Thực trạng công tác tuyên truyền cổ động trực quan tại tỉnh Hà Tĩnh

Tuyên truyền cổ động trực quan là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, góp phần giáo dục, bồi đắp ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện bùng nổ thông tin nhiều chiều như hiện nay thì công tác định hướng thông tin càng trở nên cấp bách. Làm thế nào để chuyển tải các thông tin thiết thực và phù hợp với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều chỉnh dư luận xã hội... trở thành mục tiêu quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền cổ động trực quan ở Hà Tĩnh nói riêng.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong toàn tỉnh, những năm qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp điều hành, chỉ đạo các phòng thực hiện nhiệm vụ cổ động trực quan; hướng dẫn nghiệp vụ đối với Trung tâm Văn hóa - Truyền thông 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trang trí mĩ thuật, tuyên truyền cổ động, triển lãm phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước và địa phương, góp phần tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội .

Ở Hà Tĩnh, các vị trí trọng điểm cho tuyên truyền cổ động trực quan, bao gồm: Khu trung tâm hành chính tỉnh, huyện, xã; quảng trường; các điểm nút giao thông quan trọng; khu trung tâm văn hóa; trung tâm thương mại, công viên, khu vui chơi giải trí; điểm tiếp giáp giữa các tỉnh, thành phố; cửa khẩu biên giới quốc gia. Hằng năm, đơn vị tổ chức thực hiện từ 2.500-3.000m2 pano, áp phích, tranh cổ động các loại; đặc biệt chú trọng đến các biển tuyên truyền trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thực hiện từ 1-2 triển lãm chuyên đề tiêu biểu như: “Hoàng Sa - Trường Sa - những bằng chứng lịch sử”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”,  “Bác Hồ về thăm thăm Hà Tĩnh”, “Từ Đại hội đến Đại hội”,  “Đại hội thi đua yêu nước”, “Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du” ...; tổ chức gần 140 buổi tuyên truyền lưu động; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố treo mắc hàng chục ngàn lượt cờ các loại, pano, áp phích, khẩu hiệu, bảng tin vv..

Tại các huyện, thị xã, thành phố có đường trục chính, đường quốc lộ đi qua đều đã hình thành những tuyến đường tuyên truyền cổ động. Ở đây có hệ thống tuyên truyền đồng bộ gồm pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, cờ, hệ thống đèn chiếu sáng, loa phát thanh. Hoạt động tuyên truyền cổ động được phát huy cao trong những ngày lễ, Tết, những ngày kỷ niệm, các sự kiện thời sự, chính trị trọng đại... Việc tuyên truyền ngày càng có chất lượng cao nhờ sự quan tâm chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa những vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn.

Công tác xã hội hóa hoạt động tuyên truyền cổ động đã được Sở VH,TTDL quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo nguyên tắc tăng cường công tác quản lý nhà nước đi đôi với việc mở rộng phát triển xã hội hoạt động văn hóa. Các hình thức kết hợp giữa tuyên truyền và quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp được lãnh đạo địa phương ủng hộ đã góp phần sinh động cho các hình thức tuyên truyền, đẹp về chất lượng, nhiều về số lượng và đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tỉnh, ngành tạo điều kiện tối đa. Hiện đơn vị chịu trách nhiệm nội dung và thực hiện 3 cụm quảng cáo tấm lớn ở 3 vị trí quan trọng trên địa bàn tỉnh (Bến Thủy, Đèo Ngang, đường trách Nghi Xuân). Trung tâm VH-ĐA tỉnh Hà Tĩnh còn được trang bị màn hình LED quảng bá trước sảnh, màn hình LED phục vụ các sự kiện trong hội trường trung tâm; có khu vực riêng tổ chức các triển lãm, trưng bày. Các loại cờ phướn, băng rôn, các nguyên vật liệu thực hiện công tác cổ động như khung sắt, bạt in vv… nhằm phục vụ tốt nhất hiệu quả tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, hiện tại, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động trực quan tại Hà Tĩnh còn mỏng và thiếu. Ở nhiều địa phương, lực lượng chuyên trách và cộng tác viên làm công tác tuyên truyền đa số chưa có chuyên môn nghiệp vụ và chưa thường xuyên được đào tạo, lại phải kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Các cụm pa-nô, áp phích tuyên truyền đại hội ở xã Kỳ Đồng , huyện Kỳ Anh

Ở phương diện khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng trong công tác tuyên truyền vẫn còn thiếu, cũ kỹ, hư hỏng và lạc hậu. Kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Chế độ thù lao, nhuận bút tranh cổ động thấp so với mức đầu tư công việc. Các hình thức cổ động còn bó hẹp trong khu trung tâm, các tuyến giao thông chính, chưa được mở rộng theo hướng phát triển không gian. Việc đặt, treo, dựng bảng tuyên truyền tấm nhỏ trên dải phân cách, băng - rôn tại một số nơi còn lộn xộn, nội dung, hình thức bảng tin tại các khu dân cư còn nghèo nàn, có nơi vẫn còn tình trạng băng-rôn, poster quảng cáo rách, rơi xuống ngang đường (đặc biệt là sau các đợt mưa, giông, lốc, bão…) chưa được dỡ bỏ hay sửa chữa kịp thời… Nhiều tấm bảng quảng cáo bị rách, hoen gỉ, bạc màu, nội dung phai mờ, bong tróc, gây phản cảm và mất tính thẩm mỹ. Một số panô, khẩu hiệu... tuyên truyền các chủ đề ngắn hạn (bầu cử, đại hội...) còn để quá thời gian, chưa kịp thời tháo gỡ, gây phản cảm, làm ảnh hưởng hình ảnh chung, trong đó có hiệu quả công tác tuyên truyền.

Nhiều vị trí thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan cũng không còn phù hợp hoặc bị che lấp bởi các công trình xây dựng, cây xanh; hiệu quả truyền tải thông tin thấp, hình thức chưa tương xứng với nội dung, tốn nhiều diện tích sử dụng đất, chưa gắn kết giữa hoạt động tuyên truyền phục vụ chính trị với quảng cáo thương mại. Kích thước, tiêu chuẩn kỹ thuật, vị trí treo dựng bảng còn tùy tiện, chưa khoa học, thiếu thẩm mỹ. Nhiều biển hiệu của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ không tuân thủ quy định pháp luật, sai quy cách, thông tin thiếu chính xác.

Việc vận dụng chính sách xã hội hóa  lĩnh vực tuyên truyền cổ động còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nguồn vốn của xã hội; đa số hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các sự kiện văn hóa, thương mại, du lịch của địa phương đang được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước.

Từ thực tiễn trên đây, cần phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết để xây dựng các cụm cổ động trực quan. Nếu có quy hoạch rồi nhưng phát sinh yếu tố bất cập thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện nay, việc xây dựng quy hoạch cổ động trực quan còn gặp nhiều khó khăn, bất cập khi các khu công nghiệp, đường giao thông, nhà cao tầng, các công trình phúc lợi xã hội v.v… liên tục mở rộng đã phá vỡ cảnh quan hiện có, vì vậy đòi hỏi người làm quy hoạch công tác cổ động trực quan cụm cổ động phải có tính  bền vững lâu dài.

Cũng cần phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; nội dung sát với thực tiễn cuộc sống và quan trọng là kịp thời đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; hình thức đa dạng, phong phú. Tập trung, quan tâm, đầu tư, đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền; củng cố và hoàn thiện bộ máy làm công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ tuyên truyền cấp xã, thị trấn; tiếp tục trang bị và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền; trong đó ưu tiên các địa phương khó khăn… để nắm bắt chủ trương và thực hiện kịp thời.

Khẩu hiệu của tranh cổ động phải rõ ràng súc tích, tính cổ động cao, màu sắc nổi bật để người đi đường dù bằng bất kỳ phương tiện gì vẫn nhận biết được nội dung đang tuyên truyền. Cần lưu ý đến nội dung chủ đạo của mục đích tuyên truyền để có cách cấu trúc, bố cục hài hòa, đúng ý tưởng ban đầu của người chỉ đạo nội dung. Hình thức phải đa dạng, phong phú và sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền... tránh gây nhàm chán cho công chúng.

Cuối cùng, không thể không tập trung mọi nguồn lực đầu tư, đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác tuyên truyền.

 

Tác giả: Mai Quốc Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

 

;