Điện Biên: Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Theo thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có 33 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh); có 41 nghệ nhân ưu tú.

Năm 2023, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên năm 2023…

Để triển khai thực hiện các kế hoạch, Sở VHTTDL đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu và khai thác thông tin về dân ca của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Tổ chức lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Xinh Mun tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông và chế tác khèn của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Nhé, huyện Mường Ảng, huyện Tủa Chùa; Bảo tồn, phục dựng lễ Cúng thần rừng của dân tộc Kháng tại huyện Tuần Giáo và lễ Cúng tổ tiên của dân tộc Thái, ngành Thái trắng tại huyện Mường Nhé; Tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Thái cổ tại xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên; Tổ chức kiểm kê văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông trắng trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Xuất bản tập 3 cuốn sách Lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Múa điệu Tăng bu (Xék pang) trong ngày làm lễ Pang Phoóng của dân tộc Kháng (Điện Biên) - Ảnh tư liệu của Tuấn Minh

Bên cạnh đó, Sở VHTTDL cũng tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh trên địa bàn tỉnh Điện Biên và di sản văn hóa phi vật thể Tết nào Pê Chầu của người Mông đen, Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng, Lễ hội Đền Hoàng Công Chất đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2024 là năm tỉnh Điện Biên kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên, Sở VHTTDL tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy và các chương trình, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về các lĩnh vực của ngành đã được phê duyệt và các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện kế hoạch tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tiếp tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bảo tồn 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; phấn đấu có 35 di tích được xếp hạng; lập quy hoạch và lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng bổ sung một số điểm di tích vào di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ...

HỒNG VÂN

;