Góp phần tìm hiểu quan điểm lý luận văn nghệ qua một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chương trình nghệ thuật “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”- Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL

1. Dẫn nhập

Nhằm mục đích hệ thống hóa, tổng hợp những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nxb Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cuốn sách tập hợp 29 bài nghiên cứu, bài phát biểu tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại… Đặc biệt, trong tác phẩm này, đồng chí Tổng Bí thư đã có hai bài nghiên cứu trực tiếp về lý luận, thực tiễn xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa, nghệ thuật ở nước ta thời kỳ đổi mới. Đó là bài viết: Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới đọc tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 25-7-2018 và Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 24-11-2021.

Trên cơ sở khái quát, tổng hợp đường lối, quan điểm lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra một số quan điểm lý luận mới về phát triển văn hóa, nghệ thuật xứng tầm với công cuộc đổi mới đất nước. Đó là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, thực hiện chuyển đổi số: xây dựng quốc gia số, xã hội số, kinh tế số, văn hóa số và công dân số đang đặt ra nhiều yêu cầu rất mới cho sự phát triển của nền văn nghệ nước nhà.

Những kết quả nghiên cứu về lý luận văn nghệ của Tổng Bí thư trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là sự triển khai, phát triển, cụ thể hóa sinh động các quan điểm lý luận và đường lối văn nghệ của Đảng ta trong nhiều kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhằm mục đích tiếp tục chấn hưng và phát triển văn nghệ của đất nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Nội dung quan điểm lý luận văn hóa, nghệ thuật trong tác phẩm của Tổng Bí thư

Về giá trị to lớn, độc đáo của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong truyền thống lịch sử dân tộc và thời đại Hồ Chí Minh

Tiếp cận từ hệ thống điểm nhìn lịch đại theo dòng chảy thời gian, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định những giá trị “truyền thống sâu sắc và độc đáo” của văn hóa, nghệ thuật nước ta trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm và chế ngự thiên nhiên, đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Nêu rõ đặc trưng và giá trị to lớn của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong truyền thống, Tổng Bí thư khẳng định: “Đó là nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước”(1). Nhìn lại hàng ngàn năm qua, có thể nhận thấy, văn học, nghệ thuật liên tục đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của đất nước. Văn học, nghệ thuật Việt Nam là sự kết tinh cao độ hệ giá trị tinh thần độc đáo của người Việt như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo. Đó là sức mạnh nội sinh của dân tộc được hun đúc, thử thách trong lịch sử dựng nước, giữ nước và được hội tụ, tỏa sáng ngàn năm khát vọng Việt trong những áng văn: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch Tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi)… Văn học, nghệ thuật chính là nơi lưu giữ, bảo tồn lâu dài các giá trị văn hóa Việt Nam và để truyền lại cho thế hệ mai sau, như Nguyễn Khoa Điềm - một nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ từng phát hiện: “Khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi,/ Đất Nước có trong những cái “ngày xửa, ngày xưa” mẹ thường hay kể./ Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,/ Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” (2).

Ngày nay, con người Việt Nam hiện đại vẫn có thể hình dung ra diện mạo của đất nước trong lịch sử, thấy được gương mặt của dân tộc xưa trong những câu chuyện dân gian. Đây chính là những phát hiện tinh tế và sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ, văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ mà ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) lại là sự phản ánh thế giới khách quan sinh động bao gồm tự nhiên, xã hội và con người tồn tại theo thời gian. Ngôn ngữ được coi là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quan trọng, là nơi cất giữ, bảo vệ và lưu truyền tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ngôn ngữ chính là lĩnh vực tinh hoa của một nền văn hóa, là biểu trưng độc đáo của văn hóa; khi ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) tồn tại thì văn hóa sẽ tồn tại; nếu mất tiếng nói thì văn hóa sẽ dần dần mai một. “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” (M. Gorki). Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Cho nên, văn học (nói riêng), nghệ thuật (nói chung) đều là tinh hoa của một nền văn hóa dân tộc và cũng là giao diện tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Khi nói tới văn hóa của một dân tộc, người ta thường đề cập ngay tới văn học, nghệ thuật của dân tộc đó. Đây chính là quy luật khách quan đã tồn tại lâu nay: văn hóa còn thì dân tộc mới sinh tồn và phát triển. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định về vị trí, vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” (3).

Trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại bão táp cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã thể hiện sức mạnh kỳ diệu bên trong của văn hóa, con người Việt Nam để bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của đất nước. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc về sức mạnh to lớn của văn học, nghệ thuật. Tổng Bí thư viết: “Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình…” (4). Năm 1943, với bản Đề cương văn hóa Việt Nam, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng chính nghĩa, có sức mạnh kêu gọi, thu hút và tập hợp đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ vào Hội Văn hóa cứu quốc - một bộ phận quan trọng của Mặt trận Việt Minh, tích cực tham gia đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đội ngũ văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đứng lên đấu tranh chống lại đế quốc, thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, tiến tới cao trào tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân.

Vào những năm 1945, 1946, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để đáp ứng thích hợp với tình hình mới, Hội Văn hóa cứu quốc được mở rộng và đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình như “nước sôi, lửa bỏng” của thời kỳ đầu kháng chiến, tháng 7-1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập, thu hút đông đảo các đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam tới dự và bàn bạc sôi nổi nhằm mục đích tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, tăng cường sức mạnh cho đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước với tư cách là các “chiến sĩ - nghệ sĩ” và “nghệ sĩ - chiến sĩ” (5), xác định rõ, văn hóa, văn học, nghệ thuật là một “binh chủng” đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, đồng thời quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam), nhanh chóng triển khai thực hiện đường lối “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” của Đảng, để đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tiếp tục đồng hành và đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh cách mạng anh dũng của dân tộc đi đến thắng lợi vẻ vang.

Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tổ chức Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Để khẳng định những đóng góp quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư đã trích dẫn và nhấn mạnh nhận định của Đảng ta: “Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học, nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (6). Qua đây, Tổng Bí thư đã nêu rõ truyền thống quý báu và tầm vóc lịch sử rất đỗi tự hào của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, mà ngày nay, đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, để kế thừa và phát huy, phát triển trong thời kỳ mới.

Sứ mệnh, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật phải “xứng tầm” với sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình quốc tế phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần xác định rõ hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật “phải xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới” (7). Đây là chủ trương có ý nghĩa chiến lược, một tầm nhìn mới, nâng cao vị thế của văn học, nghệ thuật nước ta với những trọng trách lịch sử to lớn. Từ đó, văn học, nghệ thuật nước nhà mới có thể đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam - nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu lên quan điểm của Đảng ta khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” (8). Đây chính là quan điểm lý luận cơ bản của Đảng ta, có ý nghĩa thời sự sâu sắc, định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay.

Để văn học, nghệ thuật nước nhà hoàn thành được nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử trọng đại, cao cả đó, theo Tổng Bí thư, cần “đặt nó trong yêu cầu nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại… nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện, đồng bộ. Ở đây có thể nói, giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các chủ trương lớn đó vẫn là vấn đề xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới” (9). Như vậy, văn học, nghệ thuật với sức mạnh đặc biệt và sứ mệnh cao cả, phải tham gia vào các quá trình cách mạng của đất nước, đồng hành cùng dân tộc, chống lại những điều xấu xa, thấp hèn, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ cao cả, tốt đẹp, tạo ra “khí thế mới”, “xung lực mới” cho con người, vượt qua những thách thức, khó khăn, thăng trầm của lịch sử, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hướng tới tương lai tươi sáng của dân tộc. Rõ ràng, để đảm bảo xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, cần xác định rõ sứ mệnh, vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật. Theo Tổng Bí thư, văn học, nghệ thuật nước nhà, phải thể hiện được sức mạnh trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, có nghĩa là phải “trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới của đất nước” (10).

Với cái nhìn tổng hợp và sâu sắc về lý luận sáng tác, Tổng Bí thư đã phân tích và nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật đối với đất nước và dân tộc trong giai đoạn hiện nay: “Trong thời đại của chúng ta, cuộc sống có nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói thế nào, viết thế nào” (11). văn học, nghệ thuật cần phải “…miêu tả cho hay, cho chân thật và sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển của cái mới, cái tốt đẹp, cái cao cả trong đời sống; dũng cảm nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới” (12).

Đồng thời, văn học, nghệ thuật phải thể hiện sự công tâm, khách quan, có cái nhìn tổng thể, toàn diện, tâm huyết khi nhận thức và thể hiện cuộc sống. Từ đó có được thái độ tích cực trong kiến tạo đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tổng Bí thư xác định rõ nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay là: “…một mặt tiếp tục phát huy khi các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện” (13).

Về sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ nước nhà trong sự nghiệp chấn hưng phát triển, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay

Tổng Bí thư đã nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sứ mệnh cao cả của anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm” (14). Tổng Bí thư tiếp tục phân tích làm sáng rõ, cụ thể hóa luận điểm trên: “Điều đó có nghĩa là đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay” (15).

Đó chính là quan điểm khoa học đúng đắn của Đảng ta về đảm bảo tự do dân chủ trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Điều quan trọng là anh chị em văn nghệ sĩ trí thức phải nâng cao nhận thức toàn diện, đúng đắn và đầy đủ về vấn đề tự do dân chủ trong sáng tác nghệ thuật. Từ đó mới có thể phát triển tài năng, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, đồng thời rèn luyện bản lĩnh chính trị cách mạng, lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng đấu tranh, phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn cố tình bóp méo, xuyên tạc vấn đề tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nước ta trên các không gian truyền thông. Để phân tích sâu hơn luận điểm này, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển…” (16).

Để giúp cho văn nghệ sĩ hoàn thành sứ mệnh cao cả, đóng góp vào sự phát triển văn học, nghệ thuật đất nước, Tổng Bí thư phân tích: “Người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng” (17).

Bàn về mục đích sáng tác chân chính và phương pháp sáng tác khoa học, đúng đắn để ra tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, Tổng Bí thư khẳng định: “Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai” (18).

Sứ mệnh thiêng liêng của văn học, nghệ thuật, vai trò cao cả của văn nghệ sĩ đã được Tổng Bí thư diễn đạt bằng những hình ảnh vô cùng sinh động, giản dị, dễ hiểu: “Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải là nơi chỉ giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn” (19).

Với tâm huyết tha thiết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, rất gần gũi, mộc mạc, giản dị và sâu sắc, Tổng Bí thư tâm sự với đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức nước nhà bằng tình đồng chí rất đỗi thân thiết, chân thành: “Bài học đó phải chăng vẫn là: khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường…” (20). Có thể nói, đây là quy luật muôn đời đối với sự sáng tạo văn học, nghệ thuật của các dân tộc trên toàn thế giới. Tổng Bí thư đúc kết: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được” (21).

Với phong cách giản dị, dân chủ, cầu thị, gần gũi, thân thiết và tâm huyết để kêu gọi sự đoàn kết của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức dưới ngọn cờ của Đảng, tạo ra sức mạnh của tập thể, cùng suy nghĩ, đồng hành tư duy, cố gắng tìm biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bức xúc đang đặt ra trong hoạt động sáng tác cũng như trong hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, để cùng quyết chí đồng lòng, quyết tâm chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư đã nhắn gửi các văn nghệ sĩ, trí thức: “Tôi đề nghị các anh, các chị, các đồng chí bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần phê bình và tự phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây như: Có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí; hạ thấp chức năng giáo dục nhận thức, nặng về tô đậm mặt tiêu cực đen tối của cuộc sống thậm chí xuyên tạc bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng chuộng ngoại bắt chước chạy theo thời thượng? Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm tác giả thì nhiều nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế yếu kém đó?” (22). Với cái nhìn sâu sắc cụ thể về thực tiễn văn học, nghệ thuật, Tổng Bí thư đã gợi mở ra khá nhiều thực trạng bức xúc, những vấn đề hết sức phức tạp đang đặt ra trong thực tiễn sáng tác văn học, nghệ thuật ở nước ta thời gian qua, nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến một số biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, những khiếm khuyết của văn học, nghệ thuật, từ đó, đưa ra yêu cầu đòi hỏi những người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức phải nhanh chóng có giải pháp tổng thể, toàn diện, kịp thời để xử lý. Đồng thời, Tổng Bí thư bày tỏ niềm tin tưởng của người đứng đầu và đại diện cho toàn Đảng đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà cùng đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức hiện nay: “Tôi tin tưởng rằng, nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước với truyền thống vẻ vang của dân tộc, phát huy những thành quả của văn học, nghệ thuật 70 năm qua, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân” (23).

Để chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật “xứng tầm” với thời kỳ mới hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ giải pháp quan trọng là cần phải: “Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa” (24). Có thể nói, đây được xem là giải pháp then chốt, có tính đột phá để xây dựng, chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay.

3. Kết luận

Tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình nghiên cứu có giá trị khoa học lý luận và ý nghĩa thời sự thực tiễn rất cao. Một số bài viết có nội dung gắn với văn nghệ trong tác phẩm đã đặt ra những vấn đề lý luận cơ bản về sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay. Tổng Bí thư đã luận giải rất sâu sắc, sinh động về lý luận sáng tác văn học, nghệ thuật, về sứ mệnh cao quý của những người sáng tạo là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Đó là những chủ thể quan trọng sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp vào sự chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Tác phẩm có ý nghĩa to lớn trong việc kêu gọi đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức cả nước hãy đoàn kết nhất trí, quyết tâm đồng lòng, xứng đáng với sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật chân chính, xứng đáng với truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân đạo và nhân văn của ông cha trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cao hơn nữa để đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thiết thực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới của đất nước đi đến những thắng lợi vẻ vang.

_______________

1, 3, 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1-2022, tr.316, 157, 316, 317, 315, 319-320, 320, 323, 320, 318, 320-321, 322, 322-323, 324, 323, 323, 323-324, 321-322, 322, 171.

2. Đất nước, trích chương 5 trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Nxb Giải phóng, 1974.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, tr.568-569, chuyển dẫn theo Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sđd, tr.161.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 67, tr.653, chuyển dẫn theo Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sđd, tr.319.

14. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.157, chuyển dẫn theo Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sđd, tr.320.

Ths NGUYỄN MINH THÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;