Một số đặc điểm của lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh hiện nay

Bắc Ninh là một trong những tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước, nhưng hiện có tới 547 lễ hội. Số lượng lễ hội trên phân bố dày đặc và đều khắp ở các huyện và thành phố trong tỉnh. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, lễ hội ở Bắc Ninh có những giá trị độc đáo, gắn với lịch sử, vị trí, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo của vùng đất.

Lễ hội gắn liền với lịch sử, con người vùng đất Kinh Bắc

Lễ hội tỉnh Bắc Ninh là nét văn hóa mang bản sắc riêng, là điểm nhấn có ý nghĩa trong quảng bá hình ảnh về truyền thống lịch sử của vùng đất cổ này. Trong sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư đánh giá một số lễ hội nổi tiếng như: “Lũng Sơn, Lũng Giang (huyện Tiên Du) vào ngày xuân ở đình có cây đu. Trên đường, con trai con gái tụ họp ca hát... Huyện Siêu Loại, việc hội rước, cầu đảo hàng năm chỉ có Khương Tự rước tượng pháp là một thắng hội” (1).

Lễ hội diễn ra tại các di tích, gắn với làng quê, phản ánh lịch sử hình thành vùng đất. Thông qua lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh, nhiều sự kiện lịch sử trong quá khứ được tái hiện. Hội làng Đồng Kỵ với những diễn xướng tái hiện truyền thuyết về cuộc chiến chống giặc Ân thời Văn Lang được lưu truyền: Thánh Cương Công tham gia chống giặc Ân trước cả Thánh Gióng. Điều này cho thấy cách nhìn, cách đánh giá độc đáo của dân làng Đồng Kỵ về vị thần được tôn thờ.

Tại xã Phật Tích, lễ hội chùa gắn với những truyền thuyết phản ánh lịch sử làng còn lưu lại trong cách giải thích tên của nhiều địa danh. Núi Phật Tích có tên gọi là Lạn Kha (rìu mục) gắn với truyền thuyết người tiều phu Vương Chất vào núi xem hai ông lão đánh cờ dưới bóng cây tùng. “Khi tan cuộc cờ, cán búa đã mục, hai ông lão bay đi mất. Nhân đó núi gọi là núi Lạn Kha” (2). Phía Bắc góc núi có chùa Kim Ngưu, nơi Cao Biền đào giếng thấy trâu vàng chạy ra, nên gọi tên ấy. Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư soạn năm 1891 viết: “Truyện Chùa núi Lạn Kha chép trong Truyền kỳ lục: tháng 2 thường có hội hoa mẫu đơn, người xem rất đông. Có một cô gái xinh đẹp, bẻ cành mẫu đơn, bị tăng nhân trói lại. Vừa lúc huyện doãn huyện Tiên Du là Từ Thức đi qua, cởi áo chuộc cho, vì thế cũng gọi là núi Tiên Du” (3). Bà Chúa Vĩnh ở làng Vĩnh Phú, xã Phật Tích là người mang cho làng đồng ruộng phì nhiêu. Dải yếm của bà phất đến đâu, đồng ruộng mở đến đó. Con đường trên đồng gọi là đường dải yếm. Ngày hội làng bao giờ cũng có tiết mục chạy đèn trên con đường làng (4).

Bên cạnh đó, những sự kiện lịch sử trên vùng đất Bắc Ninh cũng được lễ hội phản ánh như: hội làng Lũng Khê (huyện Thuận Thành) gắn với sự kiện Hai Bà Trưng hạ thành Luy Lâu, đuổi quân Tô Định; hội đền Đô (Đình Bảng) kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn - người con quê hương Bắc Ninh lên ngôi vua; lễ hội tại các làng ven sông Cầu (huyện Yên Phong) kỷ niệm chiến thắng trên sông Như Nguyệt...

Ngoài kỷ niệm những sự kiện lịch sử gắn với vùng đất, hội làng còn là dịp để tôn vinh nhân vật phụng thờ được cho là người con của quê hương như các nữ tướng của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ả Tắc, Ả Dị, Đào Nương...; anh em Trương Hống, Trương Hát; các vua triều Lý và nhiều nhân vật lịch sử triều Lý như Nguyên phi Ỷ Lan, thái sư Lê Văn Thịnh (tại lễ hội làng Báo Tháp, huyện Gia Bình); các vị tổ nghề như Nguyễn Công Nghệ, Công Truyền (tổ nghề đúc đồng làng Đại Bái, huyện Gia Bình), Trần Đức Huệ (tổ nghề rèn ở làng Đa Hội, Từ Sơn), vua Bà tổ hát quan họ (hội làng Diềm). Bên cạnh đó, ở Bắc Ninh còn thờ các danh nhân, trí thức như Lý Đạo Tái (tại hội chùa Đại Bi, huyện Gia Bình), trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (hội làng Hoài Thượng, huyện Tiên Du), hội Lim có nội dung tưởng nhớ quận công Nguyễn Đình Diễn...

Lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh phản ánh truyền thống đoàn kết của cộng đồng dân cư. Nhiều lễ hội diễn ra trong không gian liên làng. Hội hát quan họ luôn có khúc giao duyên giữa liền anh, liền chị như ở hội làng Diềm, hội Bồ Sơn... xuất hiện tục kết chạ giữa các làng. Có hội lại do nhiều làng tổ chức như: hội Lim do toàn tổng Nội Duệ cũ tổ chức; hội làng Bảo Tháp (huyện Gia Bình) do mười làng cùng thờ Doãn Công - Đào Nương tổ chức; hội chùa Dâu, hội đền Than (xã Cao Đức, huyện Gia Bình)... đều do nhiều làng cùng tổ chức. Gắn liền với tục kết chạ là nghi thức đón rước tiếp chạ. Nổi tiếng như chạ Khả Lễ - Bái Uyên rước mời toàn bộ dân đinh từ 17 tuổi đến cụ thượng tham dự và vui chơi hội làng của nhau. Làng Khúc Toại, Hữu Chấp chỉ rước chạ đại diện theo nóc dân đầu xã. Việc kết chạ như một sự cam kết gắn bó với nhau. Đã là chạ với nhau thì việc bán buôn phải dành đồ tốt, đồ rẻ cho chạ. Khi có sự gây sự với chạ, làng phải có trách nhiệm giúp đỡ, bênh vực...

Hội làng còn phản ánh tính cách, văn hóa, đạo đức ứng xử của người Bắc Ninh. Họ có truyền thống hiếu học, trọng nghĩa, trọng lễ, trọng tín. Những giá trị đạo đức này được người làng truyền dạy và được nhắc nhở trong hội làng thông qua nghi thức đọc mục lục và làm lễ minh thệ. Lễ minh thệ như lời hứa, lời cam đoan trước thần làng về việc thực hiện các hành vi ứng xử, qua đó phản ánh tính cách trọng tín nghĩa, như tục minh thệ ở hội làng Hòa Đình, Lũng Giang và làng Đọ. Dấu tích lễ minh thệ còn đến nay qua việc người làng kiêng đọc là Minh mà gọi chệch đi là Miêng.

Lịch sử vùng đất Bắc Ninh là một vùng đất cổ, từng là trung tâm một thời của đất nước. Việc thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ cho thấy, vùng đất này gắn với nền văn minh Đông Sơn, gắn liền với nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Những lễ hội vùng Nam sông Đuống cho thấy vị trí của Luy Lâu trong lịch sử, là trung tâm đất nước và trung tâm văn hóa khu vực. Khu vực vùng Dâu là nơi tiếp nhận các nền văn minh trên thế giới, nơi diễn ra quá trình giao lưu văn hóa thông qua việc phụng thờ, tưởng nhớ những người có công lao như Sỹ Nhiếp (truyền Nho học vào Việt Nam), Cao Biền (xây thành Đại La, nhưng ở góc độ văn hóa là người có công quy hoạch kiến trúc đô thị)...

Hội làng có sự giao thoa văn hóa thông qua các lớp tín ngưỡng tôn giáo

Trong lễ hội tại các làng quê ở tỉnh Bắc Ninh, có thể thấy rất rõ những lớp tín ngưỡng cổ xưa của cư dân Việt như cầu mưa, cầu mùa mà điển hình nhất là lễ hội vùng Dâu phụng thờ Tứ Pháp.

Các làng ở tỉnh Bắc Ninh vẫn còn duy trì lễ động thổ, hạ điền, thượng điền... nhưng đậm nét hơn cả là lễ cầu nước, một yếu tố cần thiết hàng đầu cho sự sinh trưởng của cây lúa. Tiếng pháo trong lễ hội làng Đồng Kỵ được coi như đồng nhất với tiếng sấm của trời, tiếng gọi mây, gọi mưa về. Đó cũng là tiếng cầu mong thần linh phù trợ cho dân làng bằng cách đưa nước về cho trần gian. Bên cạnh đó, trong đám rước của lễ hội nơi đây có những chiếc chóe lớn đựng nước để cúng thần. Tục đốt đuốc trong đêm giao thừa phải chăng cũng có nguồn gốc liên quan đến tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp nguyên thủy. Tục chen nhau, xô đẩy, tắt đuốc ban đêm tại hội Nga Hoàng (huyện Quế Võ) như phản ánh một không khí hỗn mang thời nguyên thủy... Những nghi lễ cầu mùa màng bội thu thông qua việc thi sản vật, dân làng dâng lên Thành hoàng những sản vật tốt nhất sau mùa vụ.

Lễ hội các làng phòng tuyến sông Như Nguyệt phản ánh quá trình chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong lễ hội phản ánh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc. Các anh hùng có thể là nhân vật có thật, cũng có thể là anh hùng siêu nhiên được lịch sử hóa có công đánh giặc, lập làng, truyền nghề. Lễ hội ngày nay vẫn còn những nghi thức kén tướng chọn quân, tục đấu vật... vừa nói lên tinh thần thượng võ của cha ông, vừa biểu hiện việc rèn luyện thể lực tăng cường sức chiến đấu của binh sĩ.

Ở một số lễ hội tại Bắc Ninh phản ánh tín ngưỡng thờ nữ thần như: thờ bà Man Nương (hội Dâu), vua Bà (hội Diềm), Nguyên phi Ỷ Lan, các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, Bà Chúa Kho... Tín ngưỡng thờ nữ thần là sự ghi nhận công lao đóng góp của phụ nữ với đất nước trong lịch sử, là sự lưu giữ ký ức về thời kỳ mẫu hệ từng tồn tại trong xã hội Việt Nam.

Lễ hội ở Bắc Ninh cũng có sự giao thoa với các tôn giáo lớn. Sự ảnh hưởng của các tôn giáo tới người dân được thể hiện thông qua lễ hội, kết hợp rất chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian. Tư tưởng Nho giáo với tôn ti gia trưởng được thể hiện trong hầu hết hoạt động của lễ hội, trong trò thi khéo chữ, thi đọc mục lục bằng chữ Hán... Dấu ấn của Đạo giáo thể hiện ở các hành động mang tính phương thuật, cầu đảo, cầu mùa. Dấu ấn của Phật giáo trong lễ hội được thể hiện ở tập tục các sư trụ trì chùa làng tham gia cầu đảo. Tam giáo thể hiện trong lễ hội rõ nhất là tại hội chùa Dâu và chùa Phật Tích.

Trong hội chùa Phật Tích, Đạo giáo xuất hiện qua các truyền thuyết đầy hư ảo như: truyền thuyết Vương Chất gặp tiên đánh cờ trên núi; truyền thuyết Giáng Tiên ở Ngọc Quán Thuyền đô giáng trần dự hội. Ảnh hưởng của Nho giáo có thể thấy qua truyền thuyết Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo khi về hưu lên núi Phật Tích gặp đạo nhân xin tu tiên. Khi qua chợ, gặp hàng cơm có mùi thịt chó thơm, ông vào đánh chén no nê rồi đi lững thững về nhà. Cháu ông là Nguyễn Đăng Đạo đỗ trạng, lúc đi học qua chùa được thiền sư Chuyết Công chỉ dẫn cho sau này làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Nếu trong truyền thuyết Nguyễn Đăng Cảo xin tu tiên nhưng không vượt qua được “cám dỗ” của mùi thịt chó thơm cho thấy quan điểm con người không nên thoát ly thế tục mà cần sống với thực tại, vui với đời sống trần tục. Ngược lại, truyền thuyết về Nguyễn Đăng Đạo lại cho thấy sự tác động, giúp sức to lớn của Phật giáo trong sự thành đạt của con người.

Hội chùa Dâu, được truyền tụng là nơi Phật giáo đến Việt Nam gắn với tên tuổi sư Khâu Đà La. Sách Lĩnh Nam chích quái cho biết, sư Ấn Độ là Khâu Đà La đứng một chân, đọc thần chú, dùng gậy cầu mưa thuận gió hòa cho dân trong vùng (5). Điều này cho thấy, sư thuộc phái Mật Tông. Sang TK III, sư Đạt Ma Đề Bà cũng đến đây truyền giáo. Sư truyền giáo cho Huệ Thắng, Đạo Thiền là người Giao Châu, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa.

Sự hòa quyện, đan xen của các lớp tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trong lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh phản ánh tính nguyên hợp, tư duy tổng hợp của cư dân nông nghiệp Việt Nam.

Diễn xướng trong hội làng được nâng thành nhiều hình thức thi tài

Trong lễ hội truyền thống tại tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh những nghi thức tế rước còn có những diễn xướng thi tài năng. Bắt đầu là những nghi lễ gắn với tín ngưỡng, về sau, các giáp trong làng cùng tham gia và trở thành cuộc thi tài. Trong dịp lễ hội, có nghi thức đọc mục lục, thường là đọc những văn bản truyền đời của làng do những người đỗ đạt soạn, nội dung ca ngợi đất và người, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Hội làng Phù Khê nâng lên thành thi đọc mục lục với yêu cầu người đọc không được sai chữ, hơi và giọng tốt.

Cũng có những cuộc thi mang tính thi biểu diễn tinh thần thượng võ đề cao sức mạnh. Các cuộc thi tài ít nhiều vẫn mang yếu tố tín ngưỡng khi nội dung liên quan đến sự kiện lịch sử hay tiểu sử vị thần. Hội làng Phúc Đức (huyện Quế Võ) có tục thi chạy đốt đuốc. Nhiều làng Bắc Ninh có thi đấu vật nổi tiếng kể đến như Đình Bảng, Đồng Kỵ, Tiêu Sơn (Từ Sơn); Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh); Lim (huyện Tiên Du), Quế Ổ (huyện Quế Võ); Đại Mão, Mão Điền (huyện Thuận Thành); Lãng Ngâm, Cứu Sơn (huyện Gia Bình)... Các lò vật nổi tiếng như Tri Nhi, Chung Mầu (Gia Lương)... Trò tranh cây ôm cột ở hội Đồng Kỵ, tục tranh cây mộc tất ở hội Long Khám phản ánh việc chọn tướng tuyển quân của Thành hoàng làng khi xưa.

Thi hát vốn xuất phát từ tục ca hát thờ thần. Các làng quan họ đều có hát lễ thờ, cũng có những làng hát trống quân như Liễu Khê, Liễu Lâm (huyện Thuận Thành); Thị Cầu (Bắc Ninh)... Có hội làng cho ca nương hát huê tình. Nhiều cuộc hát hội, đào, kép còn được thưởng tiền, từ đó xuất hiện các phường hát chuyên đi hát cửa đình như làng Thanh Tương, Thanh Hoài (huyện Thuận Thành). Nhiều làng vào hội còn tổ chức thi hát lấy giải như hội Trà Xuyên (huyện Yên Phong), hội Đồng Ngư (huyện Thuận Thành).

Bên cạnh đó, còn có thi đốt pháo ở Đồng Kỵ; ném pháo ở hội làng Thị Cầu (trước cửa đình treo quả pháo đại, muốn đốt phải dùng pháo mồi ném lên); thi cướp cầu, ném cầu ở hội làng Diễn (Yên Phong), Tiểu Than, Cao Trụ, Cao Thọ (Gia Lương); thi cướp cầu ở Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh) gắn liền với tục cầu mùa (người ta sử dụng 2 quả cầu bằng gỗ có tên là trái chiêmtrái mùa, các đội tranh nhau ném vào lỗ có tên là lỗ lúa hiênlỗ lúa tám)…

Hầu hết các làng thờ thánh Tam Giang đều thi đua thuyền, bơi chải như hình thức luyện quân thủy. Chải là thuyền gỗ nhỏ cất tại đình làng, chỉ sử dụng khi vào hội. Các tay chèo cởi trần đóng khố, đầu chải có người cầm trống, đuôi chải là người giữ lái. Thuyền trong hội làng Đại Than (Gia Lương) là thuyền loại to với 20 tay chèo. Huyện Yên Phong có hội Phương La, Như Nguyệt tổ chức đua thuyền.

Thi kéo chữ, chạy chữ nổi tiếng nhất là hội Yên Mẫn. Việc chạy chữ đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa các quân chạy theo đội hình và sự tính toán của các vị lềnh chỉ huy chạy. Chữ chạy thường là lời chúc như: Thiên hạ thái bình lễ đại vương...

Bên cạnh một số cuộc thi tài mang tính chất nghi lễ kể trên, hội làng ở Bắc Ninh còn diễn ra các hình thức thi tài khác phổ biến như những trò chơi dân gian trong hội làng người Việt nói chung như: thi bắt dê, bắt vịt, bắt chạch trong chum, thả diều, thả chim, kéo co… Thi kéo co ở hội làng Hữu Chấp có ý nghĩa và hình thức liên quan đến quá trình lao động của dân làng. Họ có nghề kéo gỗ thuê trên sông Cầu, vì thế họ kéo co bằng thân cây gỗ chứ không sử dụng dây như những làng khác.

Với việc thi tài, hội làng còn có hình thức thi trình diễn quá trình lao động sản xuất hoặc trình diễn quá trình chế biến lễ vật dâng thần. Thi trình nghề nhằm đề cao, khuyến khích phát triển nghề thủ công như: thi dệt vải ở hội Lim, Xuân Ái (Yên Phong), Mộ Đạo (Quế Võ)...; thi nuôi gà béo ở Lạc Thổ (Thuận Thành), Đại Bái (Gia Lương)...; thi nuôi lợn thờ và chém lợn ở Ném Thượng (thành phố Bắc Ninh). Cũng có khi việc trình nghề nhằm tiếp thị bán các sản phẩm của làng: thôn Phương La (Yên Phong) có nghề làm dầu lạc, dầu thầu dầu, làng mở hội hàng dầu; làng Lạc Thổ, Đông Hồ, Đạo Tú có hội hàng mã; hội làng Chọi (Khúc Toại, thành phố Bắc Ninh) có bày đồ mộc...

Liên quan đến thi tài trong lao động sản xuất, nhiều hội thi còn mang nội dung biểu dương sức mạnh tập thể. Hội làng Trà Xuyên (Yên Phong) và Xuân Đài (Gia Bình) có tục thi đuổi chim cuốc có ý nghĩa gắn với việc khai phá và bảo vệ làng xóm. Hội Lim, Ngọ Xá, Lũng Giang, Lũng Sơn có tục thi đánh cá, ăn và chia cho người làng, phản ánh nội dung chung sức lao động.

Thi tài thông qua chế biến lễ vật dâng thần có ý nghĩa về sự hoàn thiện trong lao động và hưởng thụ như: thi nấu cơm treo trên một cần trúc vác trên lưng ở hội làng Tư Thế, hội Hà Mãn (Thuận Thành), Phá Lãng (Lương Tài)...; thi cỗ mặn ở Thị Cầu, Đình Bảng, Phù Khê (Tiên Du), Á Lữ (Thuận Thành), Mộ Đạo, Mai Cương, Nam Sơn (Quế Võ), Phú Mãn, Tiên Trà (Yên Phong)...; thi cỗ chay ở Lim (Tiên Du); thi bánh dày ở Đình Bảng; thi thổi xôi ở Ném Thượng (thành phố Bắc Ninh); thi cỗ nhắm ở Bái Uyên; thi luộc gà ở Cẩm Giang... Hầu như tại các hội, việc thi dành cho nam giới, nhưng ở Thị Cầu, thi cỗ giữa các giáp dành cho đàn ông chỉ trên danh nghĩa, người làm cỗ là phụ nữ.

Hội làng gắn liền với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn nổi tiếng

Bắc Ninh là địa bàn có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Hội làng luôn là thời gian để các loại hình nghệ thuật được trình diễn thông qua nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Một số loại hình nghệ thuật được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: quan họ Bắc Ninh (2012); hát ca trù (2012); hát trống quân tại làng Bùi Xá, xã Ninh xá, huyện Thuận Thành (2016). Ngoài các loại hình nghệ thuật trình diễn còn phải kể đến một diễn xướng phản ánh tập quán xã hội và tín ngưỡng cũng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là kéo co tại làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (2014). Diễn xướng dân gian đặc sắc trong lễ hội ở Bắc Ninh có thể kể đến như múa rối nước ở hội làng Thanh Long, Thịnh Lộc, Đào Thục (Quế Võ), Bùi Xá, Đông Ngư (Thuận Thành); múa rối cạn ở hội làng Trà Xuyên; thi nói khoác tại hội làng Đông Yên, thi kéo dây lấy lửa tại hội làng Yến Vỹ (Yên Phong)...

Trong các diễn xướng kể trên, dân ca quan họ có tầm quan trọng và ý nghĩa hơn cả, là hình thức diễn xướng xuất hiện ở hầu hết các hội làng. Quan họ làm nên diện mạo văn hóa tỉnh Bắc Ninh và là một đặc trưng cơ bản của lễ hội nơi đây. Theo Lê Văn Hảo: “Hát quan họ có ở hội đình, hội chùa rồi mới mời nhau về nhà. Tại hội đình, trai gái hát trước bàn thờ Thành hoàng, các bài ca chỉ có tính chất tôn giáo một chút lúc đầu về sau toàn là những bài tình ca” (6).

Có thể nói, lễ hội là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bên cạnh những nét chung, lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh còn nhiều đặc điểm độc đáo, vì vậy, các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương cần quan tâm và có những giải pháp phù hợp để giữ gìn, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc.

__________________________

1, 3. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.266, 92.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Lao động, 2012, tr.1352.

4, 5. Thanh Hương, Phương Anh, Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 1, Ty Văn hóa Hà Bắc, 1973, tr.27, 29.

6. Lê Văn Hảo, Hát quan họ trong truyền thống văn hóa dân gian, Tạp chí Đại học, số 33, tháng 6-1963, Huế, 1963, tr.351-379.

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng lịch sử tỉnh Hà Bắc, Lịch sử Hà Bắc, 1986.

2. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn hóa, 1960.

3. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb Văn hóa, 1960.

Ths NGÔ THỊ BÍCH KHUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;