Phú Thọ - vùng đất quy tụ nhiều dân tộc anh em, với nhiều di tích văn hóa gắn liền quá trình hình thành và phát triển của lịch sử nước ta. Mỗi tộc người ở Phú Thọ đều có những giá trị, bản sắc và cả không gian văn hóa riêng, trong đó có những giá trị văn hóa phi vật thể. Miền quê gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước, Phú Thọ được xếp cùng hàng với những vùng văn hóa tiêu biểu nổi bật nhất cả nước. Vùng văn hóa Phú Thọ đã tạo nên một kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo, một “rừng hoa” những giá trị di sản mang nhiều màu sắc của các dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Dao.
Theo số liệu thống kê năm 2020 của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, hiện có 48 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 1,4 triệu người, trong đó riêng dân tộc thiểu số là 249.560 người. Dân tộc Dao ở Phú Thọ có 15.702 người, chiếm 11,2% dân số trong toàn tỉnh và chiếm khoảng 6,3% trên tổng số dân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Thọ.
Người Dao ở Việt Nam sinh sống rải rác trên nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Cuộc sống đan xen trong các mức độ giao thoa về phong tục, bản sắc cùng nhiều dân tộc thiểu số khác đã làm cho nếp sinh hoạt cộng đồng cũng như đời sống văn hóa độc đáo của người Dao thêm nhiều màu sắc, đa dạng và phong phú. Người Dao có nhiều nhánh tộc người với các tên gọi như: Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao lô gang… Các nhánh Dao thể hiện sự khác biệt trên trang phục, nếp sinh hoạt và thậm chí cả trong những hoạt động văn hóa dân gian. Đời sống tinh thần phong phú cùng những nếp sinh hoạt văn hóa nổi bật, tộc người Dao ở Việt Nam trở thành một “bông hoa” khá rực rỡ trong vườn hoa các dân tộc Việt Nam.
Người Dao ở Phú Thọ
Người Dao di cư theo đường biển từ phương Bắc về phương Nam, trên đường dịch chuyển tìm nơi cư trú, một bộ phận tộc người Dao đã dừng chân trên vùng đất Tổ khi nhận thấy nơi đây với nhiều thuận lợi, phát triển cả về đời sống cũng như sự trù phú của cảnh quan thiên nhiên, làm cho những hoạt động trong đời sống cộng đồng của họ nhiều màu sắc, đa dạng hơn. Tìm hiểu, trao đổi với các nhà nghiên cứu cũng như quá trình thu thập điền dã, chúng tôi nhận thấy, người Dao ở Phú Thọ phần lớn “họ từ vùng biển Quảng Ninh lên cư trú đầu tiên ở Việt Trì rồi với tập quán du canh du cư họ lần ngược theo ba con sông Thao, sông Đà, sông Lô rồi ngược lên Thanh Sơn, Yên Lập, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang và có nhiều trường hợp họ lại từ các tỉnh bạn trở lại định cư hẳn ở Phú Thọ” (1).
Người Dao ở Phú Thọ sinh sống rải rác trên khắp 13 huyện, thị trong toàn tỉnh, nhưng tập trung đông nhất và quy tụ theo làng bản là ở các huyện miền núi gồm Yên Lập, Thanh Sơn và Tân Sơn. Có những bản làng là địa bàn sinh sống của riêng người Dao, nhưng đa phần họ sinh sống đan xen cùng các dân tộc anh em và tạo nên mối quan hệ cộng đồng hòa thuận, bền vững.
Ở Phú Thọ, người Dao chủ yếu với hai nhóm chính đó là Dao quần chẹt và Dao tiền. Nếu xét về mặt ngôn ngữ (như cách xác định của một số tài liệu của các nhà nghiên cứu), nhóm Dao quần chẹt thuộc nhóm Dao đại bản và nhóm Dao tiền - thuộc nhóm Dao tiểu bản. Một nét khác biệt của người Dao quần chẹt ở Phú Thọ đó là họ định cư đầu tiên tại xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, do vậy, tên gọi được thêm tên mới - Dao Nga Hoàng. Người Dao tiền và Dao quần chẹt/ Dao Nga Hoàng tuy có sự khác nhau một vài chi tiết về y phục nhưng họ luôn coi nhau là anh em, luôn đoàn kết, gắn bó, cùng giúp đỡ nhau trong đời sống sinh hoạt nói chung, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao trong sự phát triển chung của toàn xã hội.
Đời sống văn hóa của người Dao ở Phú Thọ hiện nay đã có nhiều sự đổi mới, họ được tiếp cận với tri thức khoa học, được làm quen với nhiều kiến thức văn minh, hiện đại từng bước nâng cao hơn đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, ở các xóm bản thuần Dao đâu đó vẫn còn lưu giữ một số tập tục như tục ngủ thăm khi con gái đến tuổi trưởng thành; tục bỏ con khi đứa trẻ sinh ra ốm yếu khó nuôi dưỡng. Để phát triển toàn diện cộng đồng dân tộc thì luôn cần phải biết gìn giữ nét văn hóa dân gian dân tộc bởi đó là vốn quý, nhưng những hủ tục trong đời sống cộng đồng, những thói xấu tạo đà cho việc kéo lùi một thế hệ, trì trệ sự phát triển của con người nói chung thì cần phải được bài trừ.
Hòa nhập không hòa tan, người Dao ở Phú Thọ luôn khẳng định giá trị bản sắc văn hóa tộc người riêng biệt. Những giá trị văn hóa ấy đã được chứng nhận bởi thành quả gìn giữ của bao thế hệ cha ông, từ bao đời với những khó khăn vất vả. Những giá trị văn hóa phi vật thể - “sản phẩm tiêu biểu” của tộc người đã được các cấp ngành, người dân trong vùng khẳng định, đánh giá.
Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trong cộng đồng người Dao ở Phú Thọ
Người Dao ở Phú Thọ với những nét nổi bật về bản sắc tộc người, thể hiện thế giới quan đa dạng không bị phai mờ, không hòa tan, hội nhập đã tạo nên những thành quả về văn hóa nói chung, trong đó có giá trị văn hóa phi vật thể nói riêng. Nói đến những giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao ở Phú Thọ, không thể không nhắc đến nghi lễ cấp sắc - một nghi lễ nhằm công nhận sự trưởng thành của người đàn ông trong tộc người Dao nói chung. Các nghi thức thực hành nghi lễ cấp sắc của tộc người Dao ở Phú Thọ hiện vẫn còn được lưu giữ khá đầy đủ, được người dân tiến hành thực hiện nhằm khẳng định sự trưởng thành của người nam trong gia đình, dòng tộc, làng bản. Một nghi lễ cấp sắc sẽ được người dân thực hiện trong khoảng thời gian 3 ngày, 2 đêm với đầy đủ các thủ tục, nghi thức tiến hành, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian, âm nhạc, múa… theo đúng phong tục, tập tục đã định.
Người Dao quần chẹt và người Dao tiền ở Phú Thọ vẫn đang thực hành nghi lễ cấp sắc trong đời sống. Họ vẫn luôn khẳng định các giá trị bản sắc tộc người trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay. Với những độc đáo trong nghi lễ, sự đa dạng trong các hoạt động nghi thức, cũng như những giá trị văn hóa dân gian phong phú, nổi bật mang nét riêng tộc người; nên nghi lễ cấp sắc của người Dao ở tỉnh Phú Thọ đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng cấp quốc gia, của hai nhóm người Dao ở hai xã trong tỉnh là: Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập (tháng 1-2019) và Lễ cấp sắc của người Dao tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (tháng 1-2020).
Cũng ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian, người Dao quần chẹt huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ được Bộ VHTTDL công nhận nghi lễ Tết nhảy là Di sản cấp quốc gia vào tháng 10-2020.
Lễ Tết nhảy là nghi lễ quan trọng được diễn ra vào khoảng tháng Chạp trong năm. Lễ Tết nhảy với các nghi thức cúng tất niên để xua đuổi vận hạn trong năm, nhảy múa nghênh đón thần thánh về dự khi xuân đến, cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu, cầu cho con người có sức khỏe, hòa thuận, đoàn kết… Với người Dao quần chẹt ở Phú Thọ, lễ Tết nhảy “là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Dao. Nghi lễ giúp chúng tôi bày tỏ được lòng biết ơn đối với thần linh, ông bà tổ tiên, là dịp để con cháu được thực hành, học hỏi, ghi nhớ và lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình” - ông Sinh, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập đã chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa của lễ Tết nhảy như vậy.
Trong nghi lễ Tết nhảy có nhiều điệu múa dân gian độc đáo được thực hiện như: múa xuất quân, múa dao, múa kiếm và múa rùa. Các điệu múa được thực hiện và mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng chúng đều có chung mục đích đáp ứng mong muốn của người dân là được tổ tiên công nhận cho gia đình đã tổ chức Tết nhảy; tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các đấng thần linh đã che chở, phù hộ cho gia đình, làng bản có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như việc phát triển, nhân rộng vốn di sản văn hóa tộc người. Hằng năm, tại lễ hội Đền Hùng, đồng bào người Dao quần chẹt, người Dao tiền ở huyện Yên Lập, huyện Tân Sơn thực hiện các hoạt động diễn xướng dân gian tại trại văn hóa huyện Yên Lập với điệu múa rùa, múa chuông độc đáo, thu hút được nhiều sự quan tâm, thích thú của đồng bào, du khách thập phương tham gia lễ hội.
Bên cạnh những nghi lễ dân gian điển hình nổi bật, người Dao ở Phú Thọ nói chung cũng là tộc người hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cả trong đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Những nghề truyền thống, sản xuất canh tác nông nghiệp, dệt thêu trang phục vẫn được người dân bảo tồn và thực hành trong đời sống. Trang phục của phụ nữ Dao luôn được coi như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo bởi các hoa văn họa tiết do chính bàn tay khéo léo, cần cù của người sử dụng nó tạo nên. Điểm nhấn trên những bộ trang phục của người Dao chính là màu sắc sặc sỡ của những sợi chỉ được thêu lượn theo các họa tiết mang ý nghĩa lớn về trời đất, vạn vật nhằm cầu mong cuộc sống luôn bình an, thuận hòa. Việc kết hợp với các đồ trang sức đi kèm, khăn vấn đầu, thắt lưng, vòng bạc… đã làm cho bộ trang phục người Dao thêm đặc sắc, thể hiện sự khéo léo, tinh tế và cả khát vọng sống của con người trong sự phát triển xã hội nói chung.
Hòa trong nhịp điệu phát triển khoa học hiện đại của đời sống và sự hội nhập của đất nước nói chung, các bản làng người Dao ở Phú Thọ hiện nay đã có nhiều đổi thay trong nhu cầu hưởng thụ của con người với đầy đủ các hiện vật phục vụ cho mục đích đời sống cộng đồng. Những ngôi nhà xây mới rộng khang trang, những trang thiết bị như tivi, tủ lạnh, xe máy, bếp ga… đáp ứng nhu cầu hằng ngày; các thế hệ người Dao được tiếp nhận với văn minh hiện đại, với khoa học kỹ thuật và cả sự hòa nhập, tiếp thu với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa mới đã làm cho đời sống sinh hoạt cũng như nhận thức của họ phong phú hơn, khẳng định vị trí tộc người trong sự phát triển chung của đất nước.
Một loại hình văn hóa dân gian cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy qua các giai đoạn phát triển của tộc người nói chung đó chính là những làn điệu hát dân gian. Bảo tồn dân ca chính là bảo vệ di sản văn hóa dân gian dân tộc, bảo vệ tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc không bị phai nhạt đi trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Dân ca các dân tộc thiểu số nói chung luôn được coi là sản phẩm ngôn ngữ độc đáo, được người dân ca hát theo nhu cầu, phù hợp với nhịp điệu cuộc sống đời thường, thể hiện nếp hoạt động trong sinh hoạt cộng đồng. Mỗi thể loại dân ca với những đặc trưng văn hóa riêng đã tạo nên nét nổi bật cho hệ thống các làn điệu dân ca Việt Nam nói chung. Dân ca người Dao ở Phú Thọ cũng có nét riêng của ngôn ngữ dân tộc gắn với nhịp điệu sinh hoạt đời sống, những bài bản, làn điệu Páo dung, hát ru hay hát giao duyên đối đáp đều rất phong phú, gần gũi với các hoạt động đời thường, thể hiện nhiều sắc màu văn hóa tộc người trong tính đa chiều của không gian diễn xướng, gắn liền với bối cảnh sống con người theo từng giai đoạn, điều kiện phát triển của xã hội, cộng đồng.
Kết luận
Bảo tồn văn hóa dân gian nói chung, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản dân gian của tộc người nói riêng, luôn được thực hiện thường xuyên với nhiều đối tượng, thế hệ người dân trong cộng đồng dân tộc. Người Dao ở Phú Thọ với những di sản văn hóa nổi bật mang màu sắc riêng biệt dân tộc đã góp phần làm rực rỡ hơn cho vườn hoa sắc màu dân tộc của tỉnh Phú Thọ nói riêng. Những giá trị di sản văn hóa ấy sẽ ngày càng được phát huy, phát triển, được bảo tồn qua thời gian, có sức sống cùng sự phát triển của cộng đồng và hòa nhịp ngay trong những nếp sinh hoạt đời thường.
Để những giá trị văn hóa dân gian dân tộc Dao ở Phú Thọ nói chung luôn được duy trì, phát triển thì cần phải có sự chung tay, góp sức của nhiều thế hệ người dân, các cấp lãnh đạo ban, ngành và cả sự vào cuộc của những nhà nghiên cứu dân gian, các nhà sưu tầm văn hóa dân gian trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, người Dao nói riêng, các dân tộc trên toàn tỉnh Phú Thọ nói chung đã và đang không ngừng gây dựng, phát huy các giá trị truyền thống, gìn giữ và bảo tồn những giá trị, bản sắc cổ truyền dân tộc thông qua các hoạt động mang tính cộng đồng như: ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, lễ hội đền Hùng… Đây là những dịp để người dân được giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như được tiếp thu với các loại hình văn hóa mới để từ đó hội nhập, phát triển nhưng vẫn đảm bảo gìn giữ văn hóa truyền thống riêng, như tinh thần của Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở kế thừa và chắt lọc nhưng tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
________________________
1. Lê Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.68.
Tài liệu tham khảo
1. Nhóm tác giả Dương Huy Thiện, Đoàn Hải Hưng, Trần Quang Minh, Văn hóa dân gian một số dân tộc thiểu số huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
2. Nhiều tác giả, Tổng tập văn nghệ dân gian Đất Tổ, tập 3, Sở VHTT - Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xuất bản, 2002.
3. Nguyễn Hữu Nhàn, Người Dao ở Phú Thọ, phutho.gov.vn, 29-12-2009.
DƯƠNG VĂN HẬU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023