Khoảng trống trước sân nhà

Những ngày cuối năm này, thỉnh thoảng đang làm gì đó mẹ tôi chợt ngừng tay nhìn ra cổng ngẩn ngơ. Nén tiếng thở dài nhẹ như gió heo may, mẹ vu vơ bảo: “Thế là thằng cả đã xa nhà tròn bốn cái Tết rồi”. Những đứa con vì miếng cơm manh áo mà phải xa nhà ở quê tôi thiếu gì. Họ bỏ lại ruộng đồng, cây lúa càng cấy càng lỗ, bỏ lại phận công nhân thời vụ trong những khu công nghiệp với đồng lương bập bõm không đủ chi tiêu. Họ mang ước vọng đổi đời đi xuất khẩu lao động trên những đất nước xa xôi, có khi cách quê mẹ nửa vòng trái đất. Với mong muốn kiếm được một công việc tốt, lương cao, trang trải hết nợ nần. Nếu may mắn sẽ có đồng ra đồng vào, của ăn của để, tích cóp về sửa sang lại cửa nhà cho bố mẹ an hưởng tuổi già. Có nhà cả dâu cả rể, cả con gái lẫn con trai đều đi xuất khẩu lao động biền biệt cả chục năm trời. Rồi sẽ chỉ có người già và trẻ con ở lại canh làng. Những cái tết dần thiếu đi vài bóng người thân thuộc…

Các con đi làm xa, để lại những cơn nhớ thường ập đến bất chợt. Như lúc nhà có công việc lớn, mẹ hay bảo: “Thằng cả mà ở nhà thì mẹ cũng đỡ mệt. Nó được cái chăm chỉ hay làm, chẳng nề hà việc gì. Tính lại ham vui, thèm đông đủ”. Chiều hai bảy Tết năm nào ngồi gói bánh chưng mẹ cũng nhắc: “Nhà ba đứa con, chỉ có anh mày biết gói bánh. Cái thằng, con trai mà gói khéo đáo để, chẳng cần phải đặt khuôn. Giá có nó ở nhà mẹ chẳng phải một mình lọ mọ”. Khi chụm củi chiều ba mươi mẹ chợt nhớ kể từ khi thằng cả đi xa, nhà đã mấy năm rồi không phải dùng đến chiếc nồi to đun nước tắm tất niên. Đêm giao thừa, nghe xong cuộc gọi của con trai điện về từ đất nước mặt trời mọc xa xôi, mẹ khẽ quay đi lau nước mắt. “Chắc là nó nhớ nhà lắm đấy”.

Thời gian của một người xa nhà đâu chỉ được tính bằng tháng bằng năm hay bằng từng mùa Tết. Nó còn được tính bằng những mất mát không có gì bù đắp nổi. Khi anh tôi đi cũng vào dịp cận Tết, lúc ấy ông bà nội, ngoại hai bên vẫn còn khỏe. Người nắm tay hỏi đi bao giờ về? Người chấm nước mắt dỗi: “Bà chẳng biết còn sống chờ mày về nữa hay không”. Tưởng nói vậy thôi, chứ thấy ông bà vẫn còn khỏe lắm. Đâu ai ngờ trong mấy năm xa nhà lần lượt từ bà ngoại, ông ngoại rồi bà nội đã rời xa nhân thế, lặng lẽ nằm trong một góc nghĩa trang. Trong đám tang, thợ kèn thay anh khóc một bài để đưa tiễn ông, bà. Qua cuộc gọi video, anh tôi không nói gì, chỉ khóc…

Tôi từng sống xa nhà nhiều năm tháng thanh xuân nên thấu hiểu phần nào nỗi cô đơn biền biệt. Kỷ niệm có khi sắc mỏng như lá lúa cứa vào lòng buôn buốt nhớ. Anh hay gọi về hỏi rừng tràm trước nhà đã lớn chưa? Con đường trước nhà nghe nói sắp làm lại rộng hơn? Cây đào già năm nay có nảy lộc bung hoa không mẹ? Cây đào mà đứa con cả của mẹ nhắc đến tán to rộng cả một khoảng sân, vươn qua hàng rào tỏa bóng cả xuống đường làng. Mỗi mùa xuân hoa nở tươi thắm một góc trời, ai đi qua cũng trầm trồ khen “nhà này có gốc đào đẹp quá”. Vài người trả giá cao nhưng anh tôi điện về dặn mẹ nhất định đừng bán đi. Có khi vì nhớ quá anh đòi “về nhà” một chuyến qua điện thoại. Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, mẹ loay hoay nghe anh hướng dẫn cách mở cuộc gọi video. Mẹ quay từ đường làng lên đến cổng nhà. Chợt dừng lại dưới gốc đào già, mẹ dặn anh đừng nói gì sẽ đánh động lũ chim đang ríu rít. Như chợt nhớ ra nồi mứt đang sên đường trong bếp, mẹ dựng điện thoại ở gốc đào chạy vội vào. Anh tôi cứ thế nằm lặng yên mường tượng ra mình đang về ngồi dưới gốc đào già trước sân nhà thân thuộc. Bình yên là vậy mà cây đào bị sâu bệnh ngầm trong gốc tự bao giờ cứ chết dần mòn. Tết năm nay trước sân nhà chỉ còn là khoảng trống. Anh gọi hỏi chỗ gốc đào sâu bệnh bị bứng đi, đã trồng thay xuống đó cây gì khác? Anh đâu biết rằng dù có trồng thay thế vào đó một khóm hoa rực rỡ đến chừng nào thì trong lòng mẹ mãi là hình ảnh thằng con cả ngồi dưới gốc đào chẻ lạt giang gói bánh chưng. Thỉnh thoảng gió xuân lay động, vài cánh hoa đào phai rơi xuống vai thằng nhỏ. Cũng phải thôi, anh đã tròn bốn mươi mà trong mắt mẹ cứ mãi là thằng nhỏ năm nào lẽo đẽo theo mẹ đi chợ Tết. Xòe bàn tay nhận từ mẹ chiếc bánh rán bọc đường, ngọt lịm. 

Có đôi khi mẹ ngồi mường tượng ra một cuộc “về nhà” của đứa con xa bằng câu chuyện kể với người hàng xóm. “Nó mà về chị sẽ sơn lại cái nhà cho sáng sủa, gói cả yến gạo bánh. Nhà có con lợn nuôi nửa năm thả rông ngoài rừng chẳng cám bã gì mổ đủ làm vài mâm cỗ mời anh em làng xóm chung vui”. Có khi tối nằm không ngủ được xem mấy clip “đi xuất khẩu lao động lặng lẽ trở về không báo trước”, chợt tiếng xe nào đó dừng ngoài cổng cũng khiến mẹ giật mình chồm dậy. Chiều ba mươi Tết ngồi nhìn khoảng trống trước sân nhà tự nhiên mẹ mỉm cười. Tôi đoán chắc mùa hoa trong ký ức đã nở khắp sân nhà. Dưới gốc cây đào già “thằng cả” của mẹ đang ngồi nghe chim hót…

 Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;