GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ TÙ HỎA LÒ

 

Ngày nay, nếu như ai đó đến tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, điều đầu tiên gây ấn tượng đối với khách là dòng chữ Maison central được khắc đậm trên cổng chính của nhà tù. Nếu khách không biết tiếng Pháp sẽ không hiểu cụm từ đó có ý nghĩa như thế nào. Còn người biết tiếng Pháp sẽ thắc mắc tại sao trước kia thực dân Pháp lại đặt cho nhà tù một cái tên không giống trên thực tế. Vì nếu dịch ra nghĩa tiếng Việt, từ maison có nghĩa là ngôi nhà, từ central có nghĩa là trung tâm. Sở dĩ thực dân Pháp muốn dùng cái tên ngôi nhà trung tâm, hay nhà tù trung ương nhằm xoa dịu bớt ý thức phản kháng của nhân dân thuộc địa, cũng như che đậy bớt tính chất đọa đày của chế độ nhà tù thực dân.

Nhà tù trung ương (hay còn gọi là nhà tù Hỏa Lò) do thực dân Pháp tiến hành xây dựng vào năm 1896, với tổng diện tích 12.908m2. Toàn bộ nhà tù nằm trọn trên mảnh đất hình thang của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ) của Hà Nội. Làng Phụ Khánh là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung, vì thế làng có thêm tên nôm là làng Hỏa Lò, và vì vậy người ta cũng lấy tên Hỏa Lò để gọi thay vì gọi là ngôi nhà trung tâm hoặc nhà tù trung ương. Nhà tù Hỏa Lò được sử dụng để giam tù nhân, cũng là nơi tạm giam những người bị chính quyền thực dân bắt giữ. Ngoài ra, nhà tù Hỏa Lò còn được thực dân Pháp dùng làm nơi giam giữ các phạm nhân bị xử phạt hành chính do vi phạm các nghị định, bị kết án tù hay đi đày, hoặc còn chờ các mức án do Thống sứ quyết định.

Bên cạnh đó, nhà tù Hỏa Lò còn được thực dân Pháp sử dụng khoảng hơn nửa thế kỷ để giam cầm, đày ải những người yêu nước Việt Nam. Đến tháng 10-1954, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hỏa Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Từ năm 1964 đến năm1973, nhà tù Hỏa Lò còn là nơi tạm giam phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt khi đem bom bắn phá miền Bắc. Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô, Nhà nước đã quyết định sửa đổi mục đích sử dụng của Nhà tù Hỏa Lò, 4/5 diện tích được dùng để xây dựng tháp trung tâm Hà Nội (Hà Nội Tower), còn lại 1/5 diện tích phía đông nam của nhà tù được giữ lại tôn tạo và ngày 18-6-1997 phần diện tích trên đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1543/QĐ-BVHTT, và nơi đây đã xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị địch bắt tù đày, những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.

Với diện tích còn lại là 2.434m2, di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò ngày nay trở thành một bảo tàng sống, lưu giữ những dấu ấn về tội ác của thực dân Pháp, về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam. Đến với di tích nhà tù Hỏa Lò, khách tham quan sẽ trực tiếp được xem và được tìm hiểu rõ hơn về quy mô, độ an toàn, chắc chắn của nhà tù Hỏa Lò mà thực dân Pháp chủ ý xây dựng; về cuộc sống sinh họa vô cùng kham khổ, thiếu thốn của các chiến sĩ yêu nước. Nhưng vượt lên trên tất cả là tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và sự cống hiến của các chiến sĩ cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mặc dù hiện nay di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò chỉ còn lại 1/5 diện tích, nhưng hệ thống trưng bày tại đây đã tái hiện được tương đối đầy đủ toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò với 9 chủ đề trưng bày và một số phòng giam, khu ngục tối trước kia thực dân Pháp dùng để giam giữ và trừng phạt tù nhân vi phạm nội quy và chống đối lại nhà cầm quyền. Đó là hệ thống trưng bày về lịch sử vùng đất trước khi xây dựng nhà tù Hỏa Lò; về mức độ kiên cố, quy mô của nhà tù Hỏa Lò được thể hiện qua những nguyên vật liệu thực dân Pháp đã dùng để xây dựng; về chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày mà thực dân Pháp đã dùng để trừng phạt những người Việt Nam yêu nước qua hệ thống tài liệu, hiện vật được trưng bày, qua một phòng giam tập thể nam với hai dãy xà lim lạnh lẽo và những chiếc cùm sắt nặng nề, chắc chắn. Hỏa Lò cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng được ví như địa ngục trần gian, và địa ngục trần gian đó được thể hiện rõ nhất, chân thực nhất qua khu ngục tối (cachot) với sàn xi măng dốc về phần đầu, cao về phần chân, người tù nếu muốn ngồi trong chốc lát (thay cho việc phải luôn luôn nằm dốc ngược) thì phải chống hai tay xuống sàn, đầu ngả ra phía sau. Và dù ở tư thế nằm hay ngồi thì người tù cũng sẽ luôn trong tình trạng máu dồn hết lên đầu. Nhiều tù nhân khi ra khỏi khu ngục tối đều bị ghẻ lở, mắt mờ, chân chậm, phù thũng… Thế nhưng, khu ngục tối ấy cũng không làm lung lay ý chí chiến đấu mà ngược lại càng hun đúc thêm tinh thần cách mạng cho những người con yêu nước không may sa vào tù ngục.

Và sẽ có nhiều người thắc mắc là hai cửa cống ngầm đang được trưng bày tại di tích nhà tù Hỏa Lò với lòng cống nhỏ như vậy, lại có thêm cả chấn song sắt gia cố cẩn thận như thế thì làm sao tù chính trị lại có thể tổ chức các cuộc vượt ngục để trở về với hàng ngũ cách mạng vào tháng 3-1945 và tháng 12-1951 được. Nhưng đó chính là thực tế đã được ghi dấu trong lịch sử vẻ vang, huy hoàng của dân tộc.

Không chỉ có vậy, đến tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, du khách sẽ được chứng kiến về cuộc sống của các nữ chiến sĩ cách mạng qua 4 gian xà lim nữ, phòng giam phụ nữ có con nhỏ và một phòng giam tập thể trước kia thực dân Pháp dùng để nhốt nữ tù thường phạm. Phòng giam tập thể nữ hiện đang trưng bày tư liệu, hiện vật về những dụng cụ tra tấn của thực dân Pháp đối với tù chính trị. Và chắc chỉ đến với di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, khách tham quan mới được chứng kiến trực tiếp nhiều hiện vật là những dụng cụ tra tấn đến ghê rợn mà thực dân Pháp đã áp dụng đối với tù nhân. Điển hình là chiếc máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để uy hiếp và giết hại biết bao chiến sĩ yêu nước như các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hoàng Tôn, hay 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng, trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… Đặc biệt, hiện nay di tích Hỏa Lò còn lưu giữ 4 gian xà lim tử hình, nơi đã từng giam các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh và Trần Đăng Ninh.

Di tích nhà tù Hỏa Lò còn dành một vị trí trang trọng để trưng bày và ghi danh 1.624 chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã bị thực dân Pháp giam cầm, đày ải tại nhà tù Hỏa Lò qua các giai đoạn cách mạng, từ năm 1899 đến năm 1954 và những hoạt động biến nhà tù thành trường học cách mạng của chi bộ Đảng trong nhà tù, cũng như những đóng góp của các chiến sĩ yêu nước sau khi thoát khỏi nhà tù, tiếp tục tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngoài ra, từ năm 1964 đến năm 1973 là thời gian đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với quân và dân miền Bắc. Với lòng quyết tâm cao, quân và dân miền Bắc đã giáng trả cho không quân Mỹ những đòn thất bại nặng nề. Số phi công Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi đã được chính phủ Việt Nam đưa về tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò. Để nhân dân thế giới hiểu hơn về chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam đối với tù binh phi công Mỹ, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trưng bày một số hiện vật, hình ảnh, tư liệu về hành trình đến với trại giam và cuộc sống của tù binh phi công Mỹ trong thời gian bị giam tại nơi đây. Trong số những phi công Mỹ bị bắt thời gian đó có Douglas Pete Peterson, người sau này trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, người đã rất tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp; là Jonh Mc.Cain - thượng nghị sĩ Mỹ, người đã có tới 6 lần quay lại Việt Nam. Và Jonh Mc.Cain đã có một số lần thăm lại trại giam Hỏa Lò - nơi một thời tù binh phi công Mỹ đặt tên là khách sạn Hilton Hà Nội. Trong những lần viếng thăm ấy, Jonh Mc.Cain đã bày tỏ lòng biết ơn chính phủ Việt Nam đã đối xử nhân đạo với tù binh Mỹ trong thời gian bị tạm giam chờ ngày trao trả về nước.

Có thể khẳng định rằng, nếu chỉ riêng nói về ý nghĩa của di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, chúng ta đều thấy được giá trị lịch sử vô giá mà tự bản thân di tích đã nói lên tất cả. Thêm vào đó là hệ thống trưng bày đã giới thiệu từ khái quát đến cụ thể cho người xem có được một cái nhìn tương đối đầy đủ về di tích. Do vậy, kể từ khi thành lập đến nay (năm 1993), di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò ngày càng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Người Việt Nam đến với di tích để ôn lại lịch sử một thời hào hùng, gian khổ, thấm đẫm máu đào của cha ông. Học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên tổ chức kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội tại đài tưởng niệm để hun đúc và rèn luyện bản lĩnh thanh niên thời đại mới.

Hàng năm, đội ngũ cán bộ thuyết minh của di tích đón tiếp và phục vụ hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế, các đoàn khách cấp cao sang thăm, làm việc tại Việt Nam và tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, học sinh, sinh viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học đến tham quan, học tập. Để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thu hút khách tham quan đến với di tích ngày một đông hơn, những người làm công tác quản lý, các cán bộ của di tích không ngừng trăn trở, đổi mới các hoạt động giáo dục. Trong những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử với cán bộ, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của thủ đô và đất nước.

Việc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức cho các cán bộ, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị và các sinh viên, học sinh trên địa bàn Hà Nội gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với các nhân chứng - những người đã một thời nằm gai, nếm mật, đã trải qua đủ mọi cực hình tra tấn của chế độ nhà tù thực dân - được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Bởi lẽ, hoạt động trên không chỉ đơn thuần là đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, mà còn mang một ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, và sẽ là một dấu ấn khó quên với những ai đã một lần được mắt thấy, tai nghe các cựu tù kể chuyện đấu tranh chống lại chế độ hà khắc tại nhà tù Hỏa Lò, để các thế hệ con cháu Việt Nam ngày nay được sống trong hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc

Cùng với thời gian, di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò ngày càng được nhân dân trong nước và nhân dân thế giới biết đến nhiều hơn. Điều đó được thực tế khẳng định qua các số liệu khách tham quan hàng năm, đặc biệt là trong 3 năm gần đây nhất. Năm 2010 là năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò đã đón 134.007 lượt khách với doanh thu là 977.600.000đ. Đến năm 2011, lượng khách tham quan di tích là 143.679 lượt, doanh thu là 1.242.147.000 đồng. Và năm 2012 vừa qua, khách tham quan đến với di tích Hỏa Lò tiếp tục tăng lên tới 194.276 lượt, doanh thu đạt 2.709.845.000đ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể không tự hào với thành quả hôm nay, nhưng không vì thế mà chúng ta bằng lòng với những gì đạt được. Điều làm cho những nhà quản lý, cán bộ di tích trăn trở nhất là tuy số lượng khách tăng, doanh thu tăng nhưng có đến 4/5 khách tham quan là người nước ngoài, số lượng khách trong nước đến với di tích vẫn là con số rất khiêm tốn. Do vậy, việc giáo dục và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và di tích nhà tù Hỏa Lò nói riêng vẫn chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Bởi vì, cùng với việc phát huy giá trị di tích Hỏa Lò trong lĩnh vực phát triển du lịch, di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò còn mang trong mình một công việc thiêng liêng hơn là công tác giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí quật cường của thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu đấu tranh, giành độc lập cho tổ quốc.

Và như vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hóa của di tích nhà tù Hỏa Lò vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, và việc đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động tuyên truyền và giáo dục vẫn cần được duy trì và phát triển về cả nội dung lẫn hình thức. Với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhanh và mạnh, di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò ngày càng hấp dẫn khách đông hơn, ngày càng phát huy được tiềm năng và giá trị vô giá ẩn chứa bên trong, thiết nghĩ, trong thời gian tới, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cần có kế hoạch tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn sâu các nhà chuyên môn, các chuyên gia, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, khách nước ngoài về các chính sách, định hướng, tính hấp dẫn, hoạt động giáo dục, hoạt động marketing, quảng bá di tích, các hoạt động dịch vụ (đón tiếp khách, quầy lưu niệm, ấn phẩm…), các quy chế, quy định của di tích với việc phục vụ khách tham quan.

Ngoài ra, để nắm bắt được thực tế về nhu cầu và mong muốn của khách tham quan, cần tổ chức một chương trình nghiên cứu, đánh giá khách tham quan và khách tham quan đánh giá di tích thông qua các cuộc điều tra, phỏng vấn các đối tượng khách tham quan trong nước và quốc tế, học sinh, sinh viên, giáo viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các công ty du lịch, lữ hành trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về mong muốn, nhu cầu của khách tham quan, về lý do hiện nay khách trong nước chưa thật sự quan tâm đến với di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra đặt ra và cần lời giải đáp: làm thế nào để mỗi năm du khách đến nơi đây nhiều hơn, làm thế nào để mỗi người Việt Nam mong muốn được đến tham quan Hỏa Lò nhiều hơn, làm thế nào để di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò là điểm đến không thể thiếu được của mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Hà Nội? Để có câu trả lời ngay là điều không dễ. Tuy nhiên với những gì đã làm được, chắc chắn trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục tìm được những cách làm hay, hiệu quả, để di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò ngày càng phát huy được giá trị vô giá của di sản văn hóa có một không hai của thủ đô Hà Nội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013

Tác giả : Nguyễn Thị Bích Thủy

;