"Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay"

Chiều ngày 12-12-2024, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì phối hợp với Thành Ủy Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi" cho hôm nay. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024).

Hội thảo góp phần tôn vinh là lan tỏa giá trị di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo. “Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng. Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Mong sao, mỗi văn nghệ sĩ chúng ta đều nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc và tổng kết Hội thảo

Hội thảo không chỉ là một sự kiện tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; khẳng định tầm vóc và sức sống của di sản ấy trong dòng chảy văn hóa dân tộc; đây còn là cơ hội để nhìn nhận, phân tích, đánh giá, đề ra các giải pháp nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi trong bối cảnh đất nước đang trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, đang đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 78 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn hóa nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và các văn nghệ sĩ; 14 tham luận đã được các đại biểu trình bày trực tiếp tại Hội thảo.

Dù di sản của Nguyễn Đình Thi có giá trị to lớn nhưng thách thức đặt ra là sự thay đổi mạnh mẽ trong năng lực thẩm mĩ, thị hiếu nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, có thể khiến các tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử của ông có thể trở nên khó tiếp cận. Ngoài ra, việc quảng bá và dịch thuật các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi ở trong nước và ra nước ngoài vẫn còn hạn chế, khiến giá trị của di sản Nguyễn Đình Thi để lại chưa được lan tỏa một cách xứng đáng.

GS Hà Minh Đức khẳng định những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Các ý kiến tham luận đều cho rằng trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu để giới thiệu di sản Nguyễn Đình Thi đến với công chúng toàn cầu. Các tác phẩm của ông có thể được số hóa, xuất bản dưới dạng sản phẩm, ấn phẩm điện tử hoặc được giới thiệu qua các kênh truyền thông trên mạng xã hội, từ đó tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Hiện nay, một số tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đã được đưa vào giảng dạy trong các trường học, trở thành nguồn tư liệu quý giá để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân tộc.

Các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ đều nhấn mạnh: để di sản của Nguyễn Đình Thi trở thành một phần của văn hóa, văn nghệ Việt Nam, cần có sự đầu tư đồng bộ và lâu dài, từ công tác in ấn, dịch thuật, quảng bá, đến việc tận dụng các nền tảng công nghệ số, tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo công chúng.

Các nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm độc đáo của Nguyễn Đình Thi như: "Nhớ", "Đất nước", "Người Hà Nội"

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học, tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng những chủ trương, chính sách và có những biện pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh con người và những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung. Giữ gìn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;