Địa lý hành chính và tập quán của người Việt - Khai mở hướng nghiên cứu mới về địa lý hành chính ở Việt Nam

Địa lý hành chính và tập quán của người Việt (vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Và công ty Nhã Nam xuất bản) cho thấy những nghiên cứu khoa học có tính chất kinh điển về học thuật của Nguyễn Văn Huyên. Trong lần xuất bản này, với sự giúp đỡ của gia đình tác giả, cuốn sách còn đem tới bạn đọc hai nghiên cứu quan trọng chưa từng được công bố của Nguyễn Văn Huyên.

Ông Nguyễn Văn Huyên

Nguyễn Văn Huyên - Người đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một trong những học giả lớn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Các công trình của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay. Sinh tại Hà Nội, nguyên quán xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 1923, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp du học. Năm 1934 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1935 ông về nước, dạy học tại Trường Bưởi. Năm 1938 ông chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ. Năm 1941 ông là ủy viên Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương. 

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ chức Tổng Giám đốc Vụ Đại học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, kiêm giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ. Tháng 11 năm 1946, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán của người Việt

Ông được giới chuyên môn ở Việt Nam đánh giá là người đã cùng học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình thể hiện qua việc thờ thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử. Thông qua các nghiên cứu với phương pháp và cách tiếp cận khoa học của Nguyễn Văn Huyên về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc, địa lý học lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội, người ta có thể nhận thấy tinh thần, tâm lý dân tộc Việt Nam. 

Tiếp nối bộ sách về các tác phẩm của Nguyễn Văn Huyên do Nhã Nam thực hiện gồm: Văn minh Việt Nam (2016), Hội hè lễ tết của người Việt (2017), Sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối (2020), cuốn Địa lý hành chính và tập quán của người Việt (2023) còn đem tới bạn đọc hai nghiên cứu quan trọng chưa từng được công bố của Nguyễn Văn Huyên với sự giúp đỡ của gia đình tác giả.

 Nghiên cứu địa lý hành chính - Cơ sở cho sự hiểu biết về phong tục, tập quán

Trong buổi ra mắt sách vào ngày ngày 5/2/2024 tại Phố sách Hà Nội, PGS, TS Bùi Xuân Đính - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Viện Dân tộc học đã nhận định, Nguyễn Văn Huyên có thể được xem là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu địa lý hành chính một cách khoa học, hiện đại và để lại dấu ấn đáng kể, với sự kế thừa truyền thống ghi chép địa chí, địa dư đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Việt Nam, kết hợp với những tri thức cùng phương pháp nghiên cứu mới từ các học giả người Pháp.

Ông Nguyễn Văn Huyên và vợ bà Vi Kim Ngọc

PGS, TS Bùi Xuân Đính cũng đánh giá, trong cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán của người Việt, bên cạnh đơn vị làng/xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này ông muốn nhìn địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng. Đây cũng chính là hai đơn vị hành chính riêng khác với nhiều nét đặc thù của Việt Nam truyền thống, ở đó thể hiện rất rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, cũng đồng thời bộc lộ một cách sinh động nhất đời sống của người dân quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Khác với các học giả người Pháp, Nguyễn Văn Huyên có vị thế và điều kiện của một trí thức bản địa, cho phép ông thấu thị tất cả sự thống nhất lẫn phức tạp, hợp tác lẫn đấu tranh, giằng co giữa các làng/xã trong một tổng xung quanh một chiếc chiếu giữa chốn đình chung hay một cái ao, một khoảnh đất bồi có thể đem lại nhiều quyền lợi. 

Một điểm nữa cần nhấn mạnh trong các nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên là bên cạnh những hiểu biết và trực giác sâu sắc của mình, ông còn sử dụng rất nhuần nhuyễn các phương pháp và kỹ thuật của địa lý nhân văn, hành chính như thực địa, vẽ bản đồ, phân tích số liệu, lập bảng biểu, sơ đồ,… qua đó cung cấp “một mỏ thông tin” như ông khẳng định. Vì thế, các kết quả nghiên cứu địa lý hành chính của ông đã vượt xa các ghi chép địa chí trước kia đồng thời đặt nền tảng cho các tri thức khoa học về Việt Nam truyền thống.

Trong khi đánh giá vai trò tiên phong trong nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên, chúng ta vẫn không thể không thừa nhận mối quan tâm xuyên suốt và thường trực của ông về vấn đề phong tục, tập quán của người Việt. Nói cách khác, đối với Nguyễn Văn Huyên, nghiên cứu địa lý hành chính là cơ sở cho phép ông đi sâu hơn, hiểu một cách cặn kẽ cũng như rộng rãi hơn những phong tục, tập quán trong đời sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thông qua điều tra các vụ việc tranh chấp, thương thỏa về đất đai của các đơn vị hành chính làng, xã, Nguyễn Văn Huyên đã chỉ ra những nét “tâm lý người An Nam” (theo cách nói của Paul Giran): “Tuy nhiên, vụ kiện này không phải là cuối cùng trong tinh thần ưa kiện tụng của những người nông dân rất dũng cảm của chúng ta”.

Nghiên cứu địa lý hành chính từ góc nhìn là sự phân cấp và quản trị các đơn vị địa lý của nhà nước, Nguyễn Văn Huyên cũng rút ra nhiều phát hiện thú vị. Trong các điều tra dân số nhằm mục đích quản trị hành chính của chính quyền thực dân, thực hiện trong các năm từ 1936 đến 1942, Nguyễn Văn Huyên phát hiện ra ở đó không ít những số liệu sai lệch về số lượng khai sinh/ khai tử cho các bé gái, sai lệch về số lượng nữ giới trong một làng hoặc trong một tổng… 

Những nghiên cứu mới lần đầu được xuất bản

Trong lần xuất bản này, cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán của người Việt của Nguyễn Văn Huyên có hai công trình lần đầu được công bố gồm: Nghiên cứu tập quán người ViệtNghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu. Do tình thế phức tạp những năm 1944-1945, các công trình này chưa có cơ hội được in thành sách, mà mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo của tác giả.

Buổi ra mắt tác phẩm Địa lý hành chính và tập quán của người Việt của Nguyễn Văn Huyên diễn ra vào sáng ngày 5/2/2024

Công trình Nghiên cứu tập quán của người Việt xuất phát từ bài diễn thuyết của Nguyễn Văn Huyên ngày 18/7/1943. Còn công trình Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu là bản thảo viết tay được thực hiện năm 1944, hiện do gia đình tác giả lưu giữ.

Cả hai công trình trên đều là những nghiên cứu sắc sảo, có giá trị quan trọng của Nguyễn Văn Huyên về địa lý hành chính và về phong tục, tập quán của người Việt. Điểm nhấn của cả hai công trình này là Nguyễn Văn Huyên đều điều tra, khảo sát một đơn vị hành chính mà theo ông là mang nhiều nét điển hình của làng quê Việt Nam: tổng Dương Liễu. Nếu như công trình thứ nhất cho ta một bức tranh khái quát về tập quán của người Việt dựa trên một trường hợp cụ thể, thì ở công trình thứ hai lại đưa ra những phân tích hết sức chi tiết, tỉ mỉ về tổng Dương Liễu ở các khía cạnh: cư trú (vấn đề sử dụng đất đai, các điểm tụ cư, giao thông,…) và dân số (vấn đề về tỷ lệ sinh/tử, gia tăng dân số, kết hôn,…).

Cũng trong hai công trình này, ta có thể nhận thấy phương pháp làm việc đặc biệt nghiêm cẩn và khoa học của Nguyễn Văn Huyên qua việc đi thực địa và vẽ lại sơ đồ các tổng/làng/xã, việc lập bảng số liệu để đối chiếu, so sánh. Riêng về sơ đồ tổng Dương Liễu, Nguyễn Văn Huyên, dù mới chỉ dừng ở bản vẽ tay chưa hoàn thiện, đã lập trên 20 sơ đồ khác nhau, ở cả cấp độ bao quát lẫn chi tiết, ở nhiều phạm vi, khu vực khác nhau. Hoặc khi khảo sát về vấn đề dân số ở tổng Dương Liễu, Nguyễn Văn Huyên cũng lập hàng chục bảng số liệu ở các thời điểm, giai đoạn hoặc nội dung khác nhau.

Có thể nói, Địa lý hành chính và tập quán của người Việt đã cho thấy những nghiên cứu khoa học có tính chất kinh điển về học thuật của Nguyễn Văn Huyên. Bên cạnh những công trình đã được giới học thuật thừa nhận từ lâu, sự trở lại và xuất bản của các nghiên cứu chưa được công bố của ông cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gợi mở những tham khảo cho hậu thế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách hành chính và thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa.

 TRỊNH NGỌC ÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;