Ngày 27-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là một tin vui cho những người làm công tác văn hóa nói chung và những người làm công tác ngôn ngữ, nghiên cứu về tiếng Việt như chúng tôi. Để góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tôi xin đóng góp ý kiến về vấn đề gìn giữ và phát triển ngôn ngữ.
Theo tôi, muốn phát triển văn hóa, chúng ta phải xuất phát từ hiện trạng xã hội, kinh tế và văn hóa. Văn hóa Việt Nam đã có một bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Có nhiều nhân tố, nhiều bình diện làm nên bản sắc văn hóa một dân tộc, nhưng có 3 nhân tố được coi là cốt lõi, làm nên hồn dân tộc: Quốc Văn, Quốc Sử và Quốc Ngữ. Trong bài viết này, tôi xin góp một ý kiến liên quan tới ngôn ngữ.
“Đại gia đình” Việt Nam hiện nay có 54 dân tộc cùng chung sống. Trừ dân tộc Kinh (Việt) có số lượng lớn nhất (trên 85%), còn lại là các dân tộc khác (với số lượng nhiều ít khác nhau). Các dân tộc phân bố theo các địa bàn cư dân khác nhau trong cả nước. Vấn đề là hiện trạng ngôn ngữ các dân tộc này hiện tại ra sao?
Cộng đồng ngôn ngữ Việt Nam có 16 ngôn ngữ thuộc Hệ Nam Á (trong đó có tiếng Việt), 12 ngôn ngữ thuộc Hệ Kra Dai. Hệ Mông - Miến có 3. Hệ Nam Đảo có 5. Hệ Hán Tạng có 9. Còn lại là một số ngôn ngữ hệ hỗn hợp, không rõ ràng. Ngoài dân tộc Việt, trong 53 dân tộc thiểu số còn lại, mới có 32 dân tộc có chữ viết: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê đê, Bahnar, Chăm, Xơ đăng, Hrê, Cơ Ho, Ra Glai, Mnông, Stiêng, Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Lô Lô, Gié Triêng, Tà Ôi, Mạ, Co... Như vậy, vẫn còn thiếu 21 dân tộc chưa có văn tự, chữ viết. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia được chọn trong các ngôn ngữ hiện có ở Việt Nam. Nhưng trong đại gia đình dân tộc Việt Nam nói chung, mọi ngôn ngữ đều có vai trò, sứ mệnh “đại diện” cho dân tộc mình như nhau. Chúng ta đang hướng tới xây dựng Luật Ngôn ngữ. Luật Ngôn ngữ là tổng thể chính sách ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Chính sách này tôn trọng quyền bình đẳng của các ngôn ngữ hiện có. Vai trò của tiếng Việt là không thể phủ nhận nhưng chúng ta vẫn phải xem xét gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số như một “chủ thể” ngôn ngữ.
Vì vậy, cần phải có chiến lược gìn giữ, bảo tồn và phát triển mọi ngôn ngữ trên đất nước Việt Nam theo định hướng mang tính chiến lược: trọng tâm, trọng điểm và bền vững.
“Trọng tâm” là “vấn đề chủ yếu, quan trọng nhất, cần phải tập trung chú ý và thực thi”. Với nước ta hiện nay, vấn đề trọng tâm của chính sách ngôn ngữ là tập trung rà soát, đánh giá và hoàn thiện ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (về tiếng nói và chữ viết). Trong thời gian qua, các nhà ngôn ngữ (đặc biệt là các nhà ngôn ngữ ở Viện Ngôn ngữ học) đã xây dựng thêm một số bộ chữ viết của một số dân tộc, nhưng vẫn chưa hết.
Vì vậy, vấn đề “trọng điểm” sắp tới là tập trung khảo sát thực trạng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số hiện chưa có chữ viết. Công việc này phải tiến hành theo nguyên tắc tôn trọng thái độ, nguyện vọng của cộng đồng ngôn ngữ và quyền lựa chọn chữ viết của họ. Không được vội vã, tùy hứng áp đặt. Tất nhiên, phải ưu tiên “trọng điểm” khảo sát. Bởi có dân tộc thiểu số hiện tại chỉ còn một số lượng người rất ít ỏi (như dân tộc Ơ Đu (còn 428 người), Brao (525), Rmăm (639), Pu Péo (903)…) thì không còn có nhu cầu xây dựng chữ viết (và nếu có cũng không khả thi).
Nhà nước có chủ trương, chính sách, các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu và lên phương án thực thi. Việc hoàn tất bức tranh ngôn ngữ 54 dân tộc theo đúng nghĩa của nó tức là chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của Chính sách Ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người nói chung (trong đó có quyền lựa chọn ngôn ngữ, chữ viết). Có như thế, chúng ta mới tạo nên sự ổn định về ngôn ngữ toàn dân (tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, các ngôn ngữ còn lại hợp thành “gia đình ngôn ngữ” của chung dân tộc Việt Nam). Điều này góp phần tăng cường sự giao lưu, hòa nhập và làm nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Chỉ có thể phát triển bền vững trên cơ sở có một nền tảng vững vàng, chắc chắn, mang nội lực của chính mình. “Văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc” chính là bắt nguồn từ nội lực và sự phát triển hài hòa, bền vững này.
TS. PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"