Hòa Bình: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu

Ngày 19-2, tại xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình), UBND huyện Mai Châu đã tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường.

Toàn cảnh buổi lễ

Từ thuở xa xưa, đồng bào dân tộc Thái đã có nét sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, đêm đến dưới ánh trăng sáng, người dân lại tập trung trong một khoảng sân rộng trong làng để cùng nhảy múa trong điệu trống chiêng. Một đêm nọ, khi dân làng đang nhảy múa thì ánh trăng tối dần. Theo kinh nghiệm của người Thái, già làng cho rằng đây là hiện tượng Ếch ăn trăng (nguyệt thực). Già làng liền hiệu lệnh cho dân làng khua mõ Keng Loóng để đuổi ếch, mang lại ánh trăng cho bản làng. Kể từ đó, Keng Loóng ra đời và là một trong nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của người Thái ở huyện Mai Châu, đặc biệt là trong các lễ hội: Mừng cơm mới, Xên bản, Xên Mường, Lễ chá chiêng...

Xuất phát từ trong lao động của người Thái Mai Châu, Keng Loóng là hành động cầm chày gõ vào máng trong lao động cũng như diễn tấu trong lễ nghi, tín ngưỡng. Keng là gõ, loóng là chiếc máng bằng gỗ, Keng Loóng gồm nhiều người cùng gõ, theo quy định chặt chẽ, ở nhiều tư thế như: đứng thẳng, cúi khom lưng vừa phải, khom lưng thấp xuống. Keng Loóng có 5 động tác cơ bản: giã, gõ, chọi, dập, va. Các động tác Keng Loóng giống những hoạt động thường ngày của đồng bào như giã gạo. Âm thanh, nhịp điệu của Keeng Loóng trong những lúc vui luôn nhộn nhịp, tưng bừng, vang vọng bản làng, thúc giục lòng người dù đang làm gì, ở đâu cũng tìm đến chung vui. Số lượng người phụ thuộc vào Loóng dài, ngắn, hoặc tùy từng thời điểm hoàn cảnh để chia người Keeng Loóng.

Ngày 10-11-2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3436/QĐ-BVHTTDL về công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dịp để tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt, tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Việc đưa loại hình trình diễn dân gian độc đáo này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của tỉnh, mà còn giúp huyện Mai Châu - chủ thể của di sản, có thêm động lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị và tăng cường quảng bá, giới thiệu, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng được tổ chức trong không gian Lễ hội Xên Mường của người Thái, Mai Châu. Đây là một lễ hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái với mong ước về một cuộc sống ấm no, bình yên. Lễ hội Xên Mường được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, để tạ ơn những người đã lập nên bản, nên mường, tạ hơn thành hoàng, tổ tiên đã phù hộ cho bản mường bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Hoàng Đức Minh khẳng định: Lễ hội Xên Mường đậm đà tính nhân văn sâu sắc, đồng thời tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là thông điệp giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện Mai Châu với nhiều cảnh quan, sông hồ, hang động kỳ vĩ, môi trường khí hậu trong lành, con người hiền hòa, mến khách, luôn sẵn sàng đón tiếp du khách trong và ngoài nước. Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình mà còn giúp huyện Mai Châu có thêm động lực để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng.

Ông cũng hy vọng rằng, với sự chung tay của chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Mai Châu, tập quán tín ngưỡng Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường sẽ được bảo tồn và lan tỏa.

Biểu diễn Keng Loóng trong lễ hội

Mở đầu buổi lễ là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Cội nguồn; Bình minh ngày mới; Mai Châu bản hùng ca ngời sáng với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện Mai Châu.

Phần lễ, chủ tế tiến hành lễ cúng Xên Mường. Sau khi ông chủ tế khấn xong bài mo, đội dâng hương rước kiệu về dâng hương tại đền Làng Bôn. Kết thúc phần lễ, nhân dân và du khách được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như: Tham quan và thưởng thức món ăn độc đáo, sản vật đặc trưng của các địa phương, giao lưu văn nghệ, kéo co, ném còn và vui hội trống chiêng…

Từ lễ hội Xên Mường nhìn lại những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo của mình, người Thái cùng các dân tộc anh em trên vùng đất Mai Châu hiện nay đang hòa nhập vào xu thế thời đại mới. Cuộc sống đang diễn ra sôi động có thể sẽ làm mai một đi những giá trị văn hóa dân tộc được rèn đúc từ xa xưa. Nhận thức được điều đó, cán bộ và nhân dân huyện Mai Châu đã và đang gìn giữ, phát huy những nét văn hóa dân tộc mang đậm đà bản sắc, tín ngưỡng của dân tộc mình. Tập quán tín ngưỡng Keng Loóng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một vinh dự, niềm tự hào to lớn để người dân Mai Châu tự tin bước vào thời kỳ hội nhập mà không hòa tan.

HỒNG VÂN - Ảnh: Báo Hòa Bình điện tử

;