Ngày 18-1-2025, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam” thuộc chương trình lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử - VINIF, do Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du lịch tổ chức. Đây là cuộc Hội thảo chuẩn bị cho việc nghiệm thu của Dự án “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du lịch phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du lịch nhấn mạnh: Việc nghiên cứu di sản chạm khắc đá cổ không chỉ mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử, mà từ đó xây dựng những giá trị khoa học vượt lên để trở thành những sản phẩm du lịch, giúp cho các đồng bào dân tộc được xóa đói giảm nghèo ở các vùng, tỉnh có hiện vật, di tích, di sản đó. Từ những lý luận ấy, đồng thời cùng với cơ sở thực tiễn để xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch. Ông Trần Hữu Sơn đề nghị các tham luận cần tập trung báo cáo những vấn đề lý thuyết phải liên quan đến thực tiễn ở mỗi địa phương và các vấn đề đưa ra phải được vận dụng phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Với 8 tham luận được trình bày tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung chia sẻ sâu sát những vấn đề nghiên cứu có giá trị khoa học để làm cứ luận cho đề tài. Trong đó, tham luận của ông Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, là một nghiên cứu sát thực thông qua các phương pháp truyền thống tự nhiên và kết hợp ứng dụng công nghệ AI để nhu nhận những kết quả mới nhất ở các quần thể Bãi đá cổ Sapa thuộc vùng đồi núi Lào Cai. Ông đã mang đến rất nhiều thông tin về những quần thể các mỏm đá, tảng đá hiện đang nằm rải rác cách nhau không xa (khoảng 200m) và có hình chạm khắc những họa tiết cổ: hình người sinh hoạt, hình cảnh quan, phối cảnh các ruộng bậc thang… trông như một bản đồ thu nhỏ, thể hiện trên các bề mặt khối đá và các hình khác giống như hình đồ vật, công cụ phương tiện làm nông của con người sinh sống nơi này trước đây.
Ông Philippe Le Failler báo cáo tham luận
Tham luận “Phục hồi và bảo toàn khung cảnh đời sống xưa” của TS Nguyễn Việt (Trung tâm tiền sử Đông Nam Á) đã chỉ ra những phát hiện quan trọng trong chuỗi bãi đá cổ ở miền Bắc có hình chạm khắc ở các dãy ruộng bậc thang cổ (khoảng thời Nhà Thanh) ở Sapa (Lào Cai) và Suối Cỏ (Hòa Bình). Việc tiếp cận đối tượng bằng phương pháp khảo cổ học truyền thống nhằm Phục hồi và bảo toàn khung cảnh đời sống xưa đã giúp đề tài có được những dữ liệu và cơ sở luận rất tốt. Bên cạnh đó, diễn giả đưa những biện pháp “kỹ thuật tại chỗ” được nâng cao về kỹ thuật, như phủ keo trong, cứng lên bề mặt đá, chống phong hóa, va chạm, ngăn cản quá trình xuống cấp do thiên tạo và nhân tạo… “phục dựng phong cảnh lịch sử” liên quan đến các hình ảnh chạm khắc trên bề mặt đá, để tìm ra được chủ nhân của nó thông qua việc sử dụng các phương pháp tiếp cận về lịch sử, tâm linh...
TS Nguyễn Việt trình bày tham luận về “Phục hồi và bảo toàn khung cảnh đời sống xưa”
Bên cạnh đó, Hội thảo còn được nghe các tham luận: “Nghệ thuật đá cổ từ góc độ nghiên cứu khảo cổ học” của GS, TS Lâm Mỹ Dung (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Một số đặc điểm tự nhiên về địa chất địa mạo ở Khu vực Xí Mần và bãi đá cổ Nấm Dẩn” của PGS, TS Nguyễn Quang Miên (Viện Khảo cổ học); “Phát huy Di sản văn hóa Thạch Bàn tại đền Sinh, thành phố Chí Linh phục vụ phát triển du lịch” của TS Đặng Thị Oanh (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai); tham luận “Phát huy giá trị chạm khắc đá cổ trong phát triển du lịch bền vững tại thị xã Sapa” của nhà nghiên cứu Phạm Thị Kim Oanh; “Ứng dụng kỹ thuật photogrametry và GIS trong Bảo tồn và phát huy giá trị bãi đá chạm khắc cổ miền núi phía Bắc Việt Nam” của nhà nghiên cứu TS Phạm Nguyễn Hà Vũ (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Những phát hiện mới về di tích chạm khắc đá cổ ở Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” của nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng và Nguyễn Quang Miên (Viện Khảo cổ học)…
Các tham luận đã nêu rõ về những phương pháp truyền thống chụp hình, dập bản… và đặc biệt nhấn mạnh những giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại, như: số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), quét 3D, 4D, tạo ra các bản sao kỹ thuật số, xây dựng bản đồ số, quản lý thông tin không gian (GIS)… để lấy các tư liệu lưu giữ, giúp cho các nghiên cứu có căn cứ, cơ sở luận bàn, hỗ trợ trong việc xác định niên đại của các di tích chuẩn hơn. Đồng thời, các nghiên cứu tiếp theo được truy cập trong công tác bảo tồn và phát hiện các hiện vật, khối đá (to nhỏ, diện mặt, kích thước…), tìm và phát hiện mới hơn nữa các vị trí khác, các chi tiết hình, họa tiết, các lớp trên bề mặt đá sau nhiều thời gian bị bào mòn và tiếp tục giải mã những hình chạm khắc trên bề mặt đá.
GS, TS Lâm Mỹ Dung phát biểu tham luận
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS Hà Hữu Nga đã rút ra một số kết luận như sau: Thứ nhất, về mặt khoa học, các ý kiến khoa học đã cung cấp khá nhiều khái niệm về lý thuyết để giải quyết chiều sâu về nghệ thuật đá cổ, đồng thời xem đây là những cơ sở lý luận khoa học, luận cứ và phương pháp khoa học để xác định vấn đề chủ nhân, niên đại. Đồng thời, để giải mã thực tiễn trên các họa tiết hoa văn, các di vật hiện đang tồn tại và cũng để giúp cho đề tài được phát triển và có được nhiều phát hiện mới hơn nữa.
Thứ hai, các tham luận Hội thảo đã đi đúng với mục tiêu, yêu cầu: “Di sản chạm khắc đá cổ không chỉ là nghiên cứu mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử mà từ đó chúng ta phải xây dựng những giá trị khoa học vượt lên để trở thành những sản phẩm du lịch, giúp cho các đồng bào dân tộc được xóa đói giảm nghèo ở các vùng núi phía Bắc, nơi đang có hiện vật tại các di tích. Nghĩa là, từ những lý luận lý thuyết ấy làm cơ sở thực tiễn để xây dựng các mô hình sản phẩm phát triển du lịch cho hiện nay.
Thứ ba, cung cấp cho Sở VHTTDL các tỉnh có được tài liệu để góp phần quản lý bảo tồn các di tích cổ được tốt hơn; tạo môi trường giáo dục di sản cho các đối tượng là học sinh, sinh viên được trải nghiệm vẽ lại những hình họa tiết mang đặc thù là vốn cổ dân tộc.
Thứ tư, có được những phương pháp, giải pháp bảo tồn đúng cách và phát huy hết giá trị nghệ thuật của kho tàng vốn cổ dân tộc miền núi phía Bắc vào trong đời sống hiện nay.
Bài, ảnh: MAI HƯƠNG