Tây Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh ở khu vực Nam Bộ. Trong Kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, tỉnh xác định khu du lịch Núi Bà Đen là một trong những điểm đến trọng tâm, trọng điểm, mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người nơi đây.
Với độ cao 986m, núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ”, dáng vẻ kỳ vĩ ẩn hiện trong làn mây trắng bồng bềnh đã tạo nên khung cảnh mê hoặc lòng người. Nơi đây thu hút du khách bởi sự hiện diện của một loạt các công trình kiến trúc như điện, chùa, miếu, tháp... mang đậm văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Năm 2018, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thu hút các nhà đầu tư, mang đến diện mạo mới cho du lịch Tây Ninh. Trong đó, hệ thống cáp treo được Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng, kết nối các điểm du lịch tâm linh gồm: tuyến Vân Sơn, tuyến Chùa Hang và tuyến Tâm An. Đầu năm 2020, Nhà ga Bà Đen được công nhận là: Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới với diện tích 10.959m2.
Tượng Phật Di Lặc bằng sa thạch
Truyền thuyết về Bà Đen
Theo dân gian, Bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái của một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thời nhà Nguyễn. Nàng và chàng Lê Sĩ Triệt có hẹn ước nên duyên vợ chồng, chưa kịp đám cưới thì chàng phải đi tòng quân. Trong một lần lên núi, nàng bị kẻ xấu vây bắt, hãm hiếp, để giữ lòng trinh tiết với người hôn phu, nàng đã nhảy xuống khe núi để tự vẫn. Sau khi chết, nàng Thiên Hương xuất hiện với làn da bánh mật, báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi. Vị sư bèn đi tìm thi thể của nàng đem về để mai táng, và gọi nàng là Nàng Đen.
Ngọn núi này cũng gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử. Tương truyền rằng, trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã đến nơi đây và cầu khẩn sự giúp đỡ của Bà. Bà đã hiện ra trong mộng và chỉ đường thoát thân, khuyên Nguyễn Ánh nên qua Xiêm (Thái Lan ngày nay) chờ thời cơ để khôi phục cơ đồ.
Nàng Lý Thị Thiên Hương lần thứ ba nhập xác vào cô gái trẻ tuổi khi gặp gỡ Thượng quốc công Lê Văn Duyệt - Tổng trấn thành Gia Định lúc bấy giờ. Nàng nói về tương lai của vị quan tài giỏi này và kể nỗi oan khuất riêng của mình. Ngay sau đó, Quốc công Lê Văn Duyệt đã tâu lên vua, thay mặt vua lên núi làm lễ sắc phong cho bà: “Lý Thị Thiên Hương đã có công phù hộ cho vua Gia Long, xây dựng cơ đồ thống nhất giang sơn”; phong nàng là: “Linh Sơn Thánh Mẫu” ngụ tại núi Một để cầu thế về sau và ghi nhớ công ơn của nàng.
Người đời sau gọi là Bà Đen và đổi tên núi Một thành núi Bà Đen. Sau đó cho tạc tượng Bà bằng đồng đen trong hang đá gọi là điện Bà (Linh Sơn Tiên Thạch động). Linh Sơn Tiên Thạch động được cải tạo từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành một am động, bên trong có tượng Phật bà bằng đồng nặng 240kg. Điện thờ Bà Đen được xây dựng khang trang vào cuối TK XIX. Kể từ đó, nhiều công trình chùa chiền khác cũng được trùng tu và xây dựng thêm. Đây là cơ sở để hình thành Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.
Quần thể chùa tại núi Bà Đen
Quần thể các chùa tại núi Bà Đen gồm có chùa Trung, chùa Long Châu Phước Trung, chùa Bà, chùa Hòa Đồng, chùa Hang và chùa Quan Âm tạo nên không gian đầy linh thiêng, thu hút du khách đến khám phá, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất Tây Ninh.
Ngôi chùa có tuổi thọ lớn nhất là chùa Bà, tọa lạc trên lưng chừng núi ở độ cao 350m, được xây dựng từ năm 1763. Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu là người đầu tiên khởi công xây dựng chùa. Dù đã trải qua nhiều lần tàn phá và trùng tu, chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ kính và trang nghiêm.
Sau khi trùng tu, chùa Bà có diện tích 210m2, hiện còn giữ được hai cột đá xanh từ thời Tổ Tâm Hòa (1910-1937) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m đường kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn trông rất đẹp. Sân chùa có tượng Bồ Tát Quan Âm, tiền đường thờ Tiêu Diện. Đặc biệt, ở điện Phật có Tôn trí ngọc xá lợi Phật - bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp được vua Sãi Thái Lan tặng và cúng dường vào năm 2000.
Hằng năm, tại đây diễn ra nhiều lễ hội liên quan đến Phật giáo, tín ngưỡng, văn hóa dân gian. Tiêu biểu như Hội Xuân núi Bà, được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 16 tháng Giêng. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương và du khách thập phương không chỉ được thưởng ngoạn không khí đất trời vào Xuân mà còn là dịp các tín đồ Phật giáo dâng hương bái lễ các vị thần thánh chư Phật.
Bên cạnh đó, để bày tỏ lòng thành kính với Linh Sơn Thánh Mẫu, vị Thánh luôn chở che, giúp đỡ con người tránh khỏi những tai ương trong cuộc sống, nhân dân tổ chức lễ vía bà từ ngày 4-6/5 âm lịch hằng năm. Năm 2019, lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong dịp lễ hội năm 2024, đại lễ dâng đăng xác lập kỷ lục với 55.000 ngọn đăng, thắp sáng khắp đỉnh núi Bà.
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn - cao 72m, xác lập 2 kỷ lục
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tọa lạc trên tỉnh núi Bà Đen, được đúc bằng 170 tấn đồng đỏ dựa trên nguyên mẫu tượng Phật thời Lê, đứng uy nghiêm trên đài sen với tổng chiều cao 72m, xác lập hai kỷ lục: Tượng Phật Bà bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam và Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á. Xung quanh tượng Phật Bà là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương uy vũ, trang nghiêm, trông nom bốn phương, hộ trì thế giới. Nhìn từ trên xuống, tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài tháp được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ.
Nằm dưới chân tượng Phật Bà là khối đế cao 4 tầng với diện tích lên đến 4.410m2. Đây là Trung tâm Triển lãm Phật giáo, nơi trưng bày các phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, trình chiếu video mapping về sự hình thành của vạn vật dưới góc nhìn Phật giáo.
Đại tượng Phật Di Lặc
Ngày 28/1/2024, lễ an vị tượng đã diễn ra, đánh dấu sự xuất hiện của tượng Phật Di Lặc bằng sa thạch lớn bậc nhất thế giới với chiều cao 36m, rộng 45m, nặng 5.000 tấn được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên, lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang.
Phía sau lưng và bao quanh tượng là thác nước nhân tạo cao 35m, cùng hệ thống đài phun nước sử dụng công nghệ tiên tiến mới nhất như máy vẽ laser, máy laser tạo khối, máy chiếu 3D hay đèn moving head. Tượng Phật Di Lặc được tạo tác ở tư thế ngồi trên thác nước chảy tràn với với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh mảnh đất Tây Ninh trù phú và hồ Dầu Tiếng thơ mộng.
Theo kinh điển Phật giáo, Phật Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai sau khoảng ba vạn năm, kế vị Phật Thích Ca để truyền thừa chánh pháp, giáo hóa chúng sanh. Với tấm lòng từ bi hỷ xả, Ngài biến mọi buồn lo, muộn phiền, giận dữ của con người thành niềm vui vô tư lự. Bên cạnh đó, Phật Di Lặc cũng đại diện cho sự thịnh vượng, giàu sang, mang đến tài lộc, vận may, sức khỏe đến những nơi đặt tượng Ngài.
Bên trong tượng, thiết kế độc đáo với 5 bậc thang cuốn, vách tường và mái vòm lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang, mang đến nhiều ấn tượng về thị giác cho du khách. Lối đi bao gồm hệ thống thang bộ và thang cuốn, bên tay phải lối thang bộ là những bức tượng chú tiểu với nhiều biểu cảm ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Có thể nói, khu du lịch Núi Bà Đen là quần thể di tích văn hóa - lịch sử, một biểu tượng mang tính truyền thống về vùng đất và con người Tây Ninh, góp phần tạo nên tiền đề để phát triển kinh tế du lịch địa phương. Với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến với Tây Ninh ước đạt 3,4 triệu lượt, đạt 61,9% so với kế hoạch, tổng doanh thu ước đạt 1.845 tỷ đồng, tăng 34,1% so với cùng kỳ, đạt 80,2% so với kế hoạch. Những kết quả đạt được cho thấy tiềm năng to lớn của địa phương trong việc thu hút du khách và phát triển kinh tế du lịch trong tương lai.
VÂN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024