Đôi nét về phim remake

     Những năm gần đây điện ảnh Việt chứng kiến cuộc đổ bộ nhiều bộ phim được làm lại (remake) từ tác phẩm đình đám của các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc. Đây được xem như một giải cứu cho phim Việt trong tình trạng thiếu kịch bản hay và thừa phim nhảm như hiện nay.

     Remake là phim lấy chất liệu chính từ phim đã ra đời trước đó. Thông thường, các nhà làm phim giữ nguyên cố truyện, hệ thống nhân vật, chỉ thay đổi một số tình tiết và cách thức thể hiện. Ở Việt Nam trước năm 2015 đã xuất hiện một vài bộ phim lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nước ngoài như: 49 ngày (Hello Ghost - Hàn Quốc), Gái già lắm chiêu (Not suitable for children - Australia), hay gần giống cốt truyện như Giao lộ (Shattered - Hollywood)… Đầu năm 2015 khi Việt Max cho ra mắt tác phẩm đầu tay Yêu, làm lại từ tác phẩm The Love of Siam của Thái Lan (năm 2007), nhưng cũng không tạo được dấu ấn. Nhưng đến cuối năm 2015 tới đầu năm 2016, khi phim Em là bà nội của anh, phiên bản Việt làm lại từ Miss Granny của Hàn Quốc (năm 2014), bỗng nhiên cháy phòng vé với doanh thu kỷ lục hơn 100 tỷ đồng, thì lúc này ngọn lửa làm phim remake được thổi bùng lên. Đến năm 2017 khán giả được thưởng thức hàng loạt phim remake như: Bạn gái tôi là sếp (theo bản gốc ATM: Er Rak Erro năm 2012 của Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ phim 200 Pounds Beauty), Yêu đi, đừng sợ! (làm lại từ phim Spellbound). Năm 2018, khán giả Việt lại có dịp thưởng thức các tác phẩm remake như: Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30 làm lại từ bộ phim Sunny Scandal Makers của Hàn Quốc…

     Lý do đầu tiên dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều bộ phim remake, phải kể đến sự thiếu hụt kịch bản tốt của điện ảnh trong nước. Trong năm 2016, 2017, có nhiều phim Việt chứa đựng nội dung, tình tiết lố bịch, phi logic, ngô nghê như: Truy sát, Găng tay đỏ, Sứ mệnh trái tim… Khi đánh giá sự thất bại của những phim này, hầu hết đều cho rằng điều đầu tiên nằm ở khâu kịch bản. Một đạo diễn có giỏi đến đâu cũng không thể kể câu chuyện hấp dẫn nếu bản thân cốt truyện không hay. Bên cạnh đó, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tăng do thu nhập của người dân tăng cao, dẫn theo việc các nhà đầu tư mạnh dạn xây thêm nhiều hệ thống rạp chất lượng, công việc nhập khẩu phim cũng được chú trọng và đẩy mạnh, phim Việt không còn sự phân định, giới hạn phim theo mùa mà có thể ra rạp bất kỳ lúc nào. Sự phát triển quá nhanh của điện ảnh Việt Nam kéo theo nhiều yêu cầu mới mà đôi khi những yếu tố nội tại không thể đáp ứng được, nhất là kịch bản.

     Không có đủ nguồn cung trong nước, nhất là sau thành công của phim Em là bà nội của anh, các nhà sản xuất đổ xô tìm mua kịch bản nước ngoài, coi đó như hướng đi mới, một giải pháp cho tình trạng khan hiếm kịch bản và phần lớn họ đều chọn mua kịch bản của Hàn Quốc để remake lại bởi những lợi thế sau:

     Thứ nhất, phim đã có sẵn một lượng khán giả hùng hậu của phiên bản gốc. Việc Việt hóa các bộ phim ăn khách là một cách kéo người xem đến rạp vì họ tò mò với phiên bản Việt. Đây giống như một trào lưu mua format gameshow truyền hình của nước ngoài về sản xuất và khá ăn khách ở Việt Nam. Thị trường phim Việt hóa cũng vậy, nó khơi dậy sự tò mò của khán giả. Họ sẽ chờ đợi bản Việt hóa có gì mới lạ không.

     Thứ hai, ảnh hưởng của làn sóng Hallyu trong đời sống văn hóa của giới trẻ. Năm 2014, Hội nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam thực hiện đề án Nghiên cứu về hiện tượng Hàn lưu trong đời sống văn hóa Việt Nam (1) đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy trong số những người được hỏi có 51% trả lời rất thích phim Hàn, 48% thích xem phim Hàn (tổng cộng là 99%) và 46% thường xem phim Hàn ở các rạp chiếu phim... Với số liệu trên, các nhà sản xuất phim Việt hoàn toàn có thể yên tâm khi đưa những kịch bản phim Hàn đã từng thành công lên màn ảnh Việt, bởi đã có sẵn một lượng khán giả thích xem phim Hàn, thường xuyên đến rạp và luôn chọn những phim Hàn Quốc hoặc có yếu tố Hàn Quốc để mua vé.

     Thứ ba, các đơn vị phát hành phim Hàn cũng đang chiếm ưu thế lớn tại Việt Nam, tiêu biểu như tập đoàn CJ.CGV cuối năm 2017 đã vận hành 54-55 cụm rạp trên cả nước… và riêng tổng vốn đầu tư CGV rót vào Việt Nam 2018 khoảng 70 triệu USD. Như vậy, nếu mua bản quyền của phim made in Korea để làm lại thì ít nhiều những phim này cũng được các nhà phát hành Hàn Quốc tại Việt Nam ưu ái về lịch chiếu khi ra rạp.

     Điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhưng chưa thực sự cân bằng. Với mục tiêu có từ 40-60 phim ra rạp/năm, trong khi kịch bản phim là khâu vừa yếu, vừa thiếu, thì những ưu thế từ việc remake phim Hàn như một giải pháp thuận lợi, đầu tư ít mà có thể mang lại lợi nhuận cao. Mặt tích cực của hiện tượng này là đã thổi một luồng gió mới cho thị trường điện ảnh Việt, giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn từ đề tài, thể loại, cách thể hiện… Khi số lượng phim ra rạp hằng năm ngày một nhiều và nhanh thì không tránh khỏi sự ra đời của những kịch bản kém chất lượng, biên kịch có nghề ở nước ta quá khan hiếm. Đứng trước nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà, đòi hỏi các nhà biên kịch trong nước phải đổi mới tư duy, cách sáng tạo để cho ra đời những kịch bản tốt. Hay nói cách khác, chính làn sóng remake đã tạo nên cú hích nhằm tăng sức cạnh tranh đối với nghề biên kịch ở Việt Nam.

     Mặt tiêu cực là hiện tượng này được coi như một bước lùi của điện ảnh Việt. Trong khi nghề biên kịch ở Việt Nam vốn đã kém về chất, ít về lượng thì làn sóng remake lại vô tình kéo những nhà biên kịch Việt xuống thêm một bước. Trong tương lai, điện ảnh Việt phải phát triển bằng nội lực của chính nó chứ không thể trông chờ vào sự vay mượn của nước ngoài. Đó là chưa kể đến những tác phẩm remake bị lỗi khi Việt hóa. Từ câu chuyện đến bối cảnh đều y nguyên phiên bản gốc, trong khi đó, diễn xuất của diễn viên lại kém hơn bản gốc khiến phim remake giống bản copy bị lỗi.

     Vậy làm thế nào để remake phim cho hay? Câu trả lời vẫn nằm ở khả năng Việt hóa của các nhà làm phim trong nước. Remake một bộ phim không đơn giản là bắt chước y hệt bản gốc, nó đòi hỏi đạo diễn và biên kịch phải thực sự hiểu, cũng như có vốn sống, vốn văn hóa nhất định để mang không khí, văn hóa của nước sở tại vào bản làm lại, từ lời thoại, nhạc phim cho đến món ăn, trang phục, tình tiết… Chúng ta đã từng có những bản remake thành công như Em là bà nội của anh, ở đây tác giả đã biết giữ lại nhiều điểm hấp dẫn sẵn có, thay đổi hoặc tiết chế những thứ phù hợp và thêm vào đó chất liệu đậm chất Việt Nam. Phần nhạc của phim được lựa chọn kỹ càng những ca khúc Diễm xưa, Tiểu đoàn 307… để bất kỳ khán giả nào xem cũng thấy một phần đời sống âm nhạc của mình ở trong đó. Hay như trường hợp phim Bạn gái tôi là sếp đã giữ nguyên cốt truyện chính của nguyên tác Thái Lan (ATM: Er Rak Error, năm 2012), song, đạo diễn Hàm Trần đã chỉnh sửa, thêm bớt khá nhiều chi tiết để phù hợp với khán giả nước nhà: tuyến nhân vật phụ được đẩy mạnh, tạo hình của phiên bản Việt độc đáo và đa dạng hơn... Chính vì vậy, bộ phim được đánh giá là gần gũi và dễ xem hơn nguyên tác. Đáng tiếc nhất là bộ phim của James Ngô được làm lại từ tác phẩm nổi tiếng 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc với tên Việt là Sắc đẹp ngàn cân. Sai lầm của nhà làm phim là không chỉnh sửa bất kỳ điểm gì so với nguyên tác. Việc làm lại một bộ phim với nội dung xưa cũ, âm nhạc không ấn tượng và hoàn toàn xa lạ với khán giả Việt là những điểm trừ nặng cho bộ phim này. Việc cẩu thả trong khâu làm lại của bộ phim chính là một lời cảnh tỉnh cho những tác phẩm cùng ý tưởng trong tương lai.

     Bắt đầu từ năm 2017, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, ban tổ chức đã chấp nhận phim remake được tham gia dự giải nhưng không được tranh giải ở các hạng mục: phim xuất sắc và giải biên kịch. Như vậy, việc làm phim remake được công nhận như một xu thế tất yếu của bất kỳ nền điện ảnh nào (trong đó có Việt Nam) nhưng việc thành hay bại khi làm lại một tác phẩm vẫn còn phụ thuộc vào các nhà làm phim.

 

Tác giả: Bùi Thị Hồng Gấm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;