Hiệu quả của mô hình tự quản cộng đồng nhìn từ Tổ nhân dân tự quản khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp

Trong những năm qua, nhiều mô hình tập hợp nhân dân cùng tham gia các công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội đã ra đời ở tỉnh Đồng Tháp. Các mô hình này từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trên địa bàn dân cư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc vươn lên làm giàu, phát triển bền vững và lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Mô hình Tổ Nhân dân tự quản được ra đời ở Đồng Tháp với mục tiêu “tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản” đã góp phần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong các hoạt động của cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu vực biên giới

1. Đặt vấn đề

Trải qua nghìn năm bị đô hộ từ phương Bắc và hàng trăm năm bị nô dịch từ các cường quốc phương Tây, nhiều lần bị chính quyền nước ngoài áp dụng chính sách đồng hóa, chia để trị nhưng dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Kết quả này là nhờ một phần vào tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết và văn hóa làng, xã từ bao đời nay. Điều này còn cho thấy sức mạnh tiềm tàng nhưng mãnh liệt từ cộng đồng dân cư thông qua các thiết chế tự quản truyền thống (như làng, xã, thôn, xóm, bản, phum, sóc…) và thiết chế tự quản mới (như thanh tra nhân dân, ban công tác mặt trận…). Có thể nói, hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư đã được Đảng ta quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện từ rất sớm, là một trong những giải pháp nhằm phát huy dân chủ của nhân dân, tập hợp đại đa số quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và quản lý xã hội.

2. Quá trình hình thành và phát triển

Đồng Tháp là địa phương giáp tỉnh Pray Veng (Vương quốc Campuchia) với đường biên giới dài hơn 50km (10,5km đường bộ và 40km đường sông) trên địa bàn của huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự, có 2 cửa khẩu quốc tế (Dinh Bà, Thường Phước) và 5 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú và Thông Bình). Chính vì vị trí địa lý đặc thù này, Đồng Tháp có nhiều đường tiểu ngạch và hàng trăm đường mòn, lối mở qua lại trên đường bộ, đường thủy, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới lại càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; buôn bán người qua biên giới (1). Ngoài ra, việc giải quyết ổn thỏa những va chạm giữa người dân hai bên biên giới, giữ vững tuyến biên giới hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh và các địa phương này.

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Đồng Tháp cũng đã cố gắng triển khai nhiều mô hình tự quản cộng đồng và phát huy được hiệu quả tích cực bước đầu như: Hội quán, Tổ tự quản đường biên, Không gian đại đoàn kết, Người nông dân chuyên nghiệp, trong đó có mô hình Tổ Nhân dân tự quản với quá trình hình thành, phát triển tương đối lâu dài với tiền thân là Tổ Dân phòng - Khuyến học. Đến tháng 3-2017, mô hình này được đổi tên trở thành Tổ Nhân dân tự quản theo Thông báo Kết luận số 451-TB/TU ngày 1-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có thể nói, Tổ Nhân dân tự quản ra đời trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và các huyện, thành phố biên giới nói riêng là kết quả của quá trình phát triển, nghiên cứu mô hình phát huy ngày càng đầy đủ hơn tiếng nói của người dân ở cơ sở và bao quát được tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân.

Trong những năm qua, thực hiện Kết luận số 483-KL/TU ngày 4-8-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp, trực tiếp là cấp cơ sở đối với tổ chức và hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn, thường xuyên theo dõi, rà soát nắm lại tình hình, có giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động Tổ Nhân dân tự quản. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 12.431 tổ, với 1.700.930 thành viên. Trong đó, huyện Tân Hồng có 555 tổ (21.955 hộ với 75.456 thành viên); huyện Hồng Ngự có 1.267 tổ (39.184 hộ với 119.537 thành viên) và thành phố Hồng Ngự có 543 tổ (20.553 hộ với 81.541 thành viên) (2).

3. Những điểm nổi bật của mô hình Tổ Nhân dân tự quản

Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn và sự đồng thuận của nhân dân, Tổ Nhân dân tự quản, cũng tương tự như nhiều mô hình cộng đồng khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay, vẫn chưa có những nghiên cứu, tổng kết đầy đủ về mặt lý luận. Đa phần các Tổ Nhân dân tự quản được hình thành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, sự học tập lẫn nhau giữa các địa phương. Do vậy, quá trình tổ chức và hoạt động vẫn còn đôi chỗ chưa thực sự thống nhất và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tựu trung lại, Tổ Nhân dân tự quản khu vực biên giới của tỉnh vẫn đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu của một mô hình cộng đồng với các đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, Tổ Nhân dân tự quản là thiết chế hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Điều này được thể hiện thông qua việc Tổ Nhân dân tự quản không chỉ là nơi để người dân ấp, khóm cùng nhau sinh hoạt chuyện làng, chuyện xóm mà còn là địa điểm đáng tin cậy để truyền tải kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến thành viên; góp phần cùng với các cơ quan chức năng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hoạt động khuyến học - khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng dân cư…

Thứ hai, Tổ Nhân dân tự quản là thiết chế với sự tham gia của nhiều chủ thể. Thực vậy, thành viên của Tổ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội như nông dân, công nhân, công chức, viên chức, lao động tự do…; là thành viên của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khác nhau như: đảng viên, hội viên Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ. Bên cạnh đó, sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở, Công an cấp xã, Hội Khuyến học… vào những đợt sinh hoạt định kỳ của Tổ là cơ hội để thành viên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thậm chí là các mâu thuẫn giữa xóm giềng với nhau để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Vì vậy, chính quyền địa phương có sự sâu sát địa bàn, nắm rõ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh cũng như các hộ gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống cần có sự hỗ trợ kịp thời…

Thứ ba, Tổ Nhân dân tự quản là tổ chức quần chúng hoàn toàn tự nguyện và có tính linh hoạt. Tính tự nguyện được thể hiện ở phương diện tham dự sinh hoạt định kỳ, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an sinh xã hội… Tính linh hoạt ở đây cũng biểu hiện qua một số khía cạnh cụ thể như: linh hoạt về cơ cấu tổ chức, có bộ máy Ban quản lý gọn nhẹ, chỉ gồm 3 thành viên; linh hoạt về quy chế hoạt động và sinh hoạt định kỳ, dựa trên sự đồng thuận của các thành viên trong Tổ về thời gian, nội dung, hình thức, địa điểm sinh hoạt. Điều này cho thấy tính dân chủ, chủ động của các thành viên Tổ Nhân dân tự quản khi tham gia sinh hoạt trong mô hình này.

Thứ tư, Tổ Nhân dân tự quản là một thiết chế xã hội “tự chủ, tự quản”. Ngoài yếu tố tự nguyện đã phân tích, tính tự chủ, tự quản đã thể hiện mục tiêu quan trọng và cao nhất của mô hình này chính là khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong quần chúng nhân dân, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương. Hay nói cách khác, Tổ Nhân dân tự quản có mong muốn trở thành một nơi kích hoạt sự hành động của nhân dân, thay đổi “nếp nghĩ”, “cách làm” để cùng chia sẻ với hệ thống chính trị cơ sở trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thứ năm, Tổ Nhân dân tự quản hoạt động hướng đến mục tiêu vì lợi ích cộng đồng. Không giống như câu lạc bộ, hội nghề nghiệp hay các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, mô hinh Tổ Nhân dân tự quản có đối tượng tập hợp là quần chúng nhân dân rộng khắp, đa dạng, nội dung hoạt động trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, mô hình này cũng không tạo nên sức ép về “biên chế”, “ngân sách”, “hội phí” giống với những mô hình, tổ chức khác, đang dần phát triển để trở thành không gian gắn kết cộng đồng dưới sự quản lý phù hợp của chính quyền địa phương. Tính cộng đồng trong hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản xuất phát từ truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào ta trong suốt chiều dài lịch sử và lại cần củng cố hơn nữa trước sự tác động từ nhiều yếu tố mới trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Thứ sáu, Tổ Nhân dân tự quản là thiết chế góp phần bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Trong những năm qua, việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sát sao. Điều đó được thể hiện thông qua nhiều hoạt động quan trọng trong công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở cơ sở, việc hình thành những không gian cộng đồng, tập hợp người dân để có sự trao đổi, lắng nghe ý kiến giữa chính quyền với nhân dân được nhiều nơi trên cả nước thực hiện, trong đó có mô hình Tổ Nhân dân tự quản. Tại đây, các quyền hiến định như quyền được tiếp cận thông tin, tự do hội họp, tự do ngôn luận, quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội, quyền không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… từng bước được hiện thực hóa trong đời sống hằng ngày, giúp cho các quyền này không chỉ là sự ghi nhận về mặt giấy tờ mà mỗi người dân đều được hưởng thụ đầy đủ các quyền này khi trở thành thành viên của Tổ Nhân dân tự quản nói riêng và các mô hình cộng đồng nói chung.

4. Một số giải pháp phát huy hiệu quả mô hình trong thời gian tới

Một là, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự cần tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong quá trình lãnh đạo, điều hành các hoạt động của Tổ. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là nền tảng để tạo nên sự tin tưởng, tự nguyện của thành viên. Bởi lẽ, niềm tin và sự tín nhiệm của các thành viên Tổ Nhân dân tự quản là thành tố tiên quyết cho quá trình phát triển của mỗi Tổ, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó và thống nhất trên địa bàn dân cư trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản phải tiếp tục tăng cường giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Ban công tác Mặt trận và Công an viên phụ trách địa bàn để có được sự trao đổi thông tin kịp thời, nhanh chóng giải quyết những vấn đề “nóng” trong dư luận, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, với đặc thù là địa bàn thuộc khu vực biên giới, việc thường xuyên trao đổi thông tin khi có những tình huống bất thường, người lạ đến địa phương giữa Ban quản lý với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.

Ba là, cùng với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động và nội dung sinh hoạt định kỳ của các Tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn, đặc biệt là những nội dung đặc thù gắn với khu vực biên giới như đảm bảo an ninh trật tự tuyến dân cư biên giới, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên... Thiết nghĩ đây là công việc cần phải thực hiện định kỳ, thường xuyên nhằm giúp cho những nội dung hoạt động của các Tổ trên địa bàn khóm, ấp bám sát với chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và gắn với việc thực hiện các mô hình tự quản khác đang hoạt động trên địa bàn để tránh chồng lấn về nội dung sinh hoạt.

Bốn là, cần tiếp tục kiện toàn nhân sự Ban quản lý các Tổ Nhân dân tự quản hiện nay nhằm đảm bảo quá trình điều hành hoạt động của Tổ trong thời gian tới. Tổ trưởng, Tổ phó và Thư ký của Tổ cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt thông tin, thống nhất trong nhận thức và hành động trong quá trình điều hành hoạt động; có kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, rõ ràng; phân công việc ghi chép đầy đủ các thông tin hoạt động vào “Sổ tay” theo hướng dẫn; cùng với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cơ sở đánh giá hoạt động, phân loại Tổ hằng năm đúng thực chất và quy định.

Năm là, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản cần tích cực nâng cao khả năng quản lý, điều hành và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Việc lựa chọn nhân sự tham gia vào Ban quản lý là hết sức quan trọng, bên cạnh thái độ, tinh thần, trách nhiệm thì trình độ quản lý các hoạt động của Tổ cũng vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, đây là một mô hình tự quản, dựa trên tinh thần tự nguyện, tự chủ là chính, nếu như quá trình điều hành quá “cứng nhắc” đôi khi lại phản tác dụng, tạo nên sự khó chịu trong thành viên; ngược lại, sự buông lỏng, hời hợt quá mức của Ban quản lý cũng sẽ không thể nào khiến cho hoạt động của Tổ phát triển và đạt hiệu quả như mong đợi. Chính vì vậy, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản nên là những người có kinh nghiệm quản lý, có sự am hiểu về tâm lý học tuyên truyền, có uy tín và nhiệt tâm với hoạt động cộng đồng, an sinh xã hội tại địa phương.

5. Kết luận

Cùng với những mô hình tự quản cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Tổ Nhân dân tự quản với những đặc điểm nổi bật đã cùng với hệ thống chính trị cấp cơ sở góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn dân cư. Qua đó, tạo nên một không gian kết nối cộng đồng, phát huy dân chủ thực sự cũng như góp phần bảo đảm, bảo bệ quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 quy định một cách thực chất và hiệu quả.

____________________

1. Văn Vĩnh, Đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cand.com.vn, 26-12-2022.

2. Đảng Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Báo cáo số 101-BC/ĐĐMTTQ ngày 2-2-2023 về hoạt động Tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, Kết luận số 483-KL/TU ngày 4-8-2020 về hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản.

2. Tỉnh ủy Đồng Tháp, Báo cáo số 673-BC/TU ngày 4-8-2020 đánh giá kết quả hoạt động của mô hình Tổ Nhân dân tự quản giai đoạn 2017-2019.

3. Tỉnh ủy Đồng Tháp, Báo cáo số 98-BC/TU ngày 5-7-2021 về đánh giá hoạt động của mô hình Tổ Nhân dân tự quản.

4. UBND tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 25-2-2022 về thực hiện Kết luận của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025.

5. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Hướng dẫn số 05/HD-MT ngày 22-12-2014 về triển khai thực hiện thí điểm mô hình Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng.

NGUYỄN QUANG THÀNH -  TS VÕ THỊ TUYẾT HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;