Điện ảnh Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Hiện nay, thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng số, thông qua các công nghệ như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin, của internet và những ưu việt của nó đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi muốn tập trung tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam; phân tích cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực điện ảnh; từ đó bước đầu gợi ra những xu hướng phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh trong tương lai.

1. Lịch sử ngành điện ảnh

Lịch sử ngành điện ảnh thế giới

Thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai khiến quá trình đô thị hóa tăng nhanh, mạng lưới giao thông được mở rộng, thu nhập của người lao động tăng và dân số tăng trưởng mạnh dẫn đến nhu cầu giải trí tăng cao. Hiệu quả của sự bùng nổ này là sự ra đời và phát triển của các lĩnh vực giải trí, trong đó có lĩnh vực điện ảnh.

Vào năm 1888, tại Anh, nhà phát minh người Pháp Louis Le Prince đã cho ra đời cuốn phim ghi lại hình ảnh chuyển động đầu tiên còn được biết tới ngày nay là đoạn phim Roundhay Garden Scene được quay với tốc độ 12 khung hình trên giây. Sau đó 5 năm, năm 1893, tại Hội chợ thế giới tổ chức tại Chicago, Hoa Kỳ, Thomas Edison đã giới thiệu với công chúng hai phát minh mang tính đột phá là Kinetograph, một dạng máy ghi lại hình chuyển động và Kinetoscope, một thiết bị bao gồm các cuộn phim celluloid được quay bằng một động cơ. Người xem khi ghé mắt vào một kính lúp sẽ nhìn thấy các hình ảnh chuyển động nhờ sự chiếu sáng của ngọn đèn phía sau các cuộn phim. Thời điểm này, điện ảnh dường như chỉ giống như một loại thời trang mới và không chắc chắn rằng nó sẽ tồn tại (1). Đến cuối những năm 1930, điện ảnh đã trở thành một ngành công nghiệp giải trí quan trọng. Gần như tất cả mọi người trong thế giới phương Tây đã đi đến rạp chiếu phim và nhiều người ít nhất một lần một tuần.

Điện ảnh đã tạo ra sự tăng trưởng lớn về năng suất trong ngành công nghiệp giải trí và do đó bác bỏ quan điểm của một số nhà kinh tế rằng tăng trưởng năng suất trong một số ngành dịch vụ nhất định là điều không thể. Sản lượng của ngành công nghiệp điện ảnh được đo bằng lượng khán giả. Ở Mỹ, Anh, Pháp, sản lượng của ngành công nghiệp điện ảnh thay đổi từ 3% đến 10% mỗi năm trong khoảng thời gian gần 40 năm; ở Mỹ, điện ảnh là ngành công nghiệp có lợi nhuận cao thứ 10, vào những năm 1930; ở Pháp, đây là ngành phát triển nhanh nhất; trong khi ở Anh, số lượng vé xem phim đã tăng lên gần 1 tỷ/năm (2).

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hóa vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990), ngành điện ảnh thế giới đã trở thành một trong những ngành vô cùng quan trọng. Ngày nay, chỉ riêng ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ (năm 2015) đã đạt kỷ lục doanh thu mới vượt 11 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014. Doanh thu từ thị trường điện ảnh Trung Quốc năm 2015 tăng gần 50%, đạt con số 6,8 tỷ USD. Số lượng rạp chiếu cũng tăng kỷ lục, lên đến 32.000 rạp khắp thị trường hơn 1,3 tỷ dân này (3).

Lịch sử ngành điện ảnh Việt Nam

Điện ảnh bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1890, nhưng mãi đến năm 1923, mới xuất hiện bộ phim đầu tiên Kim Vân Kiều do người Pháp và người Việt cùng thực hiện. Từ năm 1925, xuất hiện những hãng phim Việt Nam, có những bộ phim Việt Nam hợp tác với nước ngoài. Đến thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ở miền Bắc đã thực hiện những bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Em bé Hà Nội... ghi dấu ấn cho nền điện ảnh cách mạng; miền Nam cũng đã thực hiện các bộ phim Chân trời tím, Loan mắt nhung, Người tình không chân dung... đạt được doanh thu cao và giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim châu Á.

Sau năm 1975, các đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Nguyễn Hồng Sến tiếp tục thực hiện những bộ phim như Ván bài lật ngửa, Cánh đồng hoang... thu hút nhiều khán giả, giành được giải thưởng trong những liên hoan phim quốc tế. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng của thập niên 1990, điện ảnh Việt Nam lấy lại được khán giả với những bộ phim ăn khách như Gái nhảy, Những cô gái chân dài...

Đầu thập niên 2000, nhiều rạp chiếu phim được nâng cấp, trang bị hiện đại. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia được xây dựng mới ở Hà Nội. Một làn sóng phim nước ngoài tràn ngập vào Việt Nam với những bộ phim ăn khách của Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông, khiến khán giả Việt Nam bắt đầu lấy lại thói quen tới rạp chiếu phim (4).

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, năm 2017, Việt Nam có 740 phòng chiếu phim, 111.000 ghế của 107 cụm rạp, rạp chiếu phim, trong đó 90 rạp thuộc sở hữu nhà nước; doanh thu hơn 2.900 tỷ đồng (khoảng 300 triệu USD) (5). Chất lượng phim ở Việt Nam tuy chưa đồng đều nhưng cũng có một số bộ phim được đánh giá cao ở Liên hoan phim quốc gia và quốc tế như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con... và một số phim đã phá kỷ lục doanh thu phòng vé như Em chưa 18 có doanh thu 170 tỷ sau hơn một tháng công chiếu.

Dự đoán, trong những năm tới ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và thế giới sẽ còn tăng mạnh. Bởi hiện nay, doanh thu phòng vé toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ khoảng 38 tỷ USD trong năm 2016 lên gần 50 tỷ USD vào năm 2020. Mỹ là thị trường phim lớn thứ 3 thế giới về lượng vé bán mỗi năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo khảo sát gần đây, 13% người Mỹ đi rạp xem phim 1 lần/tháng, 7% vài lần/tháng và 52% người Mỹ thích xem phim ở nhà (6). Đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh phát triển.

2. Cơ hội đối với ngành điện ảnh

Những thành tựu của công nghệ sản xuất, công nghệ viễn thông, công nghệ lưu trữ và truyền phát hình ảnh có chất lượng cao cũng đã đem lại cho ngành điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 trước tiên tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện internet vạn vật sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.

Tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ số cũng làm ngành công nghiệp điện ảnh có bước tiến vượt bậc. Một trong số đó phải kể đến kỹ xảo điện ảnh. Có thể nói, ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, êkíp chuyên nghiệp thì công nghệ là yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên thành công của bộ phim. Kỹ xảo đã trở thành một phần thiết yếu không thể tách rời của các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là các tác phẩm đến từ Hollywood. Với sự trợ giúp của kỹ thuật, đồ họa, những thước phim trở nên sống động, chân thực trên màn ảnh. Hơn thế, việc xuất hiện khái niệm diễn viên kỹ thuật số bằng việc tạo ra các hình ảnh phim mới từ những dữ liệu số hóa đã có của diễn viên, kể cả khi diễn viên đã chết, vẫn có thể đóng tiếp những phim mới bằng việc sử dụng dữ liệu số của diễn viên đó còn là một bước tiến lớn nữa trong ngành điện ảnh. Điển hình như trường hợp diễn viên Hugh Jackman, nổi tiếng với vai Người Sói (7). Có thể nói, tương lai không xa, các xưởng phim kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều diễn viên kỹ thuật số và diễn viên song sinh chất lượng cao. Công nghệ chụp chuyển động cho phép tạo ra các mặt nạ số truyền đạt sắc thái của nét mặt và chuyển động của cơ thể một cách sống động. Vấn đề phục trang cho nhân vật trong phim trở lên dễ dàng, nhờ công nghệ in 3D, người ta không chỉ tạo ra phục trang kỹ thuật số tĩnh mà còn là thuật toán của quần áo hành vi trên cơ thể diễn viên kỹ thuật số.

3. Thách thức đối với ngành điện ảnh

Hiện nay, công nghệ làm thay đổi nhiều mảng trong lĩnh vực điện ảnh: từ bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực truyến, hay các hoạt động quảng bá phim, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến… đến cách đạo diễn giao tiếp, xây dựng kịch bản, đối tượng chọn làm phim và thậm chí cách quay phim - sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, chia sẻ thông qua internet trên các nền tảng công nghệ đều rất mới. Nhưng tất cả các quy trình đó, trong tương lai, có thể có sự tham gia, tương tác của chính người tiêu dùng. Họ có thể cùng góp ý, xây dựng kịch bản và tham gia nhận xét nhằm đưa đến một sản phẩm hoàn chỉnh.

Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) (8) cũng là lĩnh vực có những tác động đáng kể đến điện ảnh. Big data cung cấp cho các nhà sản xuất phim khoảng 100 triệu hồ sơ chứa đựng tất cả các phim thương mại của Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc… hàng thập kỷ trở lại đây. Dữ liệu này bao gồm ngân sách, thể loại, đạo diễn, diễn viên, đội làm phim, các giải thưởng, cũng như doanh thu của mỗi bộ phim (từ các phòng vé ở các nước, bản quyền ở nước ngoài, doanh số bản và cho thuê phim…) và nhiều nữa. Vì thế, tương lai gần, ngành điện ảnh nói chung và các nhà sản xuất phim nói riêng có thể dùng big data để phân tích và dự đoán khá chính xác về doanh thu của bộ phim khi nó sắp công chiếu.

Hơn thế, internet tác động làm biến đổi tất cả các ngành, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh, từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Với việc thay đổi phương thức sản xuất, con người có thể điều khiển quy trình ngay tại nhà mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội về internet. Người dùng internet không chỉ tìm kiếm được bộ phim mà mình muốn, xem chúng bất cứ đâu, mà họ còn có thể chia sẻ với người khác hoặc tải bộ phim đó về máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử có kết nối internet khác.

Hiện nay, theo báo cáo của NBC thì khán giả xem truyền hình trên Facebook nhiều hơn 7 lần, trên YouTube nhiều hơn 15 lần so với trên truyền hình truyền thống. Hiện nay, youtube là ứng dụng xem video online phổ biến nhất trên thế giới. Tiếp sau là Netflix (9) hiện có mặt ở 190 quốc gia, thu hút hơn 80 triệu thuê bao, đứng số 1 trên thị trường VOD của thế giới. Tháng 1 - 2016, Netflix đã chính thức có mặt tại Việt Nam, qua dịch vụ này, người dùng Việt có thể tiếp cận tới một trong những kho phim được đánh giá là kho phim điện ảnh lớn nhất thế giới.

Ở Việt Nam, khán giả có thể theo dõi các bộ phim ngay khi nó đang được phát sóng trên truyền hình mà không cần đến tivi, họ cũng có thể xem lại các bộ phim đã phát sóng bất cứ khi nào mà họ muốn qua ứng dụng của YouTube, Netflix, Danet, FPT play, My TV net, clip TV…

 Ngoài các website chính thức của các đài truyền hình, phần quan trọng nhất của hoạt động điện ảnh - truyền hình trên mạng được thể hiện qua sự hiện diện của hàng trăm website tự phát dành cho việc chia sẻ và xem phim trực tuyến. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, tính đến năm 2014, có tới hơn 400 website tiếng Việt đang chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên internet, bao gồm cả phim trong nước và quốc tế (10). Số lượng phong phú của các website xem phim trực tuyến cũng thể hiện qua kết quả tìm kiếm bằng công cụ Google. Phần lớn các kết quả đưa ra nhanh nhất và nhiều nhất là địa chỉ của các website phim trực tuyến. Nhóm người có độ tuổi từ 21-29 dành nhiều thời gian nhất để online và tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhóm tuổi tiếp theo dành nhiều thời gian để truy cập trực tuyến là từ 40 tuổi trở lên, trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần (11). Kết quả nghiên cứu từ 200 phiếu hỏi trực tuyến của chúng tôi cũng cho thấy những người độ tuổi này thường xuyên xem phim online bằng nhiều phương tiện có kết nối internet khác nhau như: điện thoại thông minh (smartphone) chiếm tới 40%, máy tính xách tay 18%, smart TV 32% và một số thiết bị khác (12). Đây chính là cơ hội và thách thức lớn đối với ngành điện ảnh.

4. Kết luận

Ngành công nghiệp điện ảnh cần nắm bắt cơ hội, đối phó với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhằm tìm ra xu hướng phát triển. Có 3 gợi ý về xu hướng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh:

Một là, xu hướng phát huy internet để phát triển, hợp tác làm phim online 4D. Đó là xu hướng tập hợp một nhóm các nhà sản xuất sáng tạo có kinh nghiệm cao với kinh nghiệm phát sóng quốc tế trong nghiên cứu, sản xuất và phát hành phim cùng hợp tác và làm việc nhờ dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Hai là, xu hướng truyền hình trực tiếp trên di động với các ứng dụng nổi bật như: youtube, live streaming, bigo live, facebook, meerkat - ứng dụng livestream trên twitter, azar, plup của Pandora TV, line live của Line… Đây là dịch vụ giúp người sử dụng có thể gửi và chia sẻ các hình ảnh động cho bạn bè bằng smartphone, là kênh truyền hình cá nhân trực tuyến giúp kết nối song song cả smartphone và SNS (mạng xã hội điện tử).

Ba là, xu hướng làm phim điện ảnh online đang được nhiều đạo diễn và các nhóm làm phim trẻ thực hiện. Bởi chi phí làm phim online thấp hơn nhiều so với phim truyền hình và phim điện ảnh, do không phải tốn nhiều nhân sự, thiết bị... Chỉ cần một cái click chuột là khán giả có thể xem được ngay, mà không cần các đầu thu kỹ thuật số hay ra rạp để xem. Có một thuận lợi là các nhà làm phim online cũng dễ dàng giới thiệu sản phẩm của mình hơn. YouTube thường chỉ kiểm soát về vấn đề bản quyền và tránh những hình ảnh khiêu dâm.

Thực sự, không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Vì thế, ngành công nghiệp điện ảnh cần nắm lấy cơ hội, sức mạnh sẵn có để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng nó tới một tương lai phản ánh những mục tiêu và giá trị chung của nhân loại.

_______________

1. Musser, Charles, The Emergence of Cinema: The American Screen to 1907. The History of American Cinema (Sự xuất hiện của điện ảnh: Màn hình Mỹ đến năm 1907. Lịch sử điện ảnh Mỹ), Vol. I.New York: Scribner, 1990.

2. Bakker, Gerben. Entertainment Industrialised: The Emergence of the International Film Industry (Giải trí công nghiệp: Sự xuất hiện của ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế), 1890-1940. Ph.D. dissertation, European University Institute, 2001b.

3, 6. statista.com.

4. vi.wikipedia.org.

5. Báo cáo công tác điện ảnh năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Cục Điện ảnh.

7. Phim Logan, Hugh Jackman thủ vai chính.

8. Các công nghệ nền tảng của làn sóng công nghiệp 4.0 như dữ liệu lớn (big data), đều có xuất phát điểm từ sự phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp 3.0. Vì thế, để không bị rơi vào nhóm các nước tụt hậu trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần bổ sung và liên tục cập nhật vào nguồn dữ liệu. Hiện nay, thế giới đang tạo ra 1 petabyte dữ liệu trong mỗi 11 giây và nó tương đương với một đoạn video HD dài 13 năm.

9. Netflix là dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình. Đến với Netflix, người dùng có thể xem lại gần như tất cả các bộ phim mới nhất, cho đến những bộ phim tưởng chừng đã bị quên lãng.

10. ictnews.vn.

11. nielsen.com, đăng ngày 22-6-2016.

12. Kết quả nghiên cứu của tác giả được thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 03-2018.

Tác giả : Nguyễn Thị Thu Trang

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

 

;