Đồng Tháp: Hoạt động Hội quán góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình

Hội quán là mảnh ghép gắn kết ngành Nông nghiệp với Hội Nông dân và các chủ thể quan trọng khác đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Mục đích hoạt động với phương châm "chăm chỉ - tự lực - hợp tác", trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tặng Bằng khen cho các Hội quán tiêu biểu

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp hỗ trợ kịp thời cho các thành viên Hội quán trong việc cập nhật kiến thức mới, học tập kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Thành viên Hội quán từng bước nâng cao kiến thức, tiếp cận nhanh với các định hướng, chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tích cực tham gia có trách nhiệm, làm lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, phát triển dịch vụ du lịch và các phong trào thi đua yêu nước khác tại các địa phương. Kịp thời định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Hội quán theo đúng tính chất là tổ chức "tự nguyện, tự quản, tự chủ" của nhân dân; tập trung mục đích trọng tâm là thuyết phục từ bỏ tư duy làm theo kinh nhiệm, mà thay đổi nhận thức làm theo tiến bộ khoa học - kỹ thuật; xóa cách làm nhỏ lẻ, hướng đến liên kết và hợp tác xã; Ban Chủ nhiệm tiếp thu qua tập huấn về phổ biến lại cho thành viên về kiến thức mới về công nghệ - khoa học - kỹ thuật, phương thức áp dụng vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là cùng hỗ trợ nhau, giúp nhau làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình và góp sức cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, toàn tỉnh có 151 Hội quán, với trên 7.700 thành viên, Ban Chủ nhiệm có 735 người, có 38 Hợp tác xã được thành lập từ mô hình. Thành viên Hội quán đa thành phần là nông dân, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ hưu trí, đảng viên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo, doanh nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia, văn nghệ sĩ,… cùng tham gia sinh hoạt trong một không gian cộng đồng, cùng nhau định hướng kế hoạch phát triển cộng động, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ công việc chung,…

 Đa số các Hội quán có Ban Chủ nhiệm được cơ cấu từ 3 - 9 thành viên, là những nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tập hợp các thành viên và liên kết trong các hoạt động của Hội quán. Hoạt động của Hội quán đa dạng các loại hình như sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột.

Hội quán tham gia trưng bày sản phẩm hội chợ nông nghiệp xanh

Hội quán được các cấp chính quyền ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Hội quán; các cơ quan chuyên môn tập huấn kiến thức giới thiệu về thương mại điện tử, Internet, các nền tảng về công nghệ thông tin và công nghệ số, nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng nông sản thông minh, nông sản an toàn; thực hành các kỹ năng cơ bản về công nghệ số; thực hiện kết nối cung - cầu đến các Hội quán được thực hiện thường xuyên; phối hợp tổ chức chương trình tập huấn “Sản xuất và bảo quản nông sản an toàn, chi phí thấp và bền vững”; kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây nhãn, cây xoài; kỹ thuật phòng trị bệnh trên gia súc, gia cầm tại nơi sản xuất, nhà vườn. Tổ chức chia sẻ một số giải pháp về xây dựng thương hiệu, phát triển kỹ năng bán hàng hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm xoài. Hỗ trợ các Hội quán tham gia Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề “Liên kết cùng phát triển”; tham gia Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022 và lần thứ 2 năm 2024; tổ chức tập huấn về “Phương pháp tiếp thị tại điểm bán và xây dựng kênh phân phối”; hỗ trợ, hướng dẫn các Hội quán có đủ điều kiện để thành lập Hợp tác xã,… 

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành hướng dẫn hoạt động giữa các Hội quán có cùng ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã xác định được 14 ngành nghề, lĩnh vực, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp cho thành viên Hội quán và nông dân; phát huy hệ thống thông tin nội bộ (Zalo) của Hội quán (với 197 thành viên, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các ngành chuyên môn, các chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban MTTQ Việt Nam của tỉnh) chia sẻ thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản, xu thế thị trường, các loại cây, con giống, mô hình mới,... cấp phát Sổ tay Hội quán hỗ trợ cho các Chủ nhiệm Hội quán làm cẩm nang tuyên truyền và ghi chép, cập nhật các hoạt động... góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các Hội quán.

Nhiều Hội quán duy trì hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, khơi dậy tinh thần chăm chỉ, tự lực, hợp tác chung tay xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển kinh tế tập thể, làm giàu chính đáng. Các thành viên Hội quán được chia sẻ và trao đổi các chính sách, chủ trương của Nhà nước, các nội dung về thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cấp mã vùng trồng, quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng vật nuôi…trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội quán, đã góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho thành viên, chất lượng sản phẩm của Hội quán gắn với liên kết tiêu thụ.

Hội quán tích cực tham gia thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tham gia mô hình sản xuất tiêu biểu và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu. Thành viên của 12 Hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích 419,53ha xuất khẩu trái cây (xoài, mít, nhãn và thanh long) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore và tham gia thực hiện Chương trình OCOP; tham gia thực hiện Đề án phát triển du lịch với một số mô hình hoạt động du lịch nổi bật như Hội quán Du lịch Tràm Chim gắn với dịch vụ du lịch homestay, du lịch cộng đồng, ngắm hoa Hoàng đầu ấn, xuồng kéo, tàu, xe ô tô điện, trải nghiệm mùa nước nổi; tham gia các hoạt động xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, xây dựng cầu, đường…. Đã hình thành nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, tiêu biểu: Các mô hình diễn ra trên địa bàn huyện Thanh Bình như mô hình “thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại Đất Ngọt Hội quán, xã Tân Quới và Nông Tân Hội quán, xã Tân Long “trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới” phục vụ thực phẩm cho du lịch với quy mô 500m2; “cùng nông dân bảo vệ môi trường” thực hiện tại Hội quán Tân Mỹ (ấp 1, xã Tân Mỹ), quy mô 140 ha với 50 nông dân tham gia. Hỗ trợ lắp đặt 15 bể chứa chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; “nuôi lươn không bùn mật độ cao theo hướng an toàn sinh học gắn liên kết tiêu thụ” tại Hội quán nuôi lươn Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Các mô hình diễn ra trên địa bàn huyện Cao Lãnh như “tưới thông minh trên cây xoài, cây chanh, cây cam soàn và cây sầu riêng” tại Minh Tâm Hội quán, Minh Phát Hội quán, Nhân Tâm Hội quán và Phong Tân Hội quán; “cánh đồng lúa lý tưởng và sản xuất lúa sạch, an toàn” tại Nhân Hòa Hội quán; “sản xuất rau sạch, an toàn” tại Thuận An Hội quán, “rau thuỷ canh” tại An Thuận Hội quán; các mô hình diễn ra trên địa bàn huyện Tháp Mười như “Trồng nấm Bào ngư tại vườn ươm khởi nghiệp nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP”, với quy mô 3 nhà trồng/2 hộ tham gia với trên 30.000 bịch phôi nấm, thực hiện tại  Hội quán Thuận Tâm, xã Mỹ Đông; trình diễn “Vườn cây ăn trái gắn với xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao” trên cây bưởi với diện tích 0,2ha cho thành viên là Phó Chủ nhiệm Hội quán Thuận Kiều, xã Đốc Binh Kiều…

Bên cạnh đó, các Hội quán còn thực hiện các hoạt động khác như mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp”, mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh; sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn thực phẩm kết hợp tiêu thụ, nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình: “Cộng đồng dân cư tham gia quản lý, xây dựng Nông thôn mới”; “Mô hình Làng thông minh” và Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo mộc phòng trị sâu bệnh hại cây trồng tại thành phố Cao Lãnh” được các Hội quán thực hiện tốt tại địa phương; tham dự sự kiện “Tuần lễ xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp” nhằm hỗ trợ Hội quán và nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp cận với kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Ghi nhận sự đóng góp của các Hội quán, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ Chủ nhiệm các Hội quán trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu Xuân, nhằm tạo điều kiện cho Chủ nhiệm các Hội quán chia sẻ về vai trò của Ban Chủ nhiệm Hội quán trong công tác hỗ trợ cho thành viên ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; mối liên hệ giữa Hội quán và Hợp tác xã trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Ngày hội Hội quán Đất sen hồng (ngày 18 đến 19/11/2023), hoạt động đánh dấu chặng đường 7 năm qua phát triển của Hội quán, thông qua các hoạt động Ngày hội cùng sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm động lực cho các Hội quán làm tốt hơn vai trò gắn kết, chia sẻ cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động Hội quán không chỉ khơi dậy tinh thần chăm chỉ, tự lực, hợp tác xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn chung tay góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao.

Bài và ảnh: TRẦN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;