Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng: Vang mãi những khúc ca tự hào

Chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng với chủ đề "Tự hào giai điệu Tổ quốc". Hội diễn quy tụ 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Giai điệu của những bước chân thần tốc

Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng là hoạt động văn hóa  chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thông qua Hội diễn nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội diễn có sự tham gia của 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Giang, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại lễ Khai mạc, Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh: lịch sử dựng nước và giữ nước được hun đúc từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trải suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời đại Hồ Chí Minh, các giá trị văn hóa Việt Nam đã khơi dậy khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trở thành động lực tinh thần to lớn, góp phần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để làm nên chiến thắng. Giá trị văn hóa đó được thể hiện trong từng lời ca, tiếng hát của các ca khúc cách mạng, được hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo; từ những năm 30 của thế kỷ XX, với Cùng nhau đi hồng binh của tác giả Đinh Nhu; Cờ Việt Minh của Vương Gia Khương, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam tiến của Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi… Những ca khúc khẳng định dấu son trên đường phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Sức sống kỳ diệu của các ca khúc cách mạng trong những năm kháng chiến thật khó có thể lý giải một cách trọn vẹn. Đó là những ca khúc mà giá trị nghệ thuật chỉ có đánh giá vào hàng xuất sắc, đẹp cả ca từ lẫn giai điệu, long lanh cả nhạc lẫn ca từ, vượt không gian, vượt thời gian chào mừng Sài Gòn giải phóng, đến sau 48 năm hòa bình và giai điệu ấy còn sống mãi với thời gian.

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, các ca khúc cách mạng lại vang khúc khải hoàn cùng dân tộc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. “Âm nhạc không chỉ đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà còn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới - xã hội chủ nghĩa. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, định hướng thị hiếu thẩm mỹ và lối sống của công chúng. Ca khúc cách mạng ngày nay không còn đóng khung trong những bài ca thuộc giai đoạn trường kỳ kháng chiến mà đã mở rộng, phát triển thành dòng nhạc mang tinh thần tập thể, tiếng nói dân tộc, tiếp thêm động lực cho quân dân ta trong những trận tuyến mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Hương nhấn mạnh.

Thông qua Hội diễn, các đoàn đã đem đến các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng, thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng, mang tinh thần ngợi ca, giàu chất trữ tình… là tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son trước sau như một của hai miền Bắc, Nam gửi đến cho nhau. Các bài hát cất lên giữa các cung đường Trường Sơn huyền thoại, giữa những mâm pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, dưới lòng địa đạo Vĩnh Linh, Củ Chi... đã được các đoàn tái hiện một cách sinh động, giàu cảm xúc. Trên hết, các chương trình hướng tới tinh thần tập thể, nói lên tiếng nói dân tộc, phản ánh, khắc họa tinh thần, ý chí của quân và dân ta đấu tranh, cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhằm giành lại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện được chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

 

Cháy mãi ngọn lửa âm nhạc cách mạng

Hội diễn là một hoạt động văn hóa ý nghĩa để các nghệ nhân, nghệ sĩ diễn viên, nhạc công trên khắp mọi miền đất nước thể hiện tài năng, sự sáng tạo cùng với niềm đam mê nghệ thuật, trau dồi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở. Qua đó, góp phần định hướng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, bảo tồn, giới thiệu và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của từng khu vực trên cả nước.

Với chủ đề “Tự hào giai điệu Tổ quốc”, các đơn vị tham gia Hội diễn thực hiện chương trình ca - múa - nhạc tổng hợp, dàn dựng theo hình thức “Nhóm ca khúc cách mạng”, trong đó chương trình ca lựa chọn các thể loại ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng với hình thức biểu diễn đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; chương trình múa lựa chọn các thể loại kịch múa, thơ múa, sử dụng âm nhạc mang âm hưởng, giai điệu của các ca khúc cách mạng có lời hoặc không có lời với hình thức biểu diễn múa đơn, múa đôi, múa tập thể; chương trình nhạc lựa chọn các thể loại độc tấu, song tấu, hòa tấu. Những ca khúc tự hào, những giai điệu đẹp được khắc họa trong từng tiết mục, nhằm tuyên truyền thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, biết ơn các anh hùng đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc, những thành tựu đã đạt được trong lao động, sản xuất, khát vọng cống hiến của nhân dân cả nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đổi mới và hội nhập.

Dù được các đơn vị sáng tạo, dàn dựng, biểu diễn theo nhiều phong cách khác nhau, song, không thể phủ nhận khả năng khơi gợi tinh thần hào hùng, mạnh mẽ và đồng lòng của các nghệ sĩ, diễn viên đã khiến những thời khắc lịch sử sống mãi trong âm nhạc và trong lòng mỗi người. Nhờ thế, dù nghe ở thời điểm hôm nay – sau 48 năm hòa bình, thống nhất đất nước, những ca khúc cách mạng ấy vẫn cứ hừng hực và đầy tinh thần sục sôi như những ngày cách mạng không thể nào quên trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam khi nhớ về một thời kháng chiến muôn vàn gian khổ nhưng cũng đầy tự hào của lớp cha anh.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thừa Thiên Huế, từng là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ phòng trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, chúng tôi mong muốn tái hiện câu chuyện lịch sử qua những tác phẩm, để những ca khúc cách mạng sống mãi với thời gian. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi Đoàn Thừa Thiên Huế có cơ hội mang những lời ca tiếng hát để ca ngợi những ca khúc cách mạng – khát vọng của nhân dân hai miền Nam – Bắc. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng đã hy sinh một phần xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, mang lại hòa bình, tự do cho chúng ta ngày hôm nay.

Dòng ca khúc cách mạng với giá trị và sức mạnh của nó đã được lịch sử chứng minh, vẫn vang vọng mãi những giai điệu hào hùng của dân tộc, để như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước. Mỗi bài hát vang lên, vẫn còn đó cảm xúc rưng rưng, vẫn còn đó nhịp đập thổn thức của con tim với sự kiêu hãnh và hướng thiện.

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;