Đồ thờ chất liệu đồng của người Việt và thăng trầm của làng nghề Đại Bái, Tống Xá

Đồ thờ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhằm phục vụ các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, chất liệu đồng (CLĐ) được con người xem là mang tính thiêng, bởi độ sáng và âm vọng. Từ đầu TK XX, đồ thờ bằng đồng ép máy hay nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan… có lúc chiếm lĩnh thị trường, gây đứt quãng trong sự phát triển của các làng đúc đồng truyền thống. Ngày nay, khi kinh tế khá giả, nhận thức về thẩm mỹ của nhân dân được phục hồi, những đồ thờ bằng đồng hiện diện lại một cách lộng lẫy, trang trọng trong các đình làng, điện thờ, cho thấy các sản phẩm thủ công truyền thống đang ngày càng được chú trọng.

1. Đồ thờ CLĐ nhìn từ góc độ lịch sử mỹ thuật

Đồ thờ là các đồ vật thiêng mà con người sử dụng để thực hiện các giao tế với thần linh. Đồ thờ của người Việt có từ khi niềm tin tín ngưỡng ra đời và việc thi hành nghi thức cúng tế thần linh xuất hiện. Có nhiều loại thức đồ thờ như:

Đồ thờ trong Phật giáo, biểu tượng về hình bánh xe pháp luân, kiết tường kết, liên hoa, bảo bình, bát y… Sau này chuông, mõ cũng được xem như những công cụ thiêng liêng của nhà Phật.

Đồ thờ có nguồn gốc liên quan đến Nho giáo, như đỉnh thờ, có lịch sử từ thời vua Hạ Vũ phân chia thiên hạ bằng cách lấy đồng ở 9 châu đúc thành 9 đỉnh (cửu đỉnh). Tinh hoa phong cảnh của 9 châu được khắc vào cửu đỉnh, mỗi đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, cửu đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói: “Có được cửu đỉnh là có được thiên hạ”. Các vua Nguyễn cũng thể theo điển tích xưa mà đúc cửu đỉnh đặt ở sân điện Thế Miếu (cố đô Huế) khắc cảnh vật nước Nam để khẳng định vị thế, và mong được trường tồn (1). Ngoài ra, chim hạc, rùa là cặp vật linh không thể thiếu, hạc thư ngự trên lưng rùa, được xem như cặp vật linh vừa biểu tượng cho sự thông tuệ, vừa tượng trưng cho sự hanh thông, may mắn, trường tồn. Sau này, không gian thờ treo thêm cuốn thư, câu đối, đăng đối một lớp, hai lớp, thậm chí ba lớp.

Đồ thờ truyền thống của người Việt cổ có từ thời Hùng Vương, khởi đầu là các lễ vật bánh chưng, bánh dày, mâm trầu cau, hoa quả và các sản vật khác. Đồ thờ ngày nay trên bàn thờ gia tiên thường có 2 nhóm: nhóm mang tính cố định như bài vị, bát hương, mâm quả, bình hương, di ảnh, lọ hoa bằng chất liệu gỗ, gốm, xứ, đồng; nhóm đồ lễ dâng lên bàn thờ là các sản vật tự nhiên như trầu cau, quả, hoa tươi, bánh kẹo, món ăn người xưa vẫn thích thường gọi tắt là đồ chay hoặc đồ mặn.

Trong quá trình phát triển, do tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa phương Đông nên gian thờ chính giữa ở đình làng, đền thờ, dòng họ, gia đình trở nên sang trọng hơn. Đặc biệt, khi đời sống kinh tế phát triển, người Việt sử dụng đồ thờ bằng chất liệu quý (gỗ phủ sơn son thếp vàng, đồ gốm xứ, đồm gốm pháp lam, đồ đồng tam khí, ngũ sắc...). Bên cạnh đó, trên ban thờ xuất hiện những đồ thờ bằng đồng khác như hoa sen, cơi trầu cau, ngũ quả, hay một số vật linh theo theo thuyết thờ các vua Hùng như trâu, dê, heo, gà, bò thuộc ngũ sinh (2). Nhiều đồ thờ khác cũng được bổ sung trên ban thờ như hình tượng đức thánh Trần, Bác Hồ, hình ảnh các bậc tiền hiền của dòng họ, gia chủ…

Ngày nay, khi kinh tế phát triển, người ta còn đặt các đồ vật quý ở giữa sân đình, chùa, đền thờ hoặc sân nhà thờ tổ, thậm chí ngay phòng khách sang trọng như một thức chơi cảnh phong thủy… Chính vì CLĐ quý hiếm, được xử lý bề mặt, trang trí với kỹ thuật điêu luyện nên nó không chỉ mang tính thiêng mà còn được xem như báu vật của mỗi gia tộc.

2. Làng Đại Bái (Bắc Ninh), Tống Xá (Nam Định) và những thăng trầm của nghề đúc đồng

Vài nét về các làng nghề đúc đồng

Thuật ngữ nghề đúc đồng hay làng nghề đúc đồng, phường đúc đồng có từ xa xưa, theo chúng tôi đó là một định danh về ngữ nghĩa mang tính lịch sử, rằng nghề đúc đồng của người Việt cổ có từ văn minh Đông Sơn, với sản phẩm nổi tiếng như trống đồng, thạp đồng. Đây là thời kỳ tiền văn minh, người ta đề cao kỹ thuật kim khí. Tuy nhiên, sự ghép nghĩa, ghép ý của nghệ nhân vốn đa tài ngũ tinh trong một nghề: tinh thông tạo hình mẫu, tinh thông làm khuôn âm  dương, tinh thông pha chế hợp chất kim loại, tinh thông điều khiển nhiệt độ khi đúc, tinh thông chạm khắc hoàn thiện bề mặt sau đúc…

Làng Tống Xá là làng đúc đồng truyền thống của Nam Định, do tổ nghề Khổng Minh Không truyền dạy từ thời Lý, chuyên đúc những mặt hàng như: đỉnh đồng, lư hương, bát nhang, chân đèn… Làng nghề gò, dát đồng Đại Bái có từ đầu TK XI được truyền nghề từ ông tổ Nguyễn Công Truyền (989-1069), chuyên làm những sản phẩm sử dụng trong gia đình như xoong, chậu, mâm, nồi (3) …  Theo nhiều truyền thuyết dân gian, cũng như tư liệu tại chùa Cổ Lễ, Nam Định, hai làng đúc đồng này đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Chiếc chuông đồng nặng 300 kg đặt trên đỉnh nội tháp tại điện thờ Thích Ca Mâu Ni được đúc từ thời Lê Cảnh Thống (1498 - 1504) được cho sản phẩm của người làng Tống Xá. Tuy nhiên, đại hồng chung đặt trên bệ xây nổi giữa hồ nước nối tiếp tả sơn kiều và hữu sơn kiều lại được cho là thợ làng Đại Bái tạo tác năm 1936. Nhiều di vật khác như cuốn thư đồng cổ nhất Việt Nam Cầu không từ ký cũng được xem là báu vật do thợ Tống Xã làm thời vua Lê Thánh Tông (4). Bên cạnh đó, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình CLĐ ở thời Lê Trung Hưng trên đất Bắc phải kể đến tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, nặng 4 tấn bằng đồng đen  ở đền Quan Thánh, Hồ Tây và tượng Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội với chiều cao 3,96m, nặng 4 tấn, khác nhau về phong cách tạo hình.

Cuối TK XIX, đầu TK XX, những nghệ nhân ở các phường thợ đúc đồng trên đất Bắc được nhà Nguyễn đưa vào Kinh lập nên phường đúc. Môi trường mới khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ nhân, tạo nên những kỷ lục mới đó là cửu đỉnh, vị Thần Công ở Đại Nội, cố đô Huế hay đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ. Những hiện vật này có kích thước lớn, chạm khắc tinh tế, biểu cảm chân thực, mang đậm cảnh vật, con người đất Việt.

Những thăng trầm của nghề đúc

Từ năm 1975-1995, đồ thờ CLĐ (đồng Dapha) được du nhập từ Trung Quốc, Đài Loan sản xuất theo công nghệ hiện đại đã chiếm lĩnh thị trường của đồ đồng truyền thống. Các làng nghề đúc đồng rơi vào tình trạng suy vi, sản xuất cầm chừng hay chuyển đổi sang nghề đúc cơ khí công nghiệp. Giai đoạn 2000-2016, khi kinh tế xã hội phát triển, người Việt nhận thấy sự xuống cấp của các sản phẩm đồ thờ CLĐ của nước ngoài, nên thị trường lại chuyển hướng, đề cao sản phẩm mỹ nghệ truyền thống trong nước. Sự phục hồi này là do chất lượng sản phẩm đồ thờ của nghệ nhân Việt đã được khẳng định, với nghệ thuật chạm khắc thủ công đa dạng, sinh động và sự bền màu của CLĐ.

3. Sự hồi sinh của các làng nghề đúc đồng

Những loại hình, tạo hình sản phẩm và các đề tài chạm khắc, trang trí cùng kỹ thuật thể hiện trên đồ thờ CLĐ ở giai đoạn 2000-2016

Về loại hình, đồ thờ CLĐ từ thời Nguyễn trở về trước mới xuất hiện bộ tam sự, ngũ sự. Đến giai đoạn từ năm 1975-2015, xuất hiện thêm các bộ thất sự, cửu sự, đồng thời gia tăng thêm các đồ thờ, vật thờ khác như: tượng chân dung người quá cố, đôi bình hoa, đôi mâm bồng, đôi ống đựng hương, đôi đèn thái cực, bộ đài thờ, bộ ngai chén thờ, đôi đĩa trầu cau, các bông sen đồng, cành vàng lá ngọc…

Về tạo hình sản phẩm và các đề tài chạm khắc, trang trí, đây vẫn là nghề thủ công truyền thống nên nghệ nhân các làng nghề Đại Bái, Vạn Điểm vẫn sử dụng nguyên liệu đồng đỏ và đồng vàng (đồng thau) nung chảy, đổ khuôn tạo ra sản phẩm tinh xảo theo kỹ thuật thủ công. Vì vậy, kỹ thuật tạo dáng, chạm khắc trang trí luôn đạt yêu cầu cao. Sản phẩm ra đời luôn mượt mà, sáng chuốt, không gờ, không lẫn đồng sóng, đồng cháy, luôn đồng sắc đồng khí. Tạo hình đồ thờ vẫn theo các dáng dấp truyền thống về các con số kích thước lỗ ban thiêng liêng, hoa văn không lai căng, pha tạp với các họa tiết của Trung Quốc, Đài Loan mà luôn chuyển hóa để thuần Việt, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Các sản phẩm có họa tiết nhỏ, tinh tế như tứ linh, vân mây, hổ phù, hoa lá, vân hồi, chữ Hán… luôn sắc nét, bền đẹp, không phai, xỉn màu, rỗ mặt mà luôn đồng chất đồng màu tạo nên vẻ trang trọng, cổ kính cho không gian thờ.

Về kỹ thuật thể hiện, những thế hệ thợ đúc đồng này không chỉ sử dụng các kim loại đồng bình thường như đồ đồng thời Đông Sơn; dùng vàng, bạc để đúc tượng Phật quý, đúc chuông, khánh như thời Lý, Trần; mà còn sử dụng tối đa hiệu quả của các phương tiện tạo hình hiện đại như: thiết kế khuôn mẫu từ máy tính, dựng hình khối họa tiết từ công nghệ đồ họa 3D, nhân mẫu trên máy in, sử dụng các máy đúc, ép nguyên liệu, dùng máy mài, máy rũa, máy rũi… Trên cơ sở thẩm mỹ, kinh nghiệm tay nghề lâu năm cùng các bí quyết tạo hình riêng của các phường thợ, sản phẩm đến tay người dùng sẽ đạt hiệu quả tối ưu.

Ý nghĩa phong thủy của các con số lẻ trong đồ thờ CLĐ

Từ tam sự, ngũ sự đến thất sự, cửu sự… đều có nghĩa là các bộ đồ thờ mang số lẻ. Bởi, đỉnh là một món nằm ở trục giữa, còn các các món khác đăng đối hai bên như đôi chân nến, đôi hạc, đôi bình hoa, đôi mâm bồng, đôi ống đựng hương… Các chữ Hán, chữ Hán Nôm hoặc chữ thư pháp Việt hóa đều dùng ba hoặc năm chữ như các nhóm Phúc - Lộc - Thọ hay Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh… Như vậy, nghĩa của từng chữ số dựa chủ yếu trên cách đọc âm Hán Việt từ thời xa xưa. Không phải ngẫu nhiên người ta lại chọn các số tam (3), ngũ (5), thất (7), cửu (9)… để xây dựng số lượng cho các bộ đồ thờ. Theo quan điểm về mặt phong thủy, số lẻ tượng trưng cho may mắn (dương), còn số chẵn tượng trưng cho điềm xui (âm), nên các bộ đồ thờ này được ngầm hiểu như sau:

Tam sự (3 món), có nhiều ý nghĩa về thờ phụng, có thể là tam bảo (phật, pháp, tăng), tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), tam thời (quá khứ, hiện tại, tương lai), tam vô lậu học (giới, định, tuệ) hoặc ba cõi (thiên, địa, nhân) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to. Ngoài ra, tam còn có nghĩa là phát tài, nhiều tiền tài, là sự hòa thuận giữa con người với thiên nhiên, là con số vững chắc như thế kiềng ba chân.

Ngũ sự (5 món), ngũ tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành, ngũ cung hoặc 5 phương trời đất, là những điều bí ẩn, linh thiêng, tượng trưng cho danh dự, uy nghiêm, quyền lực, quyền quý, sự thăng tiến, sinh sôi, trường thọ và bất diệt. Đây là con số thể hiện mong ước về sự bình yên, thịnh vượng và hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Thất sự (7 món), thất là con số tượng trưng cho vũ trụ, là sự kết nối bầu trời với trái đất, trong đó bầu trời được tượng trưng bằng số ba, và trái đất được tượng trưng bằng số bốn. Trong đạo Phật, số 7 là con số của con đường đi lên (số phất) vì khi sinh ra đức Phật đã bước 7 bước trên 7 đóa hoa sen để đến với cuộc đời. Cũng theo Phật giáo, một người có thể được tái sinh 7 lần trước khi vào được cõi niết bàn. Số 7 còn là con số có sức mạnh kỳ diệu gắn với nguồn gốc truyền thuyết sâu sắc (thất tinh - 7 ngôi sao, thất kiếm - 7 thanh kiếm), có tác dụng đẩy lùi ma quỷ. Trong phong thủy, việc bàn thờ bài trí thất sự sẽ tạo cảm giác có được một sức mạnh kỳ bí và sự bất khả xâm phạm. Ngoài ra, thất sự còn được hiểu là biểu tượng của sự gắn bó, là dấu hiệu cho một những mối quan hệ tốt đẹp của gia chủ.

Cửu sự (9 món), được hiểu với nghĩa trường tồn, vĩnh cửu, biểu trưng cho quyền uy, sự yên ổn, thái bình đến muôn đời. Đây là con số của hạnh phúc, an lành, thuận lợi, may mắn, tiệm cận đến sự viên mãn, tròn đầy. Chính vì vậy, khi kinh tế khá giả, các gia đình thường chọn bộ cửu sự để bài trí trên ban thờ gia tiên nhằm thể hiện những ước mơ về sự trường cửu, vĩnh hằng, bền vững của gia tộc.

Như vậy, từ loại hình, tạo hình sản phẩm và các đề tài chạm khắc, trang trí cùng kỹ thuật thể hiện đến các con số lẻ đều hướng đến sự may mắn, vững chắc, sự thăng tiến, sinh sôi, trường thọ… thể hiện mong ước về sự bình yên, thịnh vượng cho mỗi gia đình.

Đứng trước các bộ đồ thờ CLĐ Việt Nam giai đoạn năm 1975-2015, chúng tôi cảm nhận được rất nhiều giá trị bên trong, đặc biệt là vẻ đẹp và ý nghĩa của chúng. Ngày nay, có hàng trăm cơ sở sản xuất kết hợp với các showroom trưng bày sản phẩm với hàng nghìn mặt hàng ở hai làng nghề Đại Bái, Vạn Điểm cho thấy sức sống của nghề đúc truyền thống này đã được phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết… Sản phẩm đồ thờ CLĐ của hai làng này không chỉ trụ vững tại thị trường trong nước mà đã xuất hiện tại thị trường nước ngoài như Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Đây là bước phát triển đầy tự hào của một làng nghề truyền thống, đại diện cho tinh thần dân tộc và đời sống tâm linh của người Việt đương thời.

______________

1. Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội,  2007.

2. Bia ký tại đền Thượng, di tích Hùng Vương.

3. Nghề cổ đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007 và Làng Đại Bái gò đồng, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hà Nội, 2010.

4. Theo tư liệu tại chùa Vân Am, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Tác giả: Lê Thị Thanh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018

 

;