Huyện Tuy Phước (Bình Định): Tiềm năng phát triển du lịch xanh

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa, kết hợp việc giáo dục về môi trường cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương nhằm hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.

Khách tham quan chèo súp trên khu sinh thái Cồn Chim

 

Là huyện đồng bằng ven biển, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 10km, huyện Tuy Phước có nhiều danh lam thắng cảnh của một vùng đất cuối nguồn sông Kôn, nằm bên đầm Thị Nại thơ mộng và trù phú. Đến với Tuy Phước, du khách có thể tham quan một vùng địa linh nhân kiệt, còn lưu lại rất nhiều di tích mang dấu ấn lịch sử - văn hóa lâu đời, nơi sản sinh ra các danh nhân văn hóa - lịch sử... Không những vậy, du lịch Tuy Phước còn làm đắm say lòng du khách bởi các danh lam thắng cảnh, các lễ hội dân gian truyền thống và đặc sản ẩm thực vô cùng hấp dẫn…

Trong hành trang văn hóa dân gian tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng, dấu ấn “đất và người” Tuy Phước được thể hiện khá đậm nét, từ võ thuật, văn học, âm nhạc đến vũ đạo được vận dụng khá nhuần nhuyễn trong nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của địa phương như: hát Bội, những làn điệu dân ca Bài chòi đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cái nôi của võ cổ truyền dân tộc - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có sức thu hút và lan toả sâu rộng trong đời sống văn hóa của cộng đồng, xã hội.

Ngoài tài nguyên về văn hóa - lịch sử, Tuy Phước còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều tài nguyên tự nhiên, từ cánh đồng bát ngát nặng trĩu hạt lúa đến sông, đầm đầy ắp cá tôm. Trong đó, đầm Thị Nại là một báu vật vô giá: đầm lớn thứ hai trong các đầm phá ở Việt Nam. Đầm là rừng ngập mặn có mức độ đa dạng sinh học cao và rất nhiều loại thủy, hải sản. Nơi đây được ví như lá phổi xanh của Bình Định, là nơi tập trung hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Du khách đến đầm Thị Nại sẽ bị cuốn hút bởi môi trường thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc rất nhiều đàn chim bay về tổ rợp cả một khoảng trời, thật huyền ảo và mê hoặc lòng người. Đặc biệt, nằm trong quần thể Cồn Trạng, Cồn Giá và một phần thủy vực tự nhiên ở phía Nam đầm Thị Nại, Cồn Chim ở xã Phước Sơn - trông hệt như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Xóm Cồn Chim có khoảng 165 hộ dân với hơn 618 nhân khẩu tạo nên “làng chài ốc đảo” độc đáo giữa đầm phá.

Cồn Chim hội tụ những lợi thế và tiềm năng về mặt tự nhiên và phát triển du lịch không chỉ của Tuy Phước mà của cả Bình Định. Nơi đây mang nét đẹp hoang sơ, như một miền Tây thu nhỏ giữa mảnh đất miền Trung. Cồn Chim hòa mình vào bức tranh thủy mặc khổng lồ, khó có nơi đâu đem lại trọn vẹn cảm giác yên bình, thư thái như ở đây. Đến đây, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt, lao động của ngư dân các làng chài, tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa địa phương vẫn còn lưu giữ của người dân Cồn Chim. Những ngày gió lặng biển êm, có dịp xuôi thuyền trên đầm Thị Nại, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành cùng với cảnh sắc thiên nhiên đẹp hữu tình và quyến rũ, hay những buổi sớm mai, những tối trăng tròn, du khách chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên. Với điều kiện thiên nhiên độc đáo như vậy, Cồn Chim thực sự là nơi lý tưởng cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu: đi thuyền ngắm cảnh ngao du, khám phá thiên nhiên tuyệt mỹ; lên chòi cao ngắm quần thể chim, cò; câu cá giải trí; tổ chức cắm trại hay nghỉ ngơi, thư giãn ở các chòi sinh thái...

Những năm gần đây, du lịch Tuy Phước có sự khởi sắc, tính đến quý II năm 2024, số lượt khách du lịch đến huyện đạt khoảng 120.000 lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 5.000 lượt (đạt 96% so với kế hoạch đề ra). Đặc biệt, loại hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được chú trọng đầu tư phát triển.

Có được kết quả như trên là nhờ công tác tuyên truyền vận động đã phát huy được hiệu quả: Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện về tầm quan trọng của bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân tại các điểm du lịch nhiệt tình hưởng ứng và chung tay góp sức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch xanh; công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch được quan tâm đầu tư; văn hóa nghệ thuật truyền thống được bảo tồn phát huy (phục dựng các phong tục, lễ hội truyền thống); công tác phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo, tập huấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, có thể khẳng định,  hoạt động du lịch xanh trên địa bàn huyện chưa phát huy được hết tiềm năng và còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để; nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở dịch vụ du lịch được xả trực tiếp vào môi trường, gây tăng mức độ ô nhiễm và hàm lượng chất hữu cơ trong nước nhất là các dịch vụ ven đầm Thị Nại. Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch tự phát không theo quy hoạch, không có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên môn, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, làm suy thoái hệ sinh thái của động, thực vật…

Muốn phát huy lợi thế, tiềm năng và khắc phục những tồn tại, hạn chế để du lịch xanh trên địa bàn huyện được phát triển bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân phải cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch: các cơ quan quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch và du khách; liên kết với các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh cho cộng đồng làm du lịch và du khách; xây dựng một chương trình phát triển du lịch tổng thể, được quy hoạch phù hợp với từng tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng các bến thuyền, trang bị các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy, hình thành loại hình du lịch đặc trưng miền sông nước, xây dựng các tour du lịch liên kết giữa tỉnh và huyện gắn với điểm đến: khu sinh thái Cồn Chim và các điểm du lịch lân cận; có những chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương vừa đáp ứng lợi ích của nhà đầu tư, vừa mang lại lợi ích cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu thỏa mãn khách du lịch, trên nguyên tắc đảm bảo tính bền vững trong phát triển của nó. Đó là phát triển du lịch bền vững, ba khía cạnh về môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế đều phải được hưởng lợi từ du lịch; có sự phối hợp đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, quan tâm tạo cơ chế chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường xanh -  sạch - đẹp, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn...Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn của huyện cần phải tổ chức nghiên cứu, tập trung khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, nhất là giá trị văn hoá biển ven đầm Thị Nại thông qua việc tìm hiểu những phong tục, tập quán... cũng như tìm hiểu phương thức mưu sinh và sinh kế của người dân tại đây để có cơ sở khoa học sắp xếp, chỉnh trang khu dân cư làng chài với đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp của người dân mà vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa cộng đồng trong phát triển kinh tế cộng đồng, giúp người dân tại đây có chất lượng sống tốt hơn.

 

HUỲNH NAM VIỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;