Không phải ngẫu nhiên mà văn học hiện đại Việt Nam có một khối lượng lớn các tác phẩm dành riêng cho đề tài người lính bởi lẽ đây là đề tài lớn, hình tượng trung tâm trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Bài viết mang đến một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ ca Việt Nam hiện đại qua góc nhìn từ văn hóa. Qua đó, độc giả có thể hiểu rõ hơn về những phẩm chất cao đẹp của người lính Việt Nam, về sự hy sinh và cống hiến lớn lao của họ dành cho đất nước.
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em mãi là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”
(Núi Đôi, Vũ Cao)
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều…
Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) gian khổ, hình ảnh anh Vệ quốc quân hiện lên rõ nét trong thơ bằng những phác họa giản dị, ấm áp tình đồng chí: “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế” (Cá nước, Tố Hữu). Những người Vệ quốc quân buổi đầu kháng chiến phải vượt qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm bàn tay” (Đồng chí, Chính Hữu). Ngày nay, quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại, mấy ai còn nhớ cái cảnh: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” (Nhớ, Hồng Nguyên). Thơ kháng chiến chống Pháp thường tô đậm dũng khí xả thân vì sự nghiệp lớn, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của anh Vệ quốc quân. Nhà thơ viết về đồng đội, đồng chí của mình với một tình cảm vừa trân trọng, vừa xót thương vô hạn, lời thơ đôi khi như nghẹn ngào: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh/ Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/ Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà” (Lên Cấm Sơn, Thôi Hữu). Trong tất cả những khó khăn mà người Vệ quốc quân vượt qua thì sự hy sinh bản thân vì nghĩa lớn, có lẽ là một thử thách lớn nhất, và cũng chính ở đó phẩm chất anh hùng, cao thượng của họ ngời sáng nhất, rực rỡ nhất, toàn vẹn nhất: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến, Quang Dũng). Đó là vẻ đẹp lãng mạn, kiêu hùng của người lính cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, một vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa hào hoa.
Vượt lên trên tất cả gian khổ hy sinh, hình tượng anh Vệ quốc quân - anh bộ đội Cụ Hồ - trong thơ ca kháng chiến chống Pháp vẫn rạng rỡ hơn bao giờ hết. Viết về họ là viết về niềm tự hào Việt Nam thời đại cách mạng: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo”. Vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn của người lính Cụ Hồ được nhà thơ chăm chút đặc tả “Anh về cối lại vang rừng/ Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân/ Anh về, sáo lại ái ân/ Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca” (Lên Tây Bắc, Tố Hữu). Chủ nghĩa lạc quan cách mạng đã hun đúc nên phẩm chất hiên ngang của người lính Cụ Hồ. Trong trùng điệp đội quân yêu nước ra trận, hình ảnh một vị Lãnh tụ, vừa là người chỉ huy, vừa là người lính tham gia cuộc trường chinh cứu nước hiện lên rạng rỡ trong bài thơ tứ tuyệt giống như một bức phù điêu tinh xảo: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy” (Lên núi, Hồ Chí Minh). Có thể nói bài thơ đặc sắc này giống như một “chân dung tự họa” về Hồ Chí Minh - một bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mang tới hòa bình cho đất nước sau ba ngàn ngày gian lao thử thách. Nhà thơ Tố Hữu đã viết một tráng ca về người lính cách mạng Việt Nam - anh bộ đội Cụ Hồ - trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”. Với toàn dân tộc Việt Nam thì “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Một trang lịch sử mới của dân tộc Việt Nam mở ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là một Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa của thời đại cách mạng.
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) đã nâng dân tộc Việt Nam lên một vị thế, tầm vóc mới trên thế giới như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba nghìn triệu trên đời”. Và hơn thế, “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Các nhà thơ vẫn cùng nhịp bước với người chiến sĩ trong cuộc hành quân ra trận, và vẫn tiếp tục viết về chiến công hiển hách cũng như những những hy sinh vô bờ bến của họ vì lý tưởng thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng sự hy sinh cao cả của người lính cách mạng giờ đây đã hiển linh như trong bài thơ đặc sắc Nấm mộ và cây trầm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Chết - Hy sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng/ Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng/ Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước/ Những đoàn quân đi đánh giặc/ Có hoa rừng mang đến từ xa”. Những người lính cách mạng đã ngã xuống với tinh thần cao cả “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, họ đi vào bất tử trong tâm thức dân tộc, đúng như những câu thơ Quang Dũng viết từ trong thời kháng chiến chống Pháp: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Cuộc chiến đấu mới đã động viên hàng ngàn, hàng vạn người chiến sĩ tiếp tục lên đường đánh giặc cứu nước. Nhà thơ Trần Hữu Thung đã sáng tác bài Anh vẫn hành quân giàu hình ảnh và nhạc tính (bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành bài hát kinh điển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam). Những vần thơ tha thiết tình cảm riêng tư, nhưng thấm đẫm tinh thần công dân: “Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng (…)/ Anh vẫn hành quân/ Như chín năm kháng chiến/ Năm nay tròn thêm chín/ Anh vẫn hành quân”. Lại vẫn phải ghi công đầu cho nhà thơ Tố Hữu với những vần thơ cao vút, tráng lệ ca ngợi người chiến sĩ Giải phóng quân - anh bộ đội Cụ Hồ thời đánh Mỹ. Thời đại đã thổi vào thơ đôi cánh mới, nói như thi sĩ Xuân Diệu “hồn tôi đôi cánh”. Người lính cách mạng hiện lên trong thơ với tầm kích mới nhờ phép huyền thoại hóa: “Ai đến kia rộn rã cùng xuân?/ Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào Anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ/ Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu, hỡi người dũng sĩ/ Cả năm châu chân lý đang nhìn theo” (Bài ca xuân 68, Tố Hữu). Nhà thơ Tố Hữu đã dùng phép “cổ tích hóa” để vẽ chân dung người lính cách mạng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, vì suy cho cùng thì thời đại cách mạng đã chứa đầy những sự tích kỳ vĩ, đậm chất huyền thoại về con người, về dân tộc như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khái quát bằng thơ: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm!/ Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất/ Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều và đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Thơ ca chân chính và có tính nghệ thuật cao bao giờ cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người và tôn tạo niềm tự hào dân tộc.
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…
Tư thế chiến thắng của người lính cách mạng đã tạc nên tư thế của dân tộc trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống ngoại xâm. Chúng ta hãy cùng nhà thơ hình dung về tư thế, dáng đứng của con người và dân tộc Việt Nam xưa qua những vần thơ đau đớn: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa/ Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Chế Lan Viên). Nhưng cuộc cách mạng và kháng chiến đã thổi vào tâm hồn nhà thơ một niềm tin tưởng mãnh liệt về tiền đồ tươi sáng của đất nước: “Súng nổ rung trời giận giữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi). Bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ - liệt sĩ - Lê Anh Xuân (1940 -1968), có thể nói, như là một “tượng đài bằng thơ” về người lính cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bài thơ trước hết được viết từ cảm xúc thực về người thực, việc thực trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng. Một chiến sĩ Giải phóng quân hy sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong một tư thế đặc biệt: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đương đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Khi đồng đội tiếp cận thì trong người Anh không có một thứ giấy tờ gì. Anh là người anh hùng vô danh. Mà lịch sử đa phần thường được viết nên bởi những anh hùng vô danh và những anh hùng có danh chăng?! Sự khái quát nghệ thuật của nhà thơ trong trường hợp này đã đạt tới cao độ: “Tên anh đã thành tên đất nước/ Ơi anh giải phóng quân/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Trong tâm thức của 100 triệu người Việt Nam hôm nay, đang nung nấu niềm mong ước có ngày đất nước ta biến thành một “con Rồng châu Á”. Tại sao không?! Trong một tương lai gần Việt Nam sẽ mang Dáng Rồng nếu nhớ lại quá khứ chúng ta là “con Rồng cháu Tiên”!
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ nổi tiếng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (sáng tác tháng 5-1954) đã viết: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta/ Quyết chiến thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!”. Có thể nói gần như là duy nhất, gần như là “độc nhất vô nhị”, vị Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp vào thơ, thành thơ, nên thơ dưới ngòi bút tài năng của nhà thơ Tố Hữu. Chính nhà thơ tâm sự: “Hồi đó, đang phải bí mật, có ai dám hò reo đâu. Nhưng phải viết thế, phải tạo không khí như thế mới có cớ mà hoan hô chứ. Mình hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hoan hô ông Giáp. Lúc ấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp oanh liệt lắm. Người ra trận cơ mà. Một ông Tổng tư lệnh ra trận” (dẫn theo Trần Đăng Khoa trong Chân dung và đối thoại). Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bình bài thơ này theo cách của mình: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là bài thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu. Bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Qua thơ mà ta biết cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài ba ngàn ngày. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn đến khi kết thúc thắng lợi là 56 ngày đêm. Trong thời gian này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ở Việt Bắc. Trên bàn làm việc dã chiến của Người có bản đồ Điện Biên Phủ (…). Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dàn quân ở giữa trận tiền” (Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa). Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông là vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng, một quân đội “Trung với nước hiếu với dân”, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nói một cách khách quan và công bằng thì trước hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người lính cách mạng chân chính, một anh bộ đội Cụ Hồ như nhân dân vẫn trìu mến gọi. Đại tướng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng vào một buổi chiều cuối thu, ngày 4-10-2013. Muôn vàn tình thương yêu và niềm nhớ thương một “vĩ nhân giữa đời thường”, một “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng của hòa bình” trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Các nhà thơ Việt Nam đã xúc động viết về một Con Người viết hoa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số 41 (ra ngày 12-10-2013) đã dành nhiều trang viết về vị Đại tướng của nhân dân với một câu đối rất thâm thúy ngay trên trang nhất: “Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”. Một nhà thơ đồng hương với Đại tướng đã viết: “Người lính ấy trao cây súng trở về/ Tóc trắng bay ngàn mây Tổ quốc/ Xa quê trọn đời không thay được/ Giọng nói đậm đà sông nước miền Trung (…). Đàn thơ tôi khúc nhỏ âm thanh/ Không đủ ngợi ca tình yêu người lính/ Như câu ru chợ Cuồi, như điệu hò sông Kiến/ Có gió ấm quê nam, có rét ngọt xứ Đoài/ Ở đâu tôi cũng thấy dáng người/ Trên gương mặt nhân dân đi chân đất/ Trên màu áo cỏ cây thân thiết/ Trong ánh nhìn cho ta đến neo dây/ Những ngả đường đất nước mai đây/ Sẽ mọc lên tượng đài người lính ấy/ Có bức tượng trong lòng nhân loại/ Là trái tim thắm đỏ vĩnh hằng” (Người lính ấy, Hoàng Vũ Thuật).
Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói một người lính cách mạng yêu chuộng hòa bình. Cả cuộc đời của con người vĩ đại này là chiến đấu, hy sinh vì nền hòa bình của dân tộc và nhân loại. Biết bao câu chuyện đã trở thành sự tích về lòng yêu chuộng hòa bình, quý đến từng giọt máu của đồng bào, chiến sĩ, vì hơn ai hết Đại tướng hiểu “máu người không phải là nước lã”. Một nhà thơ xứ Nghệ đã nghẹn ngào viết những vần thơ vừa đau đớn, vừa tự hào về một con người đã trở thành huyền thoại: “Nhưng chính từ những năm đất nước chìm trong bom tấn/ Những giờ phút cam go nhất của chiến tranh/ Là lúc Đại tướng ngồi xuống bên đàn/ Từ những ngón tay nhỏ vang lên những nốt nhạc hòa bình/ Khát vọng của những nô lệ trên thế gian/ Đến từ tay một người yêu nhạc/ Thế kỷ hai mươi sinh ra Người/ Và Người đã sắp xếp lại/ Bản đại Hợp xướng chấm dứt chiến tranh/ Vang lên khắp thế gian/ Người để lại một nền trời hòa bình/ Rồi thanh thản về nơi cực lạc/ Rồi thanh thản ra đi trong tiếng nhạc” (Bản đại hợp xướng hòa bình, Lê Thành Nghị). Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, vào cõi vĩnh hằng, nhập vào hồn thiêng dân tộc trải lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024