Lễ hội mùa xuân trên cao nguyên

Có lẽ trên cả nước hiếm có địa phương nào mà sự hội tụ phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc Việt Nam như ở Lâm Đồng. Các giá trị văn hóa đặc trưng ấy được thể hiện sôi nổi, đa sắc màu vào các dịp Tết đến xuân về trên vùng đất cao nguyên trù phú này…

Vùng đất đa sắc màu văn hóa

Hiện nay, dân số Lâm Đồng có 1,3 triệu người với 34 dân tộc anh em sinh sống thuận hòa tại 147 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Theo nhiều nghiên cứu xã hội học, ngoài 3 dân tộc thiểu số (DTTS) gốc bản địa có nguồn gốc lâu đời nhất và chiếm tỷ lệ đông nhất (Mạ, Cơ ho, Chu ru), trong quá trình hình thành và phát triển tỉnh Lâm Đồng đã hội tụ dân cư từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về đây an cư, lạc nghiệp đã góp phần tạo ra sự đa dạng về thành phần dân cư, dân tộc; đặc biệt sự hội tụ, giao thoa văn hóa hết sức phong phú.

Điều đáng nói là dù các tộc người bản địa sống lâu năm, hay cư dân từ các vùng, miền khác đến lập nghiệp (người Kinh và người DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, Nam Bộ, miền Trung) khi đến vùng đất Nam Tây Nguyên sinh sống, an cư lạc nghiệp đều sống đan xen trong cùng một huyện, xã hay trong cùng thôn, buôn, tổ dân phố. Chính đặc điểm ấy, trong quá trình sinh sống, lao động, sản xuất… đã có sự “chung đụng” để tạo ra sự giao thoa văn hóa hết sức tự nhiên. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến ấy, người ta biết học hỏi lẫn nhau cái tốt, cái đẹp để gìn giữ, phát huy; đồng thời, tự loại bỏ dần cái không tốt, không được phổ biến mang tính bảo thủ, “cá biệt” hay cục bộ địa phương, vùng, miền…

Điểm đặc biệt nữa là dù bị tác động và hòa nhập với cộng đồng dân cư, các dân tộc để hình thành một không gian văn hóa chung, song, nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, của cư dân mỗi vùng, miền vẫn được gìn giữ, lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ và có tính trường tồn, bền vững.

 Có thể nói, trong hành trang mang theo suốt những năm tháng mưu sinh, lập nghiệp trên quê hương mới, “tài sản” quý giá nhất của hầu hết cư dân của nhiều tỉnh, thành, từ nhiều vùng, miền đến với vùng đất Lâm Đồng chủ yếu là văn hóa. Điệu hát then và cây đàn tính của người Tày, tiếng khèn của người Dao, Mông; hay các nhạc cụ đặc trưng của các DTTS phía Bắc: trống tang sành, khèn bè, nhạc sóc, thanh la… Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Nam Bộ gắn với đời sống của các dân tộc Hoa, Khơme, Chăm… như ngũ âm, sáo, kèn, hồ nhị, thanh la, não bạt… đều được mang theo, giữ gìn như những “vật thiêng”, thứ tài sản vô giá!

Và, sau mỗi mùa thu hoạch ruộng, nương (lúa, khoai, cà phê…); sau những tháng ngày lao động vất vả, bươn chải kiếm sống, xây dựng cơ nghiệp… Tết về, các nhạc cụ truyền thống đặc trưng của cư dân, cộng đồng các DTTS sinh sống quần tụ trên vùng đất cao nguyên xanh huyền diệu này có dịp được mang ra, tấu lên những thanh âm, những giai điệu mượt mà hồn quê hòa trong tiếng cồng, điệu chiêng của người DTTS bản địa bên ánh lửa bập bùng giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ...

Xôn xao lễ hội mùa xuân

Đã thành lệ, trong nhiều năm qua, cứ vào trước Tết Nguyên đán của dân tộc, lãnh đạo ở nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng đều quan tâm chỉ đạo ngành VHTTDL chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hội xuân… phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết sôi nổi, lành mạnh. Những hoạt động văn hóa ngoài tạo sự gắn kết cộng đồng, mở rộng giao lưu giữa các dân tộc anh em, còn là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 

Rộn ràng lễ hội xuân trên cao nguyên. Ảnh Thanh Dương Hồng

Rộn ràng lễ hội xuân trên cao nguyên. Ảnh Thanh Dương Hồng

Trước tết Nguyên đán hàng năm, lãnh đạo huyện Lâm Hà (huyện KTM của người Hà Nội tại Lâm Đồng) đều chỉ đạo duy trì tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Hà” dành cho nhân dân các dân tộc sinh sống trong toàn huyện. Tại đây, ngoài không gian văn hóa của người Hà thành xưa thông qua việc tái hiện các chợ phiên, khu phố ẩm thực, khu hàng quán, hội thi nấu ăn…, ngành văn hóa tổ chức sôi nổi các hội thi văn nghệ quần chúng, các môn thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian có tính cấu kết cộng đồng như: thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn… dành cho nhân dân các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đêm đến, đông đảo cán bộ và nhân dân trong huyện náo nức chờ đợi để tham gia lễ hội văn hóa công chiêng - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS bản địa Lâm Đồng...

Tại các địa phương có đông cộng đồng các DTTS miền núi phía Bắc sinh sống như: huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông…, đặc biệt, tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) huyện Bảo Lâm mỗi mùa xuân về đều tưng bừng lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng dành cho học sinh, thanh thiếu niên và người dân các DTTS định cư, sinh sống nơi đây.

Mùa xuân năm nay, tại làng Mông (thôn 10 C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) nô nức diễn ra lễ hội mùa xuân truyền thống. Đây là lễ hội được cộng đồng người Mông và DTTS các tỉnh phía Bắc nhiều năm gần đây được duy trì tổ chức vào mỗi dịp tết Nguyên đán - điểm hẹn, niềm chờ đợi của nhân dân khi mỗi độ xuân về.

 Ông Nguyễn Văn Cửu - Trưởng thôn 10C cho biết: lễ hội mùa xuân thôn 10C là dịp để người dân trong thôn nói riêng và nhân dân các thôn, xã lân cận hội tụ về giao lưu văn hóa truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian của các DTTS phía Bắc được tổ chức sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư, nhất là thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên trên quê hương mới Lộc Thành. Lễ hội mùa xuân năm nay, sẽ tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm văn hóa các DTTS phía Bắc như: ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đâm bù nhìn, kéo co… và các hoạt động giao lưu văn hóa hội diễn văn nghệ thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ…

Trường Phổ thông DTNT huyện Bảo Lâm (có 300 học sinh con em các DTTS như: Cơ ho, Mạ, Khơme, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Mường, Dao,… theo học), vào các ngày từ 22 đến 24 âm lịch tháng Chạp hằng năm, lễ hội văn hóa các dân tộc “Mừng Đảng, mừng xuân” lại về trong sự khấp khởi chờ đợi của thày trò và phụ huynh nhà trường. Tại đây, các cô, cậu học trò đến từ nhiều bản làng vùng sâu say sưa với trò chơi múa sạp, bịt mắt bắt dê; tham dự “Phiên chợ vùng cao” được tái hiện - đây là điểm nhấn của lễ hội. Tại đây, mọi người được mời thưởng thức các món ăn dân dã truyền thống của các DTTS vùng cao Tây Bắc như cơm lam, thắng cố - món ăn đặc trưng của người Mông. Du khách và chủ nhà cùng tham gia hội thi gói bánh chưng, để nhắc nhớ nét văn hóa Tết cổ truyền dân tộc… Song, có lẽ không gian ấm tình nhất và được chờ đợi nhiều nhất là phiên chợ ẩm thực được tái hiện…

Kết thúc lễ hội mùa xuân là chương trình văn nghệ chào năm mới; diễn viên là đồng bào các DTTS đến từ khắp nơi trong huyện; nhiều tiết mục đặc sắc của đồng bào ở các xã vùng sâu được dàn dựng công phu, biểu diễn đặc sắc đậm chất văn hóa vùng cao cùng đan xen, hòa quyện với chất nồng nàn của điệu cồng chiêng Tây Nguyên rạo rực…

 Giữa tứ bề rừng xanh trùng điệp của đêm đại ngàn, giữa khí trời se lạnh mang hương hoa mùa xuân về gần, bạn sẽ cảm nhận được sự say sưa, hồn nhiên yêu đời của những con người từ khắp mọi miền, đủ các dân tộc anh em quần tụ trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, toát lên những giá trị có tính vĩnh hằng. Hình ảnh này cũng đã nói lên rất nhiều điều giàu ý nghĩa và thi vị. Tiếng đàn tính thanh thoát, điệu xòe mượt mà, quyến rũ của người Tày, Nùng; điệu khèn réo rắt như tiếng suối reo của người Mông; điệu múa xoan cuồn cuộn như đại ngàn của người Kơ Hom Mạ... Tất cả hòa quyện đắm đuối trong đêm hội mùa xuân cao nguyên.

 

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

 

 

 

;