Đưa ca Huế vào trường học: Một hình thức bảo tồn, phát huy và trân trọng di sản

Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Tuy nhiên, trải qua thời gian, ca Huế cũng như nhiều di sản phi vật thể khác có dấu hiệu mai một, biến tướng. Vì thế, bài toán bảo tồn, gìn giữ và phát triển Ca Huế theo hướng thực chất là điều mà các nhà quản lý, công chúng yêu Ca Huế rất quan tâm.

Một mô hình cần nhân rộng

Ca Huế phát triển, lan tỏa qua nhiều thời kỳ lịch sử và trở thành kho tàng quý báu của cả dân tộc. Cùng với Ca trù miền Bắc, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình. Việc Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ca Huế, thể hiện sự trân trọng đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

Thực tế cho thấy, Ca Huế thời gian qua vẫn hiện diện trong các chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa tầm cỡ như Festival Huế, hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trên thuyền rồng ở sông Hương. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời cuộc, Ca Huế cũng cho thấy những dấu hiệu của sự mai một, biến tướng. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản của Ca Huế đến với mọi người, nhất là giới trẻ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức ký kết chương trình đào tạo nhằm đưa di sản Ca Huế vào trường học. Hai bên đã thống nhất phối hợp nhiều nội dung quan trọng, gồm: đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học; tổ chức hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại các bảo tàng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm... Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đào tạo cho gần 30 giáo viên đang công tác tại các Trường THCS trên địa bàn thành phố Huế. Chương trình do các giảng viên của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và nghệ nhân Ca Huế trực tiếp tham gia giảng dạy, giao lưu trình diễn Ca Huế. Qua 3 tháng tập huấn, các giáo viên được giới thiệu những kiến thức tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của Ca Huế; hát các làn điệu dân Ca Huế và Ca Huế; biểu diễn, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế. Giáo viên vừa học lời cổ vừa được áp dụng lời mới phù hợp với yêu cầu phổ cập và để Ca Huế đến gần hơn với từng lứa tuổi, từng mục đích biểu diễn khác nhau.

Theo Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nghệ thuật Ca Huế có những giá trị rất độc đáo cần được tập trung bảo tồn, phát huy và phát triển, trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc phục vụ du lịch. Việc tổ chức tập huấn các kỹ năng trình diễn Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường THCS đi liền với xây dựng các mô hình câu lạc câu lạc bộ Ca Huế trong học sinh là những bước khởi đầu của Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt. Không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát Ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung của từng bài bản và làn điệu cụ thể. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản Ca Huế.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc đưa di sản Ca Huế vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với Ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu Ca Huế, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế. Việc phối hợp đưa Ca Huế vào trường học còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường học, để các làn điệu, bài hát trong kho tàng dân ca luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của lớp trẻ hôm nay và mai sau, được lưu giữ và phát huy cùng với nền văn hóa dân tộc.

Lan tỏa tình yêu với Ca Huế trong học đường

Việc đưa Ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Các thầy, cô giáo sau khi hoàn thành chương trình tập huấn đã cùng với các nghệ nhân truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản Ca Huế cho học sinh của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế. Để đảm bảo công tác dạy và học Ca Huế hiệu quả, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhằm giới thiệu, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật Ca Huế thông qua các hoạt động như: tổ chức biểu diễn hát Ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, trong lễ khai giảng và các dịp lễ kỷ niệm, các chương trình liên hoan văn nghệ…; đề ra mục tiêu, kế hoạch hoạt động cụ thể của CLB Ca Huế của trường để giáo viên, học sinh cùng phấn đấu.

 

Buổi học Ca Huế của Câu lạc bộ Ca Huế Trường THCS Thống Nhất được bố trí vào hai tiết cuối chiều thứ 5 hằng tuần, do cô giáo Kim Liên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật đứng lớp. Dưới sự hướng dẫn lời ca, nhịp gõ của cô Liên, cả lớp học bài “Lý đoản xuân”. Với lời ca âm điệu vui tươi, từng câu hát của bài “Lý đoản xuân” được các em ngắt hơi, luyến láy đúng nhịp. Học xong điệu lý này, các em chuyển sang học bài “Hò mái xắp”... Dẫu là buổi học ngoại khóa nhưng các em rất hào hứng, nghiêm túc và chăm chỉ học tập.

Cô Nguyễn Phước Như Ý, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất chia sẻ, khi thực hiện chủ trương này, các giáo viên âm nhạc rất lo lắng, nhưng sau 3 tháng tập huấn, tất cả đã tiếp nhận và thực hành các làn điệu, bài bản Ca Huế cũng như các điệu hò, lý Huế. Sau khi thành lập Câu lạc bộ Ca Huế, nhà trường sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ âm nhạc xây dựng các kế hoạch, tọa đàm, tổ chức giao lưu với nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế để làm phong phú thêm việc học Ca Huế tại trường cho các em.

Còn tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế, nhà trường đã phối hợp với Tổ âm nhạc dân tộc, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh biểu diễn chương trình Ca Huế với đầy đủ các bài bản đặc trưng của Ca Huế. Những làn điệu mượt mà sâu lắng đã được hàng trăm học sinh và giáo viên nhà trường hào hứng, thích thú tham gia.

Trong quá trình triển khai chương trình giảng dạy Ca Huế cho các CLB tại các trường học trên địa bàn, mặc dù các em học sinh bận lịch học chính, sĩ số khó đạt 100% nhưng khi đến lớp, các em rất tập trung, nghiêm túc tham gia chương trình với niềm đam mê, hứng thú. Có nhiều học sinh tiếp thu và thể hiện khá tốt khả năng trình diễn Ca Huế của mình. Em Trần Nguyễn Ánh Hồng, học sinh lớp 7/5 Trường THCS Trần Cao Vân chia sẻ, dù mới tham gia CLB Ca Huế của trường chưa đầy 3 tháng nhưng em rất hào hứng với những buổi được học hát Ca Huế. Qua những buổi truyền dạy của các nghệ sĩ và giáo viên, em đã tìm hiểu được 5 bài bản, đồng thời có thể trình diễn. Em mong rằng, nhiều bạn học sinh sẽ tiếp cận và có niềm đam mê với di sản nghệ thuật Ca Huế của ông cha mình.

Đưa ca Huế vào trường học là một trong những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao nhằm bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của di sản nghệ thuật Ca Huế, hướng tới xây dựng hồ sơ để trình UNESCO ghi danh  là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo kế hoạch, cuối tháng 12 tới, Sở Văn hóa và Thể thao Huế sẽ tổ chức các buổi giao lưu, trải nghiệm hoạt động biểu diễn giữa các CLB Ca Huế ở trường học với CLB Ca Huế thính phòng (Bảo tàng Văn hóa Huế), từ đó đánh giá kết quả của chương trình. Đây cũng sẽ là “hạt nhân” để lan tỏa và phát triển hoạt động Ca Huế trong các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế, tiến tới mở rộng đến tất cả trường học ở các huyện, thị xã trong năm 2020. 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

;