Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Bh’noong Phước Sơn, Quảng Nam

Ngày hội văn hóa truyền thống của dân tộc Bh’noong năm 2023 vừa diễn ra từ ngày 12 đến 15-5 tại sân vận động và khu bảo tồn văn hóa huyện Phước Sơn. Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên dân tộc của 12 xã thị trấn huyện Phước Sơn tham dự với nhiều hoạt động tái hiện các nghi thức truyên thống, múa cồng chiêng, trò chơi dân gian, ẩm thực, điêu khắc, quảng bá các sản phẩm đia phương và diễu hành trên làng phố…

Các đoàn cồng chiêng tham gia diễu hành

Tuy thời tiết không thuận lợi nhưng rộn ràng và độc đáo vẫn là nhịp điệu múa cồng chiêng vang vọng khắp phố núi Khâm Đức. Từ chiều 12-5, trong rực rỡ sắc màu, đoàn diễu hành đánh trống chiêng, những bước chân nhịp nhàng theo điệu múa truyền thống đi khắp các tuyến đường chính của thị trấn đã thu hút hàng ngàn dân làng và du khách đến cỗ vũ hò reo… Âm nhạc và vũ điệu hòa quyện độc đáo, vừa có sự mạnh mẽ, hùng tráng của núi rừng, trào dâng cuốn hút và hấp dẫn người xem. Các thiếu nữ Bh’noong diện trang phục truyền thống rất đẹp. Rất ấn tượng với những em nhỏ tham gia diễu hành. Các em tuy còn rất nhỏ nhưng đã rất thuần thục những điệu múa. Mỗi xã đều cố gắng đem về ngày hội những nghi thức trình diễn độc đáo nhất, song vẫn bám sát các giá trị mang tính bản sắc của dân tộc Bh’noong.

Múa hát cồng chiêng là hoạt động văn hóa lâu đời của đồng bào vùng cao, song với mỗi dân tộc, việc trình diễn vẫn có những bản sắc riêng. Đối với người Bh’noong - Giẻ Triêng ở Phước Sơn, cồng chiêng gồm 3 loại hình khác nhau: bộ cồng chiêng 12 chiếc, bộ chiêng 6 chiếc, bộ chiêng 4 chiếc. Cả 3 loại cồng chiêng đều được sử dụng trong các nghi lễ, là biểu hiện của tín ngưỡng, phương tiện giao tiếp với thần linh. Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; lễ cúng làng, lễ đâm trâu..., như chất kết dính cho nhiều thế hệ.

Dựng cây nêu khai hội

Trưng bày giới thiệu các sản phẩm

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nêu rõ, các hoạt động ngày hội hướng tới mục tiêu chung là gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo của người Bh’noong, hình thành một sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương. Ngày hội còn là điểm nhấn trong hành trình văn hóa truyền thống, nhớ về cội nguồn, xây dựng  thương hiệu văn hóa của huyện Phước Sơn. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Bh’noong gắn với phát triển du lịch, những năm qua, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.

"Ngày hội là nơi hội tụ các loại hình văn hóa truyền thống người Bh’noong, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong ngày hội được duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc tại địa phương. Đây là bước khởi đầu, từ những tín hiệu tích cực mà ngày hội mang lại, chúng tôi sẽ có tiền đề để xây dựng và nâng tầm quy mô, trở thành sự kiện văn hóa thường niên, xúc tiến cho câu chuyện thu hút đầu tư về du lịch trên nền tảng vốn quý văn hóa của địa phương" - ông Đỗ Hoài Xoan chia sẻ.

DIỆU VŨ

 

;