“Chúa tể rừng xanh” - câu chuyện về lòng nhân ái và tình đoàn kết

Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt vở xiếc thú “Chúa tể rừng xanh” có thời lượng 75 phút, nhằm phục vụ các em thiếu nhi dịp 1- 6. Vở xiếc được dựa trên câu chuyện cổ tích Việt Nam cùng tên, là bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.

Chúa tể rừng xanh do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo nghệ thuật; Tác giả và đạo diễn: NSND - Đạo diễn Tống Toàn Thắng; Trợ lý đạo diễn: NSƯT Trần Quốc Đông - Đặng Thanh Hải; Biên đạo múa: Hải Yến; Thiết kế sân khấu: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng; Âm nhạc: Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa; cùng với sự thể hiện của 40 diễn viên trong các tiết mục: xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ,..., patin, ảo thuật, tung hứng, hài hước...

Sở dĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng vở xiếc này bởi, xiếc thú là một thể loại trong nghệ thuật xiếc, nó đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển của nghành xiếc Việt Nam. Nhiều loại thú lớn hoang dã biểu diễn trên sân khấu xiếc, đã để lại những ký ức khó quên trong lòng khán giả yêu mến xiếc thú qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó, “trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, chúng ta phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như: voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người, chúng được huấn luyện và dạy dỗ để thay thế các loại thú hoang dã thiếu vắng. Đồng thời, trong điều kiện, môi trường xã hội, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet, điện thoại thông minh đã tác động rất nhiều tới thị hiếu, cách thưởng thức của trẻ em ngày nay. Vì thế, với phương pháp tiếp cận là tương tác trực tiếp cùng các con thú thông qua sự hóa thân của các nghệ sĩ xiếc vào các bộ lốt thú hoang dã mà các em đã được biết qua phim ảnh, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ mang đến cho các em những cảm xúc mới, không kém phần hấp dẫn, tính giải trí và giáo dục cao” – Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Chúa tể rừng xanh gồm 3 cảnh: Ngày hội tranh tài; Lên ngôi Chúa tểNgôi nhà chung, là câu chuyện kể về một khu rừng già có rất nhiều loài muông thú sống chung với nhau, vì vậy sự phân chia lãnh thổ và thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng. Loài thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy các loài thú đưa ra một quyết định đó là hằng năm có ngày hội tranh tài chọn ra con thú nào mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài. Cả khu rừng đang náo nhiệt cho cuộc thi thì xuất hiện hổ vằn tới tham dự, tất cả khu rừng đều hoảng sợ, các loài thú đã tụ tập, quây quần lại với nhau. Tất cả có ý kiến với bác rừng già không cho hổ vằn tham gia, vì hổ vằn sẽ ăn thịt tất cả các loài thú. Hổ vằn nghe thấy hậm hực và tỏ ra giận dữ. Bác rừng già thấy vậy liền đưa ra điều kiện, nếu hổ vằn muốn tham gia thì phải trổ tài của mình với các loài thú, nhưng không được bắt nạt và ăn thịt chúng. hổ vằn chấp nhận và trổ tài cưỡi trâu, phi ngựa, chăn lợn, bắt chước các động tác của mèo. Các loài thú tỏ ra thán phục và cùng nhau phong Hổ vằn làm Chúa tể rừng xanh.

Bỗng xuất hiện từ đâu đến một đàn sư tử hung hãn lao đến muốn bắt các loài thú. Hổ vằn dùng sức mạnh của mình và tập hợp sức mạnh đoàn kết của muôn loài chống lại lũ sư tử. Lũ sư tử bị đánh thua tời bời và phải xin tha. Các loài thú vui mừng mở hội chúc mừng Chúa tể rừng xanh. Hổ vằn oai phong đứng trên cao nói với mọi người, từ nay tất cả chúng ta phải luôn đoàn kết, kẻ mạnh phải giúp kẻ yếu để bảo vệ ngôi nhà chung…

Chúa tể rừng xanh là tên một bài học trong sách tiếng Việt lớp 1, nên hầu hết các em đều biết tới tên của loài thú này, vì thế trong vở xiếc được lồng ghép nội dung, tình tiết câu chuyện được thể hiện qua các con thú thật và nhân vật lốt thú. Với mục đích truyền tải các nội dung, thông điệp cho trẻ em dễ hiểu, các nhân vật có lời thoại kết hợp diễn xuất, cùng với các trò diễn, ngôn ngữ đặc thù của xiếc sẽ đáp ứng cho đối tượng trẻ từ mầm non đến các em học sinh cấp I và khán giả yêu thích nghệ thuật xiếc.

Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, đây là bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú, của Đoàn nuôi dạy thú biểu diễn cho đối tượng trẻ em theo lịch cố định (vào thứ năm hàng tuần). Phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường tới xem tại Rạp xiếc TW trong buổi sáng và chiều; đồng thời, Liên đoàn Xiếc Việt Nam muốn nâng cao tính chủ động, tìm hướng phát triển mới cho nghệ thuật xiếc thú trong giai đoạn mới. Thay đổi cách diễn truyền thống với các loài thú, nâng cao tính nghệ thuật, tính nhân văn và thân thiện với môi trường.

NGỌC BÍCH

 

 

;