Đời người, đời nhị

Nhắc đến nghệ thuật hát xẩm của Việt Nam không thể không nhắc đến cái tên nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928-2013). Là nghệ nhân hát xẩm cao tuổi nhất, từng sống qua hai thế kỷ, bà là một pho tư liệu sống về nghệ thuật hát xẩm Việt Nam. Cuộc đời “con hát” long đong trải qua nhiều biến thiên của lịch sử với những xoay vần của số phận để rồi đến cuối đời, bà đã được trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian và danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2004.

Đời xẩm, đời nhị

Mới 8 tuổi đã lang thang theo cha mẹ đi hát xẩm, cha mất sớm, bà Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) cùng mẹ nương nhờ gánh hát xẩm của ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu ở Yên Mô, Ninh Bình. 16 tuổi, bà trở thành vợ thứ 18 của ông Chánh Trương Mậu - một người đàn ông mù khi ấy đã 49 tuổi. Gá nghĩa với một người đàn ông đáng tuổi cha chú mình, những tưởng cuộc đời bà sẽ tìm được chỗ dựa vững chãi, ngờ đâu từ đó bà bắt đầu một cuộc sống “lang bạt kỳ hồ”, nay đây mai đó cùng gánh hát xẩm kiếm cơm của chồng. Bảy lần sinh, mất 4 đứa con từ khi lọt lòng, còn ba “đốt” con thì cho làm con nuôi một đứa vì thiếu đói, cuối cùng bà Cầu chỉ còn lại hai con. Cuối đời bà sống cùng cô con gái muộn duyên, đến ngoại tứ tuần mới tìm được bến đậu. May cho cô con gái và may cả cho bà, anh con rể lại rất chịu thương chịu khó. Ngày ngày anh đi bắt ếch kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình ba người, mỗi khi bà Cầu nổi hứng ngồi hát, lại có hai khán giả trung thành tận tuỵ ngồi nghe là con gái và con rể. Nỉ non lời ca bên cây nhị réo rắt, bà Cầu hát mà như kể lại những nỗi niềm trong cuộc đời dằng dặc của mình.

Là một trong số rất ít tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT Hà Thị Cầu - bộ phim tài liệu Xẩm đỏ (biên kịch và đạo diễn Lương Đình Dũng) kể về cuộc đời truân chuyên của người được mệnh danh là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 21. Nhưng Xẩm đỏ còn rất giá trị ở góc độ bảo tồn văn hóa của dân tộc khi lưu giữ được rất nhiều làn điệu xẩm độc đáo qua giọng hát của bà Hà Thị Cầu khi ấy đã ngót 90 tuổi, được thực hiện kỳ công, thu thanh mộc mạc chỉ với một cây nhị cũ có tuổi đời hơn 60 năm của bà.

Bà Cầu gắn bó với cây nhị của mình đã 60 năm. Giờ đã lên nước bóng loáng, cây nhị trước kia được se dây bằng tơ, sau bà dùng dây phanh làm dây nhị. Có một câu chuyện đầy bí ẩn về mối dây liên kết giữa người và nhị nhuốm màu sắc tâm linh. Đã vài lần người ta đến xin cây nhị của bà về trưng bày trong bảo tàng, bà tiếc đứt ruột nhưng vẫn bằng lòng cho. Ngờ đâu, lần nào cũng vậy, hễ thiếu vắng cây nhị bên cạnh là bà lại đổ bệnh. Bà ốm nặng, có lần ốm “thập tử nhất sinh”. Nghĩ thế nào, bà cho con lên xin lại cây nhị về thì bỗng nhiên khỏi bệnh, lại mạnh khoẻ như thường. Sau vài lần như vậy thì bà Cầu không thể rời xa cây nhị của mình được nữa. 

Xen lẫn với những làn điệu xẩm là lời tự sự của một người đàn bà khắc khổ với những nếp nhăn hằn sâu, một người nghệ sĩ từ trong bản năng - người không ngại ngần thú nhận rằng mình “không biết làm gì ngoài hát xẩm nên cả đời nghèo khó”. Điều kỳ lạ là người phụ nữ này tuy không biết chữ nhưng lại thuộc lòng các tích truyện dân gian, ca dao tục ngữ và có tài “xuất khẩu thành thơ” “tục” mà lại rất “thanh”, vừa vần điệu vừa dí dỏm hài hước khiến ai cũng vô cùng thích thú.

Mỗi khi có chén rượu vào, bà Cầu hát “bay” hơn hẳn. Bà níu giữ niềm vui ở cuộc đời này nhờ vào chén rượu. Về già bà Cầu lại đâm ra nghiện rượu. Bà không uống được nhiều, ngày chỉ hai chén nhưng thiếu nó thì bà buồn muốn chết. Có rượu, bà bỗng trở nên hoạt bát. Ngày nào bà cũng ngồi hát trong căn nhà khoá trái cửa. Bộ phim mở đầu bằng một khung hình tối, nghe ai oán tiếng hát từ đâu đó, ống kính dẫn người xem nhìn qua lỗ khóa, một bà cụ già, nhăn nheo, còm cõi bỗng cất lên tiếng hát làm ma mị lòng người. 

Bộ phim tài liệu Xẩm đỏ là một trong số rất ít tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT Hà Thị Cầu

Bà hát nhiều làn điệu xẩm, từ hát ngược, Thập ân phụ mẫu, rể lười, xẩm ba bậc cho đến huê tình... Thế nhưng điệu Hà Liễu cứ trở đi trở lại với những lời ca ai oán: 

Thương thay chút phận đàn bà

Lời rằng vất vả cũng là lời chung

Chị em ơi thương lấy nhau cùng

Thuyền quyên lỡ bước…”

Hay “vất vả gian truân đời người mấy lúc, mấy lúc gian truân mà già” 

Trời mấy cao có thấu tình chăng… bên chồng cũng nặng, bên cha cao dầy

Thế cho nên một mình tôi lo lắng cả đêm ngày…” 

Ngoài kia là thôn quê yên bình trong tiết tháng ba, hoa gạo nở rồi rụng xuống trong vô tình trời đất. Làng quê buồn dằng dặc trong mưa xuân còn rơi rớt lại, lúa đương thì con gái nằm bên cạnh những lều chợ chơ vơ hoang vắng. Điệu Hà Liễu với số phận đàn bà cùng lời ca mộc mạc đơn sơ cứ ám ảnh, day dứt người xem. Cảm giác buồn đến se sắt lòng người khi ngắm nhìn những cảnh vật gần gũi, thân thương nơi làng quê giờ đây như cái đẹp không người chiêm ngưỡng không khỏi khiến người xem liên tưởng đến nỗi hiu hắt của nghề hát xẩm trong thời hiện đại.

Xẩm đỏ có cốt truyện như một bộ phim truyện với cảnh mở và kết phim rất độc đáo. Sắp đặt nhiều tình huống và chi tiết với mục đích đẩy cái “tầm” của nhân vật lên, hầu hết những cảnh quay trong phim đều quay đêm khiến nhân vật trong phim gợi cảm giác “hư hư thực thực”. Ống kính của nhà quay phim Trịnh Quang Tùng dường như cũng “phiêu linh” mỗi khi bà Cầu uống rượu bởi rượu như là một chất men say kích thích lòng yêu sống của bà. Cùng với rượu, bầu bạn chí cốt của bà Cầu là cây nhị đầy bí ẩn. Chân dung một bà Cầu vất vả, chân phương với cuộc sống vô cùng cực khổ được sắp đặt đối chọi với một hình ảnh hư thực mỗi khi bà ngồi trong một quầng sáng đỏ và cất lên lời hát. Một bên là cuộc sống vất vả, cơ hàn bị “áo cơm ghì sát đất” - một bên là giọng ca đỉnh cao của nghệ thuật hát xẩm làm ma mị lòng người.

Trọn đời theo Đảng

Theo các tài liệu nghiên cứu, hát xẩm được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIV. Là một hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian, nhưng hát xẩm dần dần trở thành một loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng. Trong các loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất hát xẩm được sử dụng như là một nghề để kiếm sống. Có lẽ vì vậy mà hát xẩm còn được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Do nhiều người khiếm thị chọn hát xẩm làm phương tiện kiếm sống nên cho đên nay, nhiều người vẫn tưởng rằng xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. 

Trong thực tế, hát xẩm là sinh hoạt dân gian thường diễn ra trong những lúc nông nhàn. Dần dần, hát xẩm càng chuyên nghiệp hơn khi những nghệ nhân dân gian hình thành theo cách cha mẹ truyền con nối hoặc truyền nghề trực tiếp. Ra đời từ tầng lớp dân lao động ở làng quê và thị dân nghèo nên lời ca của xẩm rất mộc mạc giản dị nhưng cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc Có lẽ bởi lời ca của xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ dân gian, thơ của các tác giả nổi tiếng… hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời. Nhờ vậy mà xẩm dần trở thành một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn.

Đặc biệt, dù là xẩm hát theo điệu gì cũng đều được các nghệ nhân biểu diễn bằng âm nhạc một cách hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ. Nếu thời phong kiến, hát xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công, áp bức, những thói hư tật xấu, bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ thì sau Cách mạng, xẩm cũng trở thành một “vũ khí” sắc bén trên mặt trận văn hóa. Trong kháng chiến, Xẩm địch vận động viên tinh thần của các chiến sĩ, thời hòa bình, xẩm còn được các nghệ nhân sử dụng để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Xẩm đỏ còn rất giá trị ở góc độ bảo tồn văn hóa của dân tộc khi lưu giữ được rất nhiều làn điệu xẩm độc đáo qua giọng hát của bà Hà Thị Cầu khi ấy đã ngót 90 tuổi

Những nghệ nhân dân gian hát xẩm nổi bật nhất có thể kể tới Nguyễn Văn Nguyên - tức cụ Trùm Nguyên, cụ Trùm Khoản (Sơn Tây), cụ Chánh Trương Mậu (Ninh Bình), cụ Đào Thị Mận (Hưng Yên), cụ Trần Thị Nhớn (Nam Định), Vũ Đức Sắc (Hà Nội), Thân Đức Chinh (Bắc Giang), Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)... Và NSƯT Hà Thị Cầu (vợ của cụ Chánh Trương Mậu - trùm xẩm đất Yên Phong, Ninh Bình một thuở) được coi là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX.

Từ thập niên 1960 đến nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà các phường xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Các nghệ nhân xẩm tài danh lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Nghệ thuật hát xẩm tưởng như đã thất truyền. Năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà Hà Thị Cầu đã làm bài thơ Con đi theo Đảng trọn đời. Sau đó, bài hát xẩm Con đi theo Đảng trọn đời được bà sáng tác theo điệu Thập ân với những câu thơ chân thành: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”. 

Bài hát được nhiều người biết đến qua giọng hát của bà Hà Thị Cầu trong mùa Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc năm 1978. Bài hát đã góp phần khiến nhiều người quan tâm đến xẩm hơn và bắt đầu vào việc khôi phục lại loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Sau đó bà Hà Thị Cầu được mời tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng, giải thưởng đặc biệt. Năm 1981 - 1982, bà được Nhạc viện Hà Nội mời tham gia phụ trách chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Năm 1998, bà đã nhận được bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam với những đóng góp tích cực trong việc đưa hát xẩm tới gần hơn với thính giả cả nước qua các tiết mục thu thanh phát trên làn sóng của Đài. Chất giọng khỏe khoắn, chất phác lại hồn nhiên, hóm hỉnh nên những tiết mục của bà Hà Thị Cầu luôn được đông đảo khán thính giả đón nhận một cách rất nồng nhiệt. Cho đến khi tuổi đã ngoại bát thập, đâu mời hát bà đều nhiệt tình nhận lời. Bà đã trở thành “báu vật sống” của nghệ thuật hát xẩm. Những năm cuối đời, không còn biểu diễn nhiều, bà lại truyền dạy nghệ thuật hát xẩm cho những bạn trẻ đam mê. Những làn điệu xẩm cùng giọng hát của bà là di sản quý giá còn lại và là minh chứng cho sức sống của nghệ thuật hát xẩm. Danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng và danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước trao tặng bà Hà Thị Cầu năm 2004 chính là những ghi nhận tài năng và đóng góp của bà cho nghệ thuật hát xẩm.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

;