Đời sống và việc làm của công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương sau đại dịch COVID-19

Ở nước ta hiện nay, mặc dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, song, những hậu quả và tác động của nó đối với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp… sinh kế của hàng triệu người lao động vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp bảo đảm đời sống và việc làm của công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương hiện nay.

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2.694,4 km2. Đây là tỉnh có dân số đông thứ 6/63 tỉnh, thành trên cả nước và cũng là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư; hơn 50% dân số của tỉnh Bình Dương là dân nhập cư. Hiện nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp và gần 50.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động, là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân trên đầu người cao của cả nước. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung, công nhân trong các khu công nghiệp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn; đại dịch đã tác động sâu sắc đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động và gia đình họ. Nhiều công nhân phải giãn việc, nghỉ việc, thu nhập giảm, số tiền làm ra không đủ trang trải cuộc sống khiến đời sống của họ trở nên bấp bênh, nhất là với nhóm công nhân có trình độ tay nghề thấp, công nhân nữ, gia đình công nhân có con nhỏ, hoặc gia đình công nhân chỉ có 1 người đi làm.

Trước những tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống và việc làm của công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cuộc sống của công nhân; nhất là việc thực hiện tốt các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ về đảm bảo khả năng ứng phó, vượt qua những tác động của đại dịch, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội cho công nhân như: Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp... Thông qua đó, đã thiết thực hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch, cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hiện nay, trong bối cảnh chung về tình hình đời sống và việc làm của công nhân, người lao động cả nước nói chung, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề bình đẳng trong hưởng thụ về văn hóa, tinh thần. Do đó, để từng bước bảo đảm đời sống, việc làm cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và lực lượng có liên quan cần quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp, cụ thể là:

Một là, về mặt vĩ mô, trước những khó khăn, áp lực về lao động việc làm, để bảo đảm việc làm và nâng cao chất lượng đời sống công nhân, đòi hỏi các cấp lãnh đạo địa phương cần quán triệt và thực hiện tốt Chương trình Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH, ngày 13-12-2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển sản xuất ở các khu công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5-2-2021. Trong đó, cần ưu tiên tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, ngắn hạn để bảo đảm việc làm và ổn định đời sống công nhân sau đại dịch; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế thông qua việc ban hành những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra cơ hội việc làm cho công nhân.

Hai là, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát và có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp và công nhân bị tác động bởi COVID-19, nhất là các chính sách can thiệp của Nhà nước nhằm khuyến khích, động viên phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp cho họ nguồn vay hợp lý để trang bị, cải tiến máy móc phục vụ mở rộng, đẩy mạnh sản xuất; chính sách nâng cao tổng cầu trong nền kinh tế nhằm khắc phục sự giảm sút của tổng cầu - nguyện nhân căn bản làm cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và công nhân bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến cho doanh nghiệp và công nhân nắm được chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh; các chính sách hỗ trợ, thu hút lao động của địa phương. Ngoài ra, cần có biện pháp thiết thực nâng cấp sàn giao dịch việc làm, nhằm vừa gia tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho công nhân, vừa kết nối công nhân với chủ doanh nghiệp.

Ba là, các doanh nghiệp cần có biện pháp sáng tạo, thiết thực để vận động, kêu gọi công nhân trở lại doanh nghiệp làm việc trong giai đoạn bình thường mới, nhất là việc tổ chức các đoàn xe về địa phương thăm hỏi, động viên và hỗ trợ công nhân khắc phục khó khăn trước mắt về cuộc sống; phối hợp cùng thực hiện các chương trình, chính sách thu hút lớp lao động trẻ, năng động nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp và chưa tìm được việc làm, sẵn sàng tuyển dụng họ vào công ty để đào tạo bài bản, thay thế dần các khâu đang bị thiếu hụt nguồn lao động. Đồng thời, chủ động kết hợp giữa sản xuất với bố trí, mở rộng các lớp đào tạo, huấn luyện nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho công nhân. Qua đó, giúp công nhân nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của dây chuyền sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; biến những thách thức, khó khăn từ đại dịch COVID-19 thành cơ hội lớn để sắp xếp, cơ cấu sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho công nhân như: phát sách, tài liệu tuyên tuyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho công nhân; tổ chức sinh nhật theo tháng, quý; tổ chức hội thi tiếng hát công nhân; hội thi công nhân với văn hóa công ty và pháp luật; tọa đàm, diễn đàn về bình đẳng giới; động viên, khuyến khích công nhân tham gia hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động... Qua đó, vừa nhằm cổ vũ, động viên tinh thần đoàn kết, hăng say lao động cho công nhân; vừa góp phần giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

Năm là, bản thân mỗi công nhân cần chủ động chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp xử lý vấn đề việc làm một cách hiệu quả nhất; thường xuyên ý thức tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để vừa tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và thăng tiến trong công việc; vừa đáp ứng những thay đổi mới của thị trường lao động sau đại dịch, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Cùng với đó, công nhân nên tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đề phòng trong tình huống mất việc làm vẫn có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống, cũng như có cơ hội tìm một công việc mới.

Có thể thấy rằng, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam nói chung, đến việc làm và đời sống của công nhân các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng. Thị trường lao động thay đổi, tình trạng mất việc làm gia tăng, đồng nghĩa với thu nhập của công nhân, cùng chất lượng cuộc sống của họ giảm xuống. Do đó, việc triển khai các chính sách, giải pháp phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm và hỗ trợ đời sống công nhân sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn, thể hiện tư duy, tầm nhìn và bản chất ưu việt của chế độ ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê, Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021, Hà Nội, 2021.

2. Nguyễn Trang, Thị trường lao động 2022: Làm gì để doanh nghiệp “sống”, người lao động có việc làm?, vov.vn, 2022.

3. XM, Dic̣h COVID-19 làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, baotintuc.vn, 2021.

Ths NGUYỄN THỊ HỒNG THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;