“Hành trình OCOP” thu hút số lượng lớn sản phẩm mang đậm nét văn hóa địa phương

Trong gameshow “Hành trình OCOP” có đến 60% đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm là đặc sản mang đậm văn hóa vùng miền. Sự kiện xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị tại Hà Nội vào chiều 2-7 đã góp phần đưa nông sản Việt tiêu thụ nhanh và mạnh hơn tại thị trường trong nước và quốc tế.

Hành trình OCOP là sân chơi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông sản tại các địa phương. Trong chương trình, sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc sản của các vùng miền được giới thiệu, kết nối thông qua những câu chuyện khởi nghiệp, mini game. Đồng thời, các phiên đàm phán thương mại giữa những doanh nghiệp, hợp tác xã với ban giám khảo, các vị khách mời cũng được thực hiện.

Ông Lê Ngọc Huê, Chủ tịch Thái Bình Coop, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại sự kiện

Tại sự kiện, ông  Lê Ngọc Huê, Chủ tịch Thái Bình Coop, Chủ tịch An Thái Hưng Group, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Chỉ trong hơn một tháng, chúng tôi đã thực hiện 9 chương trình và đã có 27 doanh nghiệp, đơn vị được tham gia. Là chương trình dành cho các sản phẩm nông nghiệp, nên Hành trình OCOP đã thu hút được một lượng lớn các đơn vị, hợp tác xã của các đồng bào dân tộc tham gia, chiếm 60% các doanh nghiệp đến tham dự. Đó là đặc sản bản địa, đã gắn bó với người dân lâu năm, trở thành nét văn hóa đẹp như bánh cáy của tỉnh Thái Bình, trà Thái Nguyên, măng cay, thạch đen Lạng Sơn, các loại gia vị đặc trưng và các loại thịt, cá gác bếp của đồng bào các dân tộc…

Cùng với đó còn rất nhiều sản phẩm mang đậm nét văn hóa, tinh thần cũng được chúng tôi giới thiệu trong chương trình như: cộng đồng dân tộc Sán Chay tại Đại Từ, Thái Nguyên, nhiều nét văn hóa đặc sắc của họ đã được quay tại gameshow. Với việc trải nghiệm văn hóa thông qua du lịch, dân tộc Sán Chay đã thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế. Với mô hình hoạt động này, đồng bào dân tộc Sán Chay đã xây dựng được thương hiệu về sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào của họ…

Ban tổ chức và các đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống chuỗi siêu thị tại Hà Nội

Là thành viên của Hội đồng cố vấn chương trình, ông Vũ Trung Hòa - Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp của Ủy ban dân tộc và Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi của nước ta rất đa dạng, phong phú, với 54 dân tộc, chia thành ba vùng lập địa khác nhau đó là Bắc – Trung – Nam. Mỗi dân tộc có một sắc thái riêng trong văn hóa nói chung, ẩm thực nói riêng. Hiện nay, mô hình khởi nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số đã ngày càng được phát triển, họ đã biết phát huy giá trị văn hóa bản địa của địa phương, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ ở nhiều mức độ để chế biến ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tế của người tiêu dùng tại thị trường. Bà con đồng bào dân tộc cũng đã mạnh dạn hơn khi đưa các sản phẩm văn hóa đến với thị trường trong nước.

Trong Hành trình OCOP, có rất nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các vùng miền, họ mang đến những sản phẩm có chất lượng khá tốt và được nhiều người yêu thích. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là đối với bà con dân tộc miền núi, chương trình Hành trình OCOP mang nhiều ý nghĩa và rất có hiệu quả. Vì sau khi xây dựng các nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, chương trình sẽ là hoạt động thực tiễn nhằm đưa những sản phẩm sạch vào các chuỗi siêu thị, hệ thống sản phẩm xanh, sạch để xúc tiến thương mại. Qua đó các nông sản sẽ trở thành sản phẩm thương mại hóa, giúp đồng bào dân tộc miền núi cải thiện thu nhập trên chính những đặc sản của địa phương.

“Mới ghi hình được 9 số, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 68 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký chờ được tham gia. Tôi cho rằng, chương trình đã đáp ứng được nhu cầu mong muốn của các hợp tác xã, chủ thể sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trên cả nước” – ông Vũ Trung Hòa cho biết.

Thông qua chương trình, các sản phẩm ẩm thực đậm nét văn hóa của người dân cũng như đồng bào dân tộc ở từng vùng, miền được người tiêu dùng biết đến và trải nghiệm. Đặc biệt, những câu chuyện về văn hóa cũng sẽ xuất hiện thông qua việc thiết kế bao bì, thông điệp của mỗi sản phẩm. Cùng với đó, các nông sản OCOP cũng đã được đưa vào những điểm dừng chân trong các tour, tuyến, trở thành những món quà ý nghĩa, góp phần gắn kết du lịch trong nước và quốc tế.

Nhiều sản phẩm ẩm thực được giới thiệu và xúc tiến thương mại tại chương trình

Tin, ảnh: BÍCH NGỌC

;