Thừa Thiên Huế: Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước cho trẻ em

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm ở khu vực miền Trung với hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc, có đường bờ biển dài; thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ kéo dài. Công tác bảo vệ trẻ em trong môi trường nước nhiều năm qua đã được các Sở, ban ngành, đoàn thể quan tâm, đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị chết, thương vong do đuối nước vẫn còn xảy ra. Để hạn chế tai nạn, thương tích đuối nước cho trẻ em, những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chú trọng công tác dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em trên toàn tỉnh.

Theo kế hoạch 45/KH- UBND ngày 18/2/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 100% huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước tại địa phương một cách hiệu quả, từng bước giảm thiểu các trường hợp tai nạn đuối nước; tăng số lượng hồ bơi, điều kiện tổ chức dạy bơi; quy hoạch điểm hồ bơi theo cụm trường học, cụm dân cư phù hợp; đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy và học bơi cho trẻ em, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ quy hoạch điểm hồ bơi theo cụm trường học, cụm dân cư phù hợp, đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật.

Với mục đích bảo vệ, hạn chế trẻ em trong vấn đề tai nạn đuối nước, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động, chương trình như: Chương trình bơi an toàn, phổ cập bơi, phòng chống đuối nước trẻ em được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm tăng tỉ lệ trẻ biết bơi và làm giảm số trẻ bị đuối nước. Đồng thời, Thừa Thiên Huế đã đầu tư bể bơi phủ khắp 9 huyện, thị xã và thành phố Huế. Một số trường học trên địa bàn các huyện cũng được đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi nhằm phổ cập bơi đến các em thiếu nhi trên toàn địa bàn, trong đó chú trọng các địa phương có nhiều đầm phá, vùng ven biển, sông, suối có nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước như: huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới...

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Qua đó, ý thức về việc bảo vệ an toàn cho trẻ em với môi trường nước cho từng cá nhân, gia đình và xã hội được nâng cao, từng bước hạn chế tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em, đem lại hạnh phúc và sự phát triển bền vững cho gia đình và xã hội; tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy bơi và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã đem lại cho trẻ em có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơ hội phát triển tốt về mọi mặt. Trong đó, ngành VHTT - đơn vị chủ trì trong công tác tuyên truyền và phổ cập bơi cho trẻ em - đã phối hợp với tổ chức Hue Help triển khai dự án Bơi an toàn, tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Sở đã tập huấn cho hơn 100 giáo viên và dạy bơi cho trên 3000 học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời, tổ chức các chương trình ngoại khóa truyền thông phòng, chống đuối nước cho học sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao khả năng phòng tránh nguy cơ đuối nước cho trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng tử nạn ở trẻ em do đuối nước, nhất là vào mùa hè và mùa mưa, lũ... Hằng năm, Sở VHTT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo 9 huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức các lớp phổ cập bơi và dạy bơi cho các em học sinh, tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ, đội ngũ hướng dẫn viên bơi lội, đội ngũ cứu hộ các hồ bơi, sông, suối, bãi biển...

Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, hướng dẫn về phòng, chống tai nạn đuối nước và công tác quản lý tổ chức các hoạt động bơi và phát triển phong trào tập luyện bơi cho trẻ em. Hướng dẫn, kiểm tra, đồng thời phối hợp sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất thể thao, tổ chức hoạt động bơi, lặn trên địa bàn nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Để hạn chế tối đa thương vong đuối nước cho trẻ em, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai công tác dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ hai, các cấp, chính quyền địa phương cần chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước và phòng chống dịch bệnh trong mùa hè. Rà soát các hố sâu, ao hồ, sông suối thường xảy ra tai nạn đuối nước, hoặc có nguy cơ đuối nước để lắp đặt rào chắn, cảnh báo giúp người dân và trẻ em biết phòng, tránh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh về tai nạn đuối nước, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em nhất là mùa hè, mùa mưa và bão.

Thứ tư, mỗi cơ quan, ban ngành, mỗi địa phương, mỗi trường học tùy theo chức năng nhiệm vụ đưa vào chương trình và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ một cách phù hợp, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh bể bơi cho trẻ em không đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy định trong mùa dịch bệnh.

 

 

THÚY NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

;