Về tham gia hoạt động tháng 5 “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, sáng 18-5, đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, thành phố Huế đã tổ chức tái hiện lễ hội Tác Giảng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ (cúng thần núi, cúng thần rừng) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi mây núi quyện hòa, đồng bào Cơ Tu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn giữ gìn và tổ chức trang trọng lễ hội Tác Giảng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ như một minh chứng sống động cho bản sắc văn hóa đặc sắc gắn bó mật thiết với thiên nhiên, núi rừng và tín ngưỡng bản địa.
Với người Cơ Tu, rừng và núi không chỉ là nơi cung cấp lương thực, dược liệu, nơi đi săn và làm rẫy, mà còn là không gian linh thiêng, nơi cư ngụ của các Yang - thần linh cai quản các vùng đất, con suối, cây cổ thụ, dãy núi hay bìa rừng. Trong thế giới quan Cơ Tu, mỗi phần của thiên nhiên đều có linh hồn, có thể giúp đỡ hoặc trừng phạt con người tùy theo thái độ ứng xử của họ.
Lễ hội Tác Giảng Ka Coong (cúng thần núi) và Tấc Giàng Xứ (cúng thần rừng) được tổ chức hàng năm nhằm tạ ơn thần linh đã bảo hộ cộng đồng, ban phước cho mùa màng, vật nuôi, đồng thời cầu mong sức khỏe, bình an cho dân làng và sự yên ổn cho rừng núi.
Thông thường, lễ hội được tổ chức vào thời điểm đầu năm âm lịch, khoảng tháng 2 đến tháng 4, khi mùa màng chuẩn bị bắt đầu và thời tiết thuận lợi. Địa điểm cử hành nghi lễ thường là khu rừng thiêng hoặc chân núi gần làng, nơi được coi là linh địa, tuyệt đối không được xâm phạm hay khai thác.
Tại những nơi ấy, người Cơ Tu dựng bàn lễ bằng tre nứa, có khi là bên một cây cổ thụ, một mỏm đá thiêng, nơi dân làng tin rằng thần linh hiện diện. Trước ngày lễ, dân làng cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị lễ vật và tổ chức họp bàn, dưới sự điều phối của già làng hoặc thầy cúng (pơloh) - những người có tri thức và uy tín trong cộng đồng.
Lễ cúng được tiến hành với các nghi thức trang trọng, chặt chẽ theo phong tục truyền thống. Lễ vật thường là: heo, gà, rượu cần, cơm lam, sắn luộc, cau trầu, vải vóc, cùng các sản vật của rừng như mật ong, củ rừng, hoặc thảo dược quý; đặc biệt là không thể thiếu món bánh a quát. Tất cả đều là những lễ vật dâng tặng thần linh như lời tri ân và cầu xin phù hộ.
Đồng bào Cơ Tu thực hiện nghi thức A Xa A Rah đu mập
Lễ hội cúng thần núi, cúng thần rừng đều giống nhau, gồm các nghi thức:
Nghi thức A Xa A Rah đu mập (nghi lễ tẩy rửa): ra đời như một nghi lễ để tẩy rửa những điều xui xẻo, thanh lọc năng lượng tiêu cực, cầu xin sự tha thứ và chúc phúc của thần linh. Đây không chỉ là hành động tín ngưỡng cá nhân mà còn mang ý nghĩa cộng đồng - làm mới tâm hồn và tinh thần của cả buôn làng, nối lại sự hài hòa giữa con người và thế giới siêu nhiên.
Nghi thức Lễ Tắc du lạu (tạm dịch là cúng sạch): trong tiếng Cơ Tu, "tắc" có nghĩa là lễ cúng, còn "du lạu" mang nghĩa "sạch sẽ, thanh tịnh". Như vậy, Tắc du lạu là lễ cúng để làm sạch, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; là một nghi thức tâm linh truyền thống được tổ chức với mục đích làm sạch không gian sống của làng, nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), rẫy nương, suối nguồn; tẩy trừ tà khí, xui xẻo, bệnh tật... tăng cường kết nối cộng đồng, củng cố đoàn kết và khơi dậy lòng tôn trọng thiên nhiên.
Nghi thức đâm lễ vật: là một nghi lễ thiêng thể hiện lòng thành, khát vọng sống hòa hợp và sự biết ơn đối với vũ trụ, thần linh và tổ tiên; được thực hiện với trình tự nghiêm ngặt, trong niềm tin rằng máu và sự sống của con vật dâng lên sẽ kết nối người trần với thần linh, cầu mong được che chở, ban phúc.
Đồng bào Cơ Tu thực hiện nghi thức đâm lễ vật
Nghi thức Tậc đu chẽn (nghi thức cúng lễ vật đã chín): lễ vật đã chín được đặt trên Pa Ra linh thiêng kính dâng Yang, trưởng làng, trưởng họ vừa đọc các lời cầu khấn, vừa mời các lễ vật cho các vị thần linh và ném A Nooi lên mái Pa Ra. Theo quan niệm, nếu A Nooi mắc trên mái Pa Ra thì Yang vui mừng đón nhận, mọi điều suôn sẻ, hạnh phúc, đủ đầy. Đây là nghi thức kế tiếp sau khi lễ vật được đâm hoặc hiến tế, được xem là phần quan trọng nhất để “kết nối lộc trời với lòng người”, là lúc dâng lên những gì tốt đẹp và thuần khiết nhất từ con người sau quá trình chuẩn bị, thể hiện trọn vẹn lòng biết ơn, sự thành kính và chu toàn về nghi thức hiến dâng của con người đối với thần linh.
Sau phần lễ, mọi người phấn khởi hòa cùng tiếng chiêng, khèn bè, tù và... vui mừng chúc tụng buổi lễ đã thành công. Lễ hội cúng thần núi, cúng thần rừng của người Cơ Tu một trong lễ hội đặc sắc có từ lâu đời luôn được đồng bào Cơ Tu bảo tồn, gìn giữ. Buổi lễ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu đến với các dân tộc và đông đảo du khách tham quan.
Đồng bào Cơ Tu múa, hát mừng buổi lễ đã diễn ra thành công
Tác Giảng Ka Coong và Tấc Giàng Xứ không chỉ là lễ hội tôn giáo, mà còn là nơi hội tụ của tri thức bản địa, luật tục và quy ước cộng đồng. Trong lễ, già làng thường nhắc lại những điều cấm kỵ trong rừng – không chặt phá cây thiêng, không săn bắn bừa bãi, không xâm phạm núi linh. Lễ hội cũng là nơi gắn kết cộng đồng, nơi người già truyền dạy cho lớp trẻ về cội nguồn, phong tục, tiếng nói và lòng tôn trọng với rừng giữa dòng chảy hiện đại hóa.
Hiện nay, lễ hội Tác Giảng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ đang được chính quyền địa phương phối hợp với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa phục dựng và tổ chức định kỳ nhằm bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Cơ Tu. Tuy nhiên, để lễ hội thực sự sống trong lòng cộng đồng, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, đưa các yếu tố văn hóa Cơ Tu vào trường học và hỗ trợ các nghệ nhân gìn giữ nghi thức, là điều hết sức cần thiết.
Bài, ảnh: TUẤN MINH