Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay

Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật là hoạt động mang tính đặc thù, liên quan đến ngành mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng. Về cơ bản, hoạt động này phải dựa trên nền tảng nghiên cứu sâu về lịch sử, khảo cổ, văn hóa truyền thống và những lý luận chuyên ngành riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cộng đồng chủ thể luôn có ý thức không chỉ trong hoạt động sáng tạo những kiến trúc nghệ thuật mới mà còn quan tâm tới việc bảo vệ, bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật của cha ông.

1. Vài nét thực trạng

Xưa nay, việc tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích vẫn diễn ra thường xuyên, có những thành tựu và hạn chế nhất định. Trong đó, các di tích kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là chùa, từ cấp quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh hay trong danh mục thống kê, đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Nhà nước ta đã có nhiều chương trình phát triển văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ đầu tư chống xuống cấp và tu bổ, tôn tạo di tích: giai đoạn 2011-2015, tu bổ, tôn tạo 1.302 di tích với 1.436,844 tỷ đồng; từ 2016-2018 hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 238 di tích với 124,4 tỷ đồng (1).

Trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, khả năng đóng góp tu bổ, tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật của người dân cũng gia tăng mạnh mẽ. Nhiều di tích kiến trúc được góp sức về nhân lực, vật lực, tài chính của các nhà hảo tâm, của cộng đồng, lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt như chùa Ba Vàng, chùa Hương (khu danh thắng Hương Sơn, Hà Nội), chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc…

Tuy nhiên, việc phát triển theo phong trào “cả nước làm tu bổ” dẫn tới thiếu kiểm soát, có những di tích chưa cần tu sửa, người dân đã chủ động đầu tư tu bổ, tôn tạo làm cho cảnh quan bị tác động, biến đổi, không còn nhận diện được di tích gốc, thậm chí làm mất đi các giá trị nguyên gốc… Mặt chưa được có thể nhận thấy ở một số di tích kiến trúc là tỷ trọng giữa tu bổ và tôn tạo chưa thật hợp lý, như trường hợp chùa Bổ Đà, khi tu bổ tam quan, làm mới không theo kết quả thẩm định; chùa Hương đã bị phá vỡ cảnh quan khi xuất hiện công trình hoàn toàn xa lạ... Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đòi hỏi phải cẩn trọng, đúng nguyên tắc, kế thừa và tôn trọng yếu tố gốc ở các cấp độ: bảo quản, gia cố, tu sửa, tu bổ từng phần, tôn tạo, phục hồi toàn phần... Đảm bảo sự phù hợp về công năng trong tôn tạo di tích kiến trúc là một trong những nguyên tắc ưu tiên mà các nhà quản lý văn hóa, các nhà trùng tu, kiến trúc sư và nghệ nhân cần tuân theo.

2. Một số nguyên tắc tu bổ, tôn tạo di tích

Xin đề cập 6 nguyên tắc quy định trong văn bản của Nhà nước, cần tuân thủ trong quá trình thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích:

Chỉ tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trong trường hợp tối cần thiết. Ở đây, chúng ta nhìn nhận di tích kiến trúc như một bảo tàng với giá trị kiến trúc, nghệ thuật riêng có, do vậy, cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng từng phần, sau đó đưa ra quyết định theo từng cấp độ từ thấp đến cao.

Giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật là không tái tạo được, nên việc gìn giữ các giá trị nguyên gốc, chân thực, chính xác, toàn vẹn và tính bền vững của di tích là hết sức quan trọng.

Ưu tiên hàng đầu cho các hoạt động bảo quản, gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ và phục hồi khác.

Việc thay thế kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để đảm bảo kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích.

Chỉ thay thế một bộ phận cũ bằng một bộ phận mới khi có đủ chứng cứ khoa học chuẩn xác và phải có sự phân biệt rõ ràng giữa bộ phận cũ và bộ phận mới được thay thế.

Đảm bảo an toàn cho công trình và khách tham quan.

Vấn đề đặt ra ở đây là các tổ chức bộ máy quản lý các cấp sẽ căn cứ nguyên tắc để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hoạt động tu bổ di tích đạt được mục tiêu đã đặt ra.

3. Những bất cập

 Hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa chưa đầy đủ. Đặc biệt, thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động tu bổ, tôn tạo. Một số nội dung liên quan vẫn dựa vào Luật Xây dựng, như quản lý dự án, quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng... Hiện tại, Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là văn bản quy phạm pháp luật cơ bản nhất được áp dụng trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc.

Thiếu tiêu chuẩn quản lý chất lượng tu bổ, tôn tạo di tích. Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng đầy đủ bộ tiêu chuẩn riêng phục vụ chuyên ngành tu bổ, tôn tạo di tích, đa phần vẫn phải vận dụng tiêu chuẩn, tiêu chí trong ngành xây dựng.

Chưa chú ý đúng mức về bảo quản và tu bổ cấp thiết cho di tích. Hầu như các di tích kiến trúc nghệ thuật đều làm bằng vật liệu có sẵn, nên dễ bị thời gian, mưa, nắng, độ ẩm, mối mọt, nấm mốc gây hư hỏng. Vì thế, việc bảo quản và tu bổ cấp thiết rất quan trọng nhằm gìn giữ, duy trì tuổi thọ các công trình kiến trúc. Trong thực tế, nhiều đơn vị quản lý sử dụng, ngay cả nhà sư trụ trì tại chùa, chủ đầu tư đều chưa để tâm đúng mức về bảo quản, tu bổ cấp thiết cho di tích, thường chú ý nhiều tới việc thay thế, sửa chữa và triển khai dự án tôn tạo, xây mới.

Cơ chế phối hợp trong quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích còn những bất cập. Vấn đề cần quan tâm là tập trung đầu mối, giao một cơ quan, bộ ngành quản lý những nội dung, lĩnh vực tương đồng, tránh nhiều cơ quan, bộ ngành cùng phụ trách một nội dung, một lĩnh vực, dẫn tới chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Chức năng nhiệm vụ của đơn vị quản lý trực tiếp dự án cần được quy định theo chuẩn chuyên ngành, phù hợp với hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Đơn vị quản lý dự án phải có đủ năng lực chuyên môn, có đội ngũ được đào tạo chuyên sâu, có khả năng hoạt động độc lập và chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị quản lý dự án ở các cơ sở chưa đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ được giao, đôi khi còn bị chi phối bởi các cơ quan liên quan.

 Tuân thủ quy trình và nguyên tắc hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Trước tiên, cần tuân thủ Khoản 1, Điều 50, Luật Xây dựng, thực hiện: giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; mỗi giai đoạn bao gồm nhiều khâu khác nhau, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Đảm bảo chất lượng của các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng công trình theo quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chủ đầu tư thường ủy quyền cho ban quản lý dự án chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn phần trước chủ đầu tư và pháp luật; trường hợp chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thì các nhà thầu này chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật thông qua hợp đồng. Điều này làm cho tình hình hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích rất thiếu cơ sở để quy trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình.

 Thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, tạo điều kiện cho các bên liên quan chấp hành nghiêm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng công trình di tích.

4. Một số giải pháp

Hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa cần nhất quán, tránh chồng chéo, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Đặc biệt, cần chú ý tới tính thống nhất giữa các luật có liên quan, chẳng hạn giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể, bảo đảm áp dụng văn bản vào thực tiễn.

Xây dựng bổ sung bộ tiêu chuẩn Việt Nam  về tu bổ, tôn tạo di tích trong thiết kế, thi công hay bảo hành, bảo trì di tích sau thi công... làm cơ sở quản lý chất lượng tu bổ, tôn tạo di tích.

Chú ý đúng mức về mặt chuyên môn sâu trong bảo quản và tu bổ cấp thiết.

Về thể chế và cơ chế phối hợp tu bổ tôn tạo di tích cấp quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt, Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm về chuyên môn, tuy nhiên trách nhiệm quản lý vốn ngân sách để tu bổ, tôn tạo di tích cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố và thủ trưởng các Bộ, ngành được giao vốn. Việc phối hợp ngang cấp về chuyên môn cần phải có nội dung, phương pháp, văn bản quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm minh, có như vậy mới đạt được hiệu quả cao.

Về tổ chức bộ máy quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, cần khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm; rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là khi các tổ chức đều có bộ phận giúp việc chuyên trách...

Các bên liên quan cần thực hiện đúng, đủ quy trình, nguyên tắc tu bổ, tôn tạo di tích, tránh thực hiện tắt các bước, bỏ bước, hay không tuân theo nguyên tắc.

Bộ VHTTDL cần tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, đáp ứng nhu cầu theo từng loại hình di tích, thích ứng với thực tiễn hiện nay nhằm gìn giữ di sản không thể tái tạo của quốc gia.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích phải thường xuyên, liên tục, nhằm phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay khi bắt đầu xảy ra. Sự phối hợp giữa ngành VHTTDL với chính quyền địa phương có di tích kiến trúc ở cấp huyện, cấp xã phải được lên thành kế hoạch hằng năm. Đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra của ngành VHTTDL cần được đào tạo chuyên sâu để nắm bắt tình hình chung.

Ngoài những giải pháp cơ bản đã nêu, để đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động bảo tồn các di tích kiến trúc trong thời gian tới, cần khắc phục một số vấn đề như: nâng cao năng lực các đơn vị tư vấn, thiết kế quy hoạch, lập dự án, quản lý dự án, giám sát thi công, tư vấn liên ngành; khắc phục tình trạng thiếu các đơn vị, cá nhân kiểm tra, thẩm tra độc lập, thẩm tra dự án trước khi chuyển cho các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt; khắc phục tình trạng phân cấp, giao chủ đầu tư cho địa phương, nhưng chưa có sự chuẩn bị đội ngũ chuyên môn; giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền các cấp vào hoạt động chuyên môn sâu trong bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích kiến trúc; cần tổ chức quản lý vốn xã hội hóa, chặt chẽ, đồng bộ, phân bổ vốn đúng mục đích, tập trung vào nhiệm vụ bảo quản, tu bổ yếu tố gốc, hạng mục di tích cần được tu bổ cấp thiết, không tập trung xây dựng các hạng mục mới ở di tích, làm phá vỡ cảnh quan di tích; tránh việc các địa phương làm sai nguyên tắc trong đầu tư bảo tồn di tích, điều chuyển vốn không đúng mục tiêu, không có nguồn đối ứng, làm ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác tu bổ, tôn tạo di tích mang ý nghĩa tích cực, tránh tình trạng hạn chế thông tin, thông tin chưa xác thực làm dư luận phản ứng.

Di sản văn hóa nói chung, di tích kiến trúc nghệ thuật nói riêng là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc. Các di tích đó, với những giá trị to lớn, đã ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ, gìn giữ các di sản quý báu của dân tộc, hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội.

______________

1. Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.

Tác giả: Nguyễn Xuân Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;