Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022

Tối ngày 28-5 tại thành phố Vinh (Nghệ An), Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức đã bế mạc.

10 ngày trong liên hoan đã diễn ra các cuộc tranh tài sôi nổi của gần 250 diễn viên, nhạc công đến từ 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao Bằng chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật

Liên hoan năm nay được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), Lễ Khai mạc Liên hoan được kết hợp trong chương trình Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2022 vào tối ngày 17-5 tại sân vận động xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Hơn hai năm qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình luyện tập, chuẩn bị cho liên hoan của các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, các đoàn đã chủ động khắc phục khó khăn, tập luyện ngày đêm với mong muốn mang đến liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao. Trong suốt quá trình diễn ra liên hoan, khán giả đến xem chật kín khán phòng, đó là niềm động viên các nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật truyền thống.

PGS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu tại Lễ bế mạc

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá về chất lượng của Liên hoan: “Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, cách hóa trang kiểu mặt nạ; múa theo nguyên tắc “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù”; hát thì theo cách “nói lối”; âm nhạc theo nguyên tắc “lề lối”, tất cả tuân theo nghiêm luật âm dương nghệ thuật; các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Tuồng và dân ca kịch…”.

Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận: Hội diễn năm nay hội tụ 11 đoàn nghệ thuật với 16 vở diễn. Mười sáu vở kịch hát với đề tài lịch sử và đề tài hiện đại đầy sắc màu, mang dấu ấn của các vùng miền văn hóa, mang những đòi hỏi bứt phá vươn lên cuộc sống mới của các vùng quê. 

Dàn kịch mục của Hội diễn là hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa trình thức kinh điển và lối diễn mới mẻ, giữa kịch lịch sử bàn về quốc sự, trung quân ái quốc với kịch đề tài hiện đại phản ánh những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay, đề cao nhân cách con người, hướng vào đức hạnh cao quý, trách nhiệm với quê hương, đất nước, với gia đình, với tình yêu của chính mình, đấu tranh không khoan nhượng các hiện tượng tiêu cực, vượt qua các trở ngại, vươn tới cuộc sống tốt đẹp và phẩm giá cao thượng. 

Trong Hội thi lần này, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể, tạo ra những vở tuồng và dân ca có ngôn ngữ giàu tính hình tượng, giàu tính hành động, giàu tính âm nhạc...  Không ít vở diễn có ngôn ngữ kịch bản hàm súc và cô đọng nhưng vẫn chứa nhiều thông tin, thông báo được bản chất sự việc, cung bậc tình cảm. Ở mảng đề tài hiện đại, vở nào cũng phản ánh đấu tranh gay gắt với cái cũ, cái ngáng trở, cái xấu xa, làm bật sáng hình tượng con người mới, có trách nhiệm với cuộc sống. Hai dòng chảy của Tuồng và Kịch hát dân ca không chỉ bảo tồn các giá trị bất hủ về trình thức của truyền thống, mà sáng tạo hình thức mới, thu hút, chuyển bá tư tưởng và thẩm mỹ của vở diễn rất hiệu quả. Sự song hành của tuồng với đề tài quân quốc, kịch hát dân ca với đề tài hiện đại làm phong phú kịch hát dân tộc, đồng thời mở hướng phát triển đầy sức sống của sân khấu truyền thống. 

Không ít cảnh diễn bi tráng, được đạo diễn dàn dựng công phu và nghệ sĩ phô diễn hết mình, tạo những điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng. Sân khấu Hội diễn là sàn diễn về đạo đức, sàn diễn đề cao các giá trị nhân văn, sàn diễn của niềm tin con người vào những bất biến là lòng yêu nước, tình son sắt thủy chung, đùm bọc nhau đi qua các gian nan, thử thách, sàn diễn không khoan nhượng đấu tranh với cái xấu, tố cáo gian nịnh, hướng con người tới xã hội lành mạnh và các đức tính cao quý. 

Mười sáu vở diễn, ta gặp một đội ngũ hùng hậu các nghệ sĩ tài năng. Lớp nghệ sĩ gạo cội còn ở đó, thục luyện nghề nghiệp, và từng trải, làm vụt sáng trong vai diễn, thực hiện một quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa cái tôi diễn viên và cái tôi nhân vật vừa thống nhất, lại vừa có khoảng cách, thực nhưng là cái thực của ước lệ...

Trong Hội diễn lần này ta thấy các nghệ thuật góp cho vở diễn như âm nhạc, ánh sáng, mỹ thuật… hết sức tài hoa và điêu luyện. Riêng các dàn nhạc với bộ gõ, bộ hơi và bộ dây của các đoàn hát khá hoàn thiện, tạo ra dàn âm thanh dày và đầy, không chỉ đưa hơi giữ nhịp cho người hát mà bồi đắp thêm cảm xúc cho ngươi xem. Vui mừng là nhìn vào dàn nhạc, thấy nhiều nhạc công trẻ tài năng. Thiết kế vài vở diễn khá đẹp, nhiều thiết kế khoáng đạt, giàu tính biểu tượng, tạo cơ hội cho diễn viên biểu diễn thể hiện về số phận, tâm lý và cá tính nhân vật.

Cảnh trong vở "Vầng sáng" - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra một vài điểm hạn chế của Liên hoan như: "Có kịch bản sơ lược, chú trọng vào bối cảnh lịch sử hoành tráng mà sao nhãng số phận nhỏ bé của nhân vật mà sân khấu lại cần các số phận nhỏ bé, chìm khuất giữa cuộc đời thường làm lay động người xem. Các ông vua diễn một màu, hò hét ồn ào và căng cứng, xa khác với các vị minh quân của triều đại trước, nhiều vị thâm hậu về học vấn, mực thước về ứng xử, lấy cái tôi sâu sắc của văn minh Đại Việt để dẫn dắt bề tôi qua các khúc quanh. Có vở tuồng văn đã vượt ra khỏi cái căng cứng của tuồng võ làm cho nhân vật mềm mại, thân gần. Có vở diễn đạo diễn dùng quá nhiều dây dợ, bục bệ làm rối sân khấu và diễn viên bị lúng túng bởi các giăng mắc nhiều giải lụa không cần thiết. Có vở trùng lặp về thiết kế mỹ thuật, có vở diễn múa dài, múa với các đạo cụ cồng kềnh làm mất đi vẻ đẹp truyền cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể. Có vở diễn dư thừa về mỹ thuật bục bệ tràn lan. Có vở diễn, nhạc một nơi, diễn một nẻo, nhạc không đỡ được cho nhân vật, và không dắt được xúc cảm tiếp nhận của khán giả. Có vở diễn phục trang màu mè không phù hợp với truyền thống phục trang mộc mạc của người Việt gọn gàng, giản dị và thanh lịch, không dằn dữ giáp trụ, cân đai lóe sáng như vua chúa phương Bắc, kể cả các võ tướng uy dũng và nanh vuốt. Xin nhớ phục trang Lý, Trần, Lê, Nguyễn là phục trang tự tôn văn hóa Việt, phục trang độc lập dân tộc, từ vua chúa đến con dân. Nhất thiết không mặc giống người phương Bắc coi như tiêu chuẩn, giá trị đạo đức về độc lập dân tộc của ông cha ta. Cuộc đổ bộ ào ạt của mỹ thuật, của ánh sáng, của tiếng động và âm nhạc tuy giúp cho người diễn nhàn hơn, nhưng đồng thời từ đó người diễn bỏ xót mất diễn ước lệ cùng với không gian, thời gian và cảnh trí mà người nghệ sĩ luôn đem theo mình khi bước lên sàn diễn, làm nghèo nàn nghệ thuật trình diễn vốn phong phú và đa dạng và giàu tính ước lệ của nghệ thuật sân khấu dân tộc”. 

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 3 Huy chương vàng cho các vở: Cánh cò trong bão - Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; Cô thần - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; Truyện ngoài chính sử - Làm vua - Nhà hát Tuồng Việt Nam.

5 Huy chương Bạc thuộc về các vở: Đi qua ngày giông bão - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh; Hoàng đế Lê Đại Hành - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Chiếc áo thiên nga - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố Hồ Chí Minh; Chợ đời - Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Tam khúc Chúa - Nhà hát Tuồng Việt Nam.

3 Huy chương Đồng thuộc về các vở: Phượng hoàng Trung Đô - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa; Ni sư Hương Tràng - Đoàn ca kịch Quảng Nam, Ngược sóng - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Ban Tổ chức cũng trao 31 Huy chương Vàng, 40 Huy chương Bạc, 20 Huy chương Đồng cho diễn viên.

Giải Tác giả xuất sắc thuộc về Văn Trọng Hùng - vở Cô thần -  Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; Đạo diễn xuất sắc (thể loại Tuồng) thuộc về NSND Hoài Huệ vở Truyện ngoài chính sử - Làm vua - Nhà hát Tuồng Việt Nam; Đạo diễn (thể loại Dân ca) thuộc về NSƯT Bùi Như Lai vở Đi qua ngày giông bão - Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh; Nhạc sĩ xuất sắc thuộc về NSƯT Thành Nam vở Hoàng đế Lê Đại Hành - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Họa sĩ xuất sắc thuộc về Trần Hồng Vân vở Chiếc áo thiên nga - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố Hồ Chí Minh; Biên đạo múa xuất sắc thuộc về Đỗ Thị Kim Tiển vở Cô thần - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

 THU HUYỀN - Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn

;