Một số mô hình sinh kế cho vùng lõi đô thị Hà Nội

Hà Nội là một đô thị lớn với trên 7 triệu người cư trú thường xuyên và trên 3 triệu người cư trú không thường xuyên. Trong ba thập kỷ qua, Hà Nội là nơi đô thị hóa diễn ra nhanh nhất, chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần của dân cư khu vực này.Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi sâu sắc, đa dạng về sinh kế của các nhóm tầng lớp và dân cư, đặc biệt là khu vực lõi đô thị của Hà Nội. Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều mô hình sinh kế nhưng cũng có những khu vực và nhóm dân cư đang diễn ra những dạng thức “khủng hoảng sinh kế” ở nhiều mức độ khác nhau. Bài viết đề xuất một số mô hình sinh kế để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng lõi đô thị Hà Nội trong tương lai.

     Về khu vực lõi của đô thị Hà Nội

     Khu vực lõi đô thị Hà Nội là khu vực nằm ở trung tâm của thành phố, gồm 36 phố phường. Theo quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30-3-1995 của Bộ Xây dựng, Khu phố cổ Hà Nội có phạm vi được xác định: phía bắc là phố Hàng Đậu; phía tây là phố Phùng Hưng; phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật. Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiế, tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Mặc dù, các phố cổ của Hà Nội còn nằm cả bên ngoài khu vực này, nhưng do đây là khu vực tập trung phố cổ nhiều nhất và còn giữ được những đặc trưng nên chỉ khu vực theo quy định trên được gìn giữ, bảo tồn là khu phố cổ. Hoàn Kiếm cũng là một quận trung tâm của thủ đô, cả về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Với bề dày truyền thống lâu đời, Hoàn Kiếm còn là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như: Quần thể di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Nhà thờ lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân... và đình thờ các ông tổ nghề như đình Lò Rèn, đình Hàng Giấy... Quần thể di tích văn hóa lịch sử và di tích cách mạng gắn liền với truyền thống thủ đô ngàn năm văn hiến đã và đang được chính quyền thành phố quan tâm tôn tạo; và đây chính là thế mạnh, tiềm năng du lịch văn hóa của quận, tạo nên sức hút với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

     36 phố phường của phố cổ Hà Nội được hình thành từ TK XV. Mỗi phường là một khu tập trung dân cư đông đúc sản xuất và buôn bán các nghề thủ công. Mặc dù quá trình đô thị hóa nhanh khiến cho khu phố cổ có nhiều thay đổi nhưng phố cổ Hà Nội là khu thương mại, chợ và buôn bán lẻ lâu đời nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Dân cư trong khu vực này sinh sống chủ yếu vẫn là kinh doanh, dịch vụ và sản xuất ngành nghề thủ công. Hơn 90% các hộ ở mặt phố Hàng Đào có cửa hàng kinh doanh bán quần áo thời trang, Hàng Buồm chuyên bán bánh kẹo, bia, rượu từ hàng trong nước và nhập khẩu đa dạng các loại, mẫu mã, với các cửa hàng ẩm thực nổi tiếng. Hàng Bạc chuyên kinh doanh vàng, bạc đá quý với các xưởng sản xuất, chế tác các mẫu mã vàng, bạc nổi tiếng Hà Nội… Do đó, cơ cấu kinh tế của khu vực lõi đô thị, dịch vụ, du lịch chiếm vị trí chủ đạo. 36 phố cổ được coi là trung tâm hàng hóa của đất Hà thành.

     Về kinh tế

     Phần lớn thu nhập của người dân vùng lõi Hà Nội chủ yếu là nhờ kinh doanh, dịch vụ, hoạt động du lịch đem lại. Theo số liệu khảo sát, phần lớn hộ dân có thu nhập bình quân trên 10 triệu/1 tháng/1 người kinh doanh trên mặt phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Đào…, những hộ dân thu nhập bình quân <900.000 đồng là số ít và thường nằm trong ngõ nhỏ của khu vực phố cổ. Do đó, cùng nằm trên 1 phường nhưng có những căn nhà với giá hàng tỷ đồng trên 1m2 ở mặt phố, đắt hơn ở Tokyo hay Paris, có những căn 5 triệu đồng/1m2 trong ngõ không nhà vệ sinh riêng, không hộ khẩu, không có số nhà, không ai mua.

     Quận Hoàn Kiếm có 12.468 cơ sở kinh doanh, dịch vụ (2016), đông nhất trong các quận ở khu vực nội thành Hà Nội (1). Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, phù hợp với xu thế chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là giảm dần tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân. Từ năm 2011 đến nay, thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm tập trung phát triển khu vực phố cổ nói riêng và quận Hoàn Kiếm nói chung thành một trung tâm du lịch của thành phố. Trong cơ cấu kinh tế của quận Hoàn Kiếm năm 2011, tỷ lệ thương mại dịch vụ du lịch chiếm tới 96,4%. Hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch có tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân, hàng năm đạt 18,21% (chỉ tiêu 18 - 20%), chiếm tỷ trọng 97,01% trong cơ cấu kinh tế quận (chỉ tiêu 97 - 98%)(2). Và với tốc độ phấn đấu tăng 18-20%, tỷ trọng này năm 2012 là 97- 98% (3). Điều này cho thấy mảng dịch vụ du lịch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của quận và tập trung ở khu phố cổ.

     Về xã hội

     Dân cư và việc làm: Tỷ lệ dân nhập cư về khu vực lõi đô thị Hà Nội ngày càng đông, chủ yếu là kinh doanh, buôn bán. Đó là những người nhập cư rất nhanh chóng hòa nhập và trở thành một bộ phận cư dân quan trọng của thành phố. Trong đó, số người lao động phổ thông ở các tỉnh đổ về Hà Nội chiếm tỉ lệ rất lớn. Họ chủ yếu mưu sinh, kiếm sống bằng những công việc như: thợ xây, xe ôm, đánh giày, buôn đĩa dạo, thu mua đồng nát... Điều này làm gia tăng dân số cơ học tại thủ đô cùng với đó là hàng loạt các vấn đề xã hội khác phát sinh.

     Tình trạng nghèo đói: Trên phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Buồm, không khó nhận ra những người làm nghề lao động chân tay như thu mua đồng nát, xe ôm, đánh giày, bán hàng rong... từ quê ra với mong muốn đổi đời hay đơn giản chỉ là kiếm đủ tiền lo cho bản thân, gia đình. Hiện nay, số lượng dân nhập cư từ ngoại tỉnh về Hà Nội rất lớn, và ngày càng gia tăng, với mục đích tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Do vậy tính năng động trong việc tìm kiếm việc làm của họ rất cao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, sức khỏe, khả năng của mỗi người mà họ sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực khác nhau. Do đó, những người lao động này đã bù đắp cho nguồn lực lao động ở Hà Nội khi tham gia vào những công việc mang tính chất lao động giản đơn, hoặc lao động nặng nhọc nhưng rất cần thiết cho đời sống kinh tế xã hội. Một số lượng lớn lao động ngoại tỉnh làm việc có tính chất thời vụ, có thể làm bất cứ công việc gì mà lao động ở thành phố không muốn làm, nhằm tăng thêm thu nhập.Bên cạnh đó, tình trạng di dân tự do quá nhiều tới Hà Nội cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách như gia tăng sức ép về việc làm, về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như về nhà ở... Theo thống kê, 30% dân số trong khu vực phố cổ Hà Nội phải sống trong môi trường chật chội với diện tích ở không quá 3m2/người, và đa phần dân nhập cư thường không mua được nhà riêng để ở nên họ phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp.

     Ý thức người dân, trình độ hiểu biết chung: Mặc dù ý thức, nhận thức của người dân khu vực đô thị Hà Nội xưa nay có truyền thống lịch sự, văn minh nhưng hiện nay, do việc dân di cư đến nhiều, đa dạng nên có nhiều văn hóa, nhiều tầng lớp dân cư với trình độ nhận thức khác nhau. Do đó, vẫn còn hiện tượng nhiều tiểu thương chặt chém du khách nước ngoài, bán hàng giá gấp đôi, gấp ba so với bán cho người Việt. Điều đó thể hiện các ứng xử, lối sống không văn hóa, lịch sự đối với du khách…

     Về môi trường

     Môi trường sống của khu vực đô thị lõi ở Hà Nội bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong kết quả sinh kế bền vững, cần tính đến cả hai yếu tố này, không thể tách rời nhau mà trái lại tương tác phức hợp, đa chiều cạnh với nhau.

     Đối với môi trường tự nhiên, đặc biệt có sự quan tâm của chính quyền thành phố và ý thức bảo vệ môi trường của cư dân khu vực phố cổ, đã có nhiều thành tựu nhất định. Hàng trăm dự án bảo vệ môi trường, phục vụ dân sinh và nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, diện mạo không gian đô thị đã được triển khai có hiệu quả, như dự án xử lý nước thải, dự án cơ giới hóa thu gom rác thải trong các ngõ phố nhỏ, hẻm phố văn minh, hiện đại, sạch sẽ… Tuy nhiên, ở các khu vực bán hàng ẩm thực, diễn ra các hoạt động kinh doanh thu hút nhiều khách du lịch, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên vẫn còn hiện tượng rác thải bừa bãi... ý thức của người dân tham gia không chấp hành quy định chung. Hàng trăm dịch vụ kéo theo phố đi bộ khiến lượng lớn rác thải mỗi ngày thêm dày đặc. Mỗi khi có dịp tổ chức Trung thu, lễ hội hay sau những trận mưa lớn là khối lượng rác thải tăng lên đáng kể, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ý thức người dân tham gia vào việc bảo vệ môi trường còn chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của khu vực này chưa hoàn thiện khi có những trận lũ lụt, mưa to, hiện tượng ô nhiễm môi trường do nguồn nước chưa thoát kịp ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đô thị.

     Môi trường xã hội khu vực “lõi” của đô thị Hà Nội cũng dần được hoàn thiện. Vấn đề lối sống, văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức trong phố cổ bảo đảm những giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa văn minh, thanh lịch. Quận ủy Hoàn Kiếm đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, triển khai kế hoạch và ký cam kết thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” gắn với 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ, phát huy kết quả thực hiện Đề án số 378/ĐA-UBND, ngày 17/12/2008, của UBND quận Hoàn Kiếm về Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ; thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội

     Đề xuất một số mô hình sinh kế

     Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị “lõi” Hà Nội trong tương lai cần có quy hoạch cụ thể, chiến lược, đồng bộ và khả thi trên tinh thần đảm bảo hoạt động sinh kế bền vững cho nhân dân, tránh vẫn còn hiện tượng môi trường sống quá chật chội, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực này. Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa đã nêu ở phần trên, chúng tôi xin đề xuất một số mô hình phát triển sau:

     Mô hình 1: Phát triển du lịch phố nghề ở quận Hoàn Kiếm

     Các phố phường ở quận Hoàn Kiếm hầu hết đều đã từng là những phố nghề truyền thống, nhiều phố nghề đã có quan hệ mật thiết với các làng nghề danh tiếng ở các vùng quê như Xứ Đông, Xứ Bắc, Xứ Đoài v.v.. Có nơi giờ đã không còn tồn tại phố nghề nữa như Hàng Đào, Hàng Buồm; có nơi vẫn tiếp tục nghề như Hàng Bạc. Tuy nhiên, ngay cả ở Hàng Bạc, nhiều gia đình hiện nay chủ yếu hướng tới kinh doanh là chính. Nhiều gia đình khác đã sử dụng máy móc là công cụ chế tác chứ không làm thủ công như trước kia. Ưu điểm của việc sử dụng máy móc là năng suất cao nhưng hạn chế lại là sản phẩm giống nhau vì sản xuất hàng loạt, mất đi giá trị vốn có, đặc sắc của hàng thủ công.

     Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là một số phố nghề đã không còn tồn tại nữa, các phố nghề còn lại nếu không có biện pháp lưu giữ cũng sẽ mai một và dần bị thất truyền theo thời gian.

     Vậy làm thế nào để bảo tồn được các phố nghề, giữ được nét văn hóa truyền thống khu phố cổ, mà đảm bảo được sinh kế của một bộ phận dân cư làm nghề ở đây? Mô hình sinh kế phát triển du lịch phố nghề ở quận Hoàn Kiếm là một giải pháp. Theo đó, chính quyền sẽ xây dựng kế hoạch cùng với các sở ngành như văn hóa, du lịch, hỗ trợ một số hộ dân tiếp tục duy trì nghề cổ truyền. Ví dụ ở hàng Bạc, duy trì một số hộ gia đình chế tạc vàng bạc kim loại quý theo phương thức thủ công. Ở Hàng Đào, Hàng Buồm, khôi phục lại nghề dệt nhuộm và nghề làm vỉ buồm, túi, ví… theo đúng phương pháp cổ truyền. Tiếp đó, tổ chức các tour du lịch phố nghề. Trong đó, khách du lịch sẽ được quan sát các khâu của quá trình sản xuất, được tự tay làm, được đem sản phẩm mình làm về, mua sản phẩm do các nghệ nhân đã làm…

     Bên cạnh đó, đặc trưng nổi bật của khu phố cổ Hà Nội là mỗi phố nghề lại có một đình, đền thờ tổ nghề hoặc thờ vị thành hoàng làng nguyên quán của địa phương ấy. Ngoài ra còn có một số hội quán do cộng đồng người Hoa đến sinh sống, buôn bán lập nên như Hội quán Quảng Đông, Hội quán Phúc Kiến. Cùng với đó là rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, di tích, khu phố, nhà cổ... đánh dấu lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long xưa. Chính những yếu tố văn hóa dân gian bản địa của nghề thủ công truyền thống được các thế hệ làm nghề trong phố cổ bảo tồn cho đến ngày nay, cộng hưởng với các công trình di tích đã tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch phố nghề. Điển hình nhất trong sản phẩm du lịch phố nghề ở Hà Nội là phố Hàng Bạc với nghề chế tác kim hoàn cùng điểm đến không thể bỏ qua là đình Kim Ngân. Tại đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những kiến trúc cổ độc đáo được bảo tồn nguyên vẹn mà còn tìm thấy ở đây những câu chuyện lịch sử, sự phát triển của làng nghề - phố nghề.

     Để thực hiện được mô hình này, nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, từ người làm nghề truyền thống, hướng dẫn viên du lịch và người cung ứng dịch vụ.

     Ưu điểm của mô hình: giúp lưu lại nét văn hóa truyền thống của Hà Nội. Khu phố cổ Hà Nội trước kia nổi tiếng bởi các sản phẩm nghề mà nơi này cung cấp, tạo nên những phố thị sầm uất; giúp bảo tồn các khu di tích lịch sử của Hà Nội, giữ gìn nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Hà Nội, tạo nét riêng cho vùng lõi của thủ đô; phát triển cả sản xuất, du lịch và dịch vụ; khi mà những sản phẩm bằng máy móc, giống hệt nhau có thể mua ở bất kỳ đâu, thì những sản phẩm truyền thống, làm thủ công lại rất thu hút khách du lịch bởi sự khác biệt, độc đáo.

     Hạn chế của mô hình: nhiều phố hiện nay không còn người làm nghề, vì vậy sẽ là khó khăn để tìm người khôi phục lại nghề truyền thống, và để tồn tại lâu dài, phải thực hiện việc truyền nghề qua các thế hệ; để tạo không gian vừa sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ, du lịch, đòi hỏi đầu tư nguồn vốn tài chính lớn.

     Mô hình 2: Xây dựng doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hướng tới thị trường quốc tế (xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế)

     Có thể nói, trên thực tế, các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong tương lai gần nói chung rất khó có thể cạnh tranh được với thế giới. Vì vậy, với những ưu thế sẵn có về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cần nâng cấp để hướng tới thị trường nước ngoài. Thực tế, đã có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của những thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, Hà Nội cần đẩy mạnh hướng phát triển theo mô hình này để xây dựng thương hiệu đồ thủ công mỹ nghệ đậm bản sắc Việt, chất lượng cao. Các sản phẩm đã kể trên ở trong mô hình 1, ngoài việc thu hút khách du lịch đến Hà Nội, còn rất thích hợp với việc xuất khẩu. Tuy nhiên, cần lưu ý phải đảm bảo quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn.

     Để thực hiện mô hình này, cần sự định hướng của các nhà quản lý, sự phối hợp với các gia đình làm nghề, sự tham gia của truyền thông để quảng bá…

     Ưu điểm của mô hình: kết hợp được với mô hình sinh kế 1, vừa tham gia thu hút khách du lịch đến Hà Nội vừa hướng tới xuất khẩu; thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình hướng tới những thị trường khắt khe; tận dụng được những ưu thế sẵn có của Hà Nội.

     Hạn chế của mô hình: để thực hiện được việc quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới, cần nguồn kinh phí lớn, sự vào cuộc của các cấp các ngành để đạt được hiệu quả tốt nhất, nếu chỉ doanh nghiệp đứng ra sản xuất và tìm nguồn tiêu thụ thì rất khó xây dựng thương hiệu Việt.

     Mô hình 3: Xây dựng thương hiệu chợ đêm ở Đồng Xuân đậm đà bản sắc Hà Nội.

     Chợ đêm ở Đồng Xuân là một trong những khu chợ đêm đầu tiên ở Hà Nội. Chủ trương của chợ là hàng hóa kinh doanh phải là hàng Việt Nam chất lượng cao để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống. Việc kinh doanh tại khu chợ đêm Đồng Xuân hiện nay đã lai căng, mất bản sắc và đi sai ý tưởng ban đầu. Du khách đến chợ đêm rất khó khăn khi tìm kiếm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, mà hầu hết là hàng Trung Quốc, hàng nhái. Tại khu ẩm thực trước kia bán những món ăn truyền thống của người Hà Thành như phở bò, bún thang, các loại bánh... nhưng các hàng quán này đã bị biến thành những quán chè, quán lẩu, quán bò nầm nướng... rất lộn xộn, gây mất vệ sinh và mất trật tự khu phố. Ngoài ra, các buổi biểu diễn quan họ, hát xoan, hát xẩm tại khu vực trước cửa chợ nay cũng dần thưa vắng. Chính điều này đã khiến cho chợ đêm Đồng Xuân cũng không khác gì vô vàn khu chợ đêm khác ở Hà Nội. Vì vậy, lượng khách đông nhưng chủ yếu là tham quan, ít mua sắm.

     Trong thời gian tới, cần tiến hành quản lý lại chợ đêm Đồng Xuân để đây thực sự là khu chợ giới thiệu, quảng bá về văn hóa với hàng hóa, những sản phẩm phố nghề, ẩm thực truyền thống theo đúng nghĩa của nó.

     Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các nhà quản lý, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết rõ ràng để thực hiện, có quy định phạt với những hộ không thực hiện, thậm chí không cho kinh doanh nếu tái phạm. Đối với các chương trình văn hóa nghệ thuật, cần có sự phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

     Ưu điểm của mô hình: đây cũng là mô hình đã được triển khai nên về các điều kiện như nguồn nhân lực, mặt bằng, phương án đều đã có; tạo sự khác biệt cho chợ đêm Đồng Xuân so với các khu chợ đêm khác ở Hà Nội, góp phần quảng bá sản phẩm, nền ẩm thực và nét văn hóa của người Tràng An.

     Hạn chế của mô hình: nếu không được quản lý chặt chẽ thì mô hình này sẽ lại tiếp tục giống như rất nhiều khu chợ đêm ở Hà Nội.

_______________

1. Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, Niên giám thống kê năm 2017, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.342.

2. Bùi Tú Anh, Hoàn Kiếm: kinh nghiệm sau 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXIV, dbndhanoi.gov.vn, 14-9-2015.

3. Anh Quý, Xây dựng quận Hoàn kiếm giàu đẹp, thanh lịch, văn minh, hanoi.gov.vn, 22- 7-2015.

 

Tác giả: Trịnh Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;