Đổi mới đào tạo văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh phát triển toàn cầu

Ngày 22-10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật (ĐHSPNT) Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản ESN (Ấn Độ) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo văn hóa, nghệ thuật”.

Tham dự có: PGS, TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL); PGS, TS Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP NT Trung ương, Trưởng ban tổ chức hội thảo; TS Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ; TS J.Banuchandar, Giám đốc Nxb ESN (Ấn Độ), đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo; Chủ tịch Hội đồng khoa học các trường Đại học, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật đất nước Ấn Độ; các giáo sư, tiến sĩ tại các trường đại học Nam Phi, Hàn Quốc...

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo

Với lịch sử hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương là nơi đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn lượt giáo viên, giảng viên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT), cán bộ quản lý cho ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, lâu năm được nhà nước, xã hội công nhận.

Hội thảo Khoa học quốc tế tổ chức có quy mô lớn giữa hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ, cũng là diễn đàn giao lưu học thuật cho các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý các trường đại học, cao đẳng có đào tạo lĩnh vực VHNT trong nước và quốc tế. Với mong muốn hội nhập và phát triển trong giáo dục đại học, cao đẳng về VHNT, mỗi nhà trường là thế mạnh góp phần vào chặng đường phát triển giáo dục nghệ thuật của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo đã thu hút hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước tập trung phân tích 4 nội dung cơ bản:

Thứ nhất, những nghiên cứu về văn hóa: Giáo dục giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ thông qua di sản văn hóa phi vật thể; tác động của đổi mới giáo dục ở Việt Nam đến sự phát triển VHNT trong cộng đồng…

Thứ hai, một số nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục âm nhạc như: Những cơ hội và thách thức mới trong đào tạo âm nhạc trong thời kỳ công nghệ số; đánh giá thực trạng dạy và học môn âm nhạc cấp THPT; đào tạo giáo viên âm nhạc…

Thứ ba, những nghiên cứu về giáo dục mỹ thuật, là mảng nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, tiêu biểu như: hoạt động đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay mang giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, thời kỳ công nghiệp văn hóa - sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ tư, đề cao vai trò của khoa học, công nghệ ứng dụng và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học nước ngoài; cung cấp nhưng kinh nghiệm, thông tin hữu ích cho Việt Nam và coi đây là một trong những đột phá để phát triển đào tạo VHNT.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) phát biểu

Để phù hợp với xu thế mới và bối cảnh chung mới đó, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho rằng: “Các cơ sở đào tạo cần có giải pháp mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường và phù hợp với chủ trương chính sách của Quốc gia về phát triển văn hóa. Mặt khác, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong thời đại 4.0; trong đó chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục và đào tạo VHNT”.

PGS, TS Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương phát biểu

PGS, TS Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sau đại dịch COVID-19 được phục hồi, nhiều thách thức đặt ra cho công tác giáo dục, đào tạo VHNT; đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục đào tạo VHNT. Đồng thời, đẩy mạnh nguồn nhân lực VHNT phát triển chất lượng cao, tạo động lực xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Điều đó, khiến nhiều quốc gia đã xác định cần phải đổi mới, sáng tạo và phát triển. Có như vậy, văn hóa nghệ thuật mới phát huy được vai trò định hình bản sắc văn hóa mỗi dân tộc cũng như nâng cao vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế”.

Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều trao đổi, chia sẻ tham luận, đặc biệt, đề xuất nhiều giải pháp, nhằm thay đổi mô hình đào tạo, hoàn thiện chương trình đào tạo, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo VHNT.

GS, TS Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu

Đề xuất một số giải pháp về đổi mới hoạt động đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam, GS, TS Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã gợi mở những giải pháp: “Cần hoàn thiện và từng bước triển khai chiến lược đào tạo mỹ thuật; đồng thời đổi mới công tác quản lý hệ thống đào tạo và cơ sở hạ tầng. Những năm qua, việc học mỹ thuật ở các trường phổ thông hầu hết được xem là bộ môn dạy nghề. Do đó, mục tiêu cơ bản là đào tạo nên những người có khả năng cảm thụ nghệ thuật, có kiến thức và hiểu biết về mỹ thuật cho các tầng lớp thanh niên Việt Nam chưa đạt được. Vì vậy, cần thay đổi tận gốc rễ những vấn đề giáo dục mỹ thuật ở các trường phổ thông. Ngoài ra, cần từng bước thay đổi chương trình đào tạo; bổ sung việc đào tạo những nguồn nhân lực quan trọng khác nhau của ngành Mỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng tài năng mỹ thuật và đổi mới công tác đào tạo công chúng mỹ thuật”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng khác cũng đề cập đến việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong môi trường đào tạo VHNT.

GS Nirmala Dorasamy, Khoa Khoa học Quản lý, Đại học Công nghệ Durban, Nam Phi phát biểu

Có thể nói, Hội thảo khoa học được tổ chức có giá trị, hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh hiện nay; các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những phân tích, đánh giá hiện trạng đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay đặt trong bối cảnh công nghệ 4.0, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Có nhiều đề xuất và khuyến nghị những mô hình đào tạo mới phù hợp với điều kiện Việt Nam từ các kinh nghiệm của quốc tế; khuyến nghị các chính sách mới, giúp cho sự nghiệp đào tạo VHNT ở Việt Nam có những bước đột phá cao hơn, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực VHNT đáp ứng với yêu cầu phát triển nền văn hóa trong bối cảnh mới.

Trao bản ký kết hợp tác khoa học

Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương sẽ mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu, hội nghị, tham gia đào tạo, truyền thông và biểu diễn nghệ thuật với các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Đức, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Úc. Hướng tới một nền giáo dục hiện đại, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đang không ngừng thúc đẩy, phát huy thế mạnh của truyền thống hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, không ngừng hoàn thiện về mọi mặt, tích cực hợp tác để xứng đáng với danh hiệu là một trong những cơ sở giáo dục nghệ thuật hàng đầu của ngành Giáo dục Việt Nam.

Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và các nghệ sĩ Ấn Độ tại Hội thảo

MAI HƯƠNG - Nguồn ảnh: NUAE

;