho rằng cách làm mới của Bộ VHTTDL, một hiệu ứng tốt và họ sẵn sàng suy nghĩ, trăn trở để có được những tác phẩm đúng như tiêu chí "Sống mãi với thời gian". Chúng ta tự hào rằng, kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, sự nỗ lực lớn của toàn ngành…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên tinh thần cầu thị, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình phát triển 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở từng địa phương, mức độ hoàn thành còn khác nhau. Nhiều địa phương chưa cũng thực sự triển khai chủ đề năm công tác của Bộ, các kết luận của Trung ương liên quan đến lĩnh vực VHTTDL.
“Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận, trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng để sửa. Bởi nếu không tâm đến phát triển văn hóa thì vùng đất đó liệu có phải nơi để kiến tạo sự bền vững hay không. Lãnh đạo Sở Văn hóa các địa phương cùng lãnh đạo Bộ phải trăn trở, suy nghĩ hơn vấn đề này”, Bộ trưởng bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng, ngành VHTTDL là ngành đặc thù, có địa phương là 3 sở, nhưng cũng nhiều địa phương có 2 sở quản lý, vì vậy sự phối còn thiếu chặt chẽ. “Chúng ta đều biết, du lịch phát triển, sản phẩm của du lịch là sản phẩm của văn hóa, đó mới là gốc rễ lâu bền. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương vẫn chưa có sự phối hợp, dẫn đến lúng túng trong cách thực hiện”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Bộ sẽ xem xét mở các lớp đào tạo theo nhu cầu của địa phương để cán bộ quản lý ngành văn hóa cần đủ tâm, đủ tầm, đúng chuyên môn nhiệm vụ để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh về một số nhiệm vụ năm 2023, đó là phải thực sự đổi mới từ duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Các sự kiện văn hóa phải thực hiện một cách bài bản, có điểm nhấn, tạo hình ảnh, có sức lan tỏa, bám sát mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa.
Trong vấn đề thể chế, chính sách, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý để Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, dự kiến sẽ có 6 đề án. "Vì vậy, tôi mong muốn các địa phương tham gia đóng góp từ khâu nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách. Chương trình Mục tiêu quốc gia về Văn hóa sau khi được xây dựng sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành, không chỉ trong ngắn hạn mà còn ở nhiều nhiệm kỳ sau".
Cho rằng ngành Văn hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng mong mỏi đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, nhẫn nại. Bộ trưởng đề nghị đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa cần đeo bám, chỉ đạo văn hóa ở cơ sở để cụ thể hóa các chỉ đạo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trên cơ sở này, cụ thể hóa các nội hàm, các thành tố mà trong các hội thảo chúng ta đã đề cập, để triển khai, trên tinh thần không cầu toàn mà chọn việc, chọn điểm, phù hợp với thực tiễn của địa phương trong thời gian tới.
Gắn với đó, muốn phát triển chúng ta phải chuyển đổi số, phải tranh thủ nhiều nguồn lực để chuyển đổi số thì ngành VHTTDL mới về đích sớm…
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải trình bày “công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”
Những kết quả đáng khích lệ về công tác cán bộ và văn hóa cơ sở
Báo cáo về thực hiện chủ đề công tác năm tại Hội nghị, ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VHTT TP.HCM cho biết, năm 2022 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực. Ngành Thể thao của thành phố đã quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các lĩnh vực của ngành để thực hiện tốt chủ đề năm 2022 là xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ trên địa bàn thành phố. Về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được thành phố quan tâm, chú trọng huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú... Về các thiết chế văn hóa cơ sở, luôn được quan tâm, đầu tư và được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, từ các trang thiết bị phục vụ cho đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao, cho các xã, góp phần cải thiện đời sống văn hóa cho các vùng nông thôn, ngoại thành. Thành phố đã bước đầu triển khai đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.HCM đến năm 2035, và tập trung triển khai thực hiện về quy hoạch, đầu tư, sửa chữa, trang thiết bị, các thiết chế văn hóa và thể thao một cách đồng bộ để giải quyết các nhu cầu cấp thiết để xây dựng đời sống văn hóa, thể thao vừa phù hợp với định hướng phát triển trong lĩnh vực, cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước…
Toàn thành phố đã có 1785 quy ước cộng đồng được phê duyệt, 95% xây dựng quy ước khu phố, ấp, góp phần hoạt động có hiệu quả tự quản và hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, giữ vững ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề trong việc quản lý, điều tiết các mối quan hệ xã hội, giữ gìn phát huy các tập tục, văn hóa truyền thống, lồng ghép, phát huy có hiệu quả cuộc vận động: “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người TP.HCM không xả rác ra đường, kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” góp phần thiết thực thực hiện dân chủ cơ sở cũng như xây dựng đời sống văn hóa ở các cộng đồng dân cư…
Với chủ đề: “công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết, Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Giáo dục, kế thừa giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị di sản, lịch sử văn hóa, giáo dục cho thế hệ các dân tộc Hà Giang, đồng thời từng bước ngăn chặn xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh…
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã kiểm kê được 131 di sản văn hóa phi vật thể, 446 di sản văn hóa vật thể… Tỉnh Hà Giang đã quan tâm đầu tư, trùng tu tôn tạo 30 di sản… đã đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Di sản đã trở thành điểm hấp dẫn của khách tham quan trong và ngoài nước. Tỉnh có 27 di sản phi vật thể được ghi danh vào danh mục Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Các di sản phi vật thể đã được bảo tồn, phục dựng, đã và đang phát huy di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khi khách đến với Hà Giang...
Với phương châm “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa”, xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát huy và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2022, Hà Giang có gần 2,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4536 tỉ đồng, khách quốc tế đạt gần 100 triệu lượt khách. Góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Hà Giang đang bảo tồn và phát triển các làng văn hóa cộng đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng vừa thu hút khách du lịch, vừa gắn với xóa đói giảm nghèo một cách bền vững…
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Thị Phượng trình bày "Kết quả thực hiện chủ đề công tác năm 2022 về công tác cán bộ"
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) Lê Thị Phượng trình bày Kết quả thực hiện chủ đề công tác năm 2022 về công tác cán bộ. Vụ trưởng Lê Thị Phượng cho biết, năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa, phát triển nguồn nhân lực ngành VHTTDL theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030… Bộ VHTTDL đã ban hành 12 thông tư hướng dẫn về bộ máy, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 6 Quy chế về công tác tổ chức cán bộ; 6 Quy chế của Bộ về quy định phân cấp cán bộ, 42 quy chế, quy định của các cơ quan, đơn vị được rà soát, xây dựng và ban hành.
Những kết quả về công tác cán bộ đạt được là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và đặc biệt là đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Công tác tổ chức cán bộ của Bộ, của Ngành được đổi mới, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện thống nhất; phân cấp trong công tác cán bộ được thực hiện triệt để; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được đề cao; công khai, minh bạch được thể hiện rõ nét.
Tăng cường phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bàn về văn hóa nông thôn
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn, trong thời gian tới sẽ có một diễn đàn giữa hai Bộ nhằm bàn sâu về chủ đề giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là tạo ra được cốt mới, một chuyển biến mới, nhưng phải giữ được hồn cũ. “Hồn cũ hòa quyện vào cốt mới để chúng ta còn trở về, lưu luyến lại” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn “Cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nông thôn. Nếu chúng ta xem nhẹ vấn đề này thì đến một ngày chúng ta sẽ phải thốt lên câu cảm thán: Giá như!. Nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp của một quốc gia hiện đại, văn minh giữa quốc gia này với quốc gia khác, thì nông thôn mới là nơi so sánh bản sắc dân tộc giữa quốc gia này với quốc gia khác”.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng năm 2023, Bộ VHTTDL xây dựng được một nền tảng số của Bộ
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, hy vọng năm 2023, Bộ VHTTDL xây dựng được một nền tảng số của Bộ, của ngành, chất lượng, hiệu quả công việc sẽ được nâng lên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh về phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Điều đó có nghĩa văn hóa là kết tinh của mỗi quốc gia, nằm ở trong trái tim của mọi người dân. Vì vậy, văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực, trụ cột cho sự phát triển bền vững. Cần chăm lo đề văn hóa thấm đẫm trong mọi người dân để trở thành lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Bước sang năm 2023, Bộ VHTTDL cần phải đưa những Nghị quyết thành những hành động thiết thực, phong trào sôi nổi, hành vi, lời nói, thói quen, nét đẹp trong cộng đồng dân cư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính rất quan tâm đến văn hóa
Về nguồn lực văn hóa hết sức quan trọng, ngoài nguồn lực của nhà nước còn có nguồn lực ở các tổ chức ngoài nhà nước. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính rất quan tâm đến văn hóa, từ 14.000 tỉ đồng trong năm 2018, đến năm 2022, ngân sách chi cho sự nghiệp văn hóa đã tăng lên 17.000 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng, ngoài ngân sách, quan trọng nhất vẫn là thu hút nguồn lực từ bên ngoài từ nhân dân, từ cộng đồng doanh nghiệp… Để làm được điều đó phải tháo gỡ những nút thắt về mặt thể chế, đặc biệt là về thông tư và nghị định…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng về lĩnh vực thể thao, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thể thao nước nhà đã làm cho cả nước nức lòng, trong khi kinh tế đang bị trầm xuống do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ trưởng cho rằng, các hoạt động thể thao, văn hóa giúp cho chúng ta có cảm hứng, hiệu quả lao động được nâng cao, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng về lĩnh vực thể thao
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, thời gian tới sẽ cùng với Bộ VHTTDL đồng hành để làm tốt hơn trong việc bảo tồn những di sản tự nhiên của đất nước. Hai Bộ hiện đang có sự giao thoa trong vấn đề quản lý di sản, danh lam thắng cảnh, công viên địa chất… Bộ TNMT sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL bằng những hành động cụ thể hơn nữa nhằm bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên, mà đất nước, cha ông chúng ta nhiều đời phát triển, gìn giữ được.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chúc mừng sự thành công của Bộ VHTTDL đã có những sự kiện nổi bật trong năm qua. Đồng thời, cho biết Bộ đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức 2 hội thảo lớn: bàn về thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa và “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”.
“Đáng mừng là ngành Văn hóa đang nhận được sự quan tâm lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các địa phương gần như ngành nào cũng có kế hoạch riêng cho văn hóa, tăng mức đầu tư cho văn hóa. Đây là cơ hội để ngành Văn hóa tiếp tục có những bước phát triển mới hơn trong thời gian tới” – ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị
Cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những nỗ lực về thành tích của toàn nghành VHTTDL, trong đó có 10 sự kiện rất toàn diện của toàn ngành.
Phó Thủ tướng chia sẻ, năm nay, lần đầu tiên ông thấy có nhiều Bộ trưởng các ngành cùng dự Hội nghị tổng kết năm của Bộ VHTTDL. Điều đó cho thấy điều gì? “Năm vừa qua, chúng ta đã cùng đồng hành, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, ở nhiều quy mô để triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hội nghị là một sự kiện lớn được mong chờ sau mấy chục năm. Từ đây, nhận thức về văn hóa trong Đảng, trong xã hội thực sự đã bước sang một tầng nấc mới…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta nhớ lại và trân trọng những tâm huyết, công sức của nhiều thế hệ cán bộ ngành Văn hóa đi trước, những người đã luôn mong mỏi có được sự kiện lớn như Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đó chính là văn hóa, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thứ nhất, ngành Văn hóa cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành. Nhiều chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể làm chung chung mà phải rất tỉ mỉ, như phù sa bồi đắp hằng ngày, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia.
Thứ hai, cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, bên cạnh phát huy truyền thống, trong thời đại mà nhịp sống nhanh hơn, có những việc mà không đổi mới cách làm thì không làm được. Đặc biệt trong chuyển đổi số, lâu nay toàn ngành đã triển khai nhưng cần phải thúc đẩy mạnh hơn. Phó Thủ tướng ví dụ, trong lĩnh vực di sản văn hóa, nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia, như những ấn kiếm của các triều đại xưa luôn được nhân dân mong muốn có cơ hội chiêm ngưỡng, tuy nhiên chúng ta không có các bảo tàng đủ điều kiện an toàn, an ninh để trưng bày. Nếu có số hóa, chúng ta sẽ có thể để mọi người chiêm ngưỡng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thứ ba, nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hóa lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hóa… nhằm khắc phục tình trạng thiếu chỗ trưng bày các hiện vật, bảo vật quý hiếm, tình trạng hỏng hóc những bức tranh vô giá. Đó không chỉ là những công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc vì thế phải đầu tư bài bản, cần chuẩn bị tích cực…
Thứ tư, phải tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể… Bộ VHTTDL vẫn phối hợp với nhiều Bộ, ngành, thể hiện qua triển khai các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã hội học tập, bảo vệ an ninh tổ quốc…, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn. Phải quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
“Vì sao chúng không đặt được hàng sáng tác, trong khi đã có Nghị định về đặt hàng sáng tác, đào tạo VHNT. Tại sao lại vướng? Các văn nghệ sĩ trừ số ít đã trở thành người công chúng, người nổi tiếng, còn lại phần lớn chỉ hào nhoáng trên sân khấu, còn ra bên ngoài, sau cánh gà vô cùng khổ, thu nhập thấp. Chế độ chính sách không thể mãi thế này được. Đào tạo thế hệ trẻ trong các trường nghệ thuật, anh chị em diễn viên tập luyện khổ sở mới có được một tác phẩm. Mà tác phẩm đó, chưa chắc đã thành công, hoặc trong một vở chỉ có một vài người được mọi người biết đến… Đây là vấn đề phải thực sự được quan tâm”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, tinh giản biên chế hành chính rất cần, nhưng tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, sẽ có bao nhiêu đoàn nghệ thuật rồi đây sẽ bị mai một. Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… mỗi loại hình một khác, không thể gộp thành một đoàn. “Nhất thời sẽ không thấy vấn đề gì, nhưng sau 10 năm, chúng ta sẽ thấy rất rõ hậu quả”. Vì thế, lĩnh vực nên bàn luận kỹ, không nên một chiều.
Cuối cùng, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng khai thác tổng lực, trong đó dựa vào văn hóa, con người, điều kiện tự nhiên, đặc biệt lấy con người như một nguồn lực cho sự phát triển. “Muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh và có hiệu quả...”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH