Tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre tổ chức lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2025 cho hơn 100 học viên là lãnh đạo các Nhà hát, các cơ sở đào tạo nghiên cứu thuộc Bộ VHTTDL, lãnh đạo, quản lý Phòng Tổ chức biểu diễn, Phòng Nghệ thuật, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn các Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Lớp học diễn ra từ ngày 20 đến 24-5-2025.
Toàn cảnh Khai giảng lớp bồi dưỡng
Tham dự Lễ khai giảng có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm; Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý VHTTDL Phạm Quế Anh; Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc; Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn.
Về phía tỉnh Bến Tre có: Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Trung.
Lớp học nhằm trang bị, cập nhật kiến thức cho các học viên về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, năng lực lãnh đạo, quản lý góp phần xây dựng đội ngũ viên chức lãnh đạo quản lý, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm khẳng định ý nghĩa đặc biệt của việc tổ chức chương trình tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, quê hương của phong trào Đồng Khởi và là nơi sản sinh nhiều nghệ sĩ tài danh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, lớp bồi dưỡng lần này không chỉ mang tính chuyên môn mà còn là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh văn hóa cho đội ngũ làm nghệ thuật biểu diễn trong thời đại mới.
Trong bối cảnh xã hội số phát triển mạnh mẽ, nghệ sĩ ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ trên sân khấu mà còn trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi hành vi, lời nói đều có sức lan tỏa lớn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm nêu rõ, nếu nghệ thuật là tiếng nói của cái đẹp, thì ứng xử chuẩn mực chính là cái đẹp của người làm nghệ thuật. Ứng xử chuẩn mực không chỉ thể hiện đạo đức nghề nghiệp mà còn thể hiện bản lĩnh văn hóa của nghệ sĩ trước công chúng.
Cũng chính vì vậy, việc giữ gìn hình ảnh đẹp, uy tín và đạo đức nghề nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với giới làm nghệ thuật biểu diễn.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự lan tỏa mạnh mẽ của môi trường số, một số nghệ sĩ vì thiếu kiến thức và kỹ năng ứng xử phù hợp đôi khi đã có những phát ngôn thiếu kiểm soát, tham gia quảng cáo sai sự thật hoặc vi phạm các chuẩn mực nghề nghiệp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Những sự việc như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của giới nghệ thuật biểu diễn nói chung.
Bộ VHTTDL tổ chức lớp bồi dưỡng này trước hết là để nhắc nhở lại sứ mệnh cao cả của giới nghệ thuật biểu diễn: Nghệ sĩ - dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng là người mang trong mình một trách nhiệm đặc biệt, không chỉ sáng tạo, biểu diễn hay truyền tải cái đẹp, mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, làm nghệ thuật thôi chưa đủ, nghệ sĩ còn phải sống đẹp trong từng hành vi, lời nói, để trở thành người truyền cảm hứng, người giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ban Tổ chức và các học viên tại Lễ khai giảng
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cho rằng, vai trò quan trọng của giáo dục trong việc hình thành nhân cách người nghệ sĩ. Các trường nghệ thuật cần không chỉ đào tạo tài năng mà còn phải dạy cách làm người nghệ sĩ sống có trách nhiệm, có đạo đức nghề, khiêm nhường và biết tôn trọng người khác. Khi nghệ sĩ được rèn luyện trong môi trường giáo dục tử tế, họ sẽ biết cách giữ mình và lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Thứ trưởng cho hay, dù quy tắc ứng xử trong hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được ban hành từ lâu, nhưng để những nguyên tắc tưởng chừng đơn giản ấy thấm sâu vào nhận thức và hành vi hằng ngày, chúng ta vẫn cần những buổi tập huấn như hôm nay, không chỉ để học, mà để cùng nhìn lại, chia sẻ và lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong nghề.
Bộ VHTTDL mong muốn các cơ sở đào tạo, đơn vị biểu diễn, hội nghề nghiệp và từng nghệ sĩ xem bộ quy tắc này như một phần không thể thiếu trong hành trang nghề nghiệp và đời sống - học để hiểu, sống để làm gương và lan tỏa để cộng đồng cùng thấm nhuần.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ chuyên đề tại lớp bồi dưỡng
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, lớp bồi dưỡng lần này diễn ra trong bối cảnh ngành Văn hóa đang tích cực triển khai các nghị quyết lớn của Đảng, trong đó có Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW. Những nghị quyết này đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy sáng tạo, hội nhập và phát triển kinh tế văn hóa, đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm chủ hình ảnh cá nhân, thương hiệu nghề nghiệp và các mối quan hệ với công chúng trong thời đại số.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cũng bày tỏ kỳ vọng lớp bồi dưỡng sẽ trở thành bước khởi đầu cho một “Đồng Khởi văn hóa ứng xử đẹp” trong giới nghệ sĩ - một sân khấu rộng lớn nơi mỗi người hoạt động nghệ thuật đều có trách nhiệm bước lên, sống đẹp, sống đúng và lan tỏa những giá trị văn hóa nhân văn đến cộng đồng.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, lớp bồi dưỡng lần này rất hữu ích cho công việc thực tế của các học viên, lớp học còn là dịp để các học viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tế, tăng cường mối mối quan hệ và gắn kết hơn trong quá trình thực hiện công việc về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Các đại biểu và các học viên tại Lễ khai giảng
Cũng tại lớp bồi dưỡng, các học viên được truyền đạt 5 chuyên đề như: Những vấn đề chung về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với viên chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn; những quy định của Bộ VHTTDL về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với viên chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn; kỹ năng xây dựng hình ảnh, bảo vệ danh dự, uy tín của người hoạt động nghệ thuật, bảo vệ uy tín của đơn vị nghệ thuật tại các không gian công cộng và hoạt động quảng cáo; kỹ năng tiếp xúc báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; tăng cường chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với viên chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại.
Bài, ảnh: TRẦN VĂN LỢI