Tày và Nùng là hai dân tộc chiếm số lượng lớn ở tỉnh Lạng Sơn. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương năm 2009, Lạng Sơn có tổng số 732.515 người, trong đó: người Nùng có 314.295 người, chiếm 42,9%; người Tày có 259.532 người, chiếm 35,4%; còn lại là các dân tộc khác như: Kinh (17%), Dao (3,5%), Sán Chay, Hoa, Mông… Hai dân tộc Tày và Nùng là những người đã có công khai phá ruộng nương, lập nên hình hài xứ Lạng. Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, hai dân tộc này đã giúp nhau chinh phục tự nhiên, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, cùng nhau sáng tạo nên một cơ tầng văn hóa phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung. Tết Nguyên đán là một trong những thành tố văn hóa tiêu biểu, trong ngày Tết, người ta thực hành nhiều nghi lễ, trò chơi, diễn xướng… và tục dán giấy đỏ là một trong những tục lệ quan trọng đã hình thành từ lâu đời, hiện vẫn đang được người dân thực hành.
Quan niệm về màu đỏ
“Màu đỏ là biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống, với sức mạnh, quyền năng và ánh chói của nó, màu đỏ, màu của lửa và của máu” (1). Màu đỏ trong quan niệm của người phương Đông là màu của lửa và máu; màu đỏ tượng trưng cho sự ấm áp, thể hiện sự may mắn, bình an và hạnh phúc; màu đỏ là màu nóng nên thường đi kèm với màu lạnh, để tạo nên sự hài hòa.
Người Tày, Nùng đón Tết Nguyên đán vào lúc lập xuân, đây là thời điểm bắt đầu mùa xuân, những cơn gió mùa đông bắc lạnh giá dần ít đi, thay vào đó là ánh nắng mặt trời ấm áp. Màu đỏ không chỉ là biểu tượng của sự may mắn, bình yên mà còn tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. Người ta trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ, dán giấy đỏ vào các đồ vật, dán giấy đỏ vào vật nuôi nhằm đánh thức đồ vật bừng dậy sau một mùa đông lạnh lẽo.
Về nguồn gốc của tục dán giấy đỏ, không ai biết tục lệ này đã có từ bao giờ. Các cụ cao niên đều cho rằng, từ ngày còn nhỏ đã nghe thấy người lớn nói có tục lệ này rồi và cứ thế thực hiện theo. Chỉ biết rằng, trong dân gian vẫn lưu truyền một câu chuyện: ngày xửa ngày xưa, cứ mỗi khi năm hết Tết đến, cả bản tưng bừng chuẩn bị đón xuân, mọi người náo nức chuẩn bị gạo thịt làm bánh chưng, lũ quỷ lại mò đến trộm thịt và phá hoại đồ đạc, gia súc, gia cầm. Vì vậy, dân bản thường xuyên phải cử người túc trực ngày đêm để canh gác không cho lũ quỷ đến phá hoại. Một năm, vào dịp Tết, có một gia đình đầu bản phơi mảnh vải đỏ ở ngoài sân, lũ quỷ như thường lệ mò đến đầu bản, mới nhìn thấy tấm vải đỏ ở đằng xa đã vội vàng bỏ chạy. Sau lần đó, mọi người biết quỷ sợ màu đỏ nên cứ vào dịp Tết năm mới, người ta lại dán giấy đỏ lên các đồ vật, lên gia súc gia cầm để xua đuổi ma quỷ (2).
Tục dán giấy đỏ không chỉ có ở người Tày, Nùng mà phổ biến ở nhiều dân tộc khác như: Kinh, Dao, Hoa, Cao Lan...
Trang hoàng nhà cửa, dán giấy đỏ đón Tết
Ngày 30 Tết, những người đàn ông trong gia đình dậy thật sớm để trang hoàng nhà cửa, gỡ bỏ giấy cũ, lau dọn bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị giấy mới… mỗi người một việc. Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra, sẽ được đem đốt, người ta sợ giấy cũ bị gia súc, gia cầm giẫm lên sẽ khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo trong năm mới.
Sau khi lau rửa bàn thờ xong, gia chủ sẽ dán cẩn thận tờ giấy đỏ mới lên bàn thờ tổ tiên. Kích thước của tờ giấy phụ thuộc vào bàn thờ tổ tiên, thông thường giấy có kích thước 60x80cm. Người ta mua giấy từ phiên chợ áp Tết, khi mua, người ta chọn loại giấy dày, màu hồng điều, không bị nhàu rách. Sau khi mua giấy về, gia chủ sẽ mang đến nhà thày cúng (tào hoặc mo) để nhờ thày viết chữ (mực tàu), nội dung thường ghi tên tuổi gia chủ, con giáp và những lời hay ý đẹp, cầu mong một năm gia đình hòa thuận, hạnh phúc và làm ăn tấn tới. Tùy yêu cầu của gia chủ, thày cúng có thể viết ngay hoặc đợi 1-2 ngày mới viết. Khi đến nhận giấy từ thày cúng, gia chủ sẽ biếu thày cúng chút quà bày tỏ lòng cảm ơn. Theo ông Sèn Suồng, bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, trước đây, để bày tỏ lòng cảm ơn thày cúng người ta thường biếu 2-3 phong bánh khảo hay 1 cặp bánh chưng; còn hiện nay người ta thường biếu tiền, khoảng 50.000-100.000 đồng.
Trước đây, người Tày, Nùng chỉ dán giấy đỏ có viết chữ, còn hiện nay, một số gia đình đã thay giấy đỏ viết chữ bằng tranh in công nghiệp. Màu sắc bức tranh thường tươi tắn, màu đỏ vẫn chiếm thế chủ đạo, cùng với đó là màu xanh, màu vàng. Nội dung tranh thường in hình mâm ngũ quả, hình cuốn thư bên cạnh mâm ngũ quả; đi kèm với đó là hàng chữ: Chúc mừng năm mới, An khang thịnh vượng, Cung chúc tân xuân, Tấn tài tấn lộc hay Vạn sự như ý…
Tục dán giấy đỏ của người Tày, Nùng Lạng Sơn. Ảnh Thanh Trường
Bên cạnh tranh thờ, người ta còn trang hoàng gian thờ bằng đôi câu đối đỏ. Cũng như tranh thờ, trước đây, người ta cũng đi mua giấy về rồi mang đến nhà thày cúng nhờ thày viết hộ. Câu đối thường được viết bằng chữ Nho, nội dung thường là những câu văn thơ được lấy từ trong sách cúng của các thày. Hiện nay, một số gia đình thay vì mua giấy về nhờ thày cúng viết, người ta mua luôn đôi câu đối in sẵn được bày bán ở chợ. Câu đối thường viết bằng chữ Việt, nội dung câu đối là những lời chúc gia đình hạnh phúc, con cháu hiếu thảo, vạn sự bình an: Phúc lộc ông cha vui cảnh Tết / Đức tài con cháu đẹp ngày xuân”, hay “Tích đức đắp cao nền sự nghiệp / Tu tâm xây vững móng tương lai…
Cùng với việc trang hoàng bàn thờ tổ tiên, người Tày, Nùng còn dán giấy đỏ lên bàn thờ mụ, bàn thờ trong bếp, ống hương ngoài sân (Pi thang sàn), trên cửa ra vào, cửa sổ… Trước đây, người ta chỉ cần cắt giấy đỏ thành các tờ có kích thước khoảng 10x20cm để dán; hiện nay cùng với loại truyền thống còn có 2 loại giấy đỏ khác nhau, loại thứ nhất là giấy đỏ có cắt và trang trí hoa văn, loại thứ hai giấy đỏ in hình sao vàng và cờ búa liềm. Số lượng giấy dán trên bàn thờ tổ tiên và cửa ra vào phải là số lẻ, thường là 5 hoặc 7, còn các loại bàn thờ khác và cửa sổ chỉ dán 1 mảnh giấy màu đỏ.
Dán giấy đỏ lên đồ vật, cây cối và vật nuôi
Trong ngày 30 Tết, cùng với việc trang hoàng nhà cửa, dán giấy đỏ lên bàn thờ và cửa nhà, cửa sổ người Tày, Nùng còn dán giấy đỏ lên đồ vật, cây cối, vật nuôi, đặc biệt là cây nêu. Theo ông Sèn Suồng, việc dán giấy đỏ này ngoài ý nghĩa xua đuổi tà ma, còn mang ý nghĩa đánh thức đồ vật, cây trồng vật nuôi sau một mùa đông dài ngừng vận động. Ngoài ý nghĩa trên, việc dán giấy đỏ lên cây trồng, vật nuôi ngày Tết còn khẳng định chủ quyền của gia chủ đối với cây trồng và vật nuôi của mình. Nhìn từ khía cạnh thế giới dương gian, gia chủ khẳng định chủ quyền với hàng xóm láng giềng, còn nhìn từ khía cạnh thế giới dương với thế giới âm, gia chủ khẳng định quyền sở hữu để các loại ma quỷ không quấy rầy.
Mảnh giấy dán lên đồ vật, vật nuôi, cây cối có kích thước khoảng 5x8 hoặc 6x10cm. Các đồ vật được dán bao gồm chiếc cày, bừa, quạt thóc, máy tuốt lúa, cuốc xẻng… Người Tày, Nùng quan niệm vạn vật hữu linh, sau mùa vụ sản xuất linh hồn của công cụ lao động nghỉ ngơi qua một mùa đông dài lạnh lẽo. Mùa xuân đến, khi những ánh nắng ấm áp ngày càng nhiều hơn, hoa lê, hoa mận, hoa đào đua nở, con người chuẩn bị ăn Tết, họ cũng phải đánh thức đồ vật dậy để ăn Tết cùng con người. Người dân tin rằng bằng hành động dán giấy đỏ vào công cụ lao động như vậy, trong mùa sản xuất tới chúng sẽ phục vụ người dân tốt hơn, từ đó góp phần giúp sản xuất thắng lợi.
Cây cối trong vườn như: lê, hồng, mận, đào, bưởi, mít, nhãn… đều được dán giấy đỏ ở gốc. Người Tày, Nùng tin rằng, cây cối cũng có linh hồn, mùa đông cây cối nằm ngủ nên cây rụng lá; mùa xuân đến, con người phải dán giấy đỏ để đánh thức cây cối dậy, để cây sinh trưởng và phát triển, năm mới đơm hoa kết trái, đem lại nguồn lợi cho con người. Màu đỏ là màu của lửa, của ánh mặt trời, của sự ấm áp; nên dán giấy đỏ vào gốc cây, sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn. Người ta cũng dán mảnh giấy đỏ lên chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng vịt… Mảnh giấy dán vào chuồng gia súc, gia cầm có kích thước khoảng 4x6cm hoặc 6x8cm. Riêng chuồng trâu chuồng bò, người ta dán cửa ra vào và cửa sổ; còn chuồng gà, chuồng vịt người ta chỉ dán chỗ cửa ra vào. Cùng với đó, con người còn dán giấy đỏ lên vật nuôi như: trâu, bò, lợn… Người ta tin rằng, ngày tết dán giấy đỏ lên chuồng gia súc gia cầm và dán vào con vật để cầu mong năm mới vật nuôi khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở.
Việc dựng cây nêu chiều 30 Tết được người Tày, Nùng tiến hành rất kính cẩn, thiêng liêng. Người dân quan niệm ý nghĩa của cây nêu ngày Tết là để xua đuổi ma quỷ. Cây nêu được dựng vào lúc nhập nhoạng tối, sau khi ăn bữa cơm tất niên xong. Người ta lấy cây vầu hoặc cây trúc làm nêu, kích thước cây nêu thường cao khoảng 4-5m, phạt lá ở thân, để 1 chòm lá ở ngọn. Tiến trình dựng cây nêu được gia chủ thực hiện lần lượt từ việc lấy giấy bản cắt thành nhiều tờ hình vuông, kích thước khoảng 7x7cm, rồi xâu thành chuỗi buộc vào ngọn cây nêu. Cùng với việc treo giấy bản lên ngọn cây nêu, người ta còn dán giấy đỏ vào gốc cây nêu. Người Nùng ở Văn Quan, người ta trồng 2 cây nêu ở hai góc sàn. Hiện nay, cùng với trồng cây nêu người ta còn treo thêm cờ tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tục dán giấy đỏ đã có những biến đổi. Nếu như trước đây, người ta chỉ mang giấy đến nhà thày cúng nhờ viết chữ rồi dán lên bàn thờ và làm câu đối, thì hiện nay, người ta có thể lựa chọn tranh thờ và câu đối in công nghiệp. Và trước đây, người ta chỉ cắt giấy đỏ thành từng miếng rồi dán lên rìa bàn thờ, cửa sổ và cửa ra vào, thì hiện nay, người ta có thể mua giấy đỏ in công nghiệp, với các hình biểu tượng như ngôi sao và búa liềm... Mặc dù có nhiều biến đổi, nhưng tục lệ dán giấy đỏ vẫn đang tồn tại phổ biến trong đời sống của người Tày, Nùng mỗi dịp Tết đến xuân về. Chính những sinh hoạt văn hóa này cùng với nhiều thành tố văn hóa khác, đã góp phần định vị bản sắc tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
_______________
1. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.303.
2. Hoàng Nam, Một số biểu tượng của lễ vật và đạo cụ cúng (Khảo sát dân tộc Nùng ở xã Đại An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), Thông báo Dân tộc học năm 2006 (Kỷ yếu hội nghị), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.594.
Tác giả: Lý Viết Trường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019