Giá trị di sản văn hóa Óc Eo trong đời sống cộng đồng

     Hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn di sản ở nhiều nước trên thế giới đã có bước phát triển vượt bậc. Di sản văn hóa không còn là những hiện vật vô tri nằm yên trong các bảo tàng mà được hồi sinh để bước vào cuộc sống. Ở nước ta, sau nhiều thập kỷ khai quật, di tích văn hóa Óc Eo, từng là trung tâm văn minh hùng mạnh của vùng Đông Nam Á, dần hiện lên rõ nét. Hàng loạt giá trị độc đáo của văn hóa Óc Eo, đến nay, đã được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá một cách nghiêm túc.

 

     Di sản văn hóa và tài nguyên du lịch

     Sự ghi nhận của giới khoa học đối với nền văn hóa Óc Eo có căn cứ vững chắc dựa trên hàng loạt phát hiện về quần thể các cổ vật, di chỉ, mộ táng, đô thị… (1). Qua đó, có thể thấy nơi đây đã từng tồn tại một nền văn minh cùng những truyền thống, phong tục, tập quán lâu đời mà ngày nay vẫn còn lưu dấu trong nếp sống của cộng đồng dân cư bản địa (2). Về phương diện phát triển du lịch, quần thể văn hóa Óc Eo là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong tổng thể cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ của vùng Thất Sơn.

     Những năm gần đây, An Giang đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (3). Trong đó, Óc Eo nổi lên thành 1 trong 4 trọng điểm du lịch được tập trung phát triển nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, mang lại sự thịnh vượng chung cho toàn vùng. Không những vậy, định hướng phát triển kinh tế du lịch bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân đã mở ra cơ hội cho cộng đồng dân cư địa phương cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò của một di sản văn hóa cần một quy trình đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước, nhà khoa học và người dân là 3 trụ cột không thể tách rời.

     Tính xác thực của di sản và yếu tố gắn kết với cộng đồng

     Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, công tác giáo dục, vận động khuyến khích các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản kết hợp với phát triển kinh tế xã hội đang trở thành hình mẫu được cộng đồng di sản thế giới áp dụng rộng rãi (4). Thực tế ở nhiều nước cho thấy, mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt trên nhiều mặt từ công tác bảo tồn, khai thác du lịch đến việc nâng cao chất lượng đời sống người dân.

     Để thực hiện được điều này, yếu tố gắn kết giữa giá trị di sản và đời sống cộng đồng phải được xây dựng, bồi đắp và duy trì nhằm tạo một môi trường văn hóa sống động, có tính lịch sử và tính kế thừa. Nền tảng của sự liên kết đó phụ thuộc vào tiếng nói chung của các phát hiện khoa học và việc thực hành truyền thống văn hóa tại địa phương. Theo Operational Guidelines, UNESCO ghi nhận các giá trị phổ quát nổi bật của một di sản văn hóa dựa trên “sự gắn kết trực tiếp, hữu hình với cộng đồng về nhiều phương diện như: đời sống truyền thống; tư tưởng hoặc niềm tin; và các tác phẩm văn học, nghệ thuật” (5). Có thể thấy yếu tố gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản với cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, khẳng định tính xác thực của một di sản văn hóa. Điều đó chỉ ra rằng những phát hiện khoa học về tượng thờ, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động, tác phẩm nghệ thuật của nền văn minh Óc Eo… thể hiện được mối liên hệ với niềm tin, nghi lễ và lối sống của cộng đồng dân cư hiện nay.

     Tuy nhiên, việc chứng minh sự gắn kết trực tiếp, hữu hình ấy luôn là vấn đề khó khăn chung của hầu hết các di sản văn hóa trên thế giới. Như đã đề cập, nền văn minh Óc Eo từng trải qua sự biến động dữ dội về địa chất, địa hình trong suốt nhiều thế kỷ. Thêm nữa, những cuộc chiến tranh đẫm máu thời cổ đại cùng với thiên tai và dịch bệnh đã ngoại vi hóa các chủ thể văn hóa (người dân bản xứ) với chính nền văn minh của tổ tiên họ. Điều đó lý giải sự tham gia một cách hạn chế của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa Óc Eo. Với người dân bản địa, người thừa kế nền văn minh, thì tư tưởng hoặc niềm tin về nó có vẻ mơ hồ. Nền văn minh đó có ý nghĩa gì với họ, trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai? Câu hỏi này, nếu chưa được giải quyết thì chúng ta phải đối diện với vấn đề lớn hơn về tính xác thực của nền văn minh rực rỡ này.

     Do đó, để đưa một nền văn minh từ quá khứ hồi sinh, trở thành tài sản chung (về vật chất lẫn tinh thần) của cả cộng đồng, chúng ta cần nhiều hành động thiết thực, sát với các tiêu chí mà UNESCO đã đề ra. Sau đây là một số điểm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo, hướng tới vai trò di sản văn hóa thế giới.

     Nghiên cứu khoa học và việc phục dựng không gian văn hóa Óc Eo

     Thông qua công tác khai quật các di chỉ liên quan đến nền văn minh Óc Eo, nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, thể hiện các mặt đời sống của cộng đồng cư dân cổ. Dựa trên các phát hiện đó, chính quyền địa phương cần có thêm chính sách khuyến khích các tổ chức khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đi sâu nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, xây dựng cũng như việc thực hành nghi thức tôn giáo của cư dân cổ Óc Eo. Trong đó, sự tham chiếu đồng đại là vô cùng cần thiết. Chúng ta thấy rằng nền văn minh Óc Eo không phải là hiện tượng đơn lẻ trong vùng Nam và Đông Nam châu Á lúc bấy giờ. Nó tiếp thu rất nhiều tinh hoa từ văn hóa của Ấn Độ cũng như các quy ước thương mại từ đế quốc Hy-La. Sự ảnh hưởng đó chính là dữ liệu đáng tin cậy để chúng ta phục dựng không gian văn hóa Óc Eo. Công việc này được thực hiện và chỉ có thể được thực hiện một cách nghiêm cẩn bởi các nhà khoa học.

     Vấn đề nữa đặt ra là ngay cả khi các nghiên cứu được thực hiện thành công, thì bối cảnh, không gian văn hóa Óc Eo cổ đại dường như rất ít liên quan đến đời sống của cộng đồng dân cư bản địa ngày nay. Điều này dễ gây nên bối rối khi chúng ta trả lời câu hỏi về tính gắn kết hay xác thực của di sản đối với cộng đồng. Do đó, nên xem xét văn hóa Óc Eo dưới gốc độ kết cấu. Nó đem đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về tiến trình biến đổi, chuyển hóa của văn hóa Óc Eo vào trong lối sống, tư duy của cộng đồng qua chiều dài lịch sử và các biến động của môi trường. Với những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nền văn minh Óc Eo, một thời phồn thịnh trên miền Thất Sơn, sẽ là tên tuổi xứng đáng và độc đáo trong cộng đồng di sản văn hóa thế giới; là nền tảng tinh thần và đóng góp cho tương lai thịnh vượng của nhân dân. Tuy nhiên, sự hồi sinh của một di sản là ở bên ngoài thư viện hay không gian trưng bày của các bảo tàng. Nó diễn ra trong đời sống tâm linh, nhận thức và sinh kế của người dân. Sự hồi sinh ấy biểu hiện thông qua khả năng diễn trình về văn hóa của cộng đồng.

     Sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản

     Năng lực diễn trình về văn hóa được định nghĩa như là quá trình truyền thông sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận và kỹ thuật khác nhau, được thực hiện nhằm nêu bật ý nghĩa, giá trị của di sản (trong mối liên hệ với cộng đồng bản địa) cho đối tượng là rộng rãi công chúng (6). Theo đó, người tham gia hoạt động diễn trình văn hóa trước tiên là những nhà khoa học. Bởi ý nghĩa của những di vật, truyền thống văn hóa luôn được phát hiện thông qua công việc nghiên cứu chuyên sâu, bài bản dưới sự hỗ trợ của công nghệ và tư liệu.

     Nhưng điều quan trọng là những kiến thức này cần được chia sẽ đến với người dân. Sự chuyển giao đó có thể được thực hiện thông qua tuyên truyền, giảng dạy tại nhà trường, hoặc đào tạo nhân lực tại địa phương… Đến lượt mình, người dân lại đóng vai trò là người diễn trình văn hóa cho công chúng và du khách tham quan. Mục đích của hoạt động diễn trình văn hóa là nhằm “giúp du khách hiểu biết một cách chính xác và sâu sắc về di sản. Từ đó, tạo nên sự trân trọng, có ý thức giữ gìn đối với những giá trị truyền thống độc đáo đang hiện hữu trong không gian di sản” (7). Như vậy, năng lực diễn trình về văn hóa là một trong những dấu hiệu cho thấy sự gắn kết một cách rất tự nhiên giữa di sản với niềm tin và nhận thức của người dân. Và mức độ diễn trình văn hóa cho thấy giá trị xã hội của di sản trong đời sống của người dân bản địa. Năng lực diễn trình văn hóa còn cho phép người dân tham gia một cách tích cực vào công việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Mỗi người dân bản địa là một di sản sống thể hiện sự trường tồn của văn hóa Óc Eo thông qua các hoạt động như: lễ hội, làng nghề, hướng dẫn, thuyết minh...

     Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng năng lực diễn trình không đơn thuần là kỹ năng thuyết trình. Đó là sự thể hiện điêu luyện một nền văn hóa thông qua sự hiểu biết và các kỹ năng của người bản địa. Phạm vi của các hoạt động diễn trình ấy bao gồm không gian sống của cả cộng đồng tập hợp xung quanh di sản. Những lễ hội và làng nghề (được phục dựng), gắn với nền văn hóa Óc Eo, cần đóng góp vào sinh kế của người dân. Nhiều di sản văn hóa trên thế giới đã được bảo tồn và khai thác hiệu quả nhờ vào việc tạo nên một “vùng đệm” xung quanh di sản. Đó là một khu vực được quy hoạch với nhiều làng nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống quy tụ những thợ giỏi được đào tạo đặc biệt nhằm phục vụ công tác bảo tồn và thu hút du khách tham quan.

     Để xây dựng và khai thác du lịch từ vùng đệm xung quanh di sản cần thực hiện trên 3 trục chính là: lấy các di tích của nền văn minh Óc Eo làm trung tâm; khôi phục sự nguyên sơ của môi trường sinh thái và cảnh quang núi đồi. Khôi phục và bảo tồn các truyền thống văn hóa dân gian có liên quan ít nhiều với nền văn minh Óc Eo trên cơ sở các nghiên cứu khoa học. Đảm bảo lợi ích từ du lịch được chia sẻ cho người dân thông qua các nghề: ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hướng dẫn viên du lịch… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

     Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trong vùng đệm như: bảo tàng thực tế ảo, khu trưng bày, khu chế tác, khu trình diễn nghi lễ, hệ thống mô phỏng đền đài, chiến trường, hồ nước, cảng biển cổ đại... Trong đó, mô hình hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đó là sự hợp tác chặt chẽ của ba trụ cột: nhà nước - nhà khoa học - người dân. Với sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội, trong tương lai không xa, văn hóa Óc Eo sẽ trở thành một trong những di sản văn hóa của nhân loại; đồng thời, mang đến sự phát triển thịnh vượng, sung túc và bền vững cho cộng đồng.

______________

     1. Đặng Văn Thắng, Võ Văn Sen, Recognition of Oc Eo Culture Relic in Thoai Son District An Giang Province, Vienam, American Scientific Research Journal for Engineering, Technology, and Sciences, Vol 36, No 1, 2017, p.271-293.

     2. Nhiều tác giả, Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo - An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, 2016, tr.260.

     3. UBND tỉnh An Giang, Chương trình hành động 59/CTR-UBND phát triển du lịch An Giang 2016 - 2020 định hướng 2025, An Giang, 2017.

     4. Nhiều tác giả, World Heritage Papers 31: Community development through World Heritage, Nxb UNESCO World Heritage Centre, 2012.

     5 Nhiều tác giả, Operational Guidelines for the Implementation of the World Heritage Convention, Nxb UNESCO World Heritage Centre, 2012, tr.20.

     6. Nhiều tác giả, World Heritage Papers 13: Linking Universal and Local Values: Managing a Sustainable Future for World Heritage, Nxb World Heritage Centre, 2003.

     7. Nhiều tác giả, Principles for the conservation of heritage sites in China, Nxb ICOMOS, 2015, tr.101.

 

Tác giả: Huỳnh Thị Diễm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

 

;