Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế: Những khó khăn trong triển khai, tổ chức hoạt động văn hóa đối với Nhà văn hóa cấp xã

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích hơn 235km2, dân số hơn 116.000 người, huyện có 13 xã và 1 thị trấn, 80 thôn, tổ dân phố. Trong những năm qua, với những bước phát triển khá cơ bản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì lĩnh vực văn hóa cũng có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là cấp xã còn bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn huyện Phú Vang.

 

Thực trạng hoạt động của các Nhà văn hóa xã

Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Phú Vang có 12 Nhà văn hóa cấp xã. Trong những năm qua, được sự lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, sự tích cực, chủ động của phòng VHTT huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn nên hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã đã có chuyển biến tích cực. Nội dung hoạt động ở các Nhà văn hóa cấp xã từng bước đi vào nề nếp, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, gắn bó thiết thực với cộng đồng khu dân cư. Về cơ bản, hệ thống Nhà văn hóa cấp xã đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trong huyện, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, qua đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng Nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa đối với hệ thống các Nhà văn hóa cấp xã nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới chỉ có 12/14 xã, thị trấn có Nhà văn hóa, chưa đạt tỉ lệ 100%. Các Nhà văn hóa hầu hết chưa phát huy hết công năng sử dụng dẫn đến việc xuống cấp do không thường xuyên sử dụng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các Nhà văn hóa chưa được quan tâm đầu tư, mua sắm, còn rất thiếu thốn, không đáp ứng được chất lượng hoạt động. Việc xây dựng và vận hành các Nhà văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần hình thức còn nội dung hoạt động, công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, điều này được thể hiện qua tình trạng nhiều Nhà văn hóa hoạt động đơn điệu, nghèo nàn. Việc chưa có cơ chế, chính sách trong vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị nên chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chính, trong khi đó, ngân sách của huyện còn eo hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa ở các xã, thị trấn của huyện không đảm bảo theo quy định của Bộ VHTTDL trong khi đó lại kiêm nhiệm nhiều công việc. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ phụ trách thiếu, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa vẫn còn đang tồn tại chưa được quan tâm đúng mức.

 Một số địa phương gặp khó khăn trong quy hoạch quỹ đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực quản lý cơ sở vật chất văn hóa để tổ chức khai thác các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các Nhà văn hóa xã. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về phát triển văn hóa chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội trên địa bàn huyện Phú Vang chưa cao, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể theo cơ chế lồng ghép, phối hợp hoạt động chưa hiệu quả, chủ yếu vẫn còn giao khoán cho ngành Văn hóa huyện. Công tác tuyên truyền, vận động còn yếu, chưa phát huy hiệu quả cao nhất, chưa khơi dậy được ý thức tự nguyện, tự giác của người dân trong xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cũng như góp phần nâng cao hoạt động của Nhà văn hóa cấp xã.

Những thực trạng trên chủ yếu xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của văn hóa, của một số cấp ủy, chính quyền và cả một bộ phận nhân dân. Bên cạnh đó, là sự hạn chế về kinh phí khi chưa có nguồn để bố trí cho hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động của các Nhà văn hóa nói riêng. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như đặc điểm lịch sử, điều kiện kinh tế của người dân chưa cao, thời tiết, khí hậu… cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa cấp xã trên địa bàn huyện.

 

Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động

Tổ chức các hoạt động văn hóa đối với hệ thống Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa các cấp nói chung và Nhà văn hóa cấp xã nói riêng là đáp ứng quyền được hoạt động, được sáng tạo, được thụ hưởng văn hóa, tinh thần của quần chúng. Thông qua các hoạt động văn hóa góp phần xây dựng con người mới ở cơ sở, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa, văn nghệ cổ truyền phong phú, quý giá của quê hương, dân tộc. Vì vậy, thực hiện đồng bộ những giải pháp sau, để tiếp tục khẳng định vai trò của hệ thống Nhà văn hóa cấp xã trong việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở địa phương.

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã; đổi mới cơ chế, chính sách, tập trung vào các nhóm chính sách về quy hoạch và sử dụng đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, về tổ chức hoạt động, quy chế đối với hoạt động của các Nhà văn hóa.

Hai là, quy hoạch, sắp xếp lại và đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, vận hành hoạt động của các Nhà văn hóa cấp xã, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng tiêu chí cho từng nội dung công việc, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hiện có.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Nhà văn hóa gắn với nhu cầu người dân, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống Nhà văn hóa cấp xã gắn với phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa thể thao, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở.

Bốn là, đầu tư có trọng điểm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Nhà văn hóa để đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống Nhà văn hóa.

Năm là, rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho Nhà văn hóa với các địa phương chưa có Nhà văn hóa. Ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi và đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng, miền. Huy động các tổ chức xã hội, nhân dân hiến đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Sáu là, Sở VHTT, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cấp xã với các hình thức phù hợp, thiết thực như: mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, tăng cường công tác trao đổi, phối hợp...thường xuyên tổ chức luân phiên các hội thi, hội diễn, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa cấp xã trên địa bàn nhằm khơi dậy phong trào tại địa phương và khu vực. Qua đó có thêm kinh nghiệm quản lý, kỹ năng chuyên môn, lựa chọn được mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp nhất với điều kiện của địa phương.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với hệ thống Nhà Văn hóa, Trung tâm VHTTTT cấp xã là việc làm cấp thiết, khi toàn ngành VHTTDL  đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Bởi, các Nhà văn hóa, Trung tâm VHTTTT cấp xã là cơ quan nghiệp vụ ở cơ sở, nơi bồi dưỡng hạt nhân phong trào, duy trì, nâng cao và thúc đẩy hoạt động văn hóa ở cơ sở, làm nền tảng cho phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;