Chung tay lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống

Câu lạc bộ (CLB) Nhạc cụ truyền thống FTIC thuộc Đại học FPT Hà Nội là nơi hội tụ, kết nối đam mê của các bạn sinh viên với nhạc cụ dân tộc. Đến với CLB, các bạn trẻ không chỉ được đắm mình trong những giai điệu, mà còn góp phần lan tỏa âm nhạc truyền thống đến với những người yêu âm nhạc trong nước và quốc tế.

Được thành lập từ năm 2015, đến nay, CLB Nhạc cụ truyền thống - FTIC đã tròn 9 tuổi. Từ những buổi đầu hoạt động, cùng với các thế hệ sinh viên CLB đã thu hút được hơn 300 người. Hiện tại, CLB đang hoạt động với quân số là 40 thành viên.

Các thành viên trong CLB trong một buổi luyện tập

Sở dĩ, CLB thu hút nhiều bạn trẻ tham gia vì Trường Đại học FPT đã đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo từ năm 2014. Chính vì thế, tình yêu với nhạc cụ, âm nhạc dân tộc đã lan tỏa rộng rãi trong ngôi trường và được nhiều bạn sinh viên yêu thích, hưởng ứng. Đến với CLB, các bạn trẻ không chỉ được giao lưu, học hỏi, mà còn được cùng với những người bạn có chung sở thích cảm nhận, khám phá những nốt nhạc trầm, bổng trong các giai điệu mượt mà, sâu lắng của cây đàn tranh, tỳ bà, bầu; thanh âm nỉ non, réo rắt của sáo trúc; sự rộn ràng, vui nhộn trong tiếng trống vang… Những âm thanh đó được hòa âm bởi các nhạc cụ dân tộc tạo nên những bản nhạc mang đậm nét truyền thống, đã chạm được vào trái tim của các bạn trẻ cũng như người thưởng thức.

Là chủ nhiệm CLB Nhạc cụ truyền thống, bạn Nguyễn Mỹ Duyên cho biết, có 7 loại nhạc cụ là sáo trúc, trống, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt được sử dụng chủ yếu tại CLB.  Mỗi tuần các thành viên CLB đều cùng nhau gặp gỡ, sinh hoạt âm nhạc, từ đó tạo sự gắn kết. “Lúc đó, mọi người sẽ cùng nhau trò chuyện chia sẻ, luyện tập, không khí rất sôi động và ngập tràn các âm thanh đa dạng. Có những thời điểm chuẩn bị cho các buổi diễn hay dự án lớn, các thành viên tập với nhau hằng ngày với tần suất cũng khá dày đặc. Dù mệt nhưng ai nấy đều rất vui vì đang được “sống” với đam mê của mình. Đặc biệt, khi các tác phẩm âm nhạc  trình diễn, được đông đảo thày cô, các bạn sinh viên đón nhận, điều đó chúng tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi tự hào khi lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến với các bạn trẻ và cộng đồng” – Mỹ Duyên chia sẻ. 

Bạn Lê Minh Quân thích thú khi được tập luyện với cây đàn Tỳ bà

Giữa dòng chảy không ngừng của thời đại số, khi âm nhạc hiện đại bùng nổ với những giai điệu điện tử, vẫn có nhiều bạn trẻ âm thầm yêu và gìn giữ nhạc cụ truyền thống. Đó không chỉ là sự trân trọng thứ âm thanh độc đáo, mà còn là tình yêu đối với văn hóa và cội nguồn dân tộc. Họ thấy trong nhạc cụ cổ xưa không chỉ sự mộc mạc, tinh tế, mà còn cả chiều sâu của lịch sử, tâm hồn dân tộc được gửi gắm qua từng nốt nhạc. Là sinh viên thời hiện đại, khi hòa mình cùng nhạc cụ truyền thống, bạn Lê Minh Quân, thành viên chơi đàn tỳ bà bày tỏ: “Tôi đã gắn bó với CLB được hơn 1 năm và cũng tập chơi đàn Tỳ bà. Khi khám phá cây đàn, tôi thấy rất thú vị. Đặc biệt hơn, đàn Tỳ bà hội tụ đủ các gam âm thanh, có thể đánh được các thể loại âm nhạc hiện đại. Tuy vẫn là những giai điệu quen thuộc, nhưng khi chơi bằng nhạc cụ truyền thống thì nó lại mang một chất riêng, rất khác biệt”.

Không chỉ dừng lại ở việc chơi đàn, các bạn trẻ còn mang nhạc cụ truyền thống hòa vào hơi thở hiện đại, lan tỏa trên những nền tảng mạng xã hội thông qua các dự án âm nhạc sáng tạo và trình diễn tại những sân khấu lớn nhỏ. Bạn Mỹ Duyên tự hào chia sẻ, các thành viên trong CLB rất tích cực hưởng ứng tham gia những cuộc thi tài năng và nhạc cụ dân tộc. Mỗi cuộc thi, chúng tôi đều đoạt được giải thưởng. Điều đó là niềm vui, sự cổ vũ, khích lệ để chúng tôi thêm yêu và gắn bó với nhạc cụ dân tộc.

Mỹ Duyên cũng cho biết thêm, bên cạnh sử dụng các bản nhạc dân tộc, chúng tôi còn sử dụng nhạc cụ dân tộc để “chơi” những bài hát, bản nhạc hot mà giới trẻ hiện nay yêu thích. Sự sáng tạo đó đã thu hút sự chú ý và yêu thích của các sinh viên ở trong và ngoài trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiến hành phối các bản nhạc có sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Hy vọng với các sản phẩm mới này, sẽ góp phần lan tỏa rộng rãi nhạc cụ dân tộc và âm nhạc truyền thống đến với đông đảo các bạn trẻ trong nước và quốc tế.

Bạn Trần Đức Tài là thành viên của CLB Nhạc cụ truyền thống chia sẻ: “Là một người con đất Việt, tôi cũng như tất cả mọi người đều yêu thích và tự hào về âm nhạc của dân tộc mình”. Theo Tài, hiện có rất nhiều phương thức để lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến với đông đảo người nghe. Bên cạnh cho ra đời các bản nhạc có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo sự mới mẻ để thu hút giới trẻ, có thể tổ chức các lớp và khóa học trải nghiệm. Thông qua các cách thức đó, giúp lớp trẻ đánh thức đam mê về âm nhạc dân tộc đang ngủ sâu trong mình.

Bạn Trần Đức Tài đạt giải Quán quân trong Cuộc thi Tích tịch tình tang 2024 với tiết mục độc tấu đàn Nhị 

Bản thân Tài cũng đã tham gia các cuộc thi về âm nhạc truyền thống và đạt được giải thưởng cao. Với Tài, đến với cuộc thi không chỉ để đoạt giải, mà còn góp phần đưa tình yêu âm nhạc của mình lan tỏa đến tất cả mọi người. “Tôi yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc và âm nhạc truyền thống. Âm nhạc có thể chạm vào trái tim của mỗi người, vì thế tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng và khơi dậy cảm xúc trong lòng mọi người. Thông qua âm nhạc dân tộc, tôi hy vọng có thêm nhiều bạn sinh viên cùng yêu thích và chung tay bảo tồn di sản quý báu mà ông cha đã để lại”.

Chia sẻ thêm về mong muốn lan tỏa âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, Tài cho rằng có thể tổ chức những sự kiện âm nhạc truyền thống với sự góp mặt của các bạn sinh viên quốc tế, sẽ giúp cho họ trực tiếp trải nghiệm sự độc đáo và nét đẹp của âm nhạc dân tộc nước ta. Thông qua đó, âm nhạc truyền thống sẽ được lan tỏa rộng rãi đến với những người yêu âm nhạc trong nước và thế giới.

Sự sáng tạo và niềm đam mê của thế hệ trẻ như thổi thêm luồng sinh khí vào các nhạc cụ truyền thống, qua đó giúp cho âm nhạc truyền thống trở nên sống động và gần gũi hơn với những người trẻ. Tình yêu với nhạc cụ dân tộc giờ đây ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích, góp phần gắn kết thế hệ hôm nay với di sản văn hóa quý báu của cha ông. Nhờ đó, nhạc cụ truyền thống tiếp tục khẳng định giá trị và sống mãi trong lòng thế hệ tương lai.

THANH HƯƠNG - Ảnh: NVCC

;