Long Phú phát triển thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án… không những đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch sân bãi để phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao cho nhân dân. Đối với huyện Long Phú (Sóc Trăng), chính quyền còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở vùng đồng bào dân tộc tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc ngày phong phú, lành mạnh.

Giải đua ghe ngo truyền thống huyện Long Phú
 

Số lượng người tham gia tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) hằng năm tăng đáng kể, sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều … Điều này có thể dễ dàng bắt gặp khi có dịp đến các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Long Phú. Ông Diệp Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao huyện Long Phú, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành hoạt động TDTT ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện như: xã Long Phú, thị Trấn Long Phú, Tân Hưng, xã Trường Khánh … đã phát triển hơn trước. Nếu trước đây, bà con ở các xã này chỉ tập trung cải thiện thu nhập, thì ngày nay, bà con đã quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện sức khỏe thông qua tập luyện TDTT. Ngoài các môn thể thao truyền thống như: Kéo co, đẩy gậy, bơ xuồng, cờ ốc … ở những địa phương này thời gian qua còn thu hút được nhiều người chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn và đặc biệt là môn bi sắt luôn được bà con người Khmer rất quan tâm và phát triển rộng khắp, từ trường học đến sân chùa, quán cà phê … ở đâu đâu trong từng phum sóc người Khmer đều phát triển bộ môn bi sắt”. Để thúc đẩy hoạt động TDTT ở các xã, thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống, hằng năm Trung tâm Thể thao huyện Long Phú, thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức các giải đấu, hoạt động TDTT đặc trưng của người dân nơi đây. Không chỉ thu hút được nhiều người tham gia, mà còn giúp địa phương kịp thời phát hiện các vận động viên có năng khiếu ở từng môn thể thao của đồng bào dân tộc.

Giao lưu câu lạc bộ bi sắt nữ

 

Đến với xã Long Phú, điều dễ gây chú ý nhất là bên lề những con lộ lớn, trên những khoảnh đất trống, có rất nhiều người chơi bi sắt, thậm chí có sân bi sắt người dân tự làm tại nhà, được rải đá bụi với kích thước tương đương các sân đạt chuẩn quốc gia. Những cuộc tranh tài diễn ra rất hào hứng, đôi khi rất căng thẳng, nảy lửa, với những bi thủ đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên, trung niên đến cả những người tuổi đã lục tuần … Các cuộc thi đấu nghiệp dư ấy càng hào hứng hơn khi khán giả hiểu rõ những điểm mạnh, yếu của từng bi thủ và bày tỏ cảm xúc bằng những tràng vỗ tay tán thưởng giòn giã cho những cú đánh bi trúng đích, hoặc kêu lên tiếc nuối khi người chơi đánh bi hỏng. Đến khi trời sụp tối, những cuộc chơi mới tạm dừng, kèm theo lời hẹn “tái đấu” vào hôm sau. Một trong những bi thủ yêu thích bộ môn bi sắt và góp phần tạo nên thành tích tốt cho ngành TDTT huyện Long Phú, anh Huỳnh Văn Siêng, ở ấp Nước Mặn II, xã Long Phú (Long Phú), bộc bạch: “Chơi thể thao không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi, mà còn là cách rèn luyện sức khỏe rất bổ ích. Ngoài thanh, thiếu niên, kể cả người già và trẻ em ở đây giờ ai cũng chọn cho mình một hình thức luyện tập TDTT phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, đồng thời còn tổ chức giao lưu, gặp gỡ, học hỏi trong thi đấu giữa các phum sóc khác, góp phần bảo tồn và phát triển bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phong phú và lành mạnh và tránh xa các tệ nạn xã hội …” Ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, là ấp có đến trên 99% hộ đồng bào Khmer sinh sống, thời gian qua, thị trấn Long Phú đã ưu tiên, tập trung nhiều nguồn lực để phát triển TDTT ở vùng này. Anh Nguyễn Thanh Vân, công chức phụ trách văn hóa – xã hội thị trấn Long Phú, chia sẻ: “Ở các ấp như ấp Tư và ấp Khoan Tang có đông đồng bào Khmer sinh sống, Đảng ủy, UBND thị trấn, ngoài tập trung phát triển TDTT quần chúng trong các địa bàn dân cư, lãnh đạo thị trấn còn đẩy mạnh phong trào TDTT trong các trường học. Nhờ đó, số người tham gia tập luyện thường xuyên, số gia đình thể thao, hay câu lạc bộ thể thao tăng dần hằng năm… Trước đây, bà con ấp Khoan Tang nói riêng, thị trấn Long Phú nói chung còn có thế mạnh rất lớn ở môn đua Ghe ngo nam, nữ và đã từng đạt thứ hạng cao trong các giải đua cấp huyện và tỉnh. Tuy nhiên, do ghe ngo nam nữ của thị trấn Long Phú đã đóng nhiều năm, nay đã xuống cấp, nên môn thể thao này không thể duy trì thường xuyên được nữa, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ban quản trị nhà chùa, cùng các Mạnh Thường Quân, các vận động viên cùng bà con yêu thích, đam mê môn thể thao truyền thống này, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để bà con sớm khôi phục lại môn thể thao tập thể này”.

Bi thủ Huỳnh Văn Siêng đạt giải Nhất Hội thao ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2021
 

Để thúc đẩy phong trào TDTT ở các vùng có đông đồng bào dân tộc, một số trường cũng thành lập các câu lạc bộ dành cho các môn thể thao dân tộc. Thầy Lâm Te, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Dân tộc nội trú Long Phú, cho biết: “Trước đây, trong các lần Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh, nhận thấy môn đẩy gậy và kéo co là môn thể thao truyền thống của người dân tộc, dễ chơi lại ít phải đầu tư các trang thiết bị tập luyện. Trường đã thành lập câu lạc bộ đẩy gậy mục đích, để khuyến khích học sinh có sân chơi lành mạnh và để giữ gìn một số nét truyền thống cho học sinh con em đồng bào dân tộc tại trường”. Tính từ năm 2011 đến năm 2020, số người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 0,90% lên 1,56% so với dân số toàn huyện. Số gia đình tập luyện TDTT cũng tăng từ 0,6% lên 1,58% so với số hộ gia đình toàn huyện.

Ở những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã linh hoạt vận động bà con cùng tham gia tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao thường xuyên. Hệ thống giải đấu ở từng địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hằng năm, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, cơ ốc, điền kinh, đua Ghe ngo, bi sắt, bóng chuyền.

 

SÓC CA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

 

 

;